Tin Tức GÓC NHÌN HTNC

ĐỌC HIỂU BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

Thứ tư - 31/01/2024 10:58

ĐỌC HIỂU BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN

ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH
PHẦN I. BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
 
Báo cáo tài chính gồm 3 phần chính: Bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Dựa vào các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, chúng ta có thể biết được tiềm năng, hiệu quả kinh doanh, cũng như là rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi vào mô tả chi tiết về bảng cân đối kế toán và đưa ra những điểm trọng yếu cần phải lưu ý và phân tích chuyên sâu hơn.
 
Bảng cân đối kế toán thể hiện quy mô và cấu trúc tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm. Thông thường, bảng cân đối kế toán được lập vào cuối quý và cuối năm nên nó thể hiện quy mô và cấu trúc tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp vào thời điểm đó. Bảng cân đối kế toán có 2 phần: đó là TÀI SẢN và NGUỒN VỐN. Tài sản thể hiện Doanh nghiệp hiện đang có gì trong tay còn Nguồn vốn thể hiện nguồn gốc của tài sản có bao nhiêu phần đến từ việc đi vay mượn và từ vốn tự có.

Theo nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán, chúng ta có phương trình: 

 
TỔNG TÀI SẢN = TỔNG NGUỒN VỐN

Các khoản mục trên bảng CĐKT chủ yếu gồm:

Tiền và
tương đương tiền
TS NGẮN HẠN TỔNG TÀI SẢN = TỔNG NGUỒN VỐN NỢ PHẢI TRẢ Phải trả
người bán
Đầu tư tài chính ngắn hạn Người mua trả tiền trước
Khoản phải thu ngắn hạn Chi phí
phải trả
Hàng tồn kho Thuế và các khoản phải nộp
Tài sản
ngắn hạn khác
Vay và nợ thuê tài chính
Tài sản cố định TS
DÀI HẠN
VỐN CHỦ SỞ HỮU Vốn góp của CSH
Đầu tư tài chính dài hạn Thặng dư
vốn cổ phần
Khoản phải thu dài hạn Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Bất động sản
đầu tư
Các quỹ

 
Tài sản được chia thành hai loại là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

Tài sản ngắn hạn là tài sản có thời gian luân chuyển dưới một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh gồm tiền và các khoản tương đương tiền, khoản phải thu, hàng tồn kho…

Tài sản dài hạn là tài sản có thời gian sử dụng trên một năm, gồm tài sản cố định như máy móc nhà xưởng, đầu tư tài chính dài hạn, bất động sản đầu tư,…

Nguồn vốn được cấu thành từ nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả là khoản mục thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với chủ nợ, bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn: Khoản phải trả người bán, người mua trả tiền trước, vay và nợ thuê tài chính, thuế và các khoản phải nộp cho cơ quan nhà nước, phải trả người lao động, …

Vốn chủ sở hữu gồm vốn góp ban đầu, vốn góp từ phát hành cổ phiếu, lợi nhuận giữ lại sau khi trừ thuế, quỹ đầu tư phát triển,…

Khi phân tích Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, chúng ta cần xem xét tình hình số liệu qua từng giai đoạn. Để phân tích và đưa ra nhận định chuẩn xác, chúng ta cần xem doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực gì? Đặc điểm ngành nghề của doanh nghiệp là gì? Số liệu cần phân tích trong giai đoạn từ 3-5 năm để tìm ra:
 
Sự thay đổi của các loại tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang tăng trưởng hay suy giảm.

Các điểm trọng yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản, nguồn vốn. Từ đó phân tích sâu hơn để trả lời được các câu hỏi:

1 – Tiền và tương đương tiền: Lượng tiền và tương đương tiền hiện tại nhiều hay ít? Cơ cấu tiền và tương đương tiền thế nào?
- Nếu tỷ lệ tiền mặt quá ít, và tiền ở trạng thái tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà không có tương đương tiền nhiều có thể sẽ thể hiện dòng tiền của doanh nghiệp đang có vấn đề.
- Nếu tỷ lệ tiền mặt lớn, và tiền ở trạng thái tương đương tiền nhiều thì có thể là dấu hiệu cho biết dòng tiền của doanh nghiệp dồi dào, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả.
2 – Đầu tư tài chính: Quy mô đầu tư tài chính là bao nhiêu? Cơ cấu đầu tư tài chính thế nào? Doanh nghiệp có chuyên môn/hoạt động trong mảng tài chính hay không?
- Nếu doanh nghiệp không có chuyên môn hoặc không chuyên hoạt động trong mảng tài chính (xem báo cáo thuyết minh về lĩnh vực kinh doanh và một số báo cáo khác liên quan) thì tỷ trọng đầu tư tài chính thường không có hoặc rất thấp, cơ cấu đầu tư tài chính chủ yếu chỉ là khoản tiền gửi có kỳ hạn và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
- Doanh nghiệp nào có dòng tiền dồi dào, hoạt động kinh doanh hiệu quả thường sẽ có một lượng giá trị lớn là đầu tư tài chính ngắn hạn. Và nếu khoản đầu tư tài chính này chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, cho thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, dòng tiền cũng như khả năng thanh toán rất tốt.
- Đầu tư tài chính có xuất hiện khoản mục dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hoặc dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cho biết hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp đang có vấn đề.
3 – Khoản phải thu: Doanh nghiệp có bị khách hàng chiếm dụng vốn lớn không? Cơ cấu khoản phải thu thế nào? Chất lượng khoản phải thu ra sao?
- Tỷ trọng khoản phải thu cao thường là không tốt, và cần liên hệ với đặc điểm ngành nghề và đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Cơ cấu khoản phải thu sẽ cho thấy chiến lược kinh doanh cũng như là rủi ro, mức độ hợp lý trong chính sách, chiến lược của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và chỉ tập trung vào mảng kinh doanh chính thì khoản phải thu chủ yếu là phải thu từ khách hàng mà không xuất hiện khoản phải thu khác: phải thu cho vay, phải thu khác,…
- Khoản phải thu có xuất hiện dự phòng nợ phải thu khó đòi là khoản phải thu có chất lượng kém.
4 - Hàng tồn kho: Trạng thái hàng tồn kho thế nào? Đang tập trung chính ở thành phẩm hay nguyên vật liệu hay hàng hóa? Chất lượng hàng tồn kho ra sao?
- Cần liên hệ với đặc điểm ngành nghề, tính thời vụ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra đánh giá hợp lý.
- Hàng tồn kho có xuất hiện dự phòng giảm giá là hàng tồn kho có vấn đề về chất lượng hoặc giá trị thuần có thể thu hồi được bị suy giảm, thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách.
5 - Tài sản cố định: Có tăng trưởng/được đầu tư hợp lý với quy mô và đặc điểm của doanh nghiệp không?
- TSCĐ thường có tỷ trọng cao đối với doanh nghiệp sản xuất và tỷ trọng thấp đối với doanh nghiệp thương mại và dịch vụ.
6 - Các khoản phải trả: Đây là khoản doanh nghiệp phải trả nhà cung cấp, nếu lớn cho thấy doanh nghiệp có vị thế cao hơn so với nhà cung cấp và có thể chiếm dụng được vốn nhiều và ngược lại.
- Chú ý một số khoản mục phải trả có giá trị hoặc biến động bất thường. Đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang có vấn đề.
7 - Vay nợ: Doanh nghiệp có đang vay nợ nhiều không? Chủ yếu vay nợ ngắn hạn hay dài hạn? Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản thay đổi như thế nào qua các năm?
- Doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ quá cao sẽ dẫn đến hiệu quả thấp hoặc rủi ro cao khi lãi suất tăng lên?
- Cần xem xét hệ số nợ của doanh nghiệp và tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh để đưa ra nhận định phù hợp.
8 - Vốn chủ sở hữu: Đang theo xu hướng nào, tăng, giảm hay đi ngang? doanh nghiệp có tăng vốn trong các năm gần đây không?
- Nếu doanh nghiệp có tỷ trọng nợ cao nhưng lại không tăng được vốn góp từ các chủ sở hữu, cho thấy doanh nghiệp chưa tạo được niềm tin từ các nhà đầu tư.
9 - Doanh nghiệp có mất cân đối tài chính không? Tài sản ngắn hạn so với nợ ngắn hạn thế nào? Tài sản dài hạn sẽ được tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn hay vốn ngắn hạn?
- Nếu tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn hoặc tài sản dài hạn mà tài trợ bởi vốn ngắn hạn thì có thể coi đó là bất hợp lý và doanh nghiệp đối diện với rủi ro mất khả năng thanh toán.
 
Ngoài ra, nhà đầu tư cần so sánh với các Doanh nghiệp tương đồng, cùng ngành để biết được vị thế doanh nghiệp trong ngành:
1 - Quy mô doanh nghiệp đang lớn hay nhỏ trong ngành?
2 - Tỷ lệ vay nợ cao hay thấp?
3 - Cấu trúc tài sản của doanh nghiệp như thế nào so với các doanh nghiệp trong ngành?
 
Sau khi trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta đã nắm được cơ cấu tài sản, nguồn vốn, các khoản mục trọng yếu của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại và định vị được vị thế doanh nghiệp trong ngành. Đây chính là cánh cửa đầu tiên hé mở cho chúng ta biết được tình hình tài chính, bức tranh thực trạng về sức khỏe của doanh nghiệp.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:đọc hiểu, bảng cân đối kế toán, free tài liệu đề thi tài chính ngân hàng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn