Đánh giá khái quát cơ cấu tài sản của công ty cổ phần Thế giới di động - MWG
Bảng dưới đây thể hiện cơ cấu tài sản của công ty cổ phần thế giới di động MWG giai đoạn 2021 – 2022 KHOẢN MỤC | 2021 | 2022 | 2022/2021 |
Giá trị | % | Giá trị | % | Giá trị | % | |
A. TÀI SẢN | | | | | | | |
I. TÀI SẢN NGẮN HẠN | 51,955 | 82.5% | 44,578 | 79.8% | -7,377 | -14.2% | |
1. Tiền và các khoản tương đương tiền | 4,142 | 6.6% | 5,061 | 9.1% | 919 | 22.2% | |
2. Đầu tư tài chính ngắn hạn | 14,237 | 22.6% | 10,069 | 18.0% | -4,168 | -29.3% | |
3. Các khoản phải thu ngắn hạn | 3,162 | 5.0% | 3,001 | 5.4% | -161 | -5.1% | |
4. Hàng tồn kho | 29,167 | 46.3% | 25,696 | 46.0% | -3,471 | -11.9% | |
5. Tài sản ngắn hạn khác | 1,247 | 2.0% | 750 | 1.3% | -497 | -39.9% | |
II. TÀI SẢN DÀI HẠN | 11,016 | 17.5% | 11,256 | 20.2% | 240 | 2.2% | |
1. Các khoản phải thu dài hạn | 482 | 0.8% | 503 | 0.9% | 21 | 4.4% | |
2. Tài sản cố định | 9,647 | 15.3% | 9,728 | 17.4% | 81 | 0.8% | |
3. Bất động sản đầu tư | | 0.0% | | 0.0% | 0 | 0.0% | |
4. Tài sản dở dang dài hạn | 80 | 0.1% | 124 | 0.2% | 44 | 55.0% | |
5. Đầu tư tài chính dài hạn | | 0.0% | 231 | 0.4% | 231 | 0.0% | |
6. Tài sản dài hạn khác | 439 | 0.7% | 364 | 0.7% | -75 | -17.1% | |
7. Lợi thế thương mại | 368 | 0.6% | 307 | 0.5% | -61 | -16.6% | |
TỔNG CỘNG TÀI SẢN | 62,971 | 100.0% | 55,834 | 100.0% | -7,137 | -11.3% | |
NGUỒN VỐN | | | | | | | |
I. NỢ PHẢI TRẢ | 42,593 | 67.6% | 31,902 | 57.1% | -10,691 | -25.1% | |
1. Nợ ngắn hạn | 42,593 | 67.6% | 26,000 | 46.6% | -16,593 | -39.0% | |
2. Nợ dài hạn | | 0.0% | 5,901 | 10.6% | 5,901 | 0.0% | |
II. VỐN CHỦ SỞ HỮU | 20,378 | 32.4% | 23,933 | 42.9% | 3,555 | 17.4% | |
1. Vốn góp của chủ sở hữu | 7,131 | 11.3% | 14,639 | 26.2% | 7,508 | 105.3% | |
2. Thặng dư vốn cổ phần | 558 | 0.9% | 558 | 1.0% | 0 | 0.0% | |
3. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối | 12,689 | 20.2% | 8,736 | 15.6% | -3,953 | -31.2% | |
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN | 62,971 | 100% | 55,834 | 100% | -7,137 | -11.3% | |
Tổng tài sản của doanh nghiệp cuối năm 2022 giảm đi khá nhiều so với năm 2021 là 7.137 tỷ đồng, tương ứng với 11,3% cho thấy quy mô kinh doanh của doanh nghiệp đã giảm đi đáng kể. Nguyên nhân là do sự biến động giảm mạnh của vào đầu tư tài sản ngắn hạn trong khi tài sản dài hạn tăng lên không đáng kể, cụ thể:
1. Tài sản ngắn hạn/ Tổng tài sản: Chỉ tiêu này năm 2022 của MWG có sự giảm mạnh cả về tỷ trọng và giá trị so với năm 2021. Cụ thể, xét về giá trị, năm 2022 giảm so với năm 2021 là 7.377 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ % là 14,2% và tỷ trọng thì giảm từ 82,5% xuống còn 79,8%. Ảnh hưởng này bởi các nhân tố:
- Khoản mục tiền và tương đương tiền: Năm 2022 tăng 919 tỷ đồng, tương ứng là 22,2%, tỷ trọng tăng từ 6,6% lên 9,1%. Sự tăng lên này là do việc tăng mạnh của khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Khoản tiền này tăng giúp cho MWG chủ động hơn trong việc thanh toán các khoản chi phí đột xuất, nhưng đây là các khoản tiền không tạo ra lãi hoặc có mức lãi suất rất thấp. Trong khi đó, khoản gửi có kỳ hạn là khoản có mức sinh lời khá cao lại giảm xuống, tác động làm giảm khả năng sinh lời của đồng vốn.
- Đầu tư tài chính ngắn hạn: Năm 2022 có sự sụt giảm mạnh so với năm 2021 với số tiền là 4.168 tỷ đồng, tương ứng là 29,3%, xét về tỷ trọng giảm từ 22,6% xuống 18%. Sự sụt giảm này là do các khoản đầu tư khác có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm đến thời điểm đáo hạn và MWG không tiến hành tái đầu tư. Cùng với đó là sự giảm nhẹ của khoản tiền gửi có kỳ hạn. Khi mà dòng tiền từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ dồi dào, việc đầu tư nhiều vào đầu tư tài chính ngắn hạn để hưởng lợi là một điều hợp lý nhằm gia tăng mức sinh lời hơn so với tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, trong diễn biến khó lường của nền kinh tế năm 2022, dự báo khó khăn vẫn còn tiếp diễn thì việc dừng đầu tư vào một số khoản đầu tư khác là sự hợp lý do một số khoản đầu tư vào kỳ phiếu, trái phiếu,... của doanh nghiệp trong thời điểm này có sự an toàn không cao.
- Các khoản phải thu ngắn hạn: Chiếm tỷ trọng thấp trong tổng tài sản và năm 2022 có sự giảm nhẹ so với năm 2021. Trong tổng số các khoản phải thu, chủ yếu là các khoản phải thu từ nhà cung cấp (trong đó phần lớn là các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán và bảo vệ giá) và trả trước cho người bán. Vì vậy, có thể thấy là MWG không bị chiếm dụng vốn nhiều, và các khoản phải thu là các khoản có chất lượng tốt, khả năng thu hồi là chắc chắn. Đây cũng là đặc thù trong hoạt động kinh doanh của MWG khi kinh doanh theo mô hình bán lẻ từ các cửa hàng điện thoại di động và siêu thị điện máy … nên khoản mục phải thu ngắn hạn từ khách hàng chiếm tỷ trọng không đáng kể, đến từ công ty tài chính Home Credit và VPBank.
- Hàng tồn kho: Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản ngắn hạn, khoảng 46% ổn định trong 2 năm từ 2021 đến 2022. Tuy nhiên, xét về giá trị thì năm 2022, khoản mục hàng tồn kho giảm xuống 3.471 tỷ, tương ứng với 11,9%. Việc hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao đối với MWG là do mô hình kinh doanh của MWG là mô hình kinh doanh bán lẻ gồm 1.189 cửa hàng điện thoại di động và 2.287 siêu thị điện máy xanh và các cửa hàng bách hóa xanh, và cửa hàng khác vì vậy cần số lượng hàng tồn kho lớn và đa dạng về chủng loại.
Sự giảm đi về giá trị hàng tồn kho trong năm 2022 có thể là do kinh tế đất nước vẫn còn đang khó khăn từ sau giai đoạn covid, thu nhập và việc làm bị sụt giảm dẫn tới nhu cầu về mua sắm các sản phẩm điện thoại, điện máy gia dụng giảm đi nên MWG giảm nhập thêm hàng tồn kho so với cuối năm 2021. Trong khoản mục hàng tồn kho có sự xuất hiện của khoản mục dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Điều này chứng tỏ rằng: Giá của các sản phẩm điện máy, điện thoại của MWG có sự biến động tăng giảm trong cả 2 năm. Khoản mục này tuy có sự giảm xuống trong năm 2022 nhưng MWG cần cập nhật tình hình nhu cầu khách hàng, tình hình kinh tế, thị trường và cạnh tranh cũng như chất lượng hàng tồn kho để đảm bảo hàng tồn kho luôn phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.
- Tài sản ngắn hạn khác có sự giảm nhẹ tại khoản mục chi phí trả trước có thể là do chi phí thuê mặt bằng tại các cửa hàng, siêu thị và khoản mục này chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 1,3% ở mức 750 tỷ đồng, nhưng giúp MWG có các cửa hàng, siêu thị tại các vị trí đắc địa để triển khai các hoạt động bán hàng, kinh doanh.
2. Tài sản dài hạn/ Tổng tài sản: Chỉ tiêu này năm 2022 của MWG có sự tăng nhẹ 240 tỷ đồng, tương ứng là 2,2% so với năm 2021. Tuy nhiên do tổng tài sản giảm khá lớn so với năm 2021 nên tỷ trọng tài sản dài hạn trong tổng tài sản tăng lên khá cao. Biến động về tài sản dài hạn trong năm 2022 bởi một số nhân tố có sự thay đổi nhẹ và phát sinh khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang do xây dựng cửa hàng và đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh.
Tuy nhiên, trong tổng tài sản dài hạn, tài sản cố định chiếm tỷ trọng tới 87,6% gồm các khoản mục như nhà cửa vật kiến trúc, phương tiện vận tải, thiết bị văn phòng và quyền sử dụng đất.
Điều này chứng tỏ rằng: Cho thấy, MWG tập trung gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình vào mảng kinh doanh chính là kinh doanh điện thoại di động và thiết bị điện máy, đồ gia dụng và một số mặt hàng khác…
Kết luận chung về cơ cấu tài sản
Khi phân tích cơ cấu tài sản của MWG, thì chúng ta có thể thấy vấn đề đó là:
- MWG có khoản mục tiền tương đương tiền là ở mức độ dao động từ 6% đến 9% là hợp lý với mô hình kinh doanh bán lẻ, bán thu tiền mặt, khoản phải thu thấp để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản đột xuất. Tuy nhiên, tiền còn ở dạng tiền mặt và tiền gửi thanh toán khá cao nên sẽ dẫn tới không tạo được ra mức lãi suất nhất định, nâng cao hiệu quả của vốn.
- Đầu tư tài chính là vùng đệm thứ 2 để đảm bảo khả năng thanh khoản khi mô hình kinh doanh của MWG không có khoản phải thu nhiều. Tuy nhiên, khoản mục này có sự giảm sút ở khoản đầu tư khác do kinh tế năm 2022 có những khó khăn và diễn biến khá phức tạp nên chiến lược của MWG có thể là không tiếp tục đầu tư tiếp nữa nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn tiền.
- Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao và tạo ra doanh thu, uy tín của MWG nhưng cần chú ý để đảm bảo hàng hóa luôn theo xu hướng, thị hiếu để thu hút khách hàng, cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường, tăng khách hàng mua sắm nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
- MWG chú trọng tập trung vào hoạt động kinh doanh chính nên TS dài hạn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản và chủ yếu là tài sản cố định liên quan đến hoạt động kinh doanh chính.
Về tình hình bảo đảm vốn theo quan điểm luân chuyển vốn:
Vốn đầu tư = Vốn chủ sở hữu + Vốn vay – Tài sản hoạt động = Tài sản trong thanh toán – nguồn vốn trong thanh toán = Các khoản phải thu – Các khoản phải trả
KHOẢN MỤC | 2021 | 2022 |
I. Tài sản trong thanh toán | 3,644 | 3,504 |
1. Các khoản phải thu ngắn hạn | 3,162 | 3,001 |
2. Các khoản phải thu dài hạn | 482 | 503 |
II. Nguồn vốn trong thanh toán | 17,868 | 15,235 |
Phải trả người bán ngắn hạn | 12,180 | 8,746 |
Người mua trả tiền trước ngắn hạn | 98 | 98 |
Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước | 697 | 764 |
Phải trả người lao động | 532 | 475 |
Chi phí phải trả ngắn hạn | 3,885 | 2,180 |
Phải trả ngắn hạn khác | 476 | 2,972 |
Vốn thừa thiếu | -14,224 | -11,731 |
Như vậy vốn thừa thiếu trong 2 năm đều mang giá trị âm khá lớn, có thể kết luận được rằng doanh nghiệp thiếu vốn trong quá trình kinh doanh, bởi vậy, họ đã tận dụng hay chiếm dụng vốn được từ các đối tượng, đối tác trong quá trình kinh doanh của mình, cụ thể như là nhà cung cấp, nhà nước, người lao động … khoảng 22% trong tổng nguồn vốn mỗi năm.
Điều này cũng phù hợp với mô hình kinh doanh của MWG là bán thu tiền mặt và nhập số lượng hàng tồn kho lớn từ các đối tác nên được các đối tác cho trả chậm. Đây chính là nguồn tín dụng thương mại cho MWG để gia tăng quy mô kinh doanh của mình. Nguồn vốn này không những không mất chi phí lãi mà MWG còn nhận được những khoản chiết khấu thương mại đến từ các đối tác của mình để từ đó tiếp tục giảm được giá vốn của mình.
Về tình hình bảo đảm vốn theo quan điểm ổn định các nguồn tài trợ:
Năm 2021 | Năm 2022 |
TSNH: 51.955 | NVNH: 42.593 | TSNH: 44.578 | NVNH: 26.000 |
TSDH: 11.016 | NVDH: 20.378 | TSDH: 11.256 | NVDH: 29.834 |
Vốn hoạt động thuần | 9.362 | Vốn hoạt động thuần | 18.578 |
Trong đó: Nguồn vốn ngắn hạn = nợ ngắn hạn, Nguồn vốn dài hạn = Nợ dài hạn + Vốn chủ sở hữu
Vốn hoạt động thuần (Vốn lưu chuyển) = Tài sản ngắn hạn – Nợ ngắn hạn = Nguồn vốn dài hạn – Tài sản dài hạn
Như vậy, vốn hoạt động thuần của MWG trong năm 2021 và năm 2022 đều > 0. Bên cạnh đó, giá trị này tương đối cao và tăng mạnh qua 2 năm.
Điều đó cho thấy rằng: Doanh nghiệp có thể dùng toàn bộ vốn của mình để tài trợ cho tài sản dài hạn và một phần cho tài sản ngắn hạn hoặc tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp có giá trị lớn hơn nợ ngắn hạn nên đáp ứng tốt nghĩa vụ trả các khoản nợ ngắn hạn. Cho thấy doanh nghiệp có khả năng thanh toán tốt, thừa nguồn vốn dài hạn, có khả năng mở rộng kinh doanh. Đây là dấu hiệu an toàn, doanh nghiệp có thể đương đầu với rủi ro từ thua lỗ nhất thời hoặc sự cắt giảm tín dụng thương mại từ nhà cung cấp.
Tuy nhiên, MWG vẫn nên xem xét giảm hệ số nợ, tăng thêm nợ dài hạn hoặc vốn góp từ chủ sở hữu để giảm rủi ro trong những lúc kinh tế khó khăn như năm 2023 tới này, có thể doanh thu và lợi nhuận giảm sút sẽ không làm doanh nghiệp rơi vào khả năng rủi ro tài chính.
Kết luận: Cơ cấu tài sản của MWG rất tốt. MWG chiếm dụng được khá nhiều vốn từ đối tác và các đối tượng trong quá trình kinh doanh. Bên cạnh đó, nguồn vốn dài hạn của MWG đủ sức tài trợ cho toàn bộ tài sản dài hạn và một phần tài sản ngắn hạn, khả năng thanh toán của MWG tốt nhưng MWG cần chú ý hơn đến khoản mục hàng tồn kho để đảm bảo chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và khả năng thanh toán đối với các khoản nợ ngắn hạn do nợ ngắn hạn có giá trị tương đối lớn, hàng tồn kho khó cạnh tranh, không phù hợp hợp với thị hiếu khách hàng sẽ làm giảm tính thanh khoản, ảnh hưởng làm giảm tới khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc