Điểm số nhỏ, vấn đề lớn

Đăng lúc: Thứ năm - 28/07/2016 10:28
Lòng tự tôn của dân tộc không có nghĩa là tự phát triển ra bản sắc mà đó còn là sự tiếp thu những văn minh, tiến bộ của nhân loại để tạo ra các giá trị tốt đẹp
       Giảng viên là người có tác động đến sinh viên trong rất nhiều mặt. Đơn giản nhất chúng ta có thể thấy được đó là kiến thức truyền đạt cho các em sinh viên. Ngoài ra có thể kể đến đó là đạo đức, nhân cách của sinh viên và thái độ đối với cuộc sống, công việc.
        Trong các yếu tố đó, chúng ta không thể không kể đến một yếu tố tác động rất lớn đối với sinh viên trong quá trình giảng dạy của giảng viên, đó là điểm số.
        Điểm số tác động đến chất lượng của bằng cấp, từ đó mang lại cho sinh viên cơ hội tìm việc, đánh giá, tôn trọng của mọi người, của xã hội tới khả năng, nỗ lực của sinh viên.
       Bên cạnh đó, điểm số còn tác động đến thái độ của sinh viên với việc học và thông qua đó có thể góp phần hình thành nhân cách, tư tưởng, lối sống của sinh viên trong quá trình học tập và làm việc sau khi ra trường.
       Lâu nay, tại nhiều trường đại học, vấn đề tiêu cực về điểm số là một nhức nhối, ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Ban lãnh đạo nhiều trường tuy đã có nhiều biện pháp mạnh để nhằm làm giảm thiểu tình trạng tiêu cực nhưng hiện tượng tiêu cực trong đánh giá điểm số của giảng viên với sinh viên vẫn là vấn đề nổi cộm của dư luận sau mỗi kỳ thi.
      Thực tế, tại các trường cho thấy, một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay chưa thực sự chăm học, nghiêm túc trong học tập và thi cử. Nhiều em mải chơi, chưa nhận thức tốt về học tập, cuộc sống và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hiện tượng này càng phổ biến tại các trường đại học top dưới, nơi mà các em sinh viên có chất lượng đầu vào thấp hơn.
      Do nhận thức lệch lạc về học tập và cuộc sống nhưng lại muốn tốt nghiệp ra trường và có tấm bằng đẹp. Vì vậy, không ít các sinh viên trong quá trình học tìm đủ mọi cách để tiếp cận thầy cô nhằm xin được đề thi, nội dung thi, được nâng đỡ trong khi học. Có những trường hợp khi đi thi kết quả vẫn chưa được tốt, lại xin thầy cô được viết thêm vào bài thi hoặc được nâng đỡ trong quá trình chấm bài thi.
      Việc tiêu cực này nó không thể xảy ra nếu không có sự thỏa hiệp của các giảng viên giảng dạy. Một bộ phận lớn các thầy cô giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học hiện nay không thể cưỡng lại được những cám dỗ về vật chất. Nhất là khi điều kiện kinh tế của mình còn nhiều thiếu thốn. Một số giảng viên có suy nghĩ lệch lạc theo kiểu “làm nghề nào, ăn nghề nấy”, cho rằng việc sinh viên “điểm danh” như vậy là chuyện đương nhiên. 
Tại một số trường, có hiện tượng giáo viên có tư tưởng xây dựng một vài em làm đầu mối để gợi ý các sinh viên khác.
      Nhiều giảng viên không được sinh viên “điểm danh” còn cảm thấy hụt hẫng và bức xúc. Nhiều giảng viên vì thế đã có những chiêu bài như điểm danh nhiều trên lớp, ra đề khó, thái độ gợi ý, cho điểm thấp nhằm để sinh viên “bắt sóng”. Có trường hợp một cô giáo dạy tại trường đại học danh tiếng ở Hà Nội cho biết, mấy năm trước, hồi cô còn giảng dạy tại đó, nhiều giáo viên trung bình mỗi tháng nhận được khoảng 40 triệu đồng tiền quà từ các sinh viên. 
      Qua mỗi kỳ thi, sinh viên các trường lại cập nhật thêm được tình hình giá cả của điểm số mỗi môn học. Các khóa trước truyền khóa sau về giá cả, cách thức tiếp cận. Các sinh viên thường xuyên cập nhật tạo thành một “cẩm nang giao dịch” để đối phó với các thầy cô khi có điều kiện.
      Những sinh viên nào sau kỳ thi đã đi “điểm danh” mà không được như ý hoặc bị trù dập khi không đi “điểm danh” lại có những ý kiến, đơn từ lại rùm beng lên tại một số trường. Qua các sự vụ trên, hình ảnh ngành giáo dục ngày càng bị nhem nhuốc và mất đi tính thiêng liêng, cao quý. Lâu dài, tiêu cực của giáo dục sẽ là những hòn đá tảng cản trở sự phát triển của kinh tế đất nước và ổn định, văn minh của xã hội. Vậy, đâu là nguồn gốc của vấn đề trên?
      Đầu tiên, có thể kể đến là những người có tính chất quyết định cao nhất trong việc này, đó là người thầy. Người thầy trong vấn đề này đã mất đi tính nghiêm túc trong việc cầm cân nảy mực khi đánh giá, cho điểm sinh viên. Nếu như người thầy có nhận thức đúng đắn thì chuyện tiêu cực như trên sẽ khó mà xảy ra được.
      Ngoài vấn đề tiêu cực để tư lợi, người thầy còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố về mối quan hệ như có họ hàng, người quen, thậm chí là sếp nhờ vả khi giảng dạy. Để từ chối giúp đỡ những đối tượng trên là rất khó. Hiện tượng này xảy ra phổ biến hơn tại các trường top dưới khi nhà trường thường có yêu cầu mọi cán bộ, giảng viên phải tham gia công tác tuyển sinh.
      Nhân tố tiếp theo đó chính là các em sinh viên. Do nhận thức sai lệch về học tập và cuộc sống, dẫn đến các em chưa có sự nỗ lực trong học tập. Để có thể tốt nghiệp ra trường và có điểm cao đã làm cho các em có những hành vi không đúng. Bên cạnh đó, một số em sinh viên dù cố gắng nhưng chưa nhận được kết quả tương xứng thì lý do đó là các em chưa có những cách thức xử lý hợp lý và thẳng thắn trong quá trình học tập và thi cử.
     Nhận thức của bố mẹ chưa tốt trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái còn có những lệch lạc, nhất là về nhìn nhận xã hội và cuộc sống tạo cho các em cách nhìn nhận tiêu cực. Bên cạnh đó là nhận thức, trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục của các cơ sở đào tạo và các tổ chức xã hội mà sinh viên tham gia. Có những lãnh đạo các trường ép các giảng viên phải cho điểm cao cho các sinh viên để sinh viên có bằng đẹp nhằm dễ xin việc hơn, dù năng lực và sự cố gắng của sinh viên là rất hạn chế.
     Tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu và thờ ơ của nhiều cán bộ công chức, lãnh đạo và sự xuống cấp của đạo đức và các giá trị xã hội dẫn tới sự mất niềm tin vào cuộc sống của một bộ phận lớn người dân. Những vấn đề này nó còn tác động làm xuống cấp về nhận thức, đảo lộn các giá trị văn hóa và tư tưởng của người dân, tạo nên những nhìn nhận, lối suy nghĩ tiêu cực, cá nhân trong mỗi con người.
      Những vấn đề tiêu cực trên về lâu dài nó sẽ có những hệ lụy xấu cho xã hội. Đối với các em sinh viên, việc gian lận trót lọt dẫn đến sự chuyển biến trong tâm lý, tình cảm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ các em sinh viên. Khi đó, các em không tự nỗ lực phát huy năng lực học tập của mình, thay vì giúp đỡ nhau và quan hệ với nhau dựa trên tình cảm thì có thể các em lại suy nghĩ tiền bạc mới là yếu tố quyết định.
     Tệ hại hơn là khi các em ra trường đi làm. Khi đó, những tư tưởng về sử dụng tiền bạc, quan hệ để thay thế cho năng lực chuyên môn, quan hệ xã hội sẽ làm cho kinh tế khó phát triển, xã hội ngày càng bất ổn. Nhất là những sinh viên ra làm trái ngành, thất nghiệp do năng lực kém.
      Một bộ phận các sinh viên có năng lực thiếu động lực học tập do môi trường, hoàn cảnh và sự thiếu nhiệt tình của thầy cô trong quá trình giảng dạy.

       Các giảng viên nỗ lực về chuyên môn và nhiệt tình trong giảng dạy không còn nữa. Động lực khi đó chính là giá trị của những phần quà mà sinh viên có thể đem lại. Hệ lụy của nó là làm cho các thầy cô lười nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy và mất đi lương tâm nghề nghiệp.
      Để khắc phục tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên là từ mỗi con người, mỗi gia đình. Gia đình là nơi giáo dục, dạy dỗ các em, giúp các em có nhận thức đúng đắn trong học tập, quan hệ xã hội và thái độ đối với bản thân, xã hội và đất nước.
     Các nhà trường cần thay đổi nhận thức về phương pháp giáo dục, đào tạo đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan trong quá trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng. Cụ thể, các nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức thi cử, tổ chức các buổi hội thảo về nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học…, lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát quá trình học tập và thi cử để sinh viên nhận thức đúng về học tập và nâng cao năng lực bản thân.
       Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo ra cơ chế, môi trường năng động, cơ chế thu nhập, làm việc để các cán bộ, thầy cô an tâm cống hiến. Trong đó, chú trọng tăng cường năng lực làm dự án trong nước và quốc tế cho giảng viên nhằm nâng cao thương hiệu nhà trường và nâng cao thu nhập cho giảng viên.
     Các thầy cô cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong giảng dạy và đào tạo. Năng lực giảng dạy, cống hiến không chỉ từ thu nhập mà nó còn là trách nhiệm, uy tín và đo lường giá trị của mỗi cá nhân. Mỗi thầy cô cần thương xuyên tu dưỡng đạo đức, nâng cao công tác chuyên môn, nghiên cứu để có thể tạo ra những nguồn thu nhập từ các dự án, đề tài nhằm tự nâng cao thu nhập bản thân để vững vàng trước mọi cám dỗ.
      Nhà nước và các cấp chính quyền cần ban hành các luật, chế tài đảm bảo nghiêm khắc, công bằng, minh bạch, tính chịu trách nhiệm và thực sự trong sạch nhằm tạo hình ảnh một xã hội tốt đẹp, văn minh. Đồng thời, kết hợp việc tuyên truyền, giáo dục người dân giúp người dân nhận thức lại các giá trị văn hóa đúng đắn và nhân văn.
      Bên cạnh đó, nhà nước cần học tập những phương pháp giáo dục tiến bộ của các nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Lòng tự tôn của dân tộc không có nghĩa là tự phát triển ra bản sắc mà đó còn là sự tiếp thu những văn minh, tiến bộ của nhân loại để tạo ra các giá trị tốt đẹp.
      Mọi giá trị tốt đẹp không tự nó đến với chúng ta. Để có nền giáo dục đại học tốt và tạo ra những con người có năng lực và nhân văn, chúng ta cần học cách nhìn thẳng vào vấn đề và quyết tâm thay đổi. Khi đó, con người, nền giáo dục, đất nước mới có thể tốt đẹp, phát triển và văn minh hơn.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết