Tản mạn về huy động vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp

Đăng lúc: Thứ năm - 31/01/2019 15:14
Mỗi doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải có vốn. Vì vậy, khi bắt đầu đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đều phải thực hiện huy động các nguồn vốn khác nhau tạo thành nguồn vốn tiền tệ của mình. Nguồn vốn của doanh nghiệp bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn đi vay.

Vậy, doanh nghiệp nên đưa ra quyết định về huy động vốn như thế nào? Phải chăng doanh nghiệp chỉ cần đến nguồn có chi phí rẻ? Hoặc doanh nghiệp chỉ quan trọng đến quy mô nguồn vốn mà mình sẽ huy động?

Nhu cầu vốn huy động đối với mọi doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Nguồn vốn đối với mỗi doanh nghiệp được ví như những mạch dẫn máu trong cơ thể mỗi con người. Để doanh nghiệp hoạt động tốt, doanh nghiệp luôn phải duy trì lượng vốn cần thiết để giúp đảm bảo tài trợ các nhu cầu về vốn cố định và vốn lưu động. Nếu chỉ cần quan tâm đến quy mô vốn huy động, khi đó doanh nghiệp sẽ có thể huy động được số vốn mà mình mong muốn. Tuy nhiên, việc quá quan tâm tới quy mô vốn huy động có thể sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp, đó là khi chi phí lãi vay quá cao làm cho tỷ suất sinh lời ROAe < chi phí lãi vay.

Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến chi phí vốn (chi phí huy động & chi phí sử dụng vốn), thì chỉ những nguồn vốn có chi phí huy động vốn/chi phí sử dụng vốn thấp được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. Theo quan điểm này, doanh nghiệp sẽ có sự ưu tiên cho việc sử dụng vốn cổ phần do chi phí huy động vốn thấp hoặc chỉ sử dụng vốn vay với mức chi phí lãi vay thấp. Khi đó, doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải bất lợi về tăng trưởng quy mô do nguồn lực tài chính của chủ doanh nghiệp có hạn, hoặc phải chia sẻ quyền kiểm soát doanh nghiệp nếu kêu gọi tài trợ bằng vốn cổ phần. Bên cạnh đó, khi ưu tiên sử dụng vốn cổ phần, doanh nghiệp sẽ không tận dụng được lợi thế của đòn bẩy tài chính khi tỷ suất sinh lời ROAe > chi phí lãi vay.

Một doanh nghiệp cũng như một con người, sẽ có những tiêu chí về các hệ số hoặc số đo để đánh giá sự hiệu quả hoặc tính hấp dẫn. Đối với doanh nghiệp, một trong các tiêu chí quan trọng là cơ cấu nguồn vốn (hay tỷ lệ giữa nợ và vốn), còn đối với con người thì có thể kể đến là số đo 3 vòng. Cùng các giả định như nhau, nếu doanh nghiệp/người nào có cơ cấu nguồn vốn/số đo ba vòng tốt hơn thì doanh nghiệp đó/con người đó có khả năng sinh lời cao/hấp dẫn hơn. Như vậy, nếu doanh nghiệp không sử dụng nợ hoặc sử dụng ít nợ sẽ dẫn đến vấn đề là doanh nghiệp không khuếch đại được tỷ suất lợi nhuận hoặc khả năng khuếch đại tỷ suất lợi nhuận thấp, đặc biệt khi cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp chưa đạt tới cơ cấu nguồn vốn tối ưu.


Tuy vậy, không phải trong trường hợp nào, việc sử dụng nhiều vốn vay đều có lợi. Cụ thể, trong thời điểm nền kinh tế đang đi lên, doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và có thể duy trì được tình trạng trên thì doanh nghiệp nên gia tăng vay vốn đảm bảo cho cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp đạt tới tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn tối ưu để có thể khuếch đại tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu/thu nhập trên 1 cổ phần. Nhưng trong thời điểm nền kinh tế đang đi xuống, khi doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hơn thì doanh nghiệp cần ưu tiên trả bớt nợ để giảm gánh nặng của lãi vay nhằm tránh bị thiệt hại khi doanh thu không bù đắp nổi các khoản chi phí.

Nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến quy mô vốn huy động hoặc chi phí vốn huy động thì doanh nghiệp sẽ không thể nâng cao được hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt là những doanh nghiệp khi huy động vốn để tài trợ vào những dự án mà chưa chắc chắn về tính hiệu quả hoặc khả năng đạt hiệu quả thấp, dẫn đến việc làm ăn thua lỗ hoặc sụt giảm hiệu quả của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng trước mỗi quyết định huy động vốn đó là phải xem việc sử dụng nguồn vốn huy động đó có làm duy trì hoặc nâng cao hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp hay không?

Như vậy, khi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải kết hợp sử dụng cả hai nguồn vốn là nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay đảm bảo cho chi phí vốn bình quân của doanh nghiệp (WACC) càng thấp càng tốt. Đồng thời, trước khi doanh nghiệp định huy động vốn để tài trợ cho dự án/kế hoạch sản xuất kinh doanh nào thì điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm đó là đánh giá hiệu quả của dự án đó một cách chính xác để đảm bảo khi đã đầu tư là sẽ đạt hiệu quả. Hiệu quả ở đây đó là nâng cao hơn được tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu/thu nhập trên 1 cổ phần, hoặc chí ít thì cũng không làm giảm sút 2 chỉ tiêu trên.

Từ đây, chúng ta có thể thấy khái niệm chi phí vốn của doanh nghiệp là tỷ suất sinh lời tối thiểu đạt được từ việc sử dụng nguồn vốn đó để đảm bảo cho tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu hoặc thu nhập trên 1 cổ phần của doanh nghiệp không bị sụt giảm là một khái niệm đã bao trùm rất nhiều góc nhìn khác nhau và rất ý nghĩa cho các nhà quản trị doanh nghiệp trong điều hành và đưa ra các quyết định về tài chính cho doanh nghiệp. Điều này cũng đúng với mỗi con người chúng ta, khi chơi với ai, khi yêu ai, lấy ai hay quyết định làm một điều gì đó thì chắc chắn sau đó mình phải cảm thấy tốt hơn, hạnh phúc hơn đối với quyết định của mình. Và mỗi chúng ta, trước mỗi quyết định làm gì hãy cân nhắc thật kỹ càng và lựa chọn đúng đắn để mọi quyết định đưa ra mình đều cảm thấy đó là một quyết định tuyệt vời.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về website HTNC.VN

Website free tài liệu, đề thi và hỗ trợ giải đáp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thành lập ra nhằm tạo ra sân chơi cho các trí thức, các bạn sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng, kiến thức cơ bản về kinh tế học nhằm nâng cao hiểu...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết