Phân tích công nợ và khả năng thanh toán của công ty HAGL
Trích số liệu tài chính của HAGL như sau: Stt | Khoản mục | Năm 2021 | Năm 2022 |
HAGL | MWG | VNM | HAGL | MWG | VNM |
1 | Tài sản ngắn hạn | 7,051 | 51,955 | 36,109 | 8,038 | 44,578 | 31,559 |
2 | Tiền và tương đương tiền | 78 | 4,142 | 2,348 | 72 | 5,061 | 2,300 |
3 | Đầu tư tài chính ngắn hạn | 0 | 14,237 | 21,026 | 0 | 10,069 | 17,414 |
4 | Các khoản phải thu ngắn hạn | 6,535 | 3,162 | 5,822 | 6,765 | 3,001 | 6,100 |
5 | Hàng tồn kho | 410 | 29,167 | 6,773 | 1,148 | 25,696 | 5,537 |
6 | Tài sản ngắn hạn khác | 28 | 1,247 | 140 | 53 | 750 | 208 |
7 | Nợ phải trả | 13,766 | 42,593 | 17,482 | 14,603 | 1,902 | 15,666 |
8 | Nợ ngắn hạn | 6,754 | 42,593 | 17,068 | 9,218 | 26,000 | 15,308 |
9 | Vay và nợ thuê tài chính | 8,286 | 24,647 | 9,457 | 8,165 | 16,589 | 4,933 |
10 | Nợ dài hạn | 7,012 | - | 414 | 5,385 | 5,901 | 358 |
11 | Giá vốn hàng bán | 1,590 | 95,326 | 34,641 | 3,937 | 102,543 | 36,059 |
12 | Tổng các khoản phải thu | 9,494 | 3,644 | 5,839 | 9,195 | 3,504 | 6,138 |
13 | Tổng các khoản phải trả | 5,480 | 17,946 | 8,025 | 6,438 | 15,313 | 10,733 |
14 | Phải trả người bán | 359 | 12,180 | 4,214 | 535 | 8,746 | 4,284 |
15 | Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD | (640) | 171 | 9,432 | 37 | 7,976 | 8,827 |
16 | Vay ngắn hạn | 2,509 | 24,647 | 9,382 | 4,000 | 10,688 | 4,867 |
17 | Vốn chủ sở hữu | 4,673 | 20,378 | 35,850 | 5,195 | 23,933 | 32,816 |
18 | Tổng nguồn vốn | 18,440 | 62,971 | 53,332 | 19,798 | 55,834 | 48,482 |
19 | Lợi nhuận trước thuế và lãi vay | 842 | 5,824 | 13,011 | 1,821 | 4,694 | 10,661 |
20 | Chi phí lãi vay | 972 | 647 | 89 | 793 | 1,362 | 166 |
Các hệ số tài chính về công nợ và khả năng thanh toán của HAGL: Stt | Các hệ số tài chính | Năm 2021 | Năm 2022 |
HAGL | MWG | VNM | HAGL | MWG | VNM |
1 | Hệ số nợ | 75% | 68% | 33% | 74% | 57% | 32% |
2 | Hệ số các khoản phải thu | 51.5% | 5.8% | 10.9% | 46.4% | 6.3% | 12.7% |
3 | Hệ số các khoản phải trả | 29.7% | 28.5% | 15.0% | 32.5% | 27.4% | 22.1% |
4 | Số vòng quay nợ phải trả người bán | 4.43 | 7.83 | 8.22 | 7.36 | 11.72 | 8.42 |
5 | Kỳ trả nợ bình quân | 82.41 | 46.64 | 44.40 | 49.60 | 31.13 | 43.36 |
6 | Vòng quay hàng tồn kho | 3.88 | 3.27 | 5.11 | 3.43 | 3.99 | 6.51 |
7 | Số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho | 94.12 | 111.68 | 71.36 | 106.43 | 91.46 | 56.05 |
8 | Hệ số KNTT tổng quát | 1.34 | 1.48 | 3.05 | 1.36 | 1.75 | 3.09 |
9 | Hệ số KNTT nợ ngắn hạn | 1.0 | 1.2 | 2.1 | 0.9 | 1.7 | 2.1 |
10 | Hệ số KNTT nhanh | 0.98 | 0.54 | 1.72 | 0.75 | 0.73 | 1.70 |
11 | Hệ số KNTT tức thời | 0.02 | 0.46 | 1.38 | 0.01 | 0.61 | 1.30 |
12 | Hệ số KNTT lãi vay (LNTT) | 0.87 | 9.00 | 146.19 | 2.30 | 3.45 | 64.22 |
13 | Hệ số KNTT lãi vay (LCTT) | 0.34 | 3.79 | 106.98 | 1.05 | 8.17 | 54.17 |
1 – Hệ số nợ
Hệ số nợ của HAGL năm 2021 là 75%, là một mức tương đối cao so với mức chung và mức bình quân của ngành. Năm 2022, hệ số nợ của HAGL có giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng hệ số nợ vẫn rất cao, ở mức 74%, cho thấy mức độ phụ thuộc tài chính khá cao vào các nguồn nợ phải trả để thực hiện hoạt động kinh doanh. Do đó, rủi ro tài chính của HAGL cũng khá cao, đặc biệt xét trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của HAGL không có sự khởi sắc, dòng tiền kém, tỷ trọng tiền mặt thấp. Bên cạnh đó, trong tổng nợ phải trả, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng và giá trị lớn, có sự tăng mạnh qua 2 năm. Trong đó, nợ ngắn hạn năm 2022 > tài sản ngắn hạn. Đây là sự mất cân bằng tài chính và tác động lớn tới an toàn và rủi ro tài chính của HAGL, đặc biệt là khi tài sản ngắn hạn của HAGL có phần lớn là các khoản nợ phải thu từ hoạt động cho vay và khoản mục này có chất lượng không cao do hàng năm đều phải trích lập dự phòng một giá trị rất lớn. Vì vậy HAGL cần phải xem xét để giảm bớt hệ số nợ, tăng tỷ lệ tiền mặt, tăng tài sản ngắn hạn, dòng tiền từ HĐKD cũng như là nâng cao hiệu quả để giảm bớt rủi ro tài chính của mình.
2 – Hệ số các khoản phải thu, phải trả
Hệ số các khoản phải thu của HAGL chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng tài sản qua 2 năm, trong đó năm 2021 chiếm 51,5% và năm 2022 chiếm 46,4%. Mặc dù năm 2022 có sự giảm mạnh 5,1% nhưng tỷ trọng này là vẫn rất cao trong tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu về cho vay chiếm tỷ trọng chủ yếu. Đây là khoản mà trong 2 năm, HAGL đều phải thực hiện trích lập dự phòng khá lớn do khách hàng vay vốn của HAGL đã không đảm bảo trả nợ đúng hạn. Mặc dù các khoản mục này đã được hoàn nhập dự phòng cũng tương đối lớn nhưng việc tổng khoản mục phải thu rất cao trong tổng tài sản cho thấy doanh nghiệp bị chiếm dụng khá lớn, tuy rằng khoản mục phải thu từ cho vay có mức sinh lời cao nhưng khoản mục này không thực sự chất lượng, khả năng thu hồi không tốt.
Trong khi tình hình kinh doanh của HAGL có dấu hiệu không hiệu quả, cho thấy đây là một điều bất thường, có thể là do tình hình kinh tế khó khăn, việc hoạt động kinh doanh chính không tốt, không tạo ra nhiều doanh thu nên HAGL đã sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện cho vay nhằm tìm kiếm nguồn lợi nhuận qua việc cho vay với lãi suất cao. Công ty do đó cần xem lại chiến lược của mình để từ đó sớm thu hồi các khoản thu từ hoạt động cho vay để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính để đảm bảo an toàn nguồn vốn và có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.
Hệ số các khoản phải trả của HAGL năm 2021 chiếm tỷ trọng 29,7% và tăng lên 32,5% trong năm 2022. Tỷ trọng này là chấp nhận được đối với 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực như HAGL nhưng trong tổng các khoản phải trả thì giá trị và tỷ trọng các khoản phải trả về chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng tương đối lớn, cho thấy HAGL không được lợi nhiều từ vốn chiếm dụng do khoản phải trả này không phải là nguồn chính đến từ mục phải trả người bán. Khoản chi phí phải trả từ lãi vay lớn còn tác động làm tăng tổng chi phí của HAGL, trong bối cảnh doanh thu có giá trị thấp và giá vốn tương đối cao thì chi phí lãi vay lớn sẽ dẫn tới giảm sút hiệu quả hoặc thua lỗ của HAGL trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, xét cả về tỷ trọng và giá trị thì các khoản phải trả đều nhỏ hơn các khoản phải thu, cho thấy HAGL đã bị chiếm dụng vốn nhiều hơn. Khoản phải thu chiếm tỷ trọng cao, chất lượng không thực sự tốt có thể sẽ tạo áp lực lớn đối với việc đáp ứng các khoản phải trả, đặc biệt là các khoản phải trả đến từ các ngân hàng và từ phát hành trái phiếu của mình. Đây là điều mà HAGL cần chú ý để đảm bảo khả năng thanh toán của mình.
3 – Vòng quay nợ phải trả người bán, kỳ trả nợ bình quân
Vòng quay nợ phải trả người bán của HAGL năm 2022 có sự tăng lên khá mạnh so với năm 2021, từ mức 4,43 lên 7,36. Tuy nhiên, sự tăng lên của vòng quay khoản phải trả này là do chỉ tiêu giá vốn hàng bán của HAGL năm 2022 tăng mạnh ở mức 247%, trong khi chỉ tiêu phải trả người bán chỉ tăng ở mức 149%. Vì vậy, việc tăng lên của chỉ tiêu vòng quay nợ phải trả người bán chưa phản ánh được tình hình thanh toán các khoản phải trả của HAGL tốt hơn. Nếu tìm hiểu thêm các chỉ tiêu như tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản, chỉ tiêu vốn lưu chuyển thuần, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HAGL trong 2 năm từ 2021 đến năm 2022 có thể thấy các chỉ số này quá thấp hoặc không đảm bảo. Vì vậy, việc gia tăng vòng quay khoản phải trả đơn thuần đến từ việc giá vốn hàng bán tăng lên.
Xem xét tỷ lệ nợ phải trả người bán trong tổng tài sản, có thể thấy hệ số này là rất thấp trên tổng nguồn vốn, mỗi năm chỉ chiếm khoảng 2% cho thấy HAGL có thể không có sự tín nhiệm nhiều từ các nhà cung cấp để gia tăng nguồn vốn chiếm dụng từ các đối tác. Khoản mục giá vốn hàng bán cũng có giá trị và chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng tài sản, cho thấy doanh nghiệp còn chưa sử dụng hiệu quả tài sản của mình vào hoạt động kinh doanh.
Khi xem xét về chỉ tiêu kỳ trả nợ bình quân, có thể thấy là thời gian trả nợ của GLHA cho người bán trong năm 2021 là 82,41 ngày, trong năm 2022 là 49,6 ngày. Kỳ trả nợ bình quân có sự tăng lên nhưng nguyên nhân chính là do chỉ tiêu giá vốn hàng bán tăng mạnh trong khi số tiền phải trả người bán tăng lên không ở mức tương ứng. Nếu tìm hiểu thêm về lĩnh vực kinh doanh của HAGL, đây là một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và xây dựng, trong đó nông nghiệp và chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao, có vòng luân chuyển vốn ngắn. Vì vậy, kỳ trả nợ bình quân của HAGL là khá cao trong năm 2021.
Nếu đi vào tìm hiểu về hiệu quả kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp có thể thấy năm 2021 hoạt động không hiệu quả, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh kém nên thời gian trả nợ đối với các khoản nợ của công ty cũng khá dài. Kỳ trả nợ bình quân năm 2022 có giảm mạnh xuống, cho thấy doanh nghiệp đã nâng cao được giá vốn và hoạt động kinh doanh có khởi sắc hơn, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh và dòng tiền vẫn còn rất kém. Do đó, đây vẫn không phải là tín hiệu tốt đối với GLHA. Để giảm kỳ trả nợ cho khách hàng, HAGL cần đẩy mạnh việc hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các dự án về chăn nuôi và vườn cây ăn quả để gia tăng doanh thu, giá vốn và quản lý tốt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo khả năng trả nợ được tốt hơn.
4 – Vòng quay hàng tồn kho và số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho
Chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho của HAGL qua 2 năm có sự giảm nhẹ, từ 3,88 xuống 3,43 dẫn tới số ngày 1 vòng quay hàng tồn kho có sự tăng từ 94,12 ngày lên 106,43 ngày. Điều này có thể lý giải là do tỷ lệ tăng lên của hàng tồn kho lớn hơn tỷ lệ tăng lên của giá vốn hàng bán. Cho thấy trong năm 2022, bình quân 106 ngày, GLHA mới luân chuyển được 1 vòng hàng tồn kho. Nếu xét về lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi của HAGL thì hệ số vòng quay hàng tồn kho này còn đạt mức thấp, và thời gian 1 vòng quay hàng tồn kho còn khá cao. Hàng tồn kho của GLHA chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 2% trong tổng tài sản nhưng với định hướng chủ lực của mình là mảng kinh doanh nông nghiệp gồm chuối, heo và sầu riêng thì tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản và quy mô doanh thu trên tổng tài sản của HAGL còn rất thấp.
5 – Khả năng thanh toán
Hệ số khả năng thanh toán tổng quát của HAGL tăng qua 2 năm từ 1,34 trong năm 2021 lên 1,36 trong năm 2022. Điều này cho thấy khả năng thanh toán của doanh nghiệp đủ sức thanh toán cho các nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, hệ số này chỉ ở mức thấp, cho thấy trong tổng tài sản của doanh nghiệp, nợ phải trả chiếm tỷ trọng khá lớn, ở mức khoảng 75%. Như vậy, doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn nợ phải trả để thực hiện hoạt động kinh doanh. Việc sử dụng nhiều nợ vay giúp doanh nghiệp khuếch đại tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng sẽ có tác dụng làm gia tăng rủi ro tài chính khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, dòng tiền của doanh nghiệp kém. Đối với HAGL, tình hình kinh doanh chưa có hiệu quả và chưa mang tính ổn định, vì vậy HAGL cần giảm bớt nợ, đặc biệt là các khoản nợ vay hoặc phát hành thêm cổ phiếu để gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu, để giảm rủi ro tài chính.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của GLHA ở mức rất thấp, năm 2021 là 1,0 và đặc biệt trong năm 2022, hệ số này chỉ là 0,9 < 1. Điều này cho thấy tài sản ngắn hạn của HAGL chỉ vừa đủ đảm bảo trang trải các khoản nợ ngắn hạn trong năm 2021 và không đủ trang trải các khoản nợ ngắn hạn trong năm 2022. Như vậy, HAGL sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh khoản và rủi ro tài chính trong cả 2 năm, đặc biệt là năm 2022. Bên cạnh đó, nếu đi vào phân tích sâu về cơ cấu tài sản ngắn hạn và xem xét lượng tiền mặt của HAGL qua 2 năm, ta có thể thấy được là HAGL có lượng tiền mặt cũng như là dòng tiền từ HĐKD rất yếu, hàng tồn kho ít, trong khi khoản phải thu lớn nhưng có chất lượng không cao do xuất hiện khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, trong đó đều là phải thu từ hoạt động cho vay (bao gồm cả khoản tiền gốc và lãi). Do vậy, tài sản ngắn hạn và khả năng thanh toán ngắn hạn phụ thuộc rất lớn vào khoản phải thu. Do đó, tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn HAGL là tương đối thấp. Trong khi nợ ngắn hạn của HAGL nhiều, trong đó bao gồm cả nợ gốc và lãi rất lớn, hàng tồn kho và tiền mặt quá nhỏ để đáp ứng các khoản nợ đến hạn. Vì vậy, có thể thấy rằng, cơ cấu tài chính của HAGL thể hiện tình hình tài chính không tốt, khả năng chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn kém.
Hệ số khả năng thanh toán nhanh của HAGL nhỏ hơn 1, chỉ đạt 0,98 trong năm 2021 và giảm xuống còn 0,75 trong năm 2022. Giải thích cho điều này đó là tỷ trọng hàng tồn kho trong cơ cấu tài sản ngắn hạn của HAGL chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tài sản ngắn hạn. Thông thường, đối với mọi doanh nghiệp có tính bền vững, khả năng thanh toán nhanh cần > 1. Đối với một vài công ty, thì tỷ lệ tuy < 1 nhưng cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tài sản tạo ra hệ số khả năng thanh toán của HAGL chúng ta có thể thấy, tiền mặt của HAGL rất nhỏ, khoản phải thu lớn nhưng đa phần là thu từ cho vay. Bên cạnh đó, khoản phải thu này có trích lập dự phòng một giá trị lớn trong 2 năm, vì vậy chất lượng khoản phải thu không thực sự tốt. Vì vậy, khả năng thanh toán nhanh của GLHA phụ thuộc rất lớn vào khoản phải thu trên. Do đó, khả năng thanh toán nhanh của HAGL kém do khả năng chuyển hóa thành tiền mặt của khoản phải thu của HAGL không cao trong thời gian ngắn.
Khả năng thanh toán tức thời của HAGL chỉ ở mức rất thấp, đạt 0,02 trong năm 2021 và giảm xuống còn 0,01 trong năm 2022. Điều này cho thấy tiền và tương đương tiền của GLHA rất thấp. Đặc biệt, trong cơ cấu tiền và tương đương tiền của HAGL chỉ bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ở dạng tài khoản thanh toán, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn không có. Đây là đặc điểm chung của những công ty gặp khó khăn về dòng tiền. Do đó, có thể thấy được rằng, dòng tiền của HAGL rất kém, HAGL không có dư tiền để đầu tư vào các khoản mục tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn làm vùng đệm đảm bảo cho khả năng thanh toán đột xuất, đặc biệt là trong những thời điểm kinh tế khó khăn, tình hình hoạt động kinh doanh không tốt. Vì vậy, có thể cho rằng HAGL gặp khó khăn về dòng tiền, khả năng đáp ứng các khoản chi trả tức thời trong thời gian ngắn là rất kém. Trong ngắn hạn, công ty vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính, thanh khoản. Tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của HAGL vẫn là một dấu hỏi mặc dù doanh nghiệp có công bố lãi hơn 1.000 tỷ trong năm 2022.
Khả năng thanh toán lãi vay dựa trên lợi nhuận trước thuế trong năm 2021 < 1, có thể giải thích là năm 2021 công ty kinh doanh thua lỗ, vì vậy lợi nhuận trước thuế và lãi vay không đủ trang trải cho chi phí lãi vay quá lớn. Trong trường hợp này, để đảm bảo khả năng thanh toán, các công ty rất cần lượng tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ với ngân hàng. Tuy nhiên, khoản tiền và tương đương tiền của HAGL trên thực tế cũng rất yếu, vì vậy có thể thấy HAGL có rủi ro thanh khoản rất lớn. Sang năm 2022, hệ số này có sự cải thiện rất lớn, đạt mức 2,3 cho thấy lợi nhuận trước thuế và lãi vay của HAGL đạt ở mức khá cao, khá lớn so với chi phí lãi vay. Như vậy, công ty đã có những hiệu quả đáng kể trong hoạt động kinh doanh. Có thể đáp ứng được các nghĩa vụ về trả lãi ngân hàng và còn dư để nâng cao tính thanh khoản của mình.
Tuy nhiên, khi phân tích khả năng thanh toán lãi vay dựa trên dòng lưu chuyển tiền tệ, chúng ta có thể thấy tình hình thanh khoản của HAGL khá kém so với quan điểm lợi nhuận trước thuế. Lý do là dòng tiền thuần từ HĐKD của HAGL thực sự rất kém. Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD năm 2021 của HAGL thậm chí là âm 640 tỷ do sự tăng mạnh lên của khoản mục phải thu và đầu tư thêm vào hàng tồn kho. Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD năm 2022 của HAGL đã dương nhưng chỉ đạt mức 37 tỷ mặc dù lợi nhuận trước thuế đạt mức khá cao do công ty đã tăng đầu tư vào hàng tồn kho và trả bớt các khoản phải trả,… Việc tăng đầu tư vào hàng tồn kho, giảm bớt các khoản phải trả và bị chiếm dụng thêm khoản phải thu vì vậy đã làm cho dòng tiền thuần từ HĐKD của HAGL rất yếu, có thể dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Đặc biệt, khi xem xét đến khoản mục chi phí lãi vay trong 2 năm ghi nhận ở mức cao, gần 1.00 tỷ mỗi năm nhưng trong mục lãi vay đã trả, HAGL chỉ ghi nhận trả hơn 60 tỷ trong mỗi năm, cho thấy HAGL còn quá hạn, không có khả năng trả hầu hết số tiền lãi của các ngân hàng. Vì vậy, có thể kết luận là khả năng thanh toán của HAGL tiếp tục có vấn đề lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tài chính, HAGL cần xem lại chiến lược đầu tư của mình, nhanh chóng cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại tài sản ngắn hạn, đàm phán gia hạn nợ gốc, lãi và phát hành thêm cổ phiếu để có thêm nguồn tiền nhằm đảm bảo khả năng thanh toán và đầu tư vào các hạng mục chủ yếu của mình để ổn định hoạt động kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc