Một mô hình, cơ chế không tốt thì có giáo dục ý thức, trách nhiệm tới mọi cán bộ, giảng viên đến bao nhiêu cũng chỉ là "nước đổ đầu vịt". Chỉ cần thay đổi cơ chế, kết quả sẽ thay đổi, kể cả con người
Tự chủ đại học là một mô hình tiên tiến mà nhiều nước hiện nay trên thế giới đã áp dụng. Những năm gần đây, với mong muốn các trường có thể sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, cùng với ngân sách dành cho giáo dục ngày càng eo hẹp, tự chủ là một xu thế tất yếu đối với các trường đại học, nhất là các trường thuộc khối công lập.
Những trường đầu tiên thực hiện tự chủ đó là các trường đại học vùng như Đại học Quốc Gia HN, Đại học Quốc Gia TP HCM, theo sau đó là các trường đại học như đại học Hà Nội, đại học Ngoại thương, đại học Kinh tế Quốc dân… Nhằm tạo sự chủ động để bắt kịp được với xu thế này thì các trường đại học top dưới cũng đang có sự chuẩn bị cho đề án tự chủ của mình.
Nhiều trường, ngay từ mấy năm gần đây đã thí điểm thành lập các khoa trọng điểm và cho phép tự chủ ở cấp khoa. Trong đó, khoa được phép tự quyết định về chương trình đào tạo, tự chủ về lịch học, lịch thi, tự chủ trong việc trả thu nhập tăng thêm, giờ căng …
Sau đó, có những trường đã mạnh dạn cho phép các khoa tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong khoa và tự chịu trách nhiệm về quy chế trên. Đặc biệt, nhằm tạo động lực cho những cán bộ có năng lực chuyên môn và có khả năng quản lý nhưng chưa được quy hoạch, nhiều trường đã đưa ra giải pháp cho phép thành lập các trung tâm để những cán bộ trên được đứng ra điều hành với cơ chế đặc biệt. Tất cả những chiến lược trên đều là nhằm chuẩn bị cho mô hình tự chủ của các trường trong thời gian sắp tới.
Những bước đi trên của các trường là một sự chuẩn bị khá tốt cho việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ đại học. Nhưng với những trường đại học top dưới, ít danh tiếng, quy mô đào tạo nhỏ dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức khi tiến tới tự chủ.
Vấn đề đầu tiên xảy ra khi tiến hành tự chủ đó là các trường trên phải tự cân đối ngân sách chi tiêu của mình để đảm bảo trang trải cho các chi phí cũng như tích lũy để tái đầu tư. Do đó, học phí tại các trường tự chủ có thể phải tăng lên nhằm đảm bảo chi tiêu cho các hoạt động.
Thực tế mấy năm vừa qua cho thấy, học phí của các trường tiến hành tự chủ tăng lên đột biến và dự kiến sẽ tăng lên sau mỗi năm. Điều này đã dẫn đến sự bức xúc của các sinh viên và phụ huynh do học phí tăng lên nhưng cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo vẫn như cũ. Vì lý do này mà điểm chuẩn của những trường tự chủ đã giảm đôi chút và dự kiến sẽ giảm thêm trong những năm tới.
Việc tăng học phí là điều gần như là tất yếu để nhằm cân đối thu chi và đảm bảo tích lũy để tái đầu tư. Nhưng bài toán ở đây là tăng bao nhiêu và sử dụng nguồn tăng học phí này như thế nào để nâng chất lượng đào tạo lên thì các trường top trên cần phải cân nhắc.
Bên cạnh đó, các trường cần tránh gây bức xúc cho sinh viên, đảm bảo thương hiệu, uy tín cũng như giữ ổn định quy mô về mặt dài hạn, tránh tư duy theo kiểu ăn xổi dẫn đến giảm chất lượng đầu vào do những sinh viên có học lực cao nhưng không đủ điều kiện tài chính để theo học.
Đối với trường đại học top dưới, do danh tiếng chưa có, trước đây tuyển sinh đều bằng điểm sàn hoặc bằng học bạ thì bây giờ sẽ là một vấn đề nan giải. Học phí tăng sẽ làm cho sinh viên đã ít, nay lại càng khó tuyển sinh.
Tuy nhiên, nếu nhà trường không tăng học phí thì nguồn thu từ học phí không tăng khi mà chi phí hàng năm vẫn tăng đều thì có thể nhà trường sẽ phải cắt giảm chi tiêu một số khoản mục. Lượng sinh viên nhập học mỗi năm một giảm do sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn làm cho nguồn thu từ học phí không đủ trang trải cho chi phí hoạt động của nhà trường.
Nguồn thu từ học phí ít cũng là một lý do dẫn đến đầu tư của nhà trường cho cơ sở vất chất, thực hành thực nghiệm của sinh viên ít hơn các trường lớn. Vì vậy, danh tiếng thấp, cùng với chất lượng đào tạo thấp làm cho khả năng sinh viên có việc làm sau khi ra trường là càng thấp. Mức độ hấp dẫn học sinh đăng ký vào học và khả năng cạnh tranh của các trường sẽ ngày càng thấp.
Các trường top dưới thường gắn với những cơ chế quản lý cũ và yếu kém, năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo thường thấp hơn. Thông thường, các hoạt động của khoa và phòng ban rất chồng chéo, rườm rà và đạt hiệu quả không cao, bộ máy phòng ban và khoa cồng kềnh. Nhiều vị trí cán bộ được bố trí chưa đúng với năng lực chuyên môn, nhiều giảng viên thiếu giờ dạy hoặc nhiều chuyên viên các phòng ban không có việc làm do chính sách tuyển dụng đôi khi chưa căn cứ vào nhu cầu hoặc yêu cầu công việc.
Những điều này chủ yếu xảy ra ở các trường thuộc khối công lập do tính trì trệ, chậm đổi mới của những cơ quan có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, tư duy nhiệm kỳ, không cầu thị người tài... Khi tiến tới tự chủ, nếu vẫn giữ cơ chế quản lý cũ sẽ khó để thay đổi được hình ảnh và vị thế của nhà trường.
Trường top dưới thường ít danh tiếng nên không thu hút được giảng viên có chất lượng. Cơ chế tài chính thấp cũng là yếu tố làm cho giảng viên chưa thực sự cống hiến, giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị và chuyên môn cao còn thiếu. Tuy nhiên, nếu được tự chủ về mức chi trả thu nhập cho người có năng lực và thu hút người tài thì nhà trường cũng khó có thể đáp ứng do nguồn tài chính eo hẹp.
Tự chủ đại học, có thể dần dẫn đến tự chủ về thi, tuyển sinh làm tốn kém chi phí hơn khi phải hình thành nên bộ phận xây dựng đề án tuyển sinh riêng, tự ra đề và tổ chức thi tuyển. Những trường đại học có cơ sở chính của nhà trường nằm bên ngoài trung tâm thủ đô, sẽ là một bất lợi khi sinh viên có ưu tiên học tập tại các trường trong nội thành. Một số trường thường có giải pháp là thuê cơ sở vật chất ở nội thành để giảng dạy.
Nhưng khi đó các trường này lại đối mặt với vấn đề là công tác quản lý bị sao nhãng do xa cơ sở chính, hoạt động hỗ trợ cho sinh viên bị hạn chế như thủ tục hành chính; các hội, câu lạc bộ sinh viên hoạt động kém hiệu quả. Chi phí học tập của sinh viên bị đội lên khi phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất dẫn tới vừa giảm chất lượng đào tạo và có thể gây bức xúc trong một bộ phận sinh viên.
Tuy nhiên, không phải cứ là trường top dưới thì đều có những bất lợi. Thực tế, có nhiều trường mới thành lập hoặc trước đây là trường top dưới nhưng họ đã tận dụng được những cơ hội và có những chiến lược phù hợp để bứt phá. Ví dụ như trường đại học công nghiệp Hà Nội, tuy chưa phải là trường nhiều danh tiếng nhưng số lượng sinh viên hàng năm đều ổn định ở mức cao, cơ sở vật chất khang trang sẽ là điều kiện cho nhà trường an tâm tập trung vào nâng cao đội chất lượng ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên.
Hoặc như là trường đại học FPT, với mô hình đào tạo tiên tiến và cơ chế quản lý khoa học, đào tạo chất lượng đi đôi với thực hành đã giúp cho trường ngày càng thu hút được nhiều sinh viên, mặc dù học phí của trường khá cao.
Mỗi trường đều có một lợi thế riêng, điển hình như trường Đại học Công nghiệp Việt Hung, là trường trực thuộc bộ công thương. Đây là trường có yếu tố nước ngoài, là sản phẩm của sự kết hợp giữa Việt Nam và Hungary. Hiện tại, nhà trường có đội ngũ cán bộ trẻ, nhiều tâm huyết, cơ sở vật chất rộng rãi, chi phí học tập thấp.
Bên cạnh đó, nhà trường có liên kết, giao lưu với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn về hợp tác chuyên môn để giúp đỡ, đào tạo các thế hệ sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhà trường có sự quan hệ mật thiết hơn với phía Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam và đất nước Hungary nhằm liên kết đào tạo, hỗ trợ vốn để phát triển nhà trường. Hàng năm, các trường đại học bên Hungary, điển hình là trường BME (đại học kinh tế kỹ thuật Hungary) đều cấp học bổng cho nhiều sinh viên nhà trường sang học tại đó, lấy bằng cử nhân châu Âu. Nhiều giảng viên được tham gia học tập lên tiến sĩ tại Hungary và các nước khác trong khối châu Âu.
Những thuận lợi trên đó sẽ là những đòn bẩy, cơ hội mà các trường top dưới có thể tận dụng được để thay đổi mô hình, tư duy nhằm phát triển và nâng tầm vị thế của mình khi xu thế tự chủ về đại học ngày càng mạnh mẽ và không chờ đợi các trường.
Các trường đại học top dưới vì thế cần tìm ra điểm mạnh của mình, tận dụng các cơ hội và áp dụng mô hình quản lý, đào tạo tiên tiến, tầm nhìn đúng đắn nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả, phù hợp với cơ chế mới nhằm bắt nhịp được với giáo dục hiện đại để đảm bảo tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần có đề nghị với Bộ giáo dục và bộ chủ quản đưa ra cơ chế tự chủ thực sự để các trường quyết tâm thực hiện, tránh kiểu tự chủ nửa vời. Ngược lại, nếu các trường trên không có sự thay đổi nhanh và phù hợp tất yếu sẽ dẫn đến đóng cửa hoặc sáp nhập khi không có đủ khả năng cạnh tranh.
Một mô hình quản lý và giáo dục không tốt, thì có đưa vào bao nhiêu nguồn lực cũng chỉ là đổ xuống sông xuống biển. Một mô hình, cơ chế không tốt thì có giáo dục ý thức, trách nhiệm tới mọi cán bộ, giảng viên đến bao nhiêu cũng chỉ là "nước đổ đầu vịt". Chỉ cần thay đổi cơ chế, kết quả sẽ thay đổi, kể cả con người. Vị thế của nhà trường do đó cũng thay đổi.
Ý kiến bạn đọc