Câu chuyện chính sách nhìn từ 2 quán phở

Đăng lúc: Thứ hai - 31/07/2017 12:16

 

Trước kia, tại khu giao lộ gần chân cầu vượt có đông người qua lại, một quán phở đột nhiên xuất hiện. Với chất lượng nhất định vì vậy quán phở hàng ngày là điểm đến của nhiều người có nhu cầu điểm tâm hàng sáng. Số lượng người có nhu cầu đông nên việc đến sớm để đảm bảo được nhu cầu thôi thúc nhiều khách hàng.

Chất lượng của bát phở là cái mà mỗi thực khách quan tâm hàng đầu. Vì vậy, mặc dù một số vấn đề tại đây như đông đúc, chật trội và cung cách phục vụ đôi lúc còn thiếu sót nhưng vẫn có đông thực khách đến ăn.

Thời gian gần đây, bỗng nhiên xuất hiện thêm quán phở ở gần đó. Điều này đã làm xuất hiện những mâu thuẫn nảy sinh giữa hai quán, xuất phát chủ yếu từ lo lắng phải chia sẻ khách hàng của quán trước đây.

Sau một vài lần lời qua tiếng lại, họ thấy kết quả nhận được là không tốt gì cả, mà chỉ làm cho xấu đi hình ảnh của mình. Họ nhận ra rằng mình không thể mãi như thế được, mà phải thay đổi để giữ được hoặc thu hút được khách hàng. Vì vậy, những buổi sau, mọi thứ đều thay đổi theo hướng tích cực trong sự ngạc nhiên lạ kỳ.

Trước đây, khi có một quán phở, khách hàng đến phải tự chọn chỗ đỗ xe, phải chờ đợi, bàn ghế xấu xí, đôi khi còn thiếu vệ sinh, phục vụ còn chậm trễ,... Thỉnh thoảng thực khách còn được miễn phí thêm những lời nói chưa êm tai đối với mình hoặc những tiếng mắng chửi của chủ quán khi nhân viên bê trễ trong công việc...

Bây giờ, với sự xuất hiện thêm quán phở mới, các quán đều bố trí người mời chào, dắt xe khi khách đến. Wifi được lắp đặt, ti vi cũng được sắm và trình chiếu những kênh mà khách yêu thích, bàn ghế sạch đẹp, vệ sinh sạch sẽ... Bữa sáng được kết thúc bằng việc miễn phí trà đá và cảnh lưu luyến của chủ quán mỗi khi thực khách ra về.

Tự dưng, người chủ mỗi quán phở trông như những nhà marketing thực thụ, từng trải trong kinh doanh, biết nắm bắt nhu cầu và tâm lý khách hàng để ngoài những giá trị cốt lõi mà khách hàng nhận được từ bát phở thì khách hàng còn được thêm những giá trị hữu hình và giá trị gia tăng khác đi kèm. Một văn hóa kinh doanh tiên tiến, văn minh và đẹp đẽ đã được đâm chồi nảy lộc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao người bán phở trước đây hình như không biết hoặc không có văn hóa kinh doanh thì nay sao những cách thức chuyên nghiệp này lại xuất hiện trong đầu họ? Phải chăng là vì lợi nhuận, vì mong muốn phục vụ khách hàng hay là điều gì khác?
 
Có người cho rằng những hoạt động kinh doanh theo kiểu mỳ ăn liền này nếu ví với trồng trọt thì chẳng khác gì sáng gieo, trưa gặt. Thắng thua ở đây là có thể trông thấy ngay lập tức đã làm cho con người ta thay đổi hành vi kinh doanh. Động lực của lợi nhuận thu được theo mặt tích cực phải chăng đã làm cho người ta phải thay đổi để hút khách hàng theo hướng đáp ứng nhu cầu một cách tốt nhất và tốt hơn đối thủ cạnh tranh để thông qua đó tối đa hóa lợi nhuận thu được.
 
Điều này dường như giống với tư tưởng trong học thuyết bàn tay vô hình của nhà kinh tế học cổ điển Adam Smith đã nêu. Trong đó, ông cho rằng trong nền kinh tế thị trường, mỗi con người đều tự theo đuổi những lợi ích cá nhân của mình nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu được, điều này vô hình chung đã làm thúc đẩy sự phát triển của xã hội và phục vụ các lợi ích của cộng đồng.

Từ việc đơn giản trên, chúng ta có thể thấy cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường luôn làm mọi thứ tốt hơn khi các chủ thể đều tuân theo các quy định của luật chơi một cách nghiêm túc và tích cực. Khi đó mỗi quán không thể áp đặt được hành vi của mình để yêu cầu quán khác phải chuyển đổi mô hình hoặc di dời vị trí của mình,... Thay vào đó là họ đã nhận thức được là phải tự thay đổi, làm mới mình để giữ được khách hàng.
 
Nếu trong trường hợp này, giả sử có một quán nào đó có lợi thế về ưu đãi, về nguồn vốn hoặc mặt bằng,... (như nhiều công ty nhà nước luôn có ưu thế khi có nguồn ngân sách nhà nước, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ, thông tin,…). Khi đó, những điều tốt đẹp sẽ vẫn xảy ra nhưng nó sẽ ở mức hạn chế và tốc độ thay đổi sẽ chậm hơn vì cạnh tranh ở đây không có sự lành mạnh giữa các bên, nền kinh tế thị trường đã phần nào bị bóp méo.

Do vậy, tuyệt vời hơn đó là khi các quán phở trên có cùng điều kiện và được đối xử bình đẳng như nhau như là cùng phải thuê mặt bằng hoặc bỏ tiền mua mặt bằng, cùng tự bỏ vốn ra và dựa trên năng lực thực sự,… Khi đó họ sẽ luôn phải cố gắng để thay đổi và làm mới chính mình để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh như trường hợp của hai quán phở đã nêu ở trên.

Rõ ràng ở đây thị trường có một đức hạnh nào đó vì thông qua cạnh tranh, thị trường giúp cho mỗi nhà kinh doanh có động lực đổi mới, sáng tạo hơn, nâng cao năng lực của mình, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn và tạo ra hàng hóa ngày càng chất lượng hơn cùng giá cả hợp lý qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và tối đa hóa lợi ích cho tất cả mọi người và cho toàn xã hội.

Nhà nước phải chăng nên tạo ra cơ chế, khung khổ pháp lý và hoàn thiện các điều kiện của nền kinh tế thị trường theo hướng đảm bảo minh bạch, bình đẳng và thân thiện để mọi cá nhân, tổ chức phải tuân theo và có động lực phát huy được năng lực của mình. Vì thông qua sự cạnh tranh lành mạnh, đã giúp cho họ có thể đứng vững trong kinh doanh, giúp người tiêu dùng thỏa mãn được nhu cầu của mình một cách tốt nhất và nhà nước có thể đạt được lợi ích thông qua nguồn lợi từ thuế, nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách kinh tế xã hội, giúp cho kinh tế đất nước tăng trưởng và phát triển bền vững.
 
Suy rộng hơn, mọi cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế, đặc biệt là các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế cần có sự bình đẳng trong tất cả mọi hoạt động. Nhà nước do đó cần thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cũng như từ bỏ tư duy của nền kinh tế chỉ huy để cho các cá nhân, kinh tế tư nhân được tự do sáng tạo, đổi mới nhằm phát huy tối đa năng lực của mình. Kinh tế tư nhân phải là động lực của nền kinh tế và đầu tàu cho sự phát triển của đất nước để tối đa hóa những giá trị tốt đẹp mà nền kinh tế thị trường mang lại.

Những chính sách tốt đôi khi lại bắt nguồn từ những sự việc đơn giản nhất, và để phát triển đất nước, chúng ta cần có sự thấu hiểu bản chất vận động của mỗi vấn đề nhằm đưa ra những chính sách tốt. C
hỉ khi có chính sách tốt thì kinh tế mỗi quốc gia mới có thể phát triển mạnh.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết