Thị trường ngành dược: bắt bệnh và kê đơn

Đăng lúc: Thứ ba - 07/12/2021 14:57
Ngành dược là một trong các ngành quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là ngành liên quan đến sức khỏe và an toàn tính mạng của con người. Sự phát triển của ngành dược góp phần tạo ra những con người có đầy đủ sức khỏe nhất, giúp ổn định tinh thần của người dân, người lao động, từ đó hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, ngành dược nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ngành dược tại Việt Nam còn nhiều tồn tại và hạn chế. Những tồn tại và hạn chế này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ngành dược mãi không phát triển lớn mạnh được.

Thị phần phân tán, tiềm lực tài chính nhỏ

Theo số liệu từ Cục quản lý Dược, tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GMP. Theo báo cáo của IQVIA, quy mô của ngành Dược đến thời điểm năm 2020 hiện nay khoảng 6,4 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô của doanh nghiệp Dược có tính chất phân tán rất cao, tiềm lực tài chính nhỏ. Doanh nghiệp Dược có quy mô lớn nhất hiện nay là Dược Hậu Giang chỉ chiếm chưa đến 3% trong tổng thị phần ngành dược. Những doanh nghiệp dược trong top 10 còn lại cũng chỉ chiếm tỷ lệ dao động trên dưới 1% thị phần ngành dược [1].

Nếu so sánh với một số ngành khác như ngành sữa hoặc ngành bia, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt khi một vài doanh nghiệp lớn chiếm đa số trong tổng thị phần. Về tổng quy mô thị trường, hai ngành trên cũng có quy mô gần tương đương với ngành dược. Tuy nhiên, trong ngành sữa, ông lớn Vinamilk dẫn đầu với thị phần chiếm tới 43.3% bỏ xa các vị trí tiếp theo, tiếp đến là FrieslandCampina với thị phần là 15,8%, Nuti Food là 7,2%, TH True Milk là 6,1%. Đối với thị trường Bia, Sài gòn Bia hiện đang dẫn đầu thị phần với tỷ lệ là 39,6%, tiếp đến là Heneiken với thị phần là 33,5%, bia Hà Nội là 10,9%, bia Huda là 4,2% qua số liệu báo cáo của Euromonitor trong năm 2019 và 2020 [2], [3].

Nếu so sánh về tổng tài sản, theo số liệu báo cáo tài chính năm 2020 đã được công bố, quy mô tổng tài sản của hai tập đoàn lớn nhất ngành Bia và ngành Sữa lần lượt gấp khoảng 5 và 9 lần so với tập đoàn số một về dược là Dược Hậu Giang. Việc quy mô tổng tài sản và thị phần có sự tập trung trong một số doanh nghiệp lớn đã giúp cho các doanh nghiệp trên có một tiềm lực tài chính to lớn, có khả năng thực hiện những dự án lớn, xây dựng các nhà máy sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, cũng như là thuê các chuyên gia để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận [4], [5], [6].

Đối với ngành dược, sự phân tán cao cùng với tiềm lực tài chính thấp dẫn tới khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, khó khăn trong việc mua các sáng chế về dược, khó nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực về nghiên cứu phát triển sản phẩm, khó nâng cao năng suất và giảm chi phí giá thành.

Đây là điều mà ngành dược cần phải tính đến nếu như muốn tạo ra các sản phẩm dược, thuốc có chất lượng hơn, cao cấp hơn, chủ động hơn về giá thành và giảm giá bán.

Thuốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là những phân khúc giá trị cao

Không những bị phân tán về thị trường, ngành dược phẩm còn có hạn chế lớn là trong tổng quy mô hơn 6,4 tỷ USD thì sản phẩm dược nhập từ nước ngoài chiếm đến hơn 50%, chủ yếu là ở dòng phân khúc cao. Theo lời của một giám đốc ngành thì có những dòng thuốc nhập đến 90%, đặc biệt đối với những loại thuốc đặc trị, biệt dược gốc, tỷ lệ nhập lên đến 99% [7], [8].

Thực trạng trên một phần lớn là từ vấn đề quy mô và tiềm lực quá nhỏ, tác động tới trình độ, khả năng sáng chế và khả năng sản xuất dẫn tới các sản phẩm về dược phẩm do các công ty dược tại Việt Nam chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền) để giải quyết những bệnh lý thông thường [13].

Việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại có thể dẫn tới các vấn đề về nhập thuốc giả, thuốc kém chất lượng, giá thuốc cao do cơ chế độc quyền, tự định đoạt giá của doanh nghiệp nhập khẩu,… Những điều này dẫn tới an toàn về sức khỏe và tính mạng, tiền của và sự an tâm của người dân khi tham gia khám chữa bệnh.

Nhập khẩu dược liệu chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Bên cạnh việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại, ngành dược còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ nước ngoài. Theo báo cáo của FPTS và một số nguồn khác, tỷ lệ nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 80% - 90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Dù nước ta là một nước có nguồn dược liệu rất đa dạng nhưng nhập khẩu dược liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao diễn ra trong nhiều năm do kỹ thuật trồng, kỹ thuật chế biến, chiết xuất dược liệu còn chưa được thực hiện nghiêm túc và có đầu tư đúng mức [8], [9], [12].

Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc và một, hai thị trường vì vậy nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu vì vậy sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường, và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng [8], [9], [10], [11].

Hướng đi nào cho ngành dược trong thời gian tới?

Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có rất nhiều tiềm năng để phát triển do thu nhập người dân ngày càng cao dẫn tới sự quan tâm hơn về chăm sóc sức khỏe. Ô nhiễm môi trường ngày càng cao dẫn tới nhiều bệnh tật, cùng với việc dân số Việt Nam đang ngày càng già hóa, tỷ lệ người già ngày càng gia tăng, cần được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm cao hơn [14].

Qua phân tích ở trên, ta có thể thấy nhược điểm lớn nhất của ngành dược là quy mô quá nhỏ và phân tán cao và những nhược điểm như đã liệt kê ở trên đã dẫn đến nhiều hệ quả về công nghệ sản xuất, khả năng nghiên cứu và sản xuất, đầu tư vùng trồng dược liệu, chất lượng nhân lực,… Vì vậy, để có thể phát triển ngành dược được lớn mạnh, ngành dược Việt Nam cần thực hiện những giải pháp sau:

Giải pháp đầu tiên cần thực hiện là sáp nhập các doanh nghiệp dược với nhau. Để gia tăng quy mô nhanh nhất, việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp dược với nhau để diễn ra các thương vụ sáp nhập một vài doanh nghiệp dược với nhau, hình thành một vài tập đoàn dược quy mô lớn gấp nhiều lần hiện nay là hết sức cần thiết. Việc sáp nhập các doanh nghiệp dược sẽ tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động.

Bên cạnh đó, với cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay thấp của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, sau quá trình hợp nhất có thể tăng vốn thêm bằng cách gia tăng nợ vay. Khi tỷ suất lợi nhuận ở mức cao, tỷ lệ nợ ở mức thấp, các doanh nghiệp cần vay nợ thêm để tận dụng lợi ích của đòn bẩy tài chính nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Nguồn lực tài chính từ nợ vay thể giúp các doanh nghiệp ngành dược đầu tư vào các công nghệ mới, tuyển dụng được những chuyên gia trong ngành và phát triển được mảng nghiên cứu sản phẩm cũng như là dự án trồng dược liệu,… để tăng hiệu quả kinh doanh.

Giải pháp thứ hai là triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ để tạo tiền đề cho phát triển các công ty trong ngành dược.

Giải pháp thứ ba, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.

Ngành dược được đánh giá là ngành phải chịu nhiều thách thức và rủi ro từ sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước, rủi ro về nguyên vật liệu, rủi ro thị trường, rủi ro về kỹ thuật công nghệ, rủi ro đầu tư và thất bại trong nghiên cứu phát triển... Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn đối mặt với các thách thức và rủi ro trên thì ngành dược sẽ mãi manh mún, nhỏ lẻ và khó có thể lớn mạnh, ít nhất là thắng trên chính sân nhà của mình. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cũng như là đóng góp vào GDP thì ngành dược phải được phát triển lớn mạnh, và phải chăng cần có một liều thuốc khá mạnh.
 
Tài liệu tham khảo

[1] https://vietnamreport.net.vn/Top-10-Cong-ty-Duoc-uy-tin-nam-2019-8950-1049.html
[2] https://vneconomy.vn/thi-truong-bia-con-xa-moi-tro-lai-thoi-diem-truoc-covid.htm
[3] https://vneconomy.vn/nganh-sua-nam-2021-se-tang-truong-theo-kich-ban-nao.htm
[4] https://finance.vietstock.vn/DHG/tai-chinh.htm?tab=CDKT
[5] https://finance.vietstock.vn/VNM/tai-chinh.htm?tab=CDKT
[6] https://finance.vietstock.vn/SAB/tai-chinh.htm?tab=CDKT
[7] https://px.pharmacist.vn/toan-canh-thi-truong-duoc-pham-viet-nam-nam-2020-va-du-doan-cho-nam-2021/
 
[8] https://www.dmspro.vn/bao-cao-thi-truong-duoc-pham-2020-va-nua-dau-nam-2021/
[9] http://www.fpts.com.vn/FileStore2/File/2020/04/10/Pharmaceutical_Update_Report_-_Apr2020_108753a8.pdf
[10] https://baodautu.vn/nhap-khau-thuoc-chua-benh-du-kien-dat-35-ty-usd-trong-nam-2020-d117755.html
[11] https://nld.com.vn/kinh-te/hau-het-duoc-lieu-nhap-khau-vao-viet-nam-deu-la-rac-20190116142038479.htm
[12] https://baodantoc.vn/phat-trien-kinh-te-duoc-lieu-vung-dtts-bao-gio-tiem-nang-duoc-danh-thuc-1607327756752.htm
[13] https://tuoitre.vn/viet-nam-phai-nhap-khau-toi-gan-50-duoc-pham-20191216185302351.htm
[14] http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/vi/tin-chi-tiet-dan-so-viet-nam-dang-gia-hoa-voi-toc-do-nhanh-chua-tung-thay-3c268b40.aspx

Bài trên báo kinh tế và dự báo: 
https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-nganh-duoc-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-21293.html

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết