Chúng ta là ai trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/05/2017 10:01

         Chúng ta sẽ kiếm sống như thế nào nếu tự động hóa và robot sẽ làm tất cả các công việc trong tương lai?

         Cuộc sống hiện tại thật đơn giản, dù bạn là ai, bạn có thế nào, bạn giỏi hay kém thì bạn vẫn có thể nắm chắc trong tay cơ hội việc làm. Nếu học tốt, bạn có thể làm trong ngân hàng, trong công ty kiểm toán hay công việc của một kỹ sư xây dựng… Ngược lại, nếu học không tốt, bạn vẫn có việc làm, đó có thể là công nhân, lái uber, grab hay công việc gì đó khác thiên về lao động chân tay. 
 
        Bạn nghĩ rằng không có điều gì có thể gây khó khăn cho bạn trong khi tìm việc cho bản thân để tạo ra thu nhập. Nhưng một ngày kia, một vấn đề thực sự làm bạn lo lắng, nó dần trở thành mối đe dọa tới khả năng kiếm việc của bạn và nó đang dần xâm nhập vào cuộc sống của mỗi chúng ta. 
 
        Đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó có thể là một cơn bão cuốn phăng đi các công việc chúng ta đang có. Và bạn chợt nhận ra tương lai của mình thật khó khăn. Tại sao vậy?
 
      Bạn hãy tưởng tượng mọi công việc trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển, thay vì những con người trong các nhà máy, công xưởng hay văn phòng đang tất bật với công việc thì đó chính là hệ thống máy móc tự động hóa và các robot. 
 
        Những công việc trước đây chỉ có con người mới làm được thì sắp tới đều có thể được robot hóa hay tự động hóa. Đầu tiên, đó là những công việc có tính chất lặp đi lặp lại hoặc những ngành không cần nhiều bằng cấp sẽ bị tác động. Người công nhân trực tiếp làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp được thay thế bằng các dây truyền tự động hóa và các robot. 
 
      Các cấu kiện bê tông đúc sẵn và máy lắp ráp sẽ thay thế công nhân xây dựng... Kể cả những vị trí văn phòng như là thống kê, báo cáo, kế toán, tài chính hay phân tích dữ liệu đều có thể được thực hiện bằng các thuật toán máy tính và trí tuệ nhân tạo. Số lượng người lao động trong các lĩnh vực trên dần được giảm xuống, ngay cả các giáo viên tại các trường học… 
 
       Đặc biệt, có nhiều ngành còn có khả năng bị xóa sổ như ngành giấy in, điện thoại, tivi, lái xe… vì khi đó chẳng ai cần dùng đến nó nữa. Thay vì dùng giấy in, người ta sẽ lưu trữ các tập tin, chứng từ trên các máy tính, trên mây; thay vì dùng ti vi, điện thoại thì người ta sử dụng các ứng dụng khác, các xe hơi sẽ có hệ thống lái tự động,… 
 
        Khi đó một bộ phận lớn con người trên thế giới sẽ không còn phải làm việc. Như vậy phải chăng là chúng ta sẽ thất nghiệp? Những ai không tìm được việc sẽ được trợ cấp thất nghiệp? Có người cho rằng đây là thời kỳ kinh tế đã quá phát triển, con người chúng ta đã đến lúc được hưởng thụ, làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu theo triết lý của Marx? Hay là con người chúng ta lại phản ứng bằng cách đập phá các máy móc như thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 2 trước đây để chống lại tiến trình phát triển này?
 
       Tất cả những câu trả lời trên đều chưa phải là đáp án của vấn đề này. Đi ngược lại tiến trình phát triển này thì lại càng không thể. Tuy nhiên, nếu không qua lao động, lâu dài con người chúng ta sẽ trở nên trì trệ, lạc hậu hoặc làm giảm đi tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp này. Đặc biệt, tại những nước kém phát triển như Việt Nam, nơi mà đại bộ phận con người làm những công việc đơn giản, ít sáng tạo.

      Khi trình độ nhận thức của con người chưa cao thì việc thất nghiệp còn tạo ra những bất ổn xã hội, nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng khi nhận thức, tư duy của đất nước chưa theo kịp cuộc cách mạng. Nhiều vụ án cướp của, giết người đều xuất phát từ vấn đề tiền bạc. Khi thu nhập không đảm bảo cuộc sống, họ có thể bất chấp pháp luật để làm những điều đi ngược lại các giá trị tốt đẹp xã hội. Những vấn đề này có thể là tiền đề của việc hình thành những băng nhóm tội phạm trong tương lai. 

 
       Vì vậy, thay vì chấp nhận thất nghiệp thì con người chúng ta phải làm chủ được công nghệ. Chúng ta phải chớp lấy những tiến bộ, sáng tạo trong công nghệ để có thể nâng cao thu nhập và tạo ra thêm các giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội. 
 
        Để làm được điều này thì mỗi con người cần phải nâng cao vốn con người của mình. Mỗi quốc gia, cần đầu tư mạnh hơn vào giáo dục và thay đổi nền giáo dục cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, làm thế nào để chúng ta không bị thay thế bởi robot và tự động hóa?
 
        Có người cho rằng giáo dục đại học sẽ trở nên lỗi thời do không thể dự đoán được kỹ năng mà thị trường đang cần? Hay những lao động giản đơn (thợ cắt tóc) sẽ dễ tìm việc hơn lao động qua đào tạo (công nhân)? Hoặc nữ giới sẽ gặp bất lợi hơn trong cuộc cách mạng mới về công nghệ?
 
        Để có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi trên thì chúng ta phải đi xem xét bản chất của cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng sẽ hình thành hàng loạt công cụ mới như công cụ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,… giúp tạo ra hệ thống máy móc tự động hóa và sản xuất robot hàng loạt tham gia vào các công việc trong sản xuất và đời sống nhằm xử lý những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, những công việc dựa vào quy trình chuẩn, liên quan đến bộ dữ liệu hoặc những công việc không cần nhiều bằng cấp. 
 
         Khi đó, những tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ xác lập một hệ giá trị mới, một cách làm mới từ đó thay đổi vai trò và xác lập một vai trò mới của con người trong công việc và cuộc sống. Con người khi đó sẽ tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và điều khiển các robot và hệ thống máy móc tự động hóa trên và dựa vào tiến bộ của công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị hơn trong tất cả các lĩnh vực.

        Con người không phải làm các hoạt động thiên về lao động chân tay nên giữa nam và nữ sẽ có cơ hội ngang nhau trong cuộc cách mạng mới về công nghệ. Người nào có tính sáng tạo, có khả năng nghiên cứu cao hơn thì người đó có lợi thế hơn. Giáo dục đại học khi đó có thể trở nên lỗi thời khi đào tạo không dự đoán được những kỹ năng mà thị trường đang cần và tốc độ của tiến bộ của các công nghệ.

 
        Trong kỷ nguyên mới này, nhiều ngành nghề khi đó sẽ có thể biến mất, nhiều ngành nghề có thể bị thu hẹp lại do ranh giới giữa các ngành ngày càng bị xóa nhòa. Các trường đại học tại Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong cuộc cách mạng này. Đơn giản, khi đó cùng với sự toàn cầu hóa thì một bộ phận lớn sinh viên không đủ khả năng theo kịp với sự thay đổi theo cấp số nhân của cuộc cách mạng. Các trường đại học top dưới có nguy cơ bị đóng cửa và xóa sổ do chất lượng đào tạo không đáp ứng thực tế. Ngành giáo dục cần một sự thay đổi.
 
        Trước kia, giáo dục với vai trò người thầy là trung tâm, thầy đọc, trò chép, mọi kiến thức của thầy cô được thần thánh hóa. Thời đại toàn cầu hóa, việc giáo dục được chuyển từ thầy sang trò làm trung tâm, đào tạo phải gắn với thực tiễn, đảm bảo cho sinh viên ra trường có thể thực hành được các công việc trong thực tế. Tuy nhiên, thực tế tại các trường đại học ở Việt Nam, hầu hết hiện tại vẫn đang giảng dạy lý thuyết suông mà vẫn chưa có nhiều sự gắn kết với thực tiễn. Đặc biệt là tại các trường đại học ít danh tiếng và các trường công lập có bộ máy quản lý cồng kềnh, tính trì trệ, ngại đổi mới hoặc thiếu tiềm lực tài chính. 
 
         Dự kiến, nếu cứ tiếp tục như hiện tại, tầm 15 năm nữa các trường đại học yếu kém sẽ bị xóa sổ do không có người học. Các trường đại học top trên muốn tồn tại thì cần phải thay đổi mô hình cũng như cách thức đào tạo theo hướng không chỉ gắn với thực tế, thực hành mà phải giúp cho người học có khả năng tự nghiên cứu và sự sáng tạo cao cùng với khả năng làm chủ công nghệ hiện đại nhằm thích ứng với vai trò mới của con người trong thời cuộc mới. 
 
         Sự sáng tạo cần phải đặt lên hàng đầu, trong đó chấp nhận những ý kiến khác người, đôi khi tưởng chừng là điên rồ để giải quyết những vấn đề mới. Đó chính là sự phá hủy sáng tạo, luôn phủ định cái hiện tại để tìm ra những giá trị mới.
 
        Vì vậy, khi đó con người chúng ta cần phải nâng cao khả năng sáng tạo của mình lên và nắm bắt được công nghệ. Chỉ có sáng tạo mới có thể luôn giúp chúng ta tồn tại trong kỷ nguyên này. Đặc biệt, đó là những ngành mà cái mới dễ bị lạc hậu thì việc sáng tạo ra cái mới lại càng có tính chất quan trọng.
 
       Chỉ có sáng tạo là không bị lạc hậu trong sự phát triển không ngừng của vạn vật. Khi đó, giáo dục có thể luôn theo kịp những gì thị trường cần mà không bị lỗi thời, và con người khi đó mới xác lập được vai trò mới của mình trong cuộc cách mạng mới về công nghệ này.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết