Hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp P4

Hướng dẫn phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp P4

c. Hàng tồn kho
- Hàng tồn kho của một doanh nghiệp thường bao gồm: 
+ Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ
+ Hàng hóa, thành phẩm
+ Sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang
- Quy mô Hàng tồn kho của doanh nghiệp phụ thuộc vào những yếu tố sau:
+ Chính sách tồn kho: Găm hàng, đầu cơ hay bán sang tay,...
+ Đặc điểm ngành nghề: Ngành bán buôn, bán lẻ, ngành sản xuất, dịch vụ, ngành thâm dụng vốn, vòng quay chậm
+ Đặc tính thời vụ: Vào lúc thời vụ thì nhiều hàng, hết vụ thì ít hàng
+ Chất lượng hàng hóa
+ Chu kỳ kinh doanh, chu kỳ sống của sản phẩm: Giai đoạn bắt đầu chu kỳ sống hoặc lúc kinh tế đi lên, có thể DN găm nhiều hàng để bán, giai đoạn kinh tế khó khăn, sản phẩm vào giai đoạn suy thoái thì hàng tồn kho ít...
+ Khả năng quản trị hàng tồn kho
+ Chiến lược kinh doanh: Thay đổi từ sản xuất sang kinh doanh hoặc ngược lại,...
+ Tính chất hàng hóa: Ngành ít bị lỗi thời, lỗi mốt, khả năng lưu kho, bảo quản tốt hoặc ngược lại,...
+ Hoạt động kinh doanh được mở rộng,...
Doanh nghiệp cần phải nắm rõ được trong hàng tồn kho thì khoản mục nào chiếm tỷ trọng lớn và nguyên nhân là gì, biến động tăng qua thời gian do yếu tố nào để có nhận xét, đánh giá đúng được tình hình nhằm đưa ra giải pháp hợp lý.
Số vòng quay hàng tồn kho lớn, thời gian tồn kho ngắn không chỉ thể hiện doanh nghiệp đang tăng hiệu quả sử dụng vốn mà còn cho thấy tình hình thị trường, tiêu thụ sản phẩm của công ty đang thuận lợi.
Tuy nhiên nếu vòng quay quá cao so với mức bình quân của ngành cũng như trong thời gian hoạt động vừa qua của công ty, thì cần xem xét lại khâu cung cấp, dự trữ NVL, thành phẩm dự trữ để đảm bảo luôn trữ đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất cung như nhu cầu nhập hàng của bạn hàng, đặc biệt với các khách hàng xuất khẩu, các công ty thực hiên đơn hàng gia công với nước ngoài.
Nếu lượng hàng tồn kho lớn, vòng quay hàng tồn kho giảm, thời gian luân chuyển kéo dài thì cần kết hợp với các yếu tố, chỉ tiêu khác để có kết luận về tình hình dự trữ hàng tồn kho của công ty:
- Xem xét tính mùa vụ trong kinh doanh
- Các nhóm sản phẩm, vật liệu tồn kho đang tăng 
- Doanh thu bán loại hàng đang có xu hướng tồn kho lớn 
- Tình hình cung ứng, tiêu thụ, giá cả của mặt hàng đó trên thị trường,  các đối thủ cạnh tranh, giá cả, chất lượng sản phẩm thay thế, thị hiếu tiêu dùng
- Chính sách tồn kho: Do giá cả đang có xu hướng tăng nên doanh nghiệp tích trữ hàng, chuyển từ phương thức kinh doanh bán sang tay sang đầu cơ tích trữ
- Do hoạt động kinh doanh được mở rộng
- Do chuyển đổi từ kinh doanh sang sản xuất
- Do thay đổi công nghệ sản xuất
Cán bộ đề nghị cung cấp các số liệu, thông tin sau:
- Cơ cấu hàng tồn kho: NVL, công cụ/dụng cụ, hàng hoá thành phẩm  theo số lượng, giá trị
- Doanh số nhập - xuất hàng tồn kho, chi tiết phát sinh nợ - có từng loại hàng tồn kho lớn theo giá trị, số lượng: phát sinh nợ tồn kho NVL phản ánh chính sách duy trì tồn kho, phát sinh có tồn kho NVL phản ánh khả năng sản xuất, phát sinh có tồn kho thành phẩm phản ánh khả năng tiêu thụ hàng
- Phần mềm theo dõi hàng tồn kho, cách thức quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp, chính sách duy trì hàng tồn kho
- Điều kiên kho bãi, chất lượng hàng tồn kho
- Yêu cầu đánh giá: Xác định giá trị hàng tồn khó ứ đọng, kém, mất phẩm chất. So sánh số đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số phải trích theo quy định của chế độ tài chính doanh nghiệp hiện hành.
- Phương pháp đánh giá: Xem chi tiết TK 152 (nguyên vật liệu); TK 153 (công cụ dụng cụ); TK 154 (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang); TK 155, 156 (thành phẩn, hàng hóa).
* Đánh giá hàng tồn kho:
Đánh giá sự biến động của từng loại và nguyên nhân. Những khoản mục không phát sinh tăng, giảm trong năm có thể là loại ứ đọng, kém, mất phẩm chất; cần đối chiếu với các niên độ kế toán trước đó, kiểm tra trên thẻ kho hoặc kiểm tra thực tế. Sau khi kiểm tra, cán bộ phân tích xác định: (i) Hàng tồn kho kém, mất phẩm chất, chậm luân chuyển; (ii) Ước tính giá trị hàng tồn kho có dấu hiệu suy giảm để xác định số phải trích lập dự phòng theo quy định, so sánh với số đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phục vụ điều chỉnh BCTC và phân tích đảm bảo nợ vay.
+ Nguyên liệu, vật liệu, công cụ dụng cụ; thành phẩm, hàng hóa: Nếu nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ tăng cao cần xác định nguyên nhân do doanh nghiệp dự trù sản xuất không sát với thực tế dẫn đến dự trữ vượt quá nhu cầu sản xuất làm giảm hiệu quả sử dụng vốn; hay để phục vụ kế hoạch tăng quy mô sản xuất hoặc mở rộng thêm các hoạt động khác. Thành phẩm, hàng hóa tăng cao do khó khăn trong tiêu thụ hay đang gom hàng chờ tăng giá…
+ Sản phẩm dở dang: Sản phẩm dở dang thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hàng tồn kho (đặc biệt đối với các đơn vị xây lắp) nên việc đánh giá sản phẩm dở dang ảnh hưởng khá lớn đến kết quả đánh giá hàng tồn kho. CBPT thực hiện các công việc sau:
(i) So sánh kỳ này với kỳ trước, tìm nguyên nhân sản phẩm dở dang tăng đột biến như trong năm thực hiện nhiều hợp đồng mới hay do nhiều công trình không được nghiệm thu, thanh toán,…
(ii) Kiểm tra “báo cáo tổng hợp chi phí, doanh thu, lỗ lãi” theo từng công trình đối với doanh nghiệp xây lắp. Những công trình hoặc hạng mục công trình có chi phí dở dang từ cuối kỳ trước nhưng trong năm không phát sinh tăng, giảm thì xem xét công trình đó phát sinh từ thời điểm nào, quá trình thi công công trình, công trình đã được nghiệm thu quyết toán chưa? Nếu đã quyết toán, bàn giao thì tìm lý do chi phí chưa được kết chuyển vào giá vốn để tính kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ? Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do phần chi phí vượt dự toán không được phê duyệt nên không được thanh, quyết toán.
(iii) Xem xét chi tiết kết quả kiểm kế vật chất, sản phẩm dở dang cuối kỳ của từng hạng mục và từng công trình.
(iv) Đối chiếu, phân tích tiến độ thực hiện của một số công trình lớn.
d. Tài sản khác
- Tạm ứng (TK 141): Theo quy định, kế toán doanh nghiệp phải mở sổ chi tiết để theo dõi từng người nhận tạm ứng theo từng lần nhận tạm ứng. CBPT cần đánh giá những khoản tạm ứng để quá lâu không thanh toán, những khoản không có khả năng thu hồi (so sánh với thời hạn hoàn ứng trong giấy đề nghị tạm ứng).
- Chi phí trả trước (TK 142, 242): Khi phân tích cần xem cân đối tài khoản, phát hiện trường hợp doanh nghiệp chỉ trích thêm chi phí trong kỳ nhưng không phân bổ hoặc phân bổ quá ít. Xem chi tiết khoản mục chi phí đã trích các kỳ trước trên sổ chi tiết TK chi phí trả trước: không được phân bổ hoặc phân bổ ít, thậm chí còn phát sinh tăng để xác định doanh nghiệp hạch toán không đủ chi phí để tránh giảm thấp kết quả kinh doanh hoặc tránh lỗ, CBPT cần so sánh những khoản mục doanh nghiệp đã hạch toán vào TK 142, 242 với những khoản mục được phép hạch toán theo quy định của chế độ tài chính hiện hành để phát hiện và loại bỏ những khoản đã hạch toán không đúng tính chất.
- Tài sản thiếu chờ xử lý (TK 1381): Thể hiện giá trị tài sản thiếu hụt, mất mát chưa được xử lý tại thời điểm báo cáo. Tài sản thiếu chờ xử lý cần phải loại trừ khỏi BCTC và giá trị tài sản được dùng làm bảo đaimr tại phần phân tích đảm bảo nợ vay.
- Thuế VAT được khấu trừ (TK 133): Phản ánh số thuế VAT được hoàn lại đến cuối kỳ báo cáo. Theo quy định hiện hành, sau 3 tháng liên tục có dư nợ hoàn thuế (VAT đầu ra < VAT đầu vào), doanh nghiệp gửi hồ sơ để được hoàn thuế. Cần đánh giá những khoản thuế đã hạch toán từ niên độ kế toán trước nhưng đến niên độ này vẫn chưa được khấu trừ (thường do thiếu hồ sơ hoặc hồ sơ không đủ điều kiện pháp lý nên cơ quan thuế không chấp nhận hoàn thuế).
e. Tài sản cố định
- Xác định giá trị còn lại của các TSCĐ không cần dùng, hư hỏng, lạc hậu, chờ thanh lý.
- Kiểm tra tính nhất quán trong việc sử dụng các phương pháp tính khấu hao. Kiểm tra tổng quát theo từng nhóm tài sản để xác định doanh nghiệp trích khấu hao có đầy đủ và đúng thời gian quy định của chế độ tài chính doanh nghiệp hiện hành.
g. Chi phí phải trả
Theo quy định, việc trích trước và hạch toán những chi phí chưa phát sinh vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phải được tính toán một cách chặt chẽ - lập dự toán chi phí và dự toán trích trước – và phải có bằng chứng hợp lý, tin cậy về các khoản chi phí phải trích trước trong kỳ, để đảm bảo số chi phí phải trả hạch toán vào TK này phù hợp với số chi phí thực tế phát sinh. CBPT thực hiện các công việc sau:
- Đối chiếu các khoản đã hạch toán vào TK 335 – chi phí phải trả so với quy định
- Kiểm tra xác suất một số khoản mục chi tiết có giá trị lớn hoặc nghi ngời: Có lập dự toán chi phí và dự toán trích trước không? Có bằng chứng hợp lý, tin cậy về các khoản chi phí phải trích trước trong kỳ, đảm bảo cho số chi phí phải trả hạch toán vào tài khoản này phù hợp với số chi phí thực tế phát sinh hay không?
- Xác định số tiền trích trước trong kỳ không hợp lý, thể hiện doanh nghiệp dấu bớt lãi trong kỳ.
4. Nội dung phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
4.1. Phân tích khái quát báo cáo tài chính
4.1.1. Phân tích bảng CĐKT
4.1.1.1. Phân tích cơ cấu và sự biến động tài sản
* Mục đích: Đánh giá sự biến động của tài sản và sự hợp lý của cơ cấu vốn đối với hoạt động của doanh nghiệp
* Phương pháp:
(i) Xem xét sự biến động của tổng tài sản cũng như từng loại tài sản thông qua việc so sánh giữa số cuối kỳ và số đầu năm cả về số tuyệt đối lẫn số tương đối. Qua đó đánh giá sự biến động về quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Xem xét tác động của từng loại tài sản đối với quá trình kinh doanh, tài chính doanh nghiệp và ngược lại, cụ thể:
+ Sự biến động của tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ảnh hưởng đến khả năng ứng phó đối với các khoản nợ đến hạn.
+ Sự biến động của hàng tồn kho và sự tác động của quá trình sản xuất kinh doanh từ khâu dự trữ, khâu sản xuất đến khâu bán hàng.
+ Sự biến động của các khoản phải thu và sự tác động của khả năng thanh toán của đối tác và chính sách tín dụng thương mại của doanh nghiệp đối với khách hàng, vị thế của khách hàng trong quan hệ thương mại. Điều đó ảnh hưởng lớn đến việc quản lý và sử dụng vốn, vòng quay vốn.
+ Sự biến động của tài sản cố định cho thấy phần nào sự tăng trưởng hay suy giảm quy mô của doanh nghiệp…
(ii) Xem xét sự hợp lý của cơ cấu vốn bằng việc xác định tỷ trọng của từng loại tài sản trong tổng tài sản của doanh nghiệp, đồng thời so sánh tỷ trọng của từng loại giữa cuối kỳ với đầu năm để thấy sự biến động của cơ cấu vốn.
Việc đánh giá cơ cấu vốn hợp lý hay không phụ thuộc vào tính chất kinh doanh của doanh nghiệp đó (ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh), phụ thuộc vào chính sách đầu tư, chu kỳ kinh doanh, phương pháp khấu hao mà doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ, đối với các đơn vị xây lắp chỉ chuyên làm nhà thầu chính thì tỷ trọng tài sản cố định trên tổng tài sản không cao bằng các nhà thầu phụ chuyên trực tiếp thi công. 
Doanh nghiệp có chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài sẽ có tỷ trọng tài sản khác với các doanh nghiệp chỉ chú trọng thuê máy móc, thiết bị. Giai đoạn mới đầu tư, tỷ trọng này thường cao hơn do lượng vốn đầu tư lớn và mức khấu hao chưa nhiều. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tỷ trọng tài sản cố định thấp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây lắp thì tỷ trọng TSCĐ cao. Cơ cấu TSCĐ trong mỗi thời điểm lại có thể khác nhau, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, những TSCĐ vô hình như bằng sáng chế, phát minh,… ngày càng chiếm giá trị lớn dần.
Nếu một doanh nghiệp quyết định đầu tư thêm TSCĐ, tỷ trọng TSDH so với tổng tài sản sẽ tăng lên, phản ánh mức độ ổn định sản xuất kinh doanh lâu dài là một trong những nhân tố tạo niềm tin đối với các bạn hàng và các chủ nợ. Tuy nhiên, cũng cần xem xét việc tăng TSCĐ có phù hợp với năng lực, trình độ phát triển và quy mô thực tế của doanh nghiệp hay không? Nếu vượt quá khả năng kinh doanh sẽ là một yếu tố tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời đầu tư nhiều vào TSCĐ cũng là nguyên nhân giảm khả năng thanh toán và vốn luân chuyển.