Giáo dục có nên coi người học là khách hàng?

Đăng lúc: Chủ nhật - 11/12/2016 06:42
        Những năm gần đây, cùng với việc các trường đại học liên tục được thành lập và nâng cấp, trong khi nhận thức của người học đã có sự thay đổi, dẫn tới các trường ngày càng phải nỗ lực hơn trong cạnh tranh hơn để thu hút sinh viên. Trong các trường đại học, các trường top dưới là những trường có những chiến dịch tuyển sinh hết sức rầm rộ. Suốt năm học, mọi chủ đề của nhà trường đều hướng đến hoạt động tuyển sinh, trong đó câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm.
        Đầu tiên, đó là việc thông tin về chỉ tiêu và hình ảnh của nhà trường tới các học sinh phổ thông. Ban đầu, các trường với tư duy coi người học là sản phẩm của nhà trường. Sau đó, để đảm bảo cho việc tuyển sinh khả thi hơn, và để thỏa mãn tối đa nhu cầu khách hàng, tư duy của các trường đã thay đổi thành người học là khách hàng, là thượng đế của mỗi nhà trường.
       Thông thường, đối với một sản phẩm, người mua hàng là khách hàng, được thỏa mãn tối đa hóa nhu cầu như là một thượng đế. Phương châm này đã được nhìn nhận từ lâu ở Việt Nam nhưng trước đây các doanh nghiệp đa phần là chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng, nhất là phong cách phục vụ.
      Nhưng mấy năm gần đây, do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp, nhận thức của khách hàng và do nhận thức mới về kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đúng phương châm trên. Điển hình của phương châm này đó là các ngân hàng, các chuỗi cửa hàng của thế giới di động, FPT shop, … và những sản phẩm tốt cùng với phong cách phục vụ tốt đó đã giúp cho những doanh nghiệp trên gặt hái rất nhiều thành công.
       Đối với sản phẩm giáo dục, đây là một sản phẩm đặc biệt, người học trong hoạt động kinh doanh giáo dục vừa là khách hàng nhưng vừa lại là sản phẩm của thị trường lao động. Nếu như một sản phẩm thông thường, khách hàng sẽ muốn sản phẩm của mình thực sự chất lượng và thỏa mãn tối đa nhu cầu của mình, và đó là điều không thể bàn cãi.
      Trong lĩnh vực giáo dục, đôi khi không phải người học nào cũng muốn sản phẩm của mình cũng đều thực sự chất lượng, vì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện về năng lực, điều kiện về nhu cầu. Bên cạnh đó, chất lượng học tập còn do chính trường học mang lại, cho dù chi phí đối với sản phẩm giáo dục đó có thể là không có sự khác nhau nhưng do nhận thức của người học chưa đúng đã dẫn tới sự đòi hỏi chưa thỏa đáng hoặc chưa đúng đắn của người học từ phía nhà trường.
       Tại nhiều quốc gia, qua các cuộc khảo sát cho thấy khi các nhà trường có sự dễ dãi trong giảng dạy và quá trình đánh giá, sinh viên của nhà trường sẽ có chất lượng thấp hơn, dù chất lượng đầu vào của sinh viên thực sự rất tốt. Ngay như ở Mỹ, là nơi có chất lượng đào tạo số một trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia, nhà giáo dục cũng có sự cảnh báo là giáo dục đang ngày càng dễ dãi và có sự đi xuống. Điều này được thể hiện rất rõ ở trong tác phẩm “chân dung nước Mỹ” của một số tác giả, hay là trong tác phẩm “nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Donald Trump.
       Đặc biệt, tại những quốc gia đang phát triển, các trường đại học ngày càng có sự dễ dãi trong giảng dạy, đánh giá năng lực người học, vì vậy, những năm gần đây, chất lượng đào tạo trong các trường ngày càng thấp. Cụ thể như ở Việt Nam, có hiện tượng học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết, sinh viên đại học ra trường nhưng không có kiến thức về chuyên môn, kỹ năng cũng như kinh nghiệm thực tế rất thấp. Cá biệt, có nhiều trường hợp là thủ khoa đầu ra của những ngành hot, được vinh danh tại văn miếu Quốc Tử Giám nhưng lại lận đận trong tìm việc vì thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực tế.
       Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều trường đại học vì muốn thu hút sinh viên vào học và để cho sinh viên dễ xin việc nên đã có suy nghĩ tạo điều kiện cho các sinh viên của mình lấy được tấm bằng một cách dễ dãi. Đây là một hiện tượng giảm chất lượng đào tạo. Điều này được phổ biến hơn trong những trường đại học top dưới, nơi mà nhà trường có suy nghĩ theo kiểu là các em đó dốt thì các em đó mới vào đây, dạy những cái cao siêu thì các em đó không thể tiếp thu được và không thể tốt nghiệp ra trường được. Vì vậy, nhiều trường đã tạo điều kiện cho sinh viên có thể học và thi một cách dễ dàng, sinh viên dễ kiếm điểm cao nhằm có thể tốt nghiệp đúng hạn hoặc cao hơn là có được tấm bằng khá, giỏi. Lãnh đạo một số nhà trường còn yêu cầu tỷ lệ sinh viên khá, giỏi, tỷ lệ sinh viên thi đạt lần một là bao nhiêu phần trăm và coi đó là thước đo đánh giá chất lượng giảng dạy của thầy cô nhưng lại không quan tâm tới năng lực và thái độ của sinh viên trong quá trình học tập.
       Đặc biệt, nếu thầy cô nào có tư duy chấm đúng, coi chặt là có thể bị khoa và nhà trường nhắc nhở vì gây khó dễ cho sinh viên. Điều này đã dẫn đến một số trường hợp sinh viên đề nghị thay giảng viên vì học giảng viên đó áp lực về bài vở hay trả lời câu hỏi trên lớp, và đặc biệt hơn là nhà trường lại đồng ý với quan điểm của sinh viên.
       Cuối cùng, những học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp hầu hết đều thất nghiệp hoặc thất bại tuy cầm những tấm bằng khá, giỏi. Tuy nhiên, để đất nước phát triển, chúng ta cần nhiều người tài giỏi thực sự, cần nhiều người thành công trong khởi nghiệp hơn là cần nhiều người cầm tấm bằng giỏi, bằng khá trong tay nhưng thất nghiệp hoặc thất bại.
      Tư duy người học là khách hàng, và khách hàng là thượng đế như vậy trong giáo dục không thực sự đúng đắn vì điều này có thể đưa người dạy đến tâm lý nuông chiều người học và người học thiếu phấn đấu nhưng lại được thỏa mãn những cái trước mắt như là điểm số, bằng cấp như đã nêu. Phải chăng, sinh viên chỉ nên được coi là khách hàng đặc biệt? Tư duy sinh viên là khách hàng chỉ thực sự đúng khi người học có thể nhận thức thực sự đúng đắn về tầm quan trọng của học tập và nỗ lực để học tập tốt, thầy cô nhận thức đúng trách nhiệm của mình để trau dồi kiến thức và có phương pháp giảng dạy hiệu quả.
     Nhà trường khi đó, sẽ luôn phải cố gắng làm sao để nâng cao chất lượng thông qua những đòi hỏi của người học thông qua đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình học linh hoạt, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, cho phép sinh viên chọn thầy, chọn môn học, chọn giờ học…, cùng với cách thức đánh giá khoa học, sự hỗ trợ tích cực từ các hội, đoàn của nhà trường trong quá trình học tập, nghiên cứu sẽ là tiền đề để sinh viên tiếp thu tri thức một cách tốt nhất.
        Như ở nước Mỹ, chúng ta có thể thấy cách nghĩ về mối quan hệ thầy trò của họ khác biệt ngay trong việc bố trí lớp học. Bạn có thể thấy lớp học của Mỹ hầu hết đều được thiết kế theo hình quả đồi, trong đó thầy giáo là người đứng ở dưới chân đồi, là tầng thấp nhất, còn học sinh luôn ở phía cao hơn thầy. Đây là một suy nghĩ rất tiến bộ, thầy cô giáo là nền tảng cho học sinh, dìu dắt học sinh.
       Tại Việt Nam chúng ta, mặc dù là luôn đưa ra khẩu hiệu, đưa ra các chiến dịch cải cách nhưng cuối cùng chỉ gây tốn kém nguồn lực ngân sách nhà nước, trong khi chất lượng đào tạo cũng như nhận thức của học sinh, sinh viên ngày càng có sự đi xuống. Tuy nhiên, không có nguyên nhân nào được đưa ra để giải thích một cách thuyết phục, thay vào đó là việc đổ lỗi cho cả hệ thống. Quả bóng trách nhiệm này cứ được ban bật qua lại giữa các cầu thủ bất đắc dĩ từ hệ thống giáo dục, nhà trường, học viên, gia đình và xã hội. Mọi giải pháp đưa ra cũng đều chỉ là làm cho nền giáo dục ngày càng rối ren hơn?
      Một đất nước có thể phát triển tốt đẹp hay không, điều đó phụ thuộc vào đất nước đó có nền giáo dục tốt hay không. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa nền giáo dục đã nứt, vỡ này để có thể xây dựng lại một nền giáo dục tốt đẹp nhằm tạo ra những con người tốt. Sự nghiệp trồng người là sự nghiệp cao cả, là công cuộc gian nan, và điều này đã được Bác Hồ ví với sự nghiệp trăm năm. Chúng ta cần tư duy lại về giáo dục, cần có cách làm đúng và ý chí mạnh mẽ để thực hiện thay vì chỉ đưa ra khẩu hiệu.
       Một sản phẩm tốt không phải chỉ là cần công ty tốt, mà nó còn phải có một người công nhân tốt, quy trình, máy móc tốt và đặc biệt là có nguyên liệu tốt. Cũng như vậy, để tạo ra một nhân tài, không chỉ có tư duy tốt, mà còn cần có nhà trường tốt, người dạy tốt, chương trình, phương pháp giảng dạy tốt và đặc biệt cần đến người học tốt.
       Như vậy, phải chăng chúng ta nên thay đổi lại tư duy về giáo dục ngay từ chính trong gia đình của mỗi học sinh và chính từ cấp thấp nhất là mầm non trở lên? Vì giáo dục không phải là việc xây nhà từ nóc được mà trước tiên cần phải có một nền tảng thực sự vững chắc và đúng đắn ngay từ lúc đầu tiên. 
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/

Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết