Báo cáo tài chính dưới góc nhìn Warren Buffett

Báo cáo tài chính dưới góc nhìn Warren Buffett

 

Một quy luật mà các nhà đầu tư thường áp dụng trên thị trường chứng khoán đó là mua vào khi có tin tốt và bán ra khi có tin xấu. Nếu một cổ phiếu nào đó không có sự biến động trong vòng một vài tháng thì họ sẽ bán đi và tìm cổ phiếu khác. Việc mua hay bán cổ phiếu căn cứ vào tốc độ tăng hay giảm của từng loại cổ phiếu.

Họ không quan tâm đến tình hình tài chính của mỗi công ty. Vấn đề của họ quan tâm đó là liệu giá cổ phiếu lên hay xuống trong ngắn hạn mà thôi. Vì vậy, khi thị trường giảm điểm, những nhà đầu tư cá nhân, tổ chức thường nhanh chóng bán đi các cổ phiếu của mình, trong đó có những cổ phiếu có triển vọng dài hạn.

Tuy nhiên, với Graham, thì ông lại có suy nghĩ khác. Là một nhà đầu tư theo trường phái giá trị, quy luật mà ông áp dụng là quy luật 50%. Quy luật đó cho biết, một nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu có giá thị trường chỉ bằng 50% giá trị thực và sẽ bán chúng khi giá tăng 50%. Tuy nhiên, những cổ phiếu nào không tăng giá sau 2 năm thì ông sẽ bán bỏ và tìm cổ phiếu khác. Ông không quan tâm đến việc cổ phiếu đó sẽ như thế nào sau 10 năm.

Warren, một người đi sau và theo trường phái giá trị của Graham. Qua thực tế đầu tư, ông đã phát hiện ra những sai lầm trong chiến lược đầu tư cổ phiếu của Graham. Vì vậy, ông quyết tâm cải thiện hiệu quả của hoạt động đầu tư bằng việc tìm hiểu các đặc tính của những công ty mà Graham đã lựa chọn để đầu tư. Câu hỏi mà ông đưa ra là vì sao mà những công ty trên lại trở nên hấp dẫn trong dài hạn?

Qua thực tế phân tích, ông nhận thấy những công ty có sự hấp dẫn trong dài hạn là những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững làm cho giá trị của nó có thể liên tục tăng trong nhiều năm. Vậy những công ty này là những công ty như thế nào?
 
Warren cho rằng, những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, có những đặc điểm chung, đó là: Họ kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, duy nhất; họ là những công ty có thể mua nguyên vật liệu đầu vào với chi phí thấp và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mà công chúng luôn có nhu cầu.

Tính bền vững của một công ty, theo Warren được thể hiện ở sự nhất quán trong các báo cáo tài chính. Những điểm cho thấy sự nhất quán trong báo cáo tài chính có thể kể đến đó là lợi nhuận gộp luôn đạt mức cao, hệ số nợ thấp, chi phí nghiên cứu phát triển thấp, lợi nhuận tăng trưởng ổn định… Những chi tiết trên thể hiện rất rõ ràng trong các báo cáo tài chính của một công ty.

Đối với báo cáo kết quả kinh doanh, nhà đầu tư cần quan tâm đến tỷ suất ROS, ROE và xu hướng biến động của lợi nhuận. Trong đó, nguồn gốc của lợi nhuận rất được chú trọng, được quan tâm hơn bản thân số lợi nhuận đó. Nguồn gốc của lợi nhuận cho biết lợi nhuận của công ty được tạo ra từ hoạt động nào, từ đó cho thấy công ty đó có bền vững hay không?

Một đặc điểm quan trọng của công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững là công ty có tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định và tỷ lệ này lớn hơn mức 40%. Bên cạnh đó, trong tổng số lợi nhuận gộp, tỷ lệ về chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí nghiên cứu và phát triển chiếm tỷ lệ từ 30% đến tối đa là 80%. Những công ty có chi phí nghiên cứu và phát triển lớn sẽ là những công ty có thể bị đánh mất lợi thế cạnh tranh trong một vài năm khi bằng sáng chế hết hạn hoặc công nghệ lạc hậu. Vì vậy, chi phí này là một nội dung quan trọng mà các nhà đầu tư cần chú ý.

Những công ty có tỷ lệ khấu hao trên lãi gộp thấp chứng tỏ những công ty này không phải đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị máy móc và nhà xưởng mới. Do đó, tỷ lệ khấu hao trên lãi gộp của những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững thường thấp hơn so với các công ty bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt.

Chi phí lãi vay cao sẽ làm ăn mòn lợi nhuận của các công ty. Đồng thời, lãi vay cao dẫn đến khả năng thanh toán nợ của các công ty kém do các công ty trên phải vay nợ nhiều. Vì vậy, một công ty có lợi thế cạnh tranh đồng thời là công ty thường ít có hoặc không có chi phí lãi vay.

Lợi nhuận được xem xét trên cơ sở sau thuế chính là lợi nhuận thuần. Chỉ tiêu này là chỉ tiêu có tính chất rất quan trọng, cho biết công ty làm ra bao nhiêu tiền sau khi trả hết các khoản chi phí và thuế. Khi phân tích, các nhà đầu tư cần đánh giá chỉ tiêu này trong mối liên hệ nhiều năm để biết được xu hướng biến động của tỷ suất lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến tỷ suất ROS.

Thực tế cho thấy những công ty có tỷ suất ROS cao hơn 20% là những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Đối với những công ty có tỷ suất ROS trong khoảng từ 10% đến 20%, cũng có thể là những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững nếu những yếu tố khác tương đồng. Những công ty có tỷ suất ROS nhỏ hơn 10% là những công ty đang kinh doanh trong lĩnh vực có sự cạnh tranh cao vì vậy nhà đầu tư nên bỏ qua.

Đối với bảng cân đối kế toán, lượng tiền mặt lớn có được bởi một ngành kinh doanh liên tục tạo ra số tiền nhiều hơn chi phí bỏ ra cho thấy đây là một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Cùng với việc có ít nợ hoặc không có nợ sẽ giúp cho công ty có thể tồn tại được trong những giai đoạn khó khăn.

Đối với hàng tồn kho, dấu hiệu nhận diện được thể hiện ở những công ty có lượng hàng tồn kho và lợi nhuận thuần tăng trưởng tương ứng. Việc tăng giảm bất thường của hàng tồn kho qua các năm cho các nhà đầu tư biết đây là một công ty đang kinh doanh trong lĩnh vực có sự cạnh tranh cao. Sự ổn định của tỷ lệ khoản phải thu cùng với một tỷ lệ khoản phải thu thấp trong ngành cũng là một dấu hiệu cho thấy công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững.
 
Kết hợp các khoản mục tiền, hàng tồn kho và khoản phải thu ta sẽ được tổng mục tài sản lưu động. Tổng tài sản lưu động khi so sánh với nợ ngắn hạn sẽ cho biết doanh nghiệp có khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tốt hay không. Đối với một công ty cạnh tranh bền vững, tài sản lưu động sẽ luôn lớn hơn nợ ngắn hạn, do đó chỉ số này sẽ luôn lớn hơn một.
 
Một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ không phải liên tục nâng cấp máy móc, nhà xưởng. Vì vậy, tài sản cố định của những công ty này biến động không nhiều qua các năm. Tỷ lệ khấu hao trên lợi nhuận gộp lớn hay việc luôn phải thay thế nhà xưởng, máy móc để đảm bảo tính cạnh tranh là những công ty ít có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn gốc của việc thay thế nhà xưởng cũng là một điều nhà đầu tư phải quan tâm. Nếu sự thay thế nhà xưởng có được từ nợ vay nhiều chứng tỏ công ty ít có lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, công ty có thể tự tài trợ cho việc thay thế nhà xưởng và mua thiết bị mới là công ty có tính cạnh tranh bền vững.

Lựa chọn đầu tư dài hạn vào các công ty có tính cạnh tranh bền vững cũng là một yếu tố của những công ty mà nhà đầu tư cần quan tâm. Vì vậy, chúng ta cần xem xét kỹ xem những khoản đầu tư dài hạn của công ty cụ thể gồm những khoản gì, ở đâu để biết được quan điểm cũng như năng lực của bộ máy quản lý của công ty. Tỷ suất ROA của công ty càng cao sẽ là càng tốt. Đối với một công ty có tính cạnh tranh bền vững thì công ty đó sẽ luôn có tỷ suất ROA cao.

Khi nói đến các nguồn tài trợ của công ty, ông cho rằng việc sử dụng các nguồn tài trợ ngắn hạn, sẽ giúp cho các công ty giảm chi phí lãi vay. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến các rủi ro về lãi suất khi lãi suất tăng lên và rủi ro thanh khoản khi công ty phải thanh toán cho các khoản nợ đến hạn. Bên cạnh đó, nếu nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn sẽ làm gia tăng thêm rủi ro cho công ty. Vì vậy, việc có ít có hoặc không có nợ dài hạn là một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững. Vậy, tỷ lệ nợ ngắn hạn và dài hạn nên như thế nào và nên chiếm bao nhiêu % trong tổng nguồn vốn?

Theo Warren, một công ty có hệ số nợ thuộc nhóm có lợi thế cạnh tranh bền vững khi hệ số nợ ở mức độ nhỏ, giúp công ty có thể chống đỡ trong những thời điểm khó khăn. Qua nghiên cứu, ông cho biết, đối với các công ty thông thường, hệ số nợ trên tổng nguồn vốn phải nhỏ hơn 45%. Đồng thời, tại những công ty này, tỷ lệ nợ ngắn hạn ít hơn nợ dài hạn và ít hơn tài sản ngắn hạn để giảm thiểu những rủi ro trên.

Khi xem xét đến nguồn vốn chủ sở hữu, những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững cho thấy đó là công ty không phát hành cổ phiếu ưu đãi. Tỷ lệ tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng cho biết đây có phải là một công ty tốt hay không. Việc gia tăng tỷ lệ lợi nhuận sau thuế hàng năm cho thấy đây là công ty luôn làm ăn có lãi và việc lợi nhuận được giữ lại sẽ giúp công ty có thêm nguồn vốn để đầu tư vào các cơ hội sinh lời tốt.

Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, việc đảm bảo dòng tiền từ các hoạt động phải dương để đảm bảo gia tăng lượng tiền mặt trong kỳ thì vấn đề sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng là dấu hiệu cho biết đây có phải là công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không?

Thay vì trả cổ tức thì những công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn sẽ ưu tiên việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình hoặc sử dụng để mua cổ phiếu quỹ. Đó là những hoạt động giúp làm gia tăng lợi ích của các cổ đông. Bên cạnh đó, n
hững công ty sử dụng dưới 50% số lợi nhuận của mình để đầu tư cho các tài sản dài hạn phục vụ hoạt động kinh doanh sau đó được coi là công ty thuộc nhóm có lợi thế cạnh tranh bền vững.

Vậy, đâu là cách mà Warren mua vào hay bán ra các cổ phiếu, công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững?

Theo Warren, những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững thì các công ty này sẽ hiếm khi bán ra chứng khoán, trừ trường hợp ở mức giá hời. Vì vậy, thời điểm mua vào cổ phiếu của những công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững là tại những thời điểm thị trường đầu cơ giá xuống.
 

Một công ty nếu được cho là có lợi thế cạnh tranh bền vững dài hạn thì theo Warren là không bao giờ các chủ sở hữu quyết định bán đi cổ phiếu đang nắm giữ. Việc bán đi cổ phiếu của những công ty này chỉ xảy ra trong những trường hợp khi cần tiền để đầu tư vào công ty tốt hơn với mức giá tốt hơn hoặc khi công ty đang đánh mất lợi thế cạnh tranh bền vững hoặc khi có sự đầu cơ giá lên dẫn đến giá cổ phiếu tăng kịch trần, vượt quá xa thực tiễn kinh tế dài hạn của doanh nghiệp. Khi đó việc bán đi cổ phiếu của công ty này để có tiền đầu tư vào cơ hội tốt hơn là hợp lý.

Những điều trên chính là góc nhìn của Warren Buffett. Nhờ vào góc nhìn này mà Warren đã trở thành một nhà đầu tư huyền thoại. Và đây chính là cách đầu tư không bao giờ lỗ.