Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 100.000 sinh viên đang du học ở nước ngoài, nhiều gia đình người Việt hiện nay thường không muốn con học đại học hoặc nếu học thì sẽ cho con đi du học nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại có sự lựa chọn như vậy?
Đây có phải là một câu hỏi lớn đặt ra cho hiệu quả trong đào tạo của các trường Đại học, cao đẳng tại Việt Nam? Và nếu như vậy thì đây là lỗi của sinh viên hay của các trường đào tạo? Hay là lỗi của hệ thống từ trên xuống dưới, từ nhà trường, gia đình và cả xã hội?
Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo tràn lan nhiều ngành nghề với quy mô ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sự đầu tư cho nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị phục vụ đào tạo và thay đổi cách thức đào tạo, kiểm tra đánh giá lại chưa được các trường chú trọng và nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, cơ chế đối với người dạy chưa được chú trọng vì vậy chất lượng trong giảng dạy của các giảng viên cũng chưa thực sự được nâng cao, nhiều giảng viên lên lớp vì trách nhiệm là chính, còn lại đều chú tâm đến những lo toan trong cuộc sống, để nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống và dạy dỗ con cái mà quên đi trách nhiệm cao cả của mình là truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng và động viên các em học tập.
Hiện nay, chỉ có số ít trường, trong đó phần lớn là trường theo khối kỹ thuật là vẫn còn khắt khe trong việc đào tạo và đánh giá nên chất lượng sinh viên ra trường có khả năng tìm việc tốt hơn. Còn lại, nhiều trường đại học có lối suy nghĩ theo kiểu tạo điều kiện cho các em có điểm cao, có cái bằng khá giỏi để các em dễ xin việc, trong quá trình học thì động viên các em đi học, đến khi tốt nghiệp thì cố gắng tạo điều kiện cho mọi em sinh viên đều có thể ra trường
Cùng với lối tư duy đó là việc các em sinh viên tại nhiều trường hiện nay cũng luôn muốn điểm cao nhưng phần lớn không có nhiều sự cố gắng, nỗ lực trong học tập và nếu cho các em tự lựa chọn giáo viên thì phần đông các em đều muốn lựa chọn giáo viên dễ dãi trong việc cho điểm cao. Chỉ có số ít các em nhận thức tốt trong việc học tập có mong muốn được học những giáo viên nghiêm khắc, đòi hỏi cao trong quá trình học tập và cho điểm theo đúng năng lực và sự cố gắng của sinh viên.
Thực tế đó dẫn tới các em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường thiếu các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thiếu nền tảng kiến thức chuyên môn và thiếu những kỹ năng thực hành và kinh nghiệm làm việc, là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thất nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại nếu như muốn tuyển dụng các em sau khi tốt nghiệp.
Nhiều em học hành khá, giỏi cũng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy nhiều doanh nghiệp hiện tại cũng mất lòng tin đối với nhiều cơ sở đào tạo. Nhiều em có việc là do quan hệ của bố mẹ, gia đình chứ không phải do khả năng các em tự tìm được. Một bộ phận sinh viên làm trái ngành, tiếp tục học lên cao để trốn tránh thực tại. Gia đình có các em thất nghiệp khi ra trường thì đổ lỗi cho trường học, nhà trường đổ lỗi cho các thầy cô trực tiếp đứng lớp...
Sinh viên ra trường thất nghiệp vì vậy các nhà trường tuyển sinh ngày càng ít hơn, các giáo viên trước đây chỉ có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu thì nay phải gồng thêm trách nhiệm tuyển sinh mà đáng lẽ cái nhiệm vụ này phải là của trung tâm tuyển sinh của nhà trường.
Một vòng luẩn quẩn khó giải quyết được nếu nhà trường không nhận thức lại việc đào tạo từ xây dựng chương trình, xây dựng nội dung giảng dạy, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, tuyển dụng các giảng viên có chất lượng cùng cơ chế đãi ngộ tốt. Đồng thời, trong quá trình đào tạo luôn có sự gắn kết giữa sinh viên và các doanh nghiệp thông qua các buổi hội thảo, trao đổi về chuyên môn, trải nghiệm thực tiễn … thì xã hội ngày càng chảy máu chất xám, các trường mất nguồn thu. Trên hết, đó là viễn cảnh đất nước sẽ ngày càng tụt hậu và khó phát triển mặc dù có số lượng giáo sư, tiến sĩ và trên đại học nằm trong top đầu của khu vực.
Thiết nghĩ những vấn đề như vậy khó có thể cải thiện và giải quyết trong một sớm một chiều nên nhiều phụ huynh học sinh hiện nay thường có xu hướng cho con cái của mình đi du học theo kiểu tự túc, mặc dù chi phí học tập có thể khá đắt đỏ so với trong nước nhưng các em khi đi du học sẽ có cơ hội nắm bắt những kiến thức hiện đại, được học tập trong những điều kiện đầy đủ và thực sự nghiêm túc.
Bên cạnh đó, các em có thể hiểu được những lối sống, những nền văn hóa, ngôn ngữ của các quốc gia đó và thông qua đó có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về cuộc sống và đưa ra lựa chọn cho bản thân sau khi học tập.
Ngoài ra, các em còn có cơ hội làm thêm trong khi học tập tại nước ngoài để trang trải chi phí học tập và có cơ hội làm việc tại đó sau khi học tập hoặc học tiếp lên cao. Nếu có trở về thì với cái mác bằng nước ngoài các em cũng có thể dễ xin việc hơn trong một cái xã hội sính bằng cấp như hiện nay. Và như vậy, du học có phải là sự lựa chọn của những người thông minh?
Ý kiến bạn đọc