Có những doanh nghiệp các năm trước đều lãi, nhưng có thể năm sau phá sản. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lỗ ròng nhiều năm nhưng vẫn sống khỏe. Đó là vì dòng tiền như dòng máu đi nuôi cơ thể, vẫn chảy là không chết. Vậy làm thế nào để đánh giá, cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp. Để hiểu và làm được điều này thì chúng ta phải hiểu được dòng lưu chuyển tiền tệ trong kỳ của doanh nghiệp hay đó chính là báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
1. Tổng quát chung
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp là báo cáo dựa trên cơ sở tiền, hay còn gọi là thực thu, thực chi. Chỉ những khoản doanh thu, chi phí nào thực sự thu, chi trong kỳ mới được phản ánh vào báo cáo. Khoản thu sẽ được phản ánh vào dòng thu (dòng tiền vào), khoản chi sẽ được phán ảnh là dòng chi (dòng tiền ra). Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp cho biết dòng tiền ra, vào thực sự của doanh nghiệp trong kỳ.
2. Các bước thực hiện:
2.1. Theo cách tiếp cận dòng thu, chi tài chính
- Dòng tiền vào theo phương pháp trực tiếp là toàn bộ các khoản thu mà doanh nghiệp thực sự nhận được trong kỳ khi tiến hành các hoạt động
- Dòng tiền ra theo phương pháp trực tiếp là toàn bộ các khoản chi mà doanh nghiệp đã thực sự chi ra trong kỳ khi tiến hành các hoạt động
Dòng tiền thuần từ mỗi hoạt động (SXKD, đầu tư, tài chính) là hiệu của 2 dòng tiền vào và dòng tiền ra đã được chúng ta thống kê, tổng hợp ở trên. Dòng tiền thuần của doanh nghiệp trong kỳ là tổng cộng của tất cả các dòng tiền từ các hoạt động.
2.2. Theo cách tiếp cận từ chứng từ, sổ sách kế toán
Theo cách tiếp cận này, chúng ta cần dựa vào chứng từ, sổ sách kế toán để lập báo cáo LCTT. Theo chế độ và nguyên tắc kế toán, mỗi khi doanh nghiệp thu tiền, kế toán phản ánh vào bên nợ các TK 111, 112 và bên có đối với các TK đối ứng liên quan. Khi doanh nghiệp chi tiền, kế toán phản ánh vào bên có TK 111, 112 và bên nợ các TK đối ứng có liên quan. Vì vậy, để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp từ cách tiếp cận chứng từ, sổ sách kế toán thì chúng ta cần phải quan tâm đến bên nợ và bên có của các TK 111, 112 để xem có những khoản thu, khoản chi nào của doanh nghiệp đã diễn ra trong kỳ. Đồng thời, chúng ta phải quan tâm đến tài khoản đối ứng có liên quan của TK 111, 112 để xem các khoản thu chi của doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động nào để chúng ta thống kê đảm bảo chính xác về giá trị, đúng khoản mục, đúng nội dung (do dòng lưu chuyển tiền gồm các dòng tiền từ hoạt động SXKD, hoạt động đầu tư, tài chính; và trong mỗi dòng lưu chuyển tiền lại có các khoản mục lưu chuyển tiền như dòng thu từ bán hàng cung cấp hàng hóa, chi trả lương cho người lao động, chi trả lãi vay, mua sắm TSCĐ,...). Có như vậy, chúng ta mới có thể đánh giá, phân tích một cách chính xác tình hình luân chuyển của các dòng lưu chuyển tiền, tình hình tài chính nhằm đưa ra giải pháp cải thiện phù hợp nhất cho hoạt động lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. Dưới đây là mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp: Chỉ tiêu | Mã số LCTT | Thuyết minh | Năm nay | Năm trước |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
I. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh | | | | |
1. Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác | 01 | | | |
2. Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ | 02 | | | |
3. Tiền chi trả cho người lao động | 03 | | | |
4. Tiền lãi vay đã trả | 04 | | | |
5. Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp | 05 | | | |
6. Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh | 06 | | | |
7. Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh | 07 | | | |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh | 20 | | | |
| | | | |
II. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư | | | | |
1.Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác | 21 | | | |
2.Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác | 22 | | | |
3.Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác | 23 | | | |
4.Tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác | 24 | | | |
5.Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | 25 | | | |
6.Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | 26 | | | |
7.Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia | 27 | | | |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư | 30 | | | |
| | | | |
III. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính | | | | |
1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu | 31 | | | |
2. Tiền trả lại vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành | 32 | | | |
3. Tiền thu từ đi vay | 33 | | | |
4. Tiền trả nợ gốc vay | 34 | | | |
5. Tiền trả nợ gốc thuê tài chính | 35 | | | |
6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu | 36 | | | |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính | 40 | | | |
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (50 = 20+30+40) | 50 | | | |
Tiền và tương đương tiền đầu kỳ | 60 | | | |
Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ | 61 | | | |
Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (70 = 50+60+61) | 70 | | | |
Từ đây, phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thực hiện theo các bước như sau: Bước 1: Lấy dữ liệu từ Nhật ký chung theo mẫu hiện hành. Để cho dễ quan sát hơn, chúng ta có thể sắp xếp trình bày lại sao cho chỉ còn những cột: Số hiệu chứng từ, ngày chứng từ, diễn giải, số phát sinh (tài khoản nợ, tài khoản có), số tiền.
Bước 2: Thêm một tiêu đề sau cột số phát sinh là mã lưu chuyển tiền tệ (Mã LCTT).
Bước 3: Chọn dòng tiêu đề vừa làm xong => Vào Data chọn Filter (lọc dữ liệu).
Bước 4: Lọc tuần tự từng cột TK Nợ và TK Có của TK 111 và 112 từ đó xem tài khoản đối ứng bên Có hoặc bên Nợ của các tài khoản trên rồi gán mã LCTT vào cột mã LCTT.
Cụ thể:
* Lọc TK 111:
1 - Lọc bên Nợ TK 111 => Bạn xem bên có đối ứng là TK nào?
2 - Lọc bên có TK 111 => Bạn xem bên nợ đối ứng là TK nào?
* Lọc TK 112:
1 - Lọc bên nợ TK 112 => Bạn xem bên có đối ứng là TK nào?
2 - Lọc bên có TK 112 => Bạn xem bên nợ đối ứng là TK nào?
* Một số ví dụ:
+ Đối ứng với bên có TK 111 là TK 211 : Chúng ta sẽ ghi số 21 vào cột mã LCTT (tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và tài sản dài hạn khác)
+ Đối ứng với bên nợ TK 111 là TK 211: Chúng ta sẽ ghi số 22 vào cột mã LCTT (tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ).
+ Đối ứng với bên nợ TK 111 là TK là 411: Chúng ta sẽ ghi số 31 vào cột mã LCTT (Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu), bên nợ sẽ ghi số 32 vào cột mã LCTT (tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu).
+ Đối ứng với bên có TK 112 là TK 334: Chúng ta sẽ ghi số 03 vào cột mã LCTT (tiền chi trả cho người lao động)
+ Đối ứng với bên có TK 111 là TK 141, 133, 811: Chúng ta sẽ ghi số 07 vào cột mã LCTT (tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh)
+ Đối ứng với bên có TK 111 là TK 3334: Chúng ta sẽ ghi số 05 vào cột mã LCTT (thuế TNDN phải nộp)
+ Đối ứng với bên nợ TK 112 là TK 131: Chúng ta sẽ ghi số 01 vào cột mã LCTT (tiền thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ)
+ Đối ứng với bên nợ TK 112 là TK 3331: Chúng ta sẽ ghi số 06 vào cột mã LCTT (thuế GTGT phải nộp)
.....
Bước 5: Sau khi gán xong mã LCTT vào chung cột mã LCTT cho cả 2 bước THU và CHI => Bạn bỏ chọn lọc ở 2 cột Nợ Có tài khoản
Bước 6: Bạn lọc Cột Mã LCTT => Lấy giá trị (số tiền) theo mã từ cột mã LCTT đem lên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp tại dòng có mã số tương ứng trên mẫu báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Nhớ lưu ý nguyên tắc dấu: Thu (dấu cộng [+]); Chi (dấu trừ [-])
Ý kiến bạn đọc