Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty Hoàng Anh Gia Lai
1 – Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh MS | Chỉ tiêu | 2021 | 2022 | Ghi chú |
I | Lưu chuyển tiền từ HĐKD | | | |
01 | Lợi nhuận kế toán trước thuế | -130 | 1.028 | |
| Điều chỉnh cho các khoản | | | |
02 | Khấu hao và hao mòn | +870 | +337 | |
03 | Hoàn nhập dự phòng | -885 | -908 | DN được hoàn nhập dự phòng, làm giảm chi phí, dẫn đến tăng LNTT, nhưng hoàn nhập không phải là dòng tiền thu được nên ghi âm (-) để triệt tiêu phần đã ghi vào mục chi phí |
04 | Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá | -104 | +222 | Năm 2021: Lãi Năm 2022: Lỗ |
05 | Lãi từ hoạt động đầu tư | -455 | -439 | Năm 2021: Lãi Năm 2022: Lãi |
06 | Chi phí lãi vay | +972 | +793 | |
08 | Lợi nhuận từ HĐKD trước thay đổi vốn lưu động | +268 | +1.034 | |
09 | Giảm/Tăng khoản phải thu | -605 | +23 | Năm 2021: Khoản phải thu tăng Năm 2022: Khoản phải thu giảm |
10 | Tăng hàng tồn kho | -264 | -595 | DN tăng mua hàng tồn kho trong cả 2 năm |
11 | Giảm/Tăng khoản phải trả | +82 | -251 | Năm 2021: Khoản phải trả tăng Năm 2022: Khoản phải trả giảm |
12 | Tăng chi phí trả trước | -54 | -107 | Năm 2021: CPTT tăng Năm 2022: CPTT giảm |
14 | Tiền lãi vay đã trả | -65 | -63 | DN trả lãi vay |
15 | Thuế TNDN đã nộp | -2 | -3 | |
20 | Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD | -640 | +37 | |
Từ báo cáo LCTT từ HĐKD ta thấy: LNTT năm 2021 của HAGL là số âm, cho thấy trong năm 2021, HAGL hoạt động chưa có hiệu quả. Sang năm 2022, LNTT của HAGL đã dương và đạt mức giá trị khá lớn, có thể thấy rằng doanh nghiệp đã có hiệu quả khá cao trong hoạt động kinh doanh. Đây là chỉ tiêu quan trọng để cho biết doanh nghiệp có khả năng tạo tiền từ HĐKD, giúp lưu chuyển từ HĐKD được cải thiện. Để đánh giá hiệu quả kinh doanh và việc LNTT này tác động đến dòng tiền từ HĐKD cụ thể thế nào, chúng ta sẽ phân tích thêm các yếu tố ở các phần sau.
Khấu hao năm 2022 giảm so với năm 2021 là do trong năm 2022, tài sản trích khấu hao có giá trị thấp hơn so với năm 2021. Điều này là do đầu năm 2021, giá trị TSCĐ của HAGL ở mức lớn, hơn 12.000 tỷ đồng nên giá trị trích khấu hao lớn. Trong năm 2021, HAGL có thanh lý bớt các công ty con nên giá trị TSCĐ giảm, vì vậy mức trích khấu hao năm 2022 giảm mạnh so với năm 2021. Khấu hao TSCĐ của HAGL trong 2 năm chủ yếu là khấu hao nhà cửa vật kiến trúc, cây trồng lâu năm và vật nuôi là những hạng mục chính yếu mà HAGL đang khai thác, đầu tư, đặc biệt là cây trồng lâu năm và vật nuôi đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp khi vẫn đang tiếp tục có thể khai thác, tạo hiệu quả kinh doanh. Mục khấu hao này không những không làm giảm dòng tiền, ngược lại còn làm tăng dòng lưu chuyển tiền từ HĐKD do khoản này các doanh nghiệp được giữ lại để tái đầu tư và đều không phải khoản chi.
Năm 2021 và 2022, HAGL đều có mục hoàn nhập dự phòng khá lớn. Trong đó, năm 2021, mức hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 891 tỷ đồng. Năm 2022, mức hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng mạnh lên 1.512 tỷ, dự phòng đầu tư tài chính dài hạn phát sinh là 606 tỷ đồng làm mức hoàn nhập dự phòng cuối năm 2022 giảm xuống còn 885 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng các khoản đầu tư tài chính của HAGL chưa tốt khi mức dự phòng đầu tư tài chính chiếm giá trị lớn, khoảng 2/3 tổng số tiền đầu tư tài chính dài hạn. Mức hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi lớn cho thấy các khoản cho vay của HAGL cũng có chất lượng khá kém, khách hàng vay tiền của doanh nghiệp bị quá hạn trả nợ nhiều. Tuy hoạt động này có tạo ra khoản lãi cho vay khá lớn, góp phần vào việc tạo ra mức lợi nhuận lớn cho HAGL nhưng khoản cho vay này thực chất chưa thu được lãi do khách hàng đã bị quá hạn trả, được đánh giá là rủi ro cao. Mục hoàn nhập dự phòng mang dấu âm làm giảm Lợi nhuận trước thay đổi của vốn lưu động trên báo cáo LCTT từ HĐKD. Vì vậy, HAGL cần xem xét lại hoạt động cho vay của mình để nâng cao hiệu quả và không tác động xấu tới dòng lưu chuyển tiền từ HĐKD.
Năm 2021, chính sách tỷ giá của nhà nước có sự ổn định, trong nhiều thời điểm còn có sự tăng giá đồng VN, vì vậy, tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh, lãi chênh lệch tỷ giá. Năm 2022, tỷ giá có sự biến động mạnh, đặc biệt vào thời điểm quý 4/2022, dẫn tới HAGL lỗ chênh lệch tỷ giá do tỷ giá thời điểm ghi nhận tỷ giá và thời điểm đánh giá lại có sự chênh lệch bất lợi.
Hoạt động đầu tư của HAGL trong cả 2 năm đều lãi với giá trị khá lớn. Điều này có được là do HAGL có thực hiện cho vay cho các DN khác với giá trị lớn, trong khi lãi suất cho vay cao trong 2 năm, đã giúp cho hoạt động đầu tư của HAGL đạt hiệu quả cao. Trong đó, lãi chủ yếu đến từ lãi tiền cho vay và lãi từ thanh lý các khoản đầu tư. Tuy nhiên, khoản cho vay của chi nhánh có chất lượng khá thấp do khách hàng nợ quá hạn lớn, bao gồm cả gốc và lãi khiến DN phải trích lập dự phòng một khoản giá trị lớn. Vì vậy, HAGL cần xem lại chính sách đầu tư của mình để có hướng cho vay đúng đắn, giúp đảm bảo an toàn nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh chủ lực của mình.
Chi phí lãi vay của HAGL có sự giảm nhẹ trong năm 2022, tuy nhiên giá trị lãi vay của HAGL trong 2 năm là rất lớn, làm giảm hiệu quả kinh doanh của HAGL. Khoản lãi vay lớn này là do quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp lớn, trong đó nợ phải trả chiếm tỷ trọng hơn 70%. Vì vậy, HAGL cần xem xét giảm mức dư nợ cho vay, đặc biệt là cho vay ngắn hạn nhằm làm giảm quy mô nợ vay và tăng vốn chủ sở hữu bằng phát hành thêm cổ phiếu để giúp DN giảm rủi ro tài chính, đảm bảo khả năng trả lãi và gốc vay đến hạn. Chi phí lãi vay lớn làm tăng dòng lợi nhuận trước thay đổi của vốn lưu động nhưng đây là một vấn đề mà không doanh nghiệp nào mong muốn vì lãi vay lớn sẽ tạo áp lực trả nợ lãi và gia tăng rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp. Sau khi trả lãi, phần dòng tiền thực chất từ HĐKD còn lại sẽ giảm mạnh.
Như vậy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi của vốn lưu động của HAGL có giá trị là 1.034 tỷ đồng, xấp xỉ với lợi nhuận kế toán trước thuế. Đây là khoản lợi nhuận sau khi đã điều chỉnh cho các khoản không phát sinh tiền mặt trong kỳ báo cáo, chưa xét đến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và lãi vay. Điều này cho thấy, dòng tiền của HAGL rất yếu nếu như loại bỏ lãi vay trong phần này, vì lãi vay chiếm giá trị khá lớn trong mỗi năm. Do đó, có các yếu tố về dự phòng, lỗ tỷ giá và chi phí lãi vay là vấn đề mà HAGL cần phải chú ý để đảm bảo chất lượng các khoản đầu tư, ghi nhận tỷ giá hay chi phí lãi vay không ảnh hưởng đến dòng tiền và tác động giảm hiệu quả kinh doanh.
Khoản phải thu của HAGL trong năm 2022 có sự giảm nhẹ so với năm 2021 là do tổng các khoản phải thu trong năm 2022 có biến động không đáng kể so với năm 2021. Tuy nhiên, xét về cơ cấu các khoản phải thu thì năm 2022 có sự giảm mạnh về phải thu cho vay và tăng mạnh các khoản phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và phải thu khác. Bên cạnh đó, khoản phải thu ngắn hạn khác tăng mạnh do phần lãi phải thu từ khách hàng bị quá hạn, HAGL phải trích lập dự phòng 1 lượng khá lớn do khoản phải thu về cho vay của khách hàng quá hạn trả gốc. Khoản phải thu năm 2022 không có sự biến động đáng kể so với năm 2021, tuy không ảnh hưởng đáng kể tới dòng lưu chuyển tiền tệ nhưng HAGL cần chú ý để đảm bảo chất lượng của khoản phải thu của mình.
Hàng tồn kho của HAGL năm 2022 tăng mạnh so với năm 2021, dẫn tới LCTT từ HĐKD bị giảm 595 tỷ đồng. Việc tăng lên của HTK là do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của hoạt động chăn nuôi tăng mạnh lên. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang có sự chuyển hướng giảm bớt hoạt động cho vay và đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh chính. Đây là hướng đi hợp lý vì hoạt động cho vay của HAGL có chất lượng khá kém do một số khách hàng quá hạn trả nợ gốc và lãi. Đồng thời, việc tăng đầu tư vào mảng kinh doanh chủ lực là đúng theo cam kết của lãnh đạo HAGL và đây cũng là mảng HAGL có chuyên môn, kinh nghiệm để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem gia tăng vốn góp từ phát để có thể vừa có dòng tiền đầu tư vào phục vụ cho việc tập trung vào mảng kinh doanh chủ lực cũng như là trả gốc và lãi vay. Tránh trường hợp, doanh nghiệp chưa đảm bảo trả nợ gốc và lãi cho nhà tài trợ và người bán theo đúng thời hạn nhưng lại gia tăng hàng tồn kho sẽ làm tăng thêm áp lực thanh toán và giảm sút uy tín của doanh nghiệp, cho dù việc gia tăng hàng tồn kho này là theo hướng tích cực cũng cần phải cân đối thời điểm nào và nguồn nào sẽ là hợp lý hơn.
Khoản phải trả của HAGL trong năm 2022 có sự giảm đi 251 tỷ so với năm 2021. Điều này cho thấy HAGL phải trả bớt các khoản nợ cho người bán cũng như các phải phải trả khác, làm cho dòng LCTT của HAGL bị giảm. Điều này là do HAGL đang tập trung giảm bớt các khoản nợ phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh khi mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng có lãi để cơ cấu lại cấu trúc tài chính của doanh nghiệp.
Chi phí trả trước của HAGL năm 2022 tăng so với năm 2021 là 107 tỷ đồng, làm giảm dòng LCTT từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản chi phí trả trước này là do HAGL tập trung tăng đầu tư vào các dự án chăn nuôi theo định hướng lâu dài của doanh nghiệp vì vậy đây có thể là một điều cần thiết nhằm cơ cấu lại cấu trúc tài chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khoản mục tiền lãi vay đã trả của HAGL chiếm giá trị khá nhỏ so với tổng chi phí lãi vay. Điều này cho thấy trong năm, doanh nghiệp có khoản chi phí lãi vay khá lớn nhưng doanh nghiệp chỉ đảm bảo trả được một phần rất nhỏ. Một phần lớn lãi vay của HAGL chưa thể thực hiện trả được cho các ngân hàng khi mà lợi nhuận kế toán chỉ ở mức thấp. Hoạt động kinh doanh chính của HAGL thua lỗ, khoản lãi từ hoạt động cho vay lớn nhưng có dấu hiệu bị quá hạn, lợi nhuận trước thuế có được là do khoản hoàn nhập dự phòng rất lớn mang lại nên dòng tiền của doanh nghiệp thực chất rất kém. Tuy nhiên, HAGL lại ưu tiên tái cơ cấu cấu trúc tài chính khi tăng hàng tồn kho và trả bớt nợ phải trả nên số tiền còn lại để trả lãi vay là rất ít, uy tín của HAGL với các nhà tài trợ vì thế cũng giảm sút mạnh. HAGL đã phải thương lượng với các chủ nợ để kéo dài, giãn nợ cho các khoản nợ của mình.
Thuế TNDN của HAGL âm vì trong nhiều năm, doanh nghiệp lỗ vốn nên mặc dù lãi nhưng HAGL chưa phải nộp thuế TNDN, dòng lưu chuyển tiền từ HĐKD của doanh nghiệp nhiều năm là con số âm. Cho thấy HAGL là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chưa tốt trong một thời gian dài.
Tóm lại, trong năm 2022, dòng tiền từ HĐKD của HAGL đã dương, tuy nhiên dòng tiền của doanh nghiệp vẫn thực sự rất yếu do các hoạt động tạo tiền còn yếu, lãi của HAGL chưa thực sự phản ánh hiệu quả kinh doanh nên lợi nhuận trước thuế tuy cao nhưng không thực chất, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong dòng tiền. Doanh nghiệp còn quá hạn giá trị lớn phần nợ gốc và nợ lãi của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có bước đầu thực hiện tái cấu trúc cơ cấu tài chính và trả bớt chút nợ phải trả nên có thể trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh của HAGL sẽ có những tín hiệu tích cực hơn, đặc biệt là khi tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
2 – Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư MS | Chỉ tiêu | 2021 | 2022 | Ghi chú |
II | Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư | | | |
21 | Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và TSDH khác | -1.215 | -544 | |
22 | Tiền thu do thanh lý TSCĐ và TSDH khác | 222 | 18 | |
23 | Tiền chi cho các đơn vị khác vay | -2.911 | -2.165 | |
24 | Tiền thu hồi cho vay | +1.889 | +2330 | |
25 | Tiền chi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác | -108 | -232 | |
26 | Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | +3.332 | +791 | |
27 | Tiền thu lãi cho vay, tiền gửi và cổ tức được chia | +74 | +53 | |
30 | Lưu chuyển tiền thuần từ HĐ đầu tư | +1.288 | +250 | |
Trong năm 2021 và 2022, HAGL có sự gia tăng đầu tư mua sắm, xây dựng TSCĐ và TSDH khác. Trong đó, chủ yếu là khoản mục đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục nhà cửa vật kiến trúc, đầu tư vào cây trồng lâu năm và vật nuôi, các dự án phát triển vườn cây ăn quả và dự án chăn nuôi. Như vậy, HAGL tiếp tục có sự đầu tư vào các hạng mục kinh doanh chủ lực của mình, nhằm kỳ vọng tạo ra lợi nhuận cao và bền vững sau nhiều năm kinh doanh thất bại tại những mảng kinh doanh khác. Tuy nhiên, có lẽ nhiều khoản đầu tư của HAGL vẫn còn chưa được thanh toán đầy đủ nên trên báo cáo LCTT, khoản mục chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và TSDH khác có giá trị khá thấp so với trên bảng CĐKT của doanh nghiệp. Điều này cho thấy dòng tiền của doanh nghiệp còn khá yếu, doanh nghiệp cần phải xem xét gia tăng thêm nguồn tiền từ phát hành cổ phiếu để có thêm nguồn tiền chi trả cho các khoản chưa thanh toán, và tiếp tục đầu tư lớn hơn vào mảng kinh doanh chủ lực này nhằm tìm kiếm hiệu quả trong tương lai.
Tiền thu do thanh lý TSCĐ và TSDH khác của HAGL trong năm 2021 khá cao do HAGL thanh lý TSCĐ với giá trị khá lớn, và thu hẹp hoạt động kinh doanh. Sang năm 2022, tiền thu do thanh lý TSCĐ của HAGL giảm mạnh do trong năm 2022, doanh nghiệp có ít TSCĐ nằm trong diện thanh lý.
TIền chi cho các đơn vị khác vay tiền trong cả năm 2021 và 2022 đều ở một giá trị khá lớn, trong đó năm 2021 là 2.911 tỷ đồng và năm 2022 là 2.165 tỷ đồng. HAGL bên cạnh chuyển hướng đầu tư vào mảng kinh doanh chủ lực là trồng trọt và chăn nuôi thì vẫn tiếp tục có chiến lược cho vay tiền đối với một số doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong tình trạng nền kinh tế đang chưa có sự phục hồi lớn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay tiền ngân hàng nên tìm kiếm vay tiền từ các doanh nghiệp khác. Đây đều là các khoản cho vay tín chấp với thời hạn khá dài. Tuy nhiên, khoản đầu tư cho vay của HAGL trong các năm đều phải trích lập một số tiền khá lớn do khách hàng vay tiền bị quá hạn trả nợ gốc và lãi nên được đánh giá là rất rủi ro. Vì vậy, khi chưa đến hạn trả nợ gốc và lãi cho các nhà tài trợ, HAGL tiếp tục chiến lược cho vay để thu lãi thì cần đánh giá chất lượng khách hàng vay vốn của mình để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay, từ đó đảm bảo khoản cho vay của mình thực sự có chất lượng, hiệu quả và đem lại dòng tiền dồi dào cho doanh nghiệp.
Tiền thu hồi cho vay của HAGL trong năm 2021 và 2022 ở mức giá trị khá lớn. Cho thấy các khoản cho vay của HAGL tuy có chất lượng kém nhưng doanh nghiệp vẫn thu được phần gốc khá lớn từ các khách hàng vay vốn, tuy rằng nhiều khoản thu được sau khi quá hạn. Đặc biệt, năm 2022, số tiền thu hồi cho vay có sự gia tăng, có thể là do HAGL dần chuyển mình sang mảng kinh doanh chủ lực trước đây và giảm bớt quy mô đối với hoạt động cho vay. HAGL cần xem xét các khách hàng vay vốn bị quá hạn để đôn đốc họ nhằm thu hồi nợ được nhanh chóng, tránh việc bị quá hạn, phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và dòng tiền từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trong cả năm 2021 và 2022 đều ở một giá trị khá thấp, trong khi khoản thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác khá lớn, đặc biệt là trong năm 2021. Cho thấy, doanh nghiệp có hướng giảm bớt đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác khi thanh lý bớt các công ty con và giảm đầu tư góp vốn. Điều này có thể giải thích được là khi kinh tế đang khó khăn, dấu hiệu phục hồi chưa cao, việc gia tăng đầu tư góp vốn là một sự rủi ro khá lớn do nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thua lỗ. Bên cạnh đó, dòng tiền doanh nghiệp khá yếu do mảng kinh doanh chủ lực chưa hiệu quả, mảng cho vay cũng có dấu hiệu rủi ro nên thu hồi đầu tư góp vốn vừa thu hồi được khoản đầu tư, vừa góp phần vào tạo ra lợi nhuận và cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp là một điều khá hợp lý để bù đắp cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh do kinh doanh yếu kém và việc không thuể phát hành được cổ phiếu để tăng vốn, trong khi phải trả bớt nợ cho các nhà tài trợ.
Tiền thu lãi cho vay, tiền gửi và cổ tức được chia của HAGL trong cả 2 năm chỉ ở mức giá trị rất thấp. Trong khi khoản mục cho vay và đầu tư góp vốn của HAGL trong 2 năm đều ở một quy mô khá lớn. Tuy nhiên, các khoản mục cho vay và đầu tư của HAGL đều rất rủi ro, phải trích lập khoản giá trị rất lớn ở mỗi hạng mục đầu tư. Hoạt động đầu tư góp vốn của HAGL gần như không ghi nhận lãi theo báo cáo tại báo cáo KQ HĐKD. Theo như ghi nhận trên bảng báo cáo KQ HĐKD thì doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp là khá lớn, gồm lãi tiền cho vay, lãi từ thanh lý các khoản đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, lãi tiền gửi ngân hàng, lãi cổ tức, trong đó chủ yếu là lãi từ hoạt động cho vay. Như vậy, trong tổng số doanh thu hoạt động tài chính này thì HAGL mới thu được một phần rất nhỏ. Phần lớn doanh thu hoạt động tài chính đến từ lãi tiền cho vay nhưng HAGL lại chưa thu được từ khách hàng. Điều này cũng được phản ánh trên bảng CĐKT khi khoản mục phải thu khác trong năm 2021 và 2022 của HAGL có một giá trị khá lớn, là phải thu lãi cho vay và dòng tiền của HAGL trong năm là rất yếu cho dù HAGL có ghi nhận mức lãi khá lớn hơn 1.000 tỷ. Vì vậy, HAGL cần chú ý để đảm bảo các khoản đầu tư, cho vay của HAGL được bảo toàn và thực sự đem lại hiệu quả và cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp.
Tóm lại, hoạt động đầu tư của HAGL đã có sự chuyển dịch sang mảng kinh doanh chủ lục của doanh nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận mang tính bền vững, lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, việc đầu tư này mới ở quy mô khá nhỏ so với tổng tài sản. Các khoản mục đầu tư khác của HAGL như đầu tư tài chính và cho vay đang dần có sự thu hẹp lại do hoạt động đầu tư và cho vay không đem lại hiệu quả hoặc là bị quá hạn gốc và lãi. Tiền thu lãi cho vay cao nhưng doanh nghiệp chưa thu được tiền từ khách hàng. LCTT từ hoạt động đầu tư dương nhưng do giảm bớt đầu tư vào các hạng mục đầu tư không hiệu quả, có quá nhiều rủi ro. Đây có thể những hạng mục không thực sự quan trọng và chủ lực của HAGL nhưng trong giai đoạn khó khăn khi chưa quay trở lại ngay hướng kinh doanh chủ lực nên HAGL có những chiến lược tạm thời để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng đều là chưa có sự hiệu quả. Cho thấy, HAGL còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm để cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của mình để bảo toàn nguồn vốn và đảm bảo bền vững, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và cải thiện dòng tiền từ hoạt động đầu tư.
3 – Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính MS | Chỉ tiêu | 2021 | 2022 | Ghi chú |
III | Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính | | | |
31 | Cổ đông thiểu số góp vốn | 0 | 22 | |
33 | Tiền thu từ đi vay | +1.459 | +1.802 | |
34 | Tiền trả nợ gốc vay | -2.126 | -2.118 | |
40 | Lưu chuyển tiền thuần từ HĐ tài chính | -667 | -293 | |
50 | Lưu chuyển tiền thuần trong năm | -19 | -6 | |
60 | Tiền đầu năm | 97 | 78 | |
70 | Tiền cuối năm | 78 | 72 | |
Dựa vào báo cáo lưu chuyển từ hoạt động tài chính, ta có thể thấy, trong năm 2021 và 2022, HAGL không triển khai phát hành cổ phiếu. Trong khi doanh nghiệp đang có quy mô nợ lớn, hệ số nợ cao, đồng thời doanh nghiệp muốn chuyển hướng sang mở rộng kinh doanh tại mảng chủ lực của mình để hướng tới kinh doanh bền vững thì việc phát hành cổ phiếu để gia tăng vốn góp của chủ sở hữu là một hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, trong cả 2 năm, HAGL đều không huy động được cổ phiếu do phát hành, cho thấy doanh nghiệp chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư.
Trong năm 2021 và 2022, HAGL tiếp tục gia tăng tiền thu từ đi vay. Trong đó, năm 2022 có sự tăng lên so với năm 2021. Tuy nhiên, tiền thu từ đi vay trong 2 năm của HAGL chủ yếu đến từ vay ngắn hạn của các ngân hàng trên địa bàn. Tuy Trong tổng nợ vay của HAGL hiện tại, vay ngắn hạn tại các ngân hàng chiếm quy mô khá lớn. Để có thể tiếp tục đảm bảo quá trình kinh doanh thì HAGL cần có thêm vốn, nhưng do không phát hành thêm được vốn góp từ các nhà đầu tư nên cần vay thêm vốn ngân hàng. Có thể do chiến lược huy động vốn vay hoặc khả năng vay vốn dài hạn của doanh nghiệp khó nên HAGL đã vay vốn ngắn hạn của một số ngân hàng để bổ sung vốn lưu động cho quá trình kinh doanh. Đặc biệt, trong khi HAGL kinh doanh chưa đạt hiệu quả ở nhiều mảng kinh doanh thì với quy mô nợ vay lớn như vậy sẽ tạo ra áp lực thanh toán khá cao và gia tăng rủi ro cho cho doanh nghiệp.
Tiền trả nợ gốc vay hàng năm đều cao ở giá trị cao, hơn số tiền thu được từ đi vay, cho thấy HAGL đang có sự giảm nhẹ về quy mô và thay đổi cấu trúc nợ vay. Điều này là do hiện tại HAGL đang nợ một số tiền lớn từ ngân hàng dưới hình thức phát hành trái phiếu nên hàng năm, HAGL vẫn phải cố gắng trả một lượng tiền vay lớn cho các ngân hàng theo kế hoạch. Trong khi hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, dòng tiền còn yếu thì việc trả nợ một khoản lớn trong mỗi năm sẽ gây ra áp lực lớn về dòng tiền cho HAGL. Điều này có thể dẫn tới mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và làm giảm sút uy tín và niềm tin của doanh nghiệp với các nhà tài trợ cũng như các nhà đầu tư.
Dòng tiền từ cổ tức trong 2 năm không thấy xuất hiện, có thể được giải thích rằng trong nhiều năm, HAGL kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn. Tuy năm 2022 có đạt lợi nhuận trước thuế lớn nhưng lãi chủ yếu là do hoàn nhập dự phòng, lãi nhưng chưa có dòng tiền thực nên dòng tiền còn rất kém, chưa đảm bảo trang trải chi phí lãi vay và gốc vay cho ngân hàng nên không thể có tiền trả cổ tức cho các cổ đông.
Tóm lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp còn âm, cho thấy doanh nghiệp phải chi trả nợ nhiều hơn số thu về từ đi vay và góp vốn. Xét trong hoàn cảnh của HAGL là chưa tốt do doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu để gia tăng vốn góp, giảm hệ số nợ và quy mô nợ. HAGL có sự thay đổi về cấu trúc nợ, tăng nợ ngắn hạn có thể dẫn đến tăng rủi ro tài chính hơn. Doanh nghiệp không có dòng tiền từ cổ tức vì nhiều năm hoạt động thua lỗ, chưa có hiệu quả.
Tóm lại, trong 3 dòng lưu chuyển tiền của HAGL thể hiện sự hiệu quả chưa tốt và sự bất hợp lý khi lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm và hoạt động tài chính âm do kinh doanh kém hiệu quả và không phát hành được cổ phiếu cho các nhà đầu tư và nhận được thêm nguồn tài trợ từ các ngân hàng. Doanh nghiệp vì thế phải thanh lý bớt các công ty con, các dự án cho các đối tác để hoạt động đầu tư có dòng tiền dương và bù đắp lại cho lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh và hoạt động tài chính. Ba dòng lưu chuyển đều thể hiện HAGL còn hoạt động rất thiếu hiệu quả, chiến lược kinh doanh còn chưa đúng hướng. Vì vậy, HAGL cần phải xem lại mọi chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình để đảm bảo hoạt động kinh doanh được bảo toàn vốn, có hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Tiền và tương đương tiền đầu kỳ nhỏ, do đó tiền và tương đương tiền cuối kỳ vì thế cũng không có sự cải thiện. Tuy nhiên, HAGL đã có hướng đầu tư trở lại vào mảng chủ lực của mình. Hy vọng, trong thời gian tới, với tình hình kinh tế có sự khả quan hơn, HAGL sẽ dần có cải thiện trong HĐKD để nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện dòng tiền và cơ cấu lại tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động bền vững, lâu dài.
Ý kiến bạn đọc