Không ai đủ mạnh mẽ để chấp trì chân lý giữa lắm giả tạo, lừa lọc và bất công ngày nay, nhưng tôi cho rằng đó là cách sống đẹp mà chúng ta cần hướng tới
Tôi vẫn nhớ cái ngày đau khổ nhất trong cuộc đời mình, khi mà tôi bế tắc đến cùng cực, cuộc đời như tối sầm trước mắt một con bé sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo bước lên Hà Nội học. Với không chút kinh nghiệm sống, tôi ngây thơ non nớt và trải qua không ít thăng trầm, những bước ngoặt, những cám dỗ, cuốn tôi đi vào một mê cung lạc lối.
Tôi loay hoay với những khao khát nguyên sơ của một đứa trẻ chưa biết đến sự trừng phạt của đời, của sự bồng bột và thiếu kỹ năng sống. Rồi với sự bế tắc đó, tôi dần đánh mất chính mình và cuốn vào trò chơi quyền lực lúc nào không hay.
Đã có lúc tưởng như thành công, đứng trên đỉnh cao của danh vọng, nhưng đó lại là lúc tôi mất hết mọi thứ và mệt mỏi không còn tìm thấy chút bình yên, hạnh phúc trong đời mình.
Tôi là một đứa thích đọc sách, đặc biệt là tâm lý và triết học vì những tác phẩm đó là đúc kết kinh nghiệm của cả một đời người và giúp ta tìm ra lối thoái cho riêng mình.
Vào lúc tối tăm và bất lực với đời mình như thế, trong một buổi chiều lang thang ngoài hiệu sách, tôi vô tình tìm được cuốn "Vui vẻ và hạnh phúc tới từ bên trong" của tác giả Osho, một nhà triết học phương Đông gây nhiều tranh cãi trái chiều trong giới phê bình. Lúc ấy, những tư tưởng của ông như một làn gió khiến tôi hoàn toàn thoát khỏi con ngõ cụt của đời mình.
Tôi thích nhất câu này của ông "không có gì khiến người ta thất bại như thành công" vì không chỉ ông, mà rất nhiều những nhà triết gia khác đều cho rằng, danh vọng là thứ ảo ảnh khiến con nguời ta phải trả giá đắt và hão huyền nhất trên đời.
Tôi như bừng tỉnh, thứ danh vọng tôi có được, nó phải đến từ việc cho đi và cống hiến. Nhưng khi nó nuôi dưỡng cái tôi của mỗi con người, khiến ta đam mê mù quáng và dùng thủ đoạn để giữ được, thì khi ấy trí thông minh đã biến thành sự xảo quyệt và khiến ta đánh mất chính mình.
Quan điểm của ông là sống thật là chính mình, là không chấp ngã và sống với giây phút hiện tại. Đôi khi, sự vui vẻ hay bất hạnh chỉ là sự lựa chọ và chính lòng tham là thứ khiến ta lạc lối.
Tuy nhiên, có một quan điểm ở ông mà tôi không đồng tình. Ông cho rằng sống là chính mình, và có gì đó vượt lên trên cả luật nhân quả. Tôi cho rằng với xã hội ngày nay, nếu ta chỉ biết hành xử theo ý muốn mà không quan tâm đến cảm nhận của người khác thì ta không thể tồn tại.
Sống là cần sự hòa nhập, cần nghệ thuật, và trên hết phải biết rèn giũa bản thân bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Với vấn đề này, tôi lại rất ngưỡng mộ cách sống của Gandhi, người đã đề xướng nguyên lý bất bạo lực với tên gọi chấp trì chân lí để đem ánh sáng cho toàn thể nhân dân Ấn Độ khỏi thực dân Anh. Bởi sân giận, oán thù không bao giờ có thể giải quyết mọi chuyện.
"Ăn miếng trả miếng chỉ khiến cả thế giới này mù". Chỉ có tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương mới rèn giũa được một con người. Nếu như trong xã hội ngày nay, các bạn trẻ được học cách hướng tới chân thiện mỹ, và đối xử với nhau qua đạo đức và sự trung thực, thì có lẽ rất nhiều tệ nạn và những vấn đề bức bối có thê được đẩy lùi.
Không ai đủ mạnh mẽ để chấp trì chân lý giữa lắm giả tạo, lừa lọc và bất công ngày nay, nhưng tôi cho rằng đó là cách sống đẹp mà chúng ta cần hướng tới để có một xã hội văn minh và cạnh tranh lành mạnh.
Ý kiến bạn đọc