Hòa bình, tình yêu và tự do

Đăng lúc: Thứ tư - 19/04/2017 14:52

Chiến tranh giữa các quốc gia đã xuất hiện và kéo dài từ 3000 năm trước công nguyên tới thế kỷ thứ 16. Bạo lực được lựa chọn là công cụ để bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, tranh dành thuộc địa, chiếm tài nguyên thiên nhiên, nô dịch lao động và đồng hóa người dân thuộc địa. Cho tới thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, những cuộc chiến tranh như vậy gần như không còn nữa. Sau hàng ngàn năm chiến tranh, con người đã lựa chọn hòa bình.

Lựa chọn hòa bình hay chiến tranh hình thành từ những lý lẽ và kỳ vọng của con người. Nếu con người vẫn tin rằng bạo lực là phương thức hiệu quả để đạt được mục tiêu, chiến tranh sẽ được lựa chọn thay vì hòa bình.

Để đấu tranh cho hòa bình, chỉ tình yêu thôi là chưa đủ, mà song hành cùng nó cần phải là nỗ lực trí tuệ để đưa ra lập luận, chứng cứ giúp con người nhận ra những giá trị của hòa bình - đây là thông điệp được Tom. G. Palmer truyền tải mạnh mẽ và xuyên suốt trong cuốn sách “Hòa bình, tình yêu và tự do”.

Chúng ta có thể tìm thấy trong cuốn sách những lời lý giải cho hòa bình dựa trên những kiến thức chuẩn mực từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: tâm lý học, kinh tế học, khoa học chính trị, lịch sử, luật pháp, xã hội học, triết học đạo đức, thơ ca, văn học và mỹ học.

Xét trên góc độ kinh tế, trao đổi tự nguyện (nền tảng của thị trường tự do) và đặt nhà nước dưới sự điều hành của nhân dân (nền tảng của chế độ dân chủ) là hai thiết chế đóng vai trò quan trọng để duy trì nền hòa bình thế giới từ Thế chiến thứ 2 tới nay.

Trong xã hội, các nhu cầu cá nhân là vô cùng đa dạng, không tương thích và thường xuyên mâu thuẫn lẫn nhau, mỗi cá nhân luôn muốn những nhu cầu của mình được đáp ứng một cách tối đa. Các nhu cầu trên có thể được đáp ứng một cách hòa bình thông qua trao đổi tự nguyện.

Mỗi người, bằng tài năng và kỹ nghệ của mình, sản xuất ra những hàng hóa mà người khác cần để trao đổi lấy thứ mình muốn. Quá trình trao đổi giúp mỗi người khám phá năng lực cá nhân, chuyên môn hóa sản xuất và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của kinh tế. Hòa bình là điều kiện để trao đổi ra thuận lợi và trao đổi cũng thúc đẩy con người ứng xử với nhau một cách hòa bình.

Người ta chỉ cần nói “có” hoặc “không” với các mức giá thay vì “có” hoặc “không” với một cuộc chiến để có được hàng hóa. Do đó, trao đổi tự nguyện- nền tảng của thị trường tự do- là một trong những thiết chế quan trọng giúp làm giảm các xung đột lợi ích trong xã hội.

Bên cạnh đó, cũng có những tư tưởng khác thúc đẩy khuynh hướng bạo lực để đạt được mục tiêu kinh tế như chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa trọng thương… Các học thuyết trên đều bắt nguồn từ việc ngộ nhận những lợi ích ngắn hạn của chiến tranh mà không xem xét đầy đủ những chi phí dài hạn mà chiến tranh gây ra cho cả người dân ở nước đi xâm chiếm cũng như nước bị xâm chiếm. Trong đó, lợi ích chỉ tập trung vào một số nhóm đặc quyền đặc lợi như công nghiệp sản xuất vũ khí, người cầm đầu quân đội và bộ máy nhà nước còn chi phí trải đều cho tất cả người dân.

Việc ủng hộ chiến tranh cũng đến từ những lý thuyết tâm lý học cho rằng bản chất con người luôn hướng tới sự cân bằng giữa tính cách bạo lực và tính cách hòa bình. Khi ở trong thời bình quá lâu, xu hướng bạo lực tích tụ dần và cần được giải tỏa. Nếu lý thuyết này đúng, hòa bình sẽ chỉ là một hiện tượng nhất thời.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhận thức về chiến tranh của con người đã thay đổi, đi cùng với sự tiến bộ của các điều kiện kinh tế- xã hội. Bản chất nhân tính của con người được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau cấu thành nên phân khu bạo lực và phân khu ôn hòa. Các yếu tố này có khả năng thay đổi để thích ứng với những điều kiện bên ngoài. Khi sống trong một môi trường khuyến khích các hành vi hòa bình, hạn chế các hoàn cảnh kích thích tính bạo lực, thì phần tính cách bạo lực sẽ không có cơ hội để bộc lộ.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chỉ ra nguồn gốc tư tưởng, tâm lý và các điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị dẫn tới chiến tranh cũng như hòa bình ở những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau trong lịch sử. Giúp người đọc không chỉ có cái nhìn tổng quan về quá khứ mà còn thấu hiểu bản chất của chiến tranh ở thời hiện đại để hình thành thái độ đúng đắn với chiến tranh.

Đối với những người đang đấu tranh cho hòa bình, cuốn sách chứa đựng những chỉ dẫn quý báu để giải quyết chiến tranh từ vấn đề gốc rễ của nó. Hòa bình vĩnh cửu là một mục tiêu khả thi nếu chúng ta xây dựng được những thiết chế kìm hãm xung đột xảy ra và giải quyết các mâu thuẫn thông qua cơ chế tự nguyện. 

Tác giả bài viết: Hoàng Kim Thực
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về website HTNC.VN

Website free tài liệu, đề thi và hỗ trợ giải đáp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thành lập ra nhằm tạo ra sân chơi cho các trí thức, các bạn sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng, kiến thức cơ bản về kinh tế học nhằm nâng cao hiểu...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết