GIỚI THIỆU ĐIỂM MỚI THÔNG TƯ 45/2018/TT-BTC VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, TÍNH HAO MÒN, TRÍCH KHẤU HAO TSCĐ TRONG CÁC ĐƠN VỊ, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Đăng lúc: Thứ năm - 07/06/2018 12:03
        >> Bảng so sánh giữa thông tư 45/2018/TT-BTC và thông tư 162/2014/TT-BTC
        
        Ngày 07/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 45/2018/TT-BTC về quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là cơ quan nhà nước), có hiệu lực thi hành từ ngày 02/07/2018 để thay thế cho thông tư 162/2014/TT-BTC.
        Việc ban hành thông tư mới về quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại các cơ quan nhà nước là quan trọng nhằm đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các luật có liên quan mới ban hành, đặc biệt là luật NSNN năm 2015 và luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.
        Thông tư 45/2018/TT-BTC về quản lý, tính hao mòn và khấu hao TSCĐ tại các cơ quan nhà nước có những điểm mới chủ yếu như sau:
        Thứ nhất,
mở rộng phạm vi điều chỉnh của thông tư: Thông tư 162/2014/TT-BTC chỉ quy định chế độ quản lý, tính hao mòn TSCĐ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, chưa bao quát hết các loại TSCĐ cần phải quản lý, tính hao mòn, khấu hao trong các đơn vị, cơ quan nhà nước. Theo đó, thông tư 45/2018/TT-BTC đã điều chỉnh tới tất cả các đơn vị nhà nước và mở rộng đối tượng áp dụng tới tất cả các TSCĐ tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, bao gồm: Các đơn vị hành chính sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng cộng sản, các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và TSCĐ nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước.
        Riêng các TSCĐ là tài sản đặc biệt và tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thì việc thực hiện quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
       Thứ hai, tại thông tư 45/2018/TT-BTC thì tiêu chuẩn nhận biết TSCĐ được mềm hóa đối với những tài sản có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên. Cụ thể, thay vì coi các TSCĐ trên là các tài sản cố định đặc thù như tại thông tư 162/2014/TT-BTC để đưa vào tính hao mòn và khấu hao thì những tài sản trên sẽ được căn cứ vào đặc điểm tài sản, tình hình sử dụng thực tế và yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực, địa phương mà có thể đưa vào danh mục TSCĐ để tính hao mòn và trích khấu hao hay không.
       Bên cạnh đó, bổ sung yếu tố thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục TSCĐ đặc thù (những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực). Đồng thời, thông tư cũng đưa ra quy ước giá trị của các TSCĐ đặc thù là 10 triệu đồng.
         Thứ ba, trong việc phân loại TSCĐ, tại thông tư mới được phân làm 7 loại thay vì 10 loại như trước đây. Trong đó, các phương tiện vận tải là xe ô tô được xếp thành 1 loại riêng để đảm bảo quản lý, tính hao mòn và khấu hao. Việc tách riêng ô tô ra thành 1 loại riêng trong TSCĐ hữu hình là cần thiết vì trong thời gian qua việc quản lý, sử dụng xe công tại nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước còn chưa hiệu quả và nhiều bất cập.
         Một điểm mới trong thông tư mới là có đưa giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập vào phân loại TSCĐ vô hình. Theo đó, thương hiệu được coi là 1 TSCĐ đặc thù, được định giá 10 triệu đồng. Mặc dù giá trị của thương hiệu được đánh giá có thể là nhỏ, chưa tương xứng với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nhưng đây là bước đột phá của nhà nước trong việc coi thương hiệu của các đơn vị sự nghiệp công lập là 1 TSCĐ vô hình.
        Thứ tư, đưa ra các hướng dẫn chi tiết về xác định nguyên giá các TSCĐ hữu hình và các căn cứ liên quan để xác định nguyên giá TSCĐ vô hình, tạo sự rõ ràng trong việc tính toán nguyên giá TSCĐ, giúp cho các đơn vị có thể thống nhất được cách tính cũng như dễ xác định được giá trị của các TSCĐ hơn.
        Thứ năm, bổ sung những quy định chi tiết về xác định giá trị TSCĐ trong trường hợp thay đổi nguyên giá. Trong đó, thông tư đưa ra những quy định chi tiết hơn và một số trường hợp trong xác định nguyên giá là TSCĐ (ngoại trừ quyền sử dụng đất) và TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất trong việc thay đổi nguyên giá.
        Thứ sáu, bổ sung quy định về phạm vi TSCĐ tính hao mòn, khấu hao. Trước đây, những tài sản tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải trích khấu hao, còn những tài sản không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì tính hao mòn. Tuy nhiên, tại thông tư mới, ngoài những TSCĐ tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì những TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao TSCĐ vào giá dịch vụ và những tại sản sử dụng cho hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới đều phải trích khấu hao.
        Thứ bảy, mở rộng đối tượng xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn TSCĐ được sử dụng tại các địa bàn có điều kiện thời tiết, điều kiện môi trường ảnh hưởng đến mức hao mòn của TSCĐ. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định việc điều chỉnh tỷ lệ tính hao mòn cho các TSCĐ trên không được vượt quá 20% tỷ lệ hao mòn TSCĐ quy định tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo thông tư.
         Bên cạnh đó, thông tư cũng bổ sung thêm quy định về xác định lại thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn đối với TSCĐ được giao, điều chuyển đến và các TSCĐ kiểm kê phát hiện thừa làm cơ sở để kế toán TSCĐ.
         Thứ tám, bổ sung quy định về xác định giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập trong góp vốn, liên doanh, liên kết và việc phân bổ giá trị thương hiệu vào chi phí cung ứng dịch vụ của thời hạn liên doanh, liên kết. Cùng với việc ban hành quy chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được xác định giá trị thương hiệu của mình trong góp vốn, liên doanh, liên kết sẽ tạo động lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín cũng như là khai thác tối đa lợi ích đem lại từ thương hiệu trong suốt quá trình hoạt động của mình.
         Thứ chín, thay đổi tên gọi, thứ tự phân loại và thời gian tính khấu hao của một số TSCĐ, cụ thể xem tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo thông tư.
         Trên đây là một số điểm mới của thông tư 45/2018/TT-BTC về chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại các cơ quan nhà nước. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02/07/2018. Hy vọng rằng, với những quy định mới trên, thông tư sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, tính hao mòn và phân bổ khấu hao đối với TSCĐ tại các đơn vị, cơ quan nhà nước.
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/

Giới thiệu về website HTNC.VN

Website free tài liệu, đề thi và hỗ trợ giải đáp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thành lập ra nhằm tạo ra sân chơi cho các trí thức, các bạn sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng, kiến thức cơ bản về kinh tế học nhằm nâng cao hiểu...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết