Khi mình ngồi viết ra những dòng chia sẻ này với các bạn, cũng là lúc mình sắp kết thúc kỳ thực tập của mình. Nhìn lại chặng đường không dài mà cũng chẳng ngắn vừa qua, nhìn lại những niềm vui, những nỗi buồn và sự lo lắng trong khoảng thời gian đó, mình đúc kết và muốn chia sẻ 1 số chú ý, những điều cần biết căn bản cho sinh viên khi đi thực tập kế toán, kiểm toán.
1. Trang phục
Cách ăn mặc gây ấn tượng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá của mọi người. Quả đúng là cách ăn mặc của con người là cực kỳ quan trọng, bởi ngoài khiếu thẩm mỹ thì bộ trang phục cũng ngầm nói lên rằng chủ nhân mang nó có lịch sự, có văn hoá hay không. Do đó việc lựa chọn trang phục, đầu tóc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết là quan trọng hơn hết. Đây là chú ý đầu tiên mình đề cập tới vì bạn sẽ phải suy nghĩ và phân vân ngay “ngày đầu tiên tới văn phòng mình nên mặc gì?”
Những ngày tháng học sinh thì đã có đồng phục, thời sinh viên thì ăn mặc thoải mái rồi. Nhưng bây giờ bạn bước vào một môi trường làm việc có tính chuẩn mực và nghiêm túc như Kiểm toán thì chúng ta nên chuẩn bị trang phục phù hợp với môi trường công sở. Thời gian chúng ta đi thực tập rơi vào khoảng thời gian mà tiết trời vẫn hơi se lạnh nên các bạn nam có thể mặc vest, hoặc khoác 1 chiếc áo khoác tối màu lịch sự. Các bạn gái thì thường cầu kỳ chăm chút với bản thân hơn thì váy dạ kết hợp cùng quần tất là một sự lựa chọn không tồi.
2. Giao tiếp
Tại sao lại là giao tiếp? Vì bạn đang ở trong môi trường đại học, giao tiếp với bạn bè quen rồi, tự nhiên lâu rồi. Nên phải cực kỳ chú ý, “sẩy chân còn đỡ được, sẩy miệng thì khó đỡ”, dù mình đang đi jobs, tiếp xúc khách hàng hay ở công ty thì mình vẫn là người ít tuổi nhất. Có thể các anh chị không chấp nhặt và so đo nhưng cũng không nên nói chuyện bỗ bã “cá mè một lứa”. Hãy giao tiếp phù hợp với cương vị mình đang đứng, tự nhiên nhưng thân thiện, tạo thiện cảm với người đối diện. Không nên chém gió quá nhiều, thể hiện tài năng… dù sao thì sinh viên thực tập vẫn là những người trẻ, trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, nếu bạn quá khích và bị hỏi vặn lại, mình không dám chắc diễn biến tiếp theo của câu chuyện đâu.
Vào bài viết trước, mình cũng đã từng đề cập tới vấn đề này, nhưng đến bài viết này, mình xin nhắc lại và đặc biệt chú ý: bạn không nên để khách hàng biết bạn là sinh viên thực tập, đây là một điều tối kỵ. Khi mình đi jobs, sau câu chào hỏi xã giao luôn đi kèm câu hỏi “em sinh năm bao nhiêu”. Với câu hỏi như thế, khách hàng đang thầm nhận định về tuổi nghề của chúng ta. Nếu họ phát hiện ra mình đang bị một sinh viên chưa ra trường kiểm tra và phỏng vấn …thì bạn sẽ chẳng hỏi được gì đâu. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới cả nhóm Kiểm toán lẫn công ty Mà bạn đang thực tập. Hãy cứ coi như mình đã có kinh nghiệm 2-3 năm trong nghề và tự tin thể hiện những gì bạn biết.
3. Kiến thức kế toán, kiểm toán
Đây cũng là điều khá nhiều bạn thắc mắc, những thứ mình học có khác so với thực tế không, liệu mình có đủ khả năng làm những việc cao siêu không, có phải đọc thuộc hết các chuẩn mực thông tư không?
Các bạn đừng quá lo lắng, các anh chị trưởng nhóm sẽ giao công việc phù hợp cho sinh viên thực tập phù hợp với năng lực của bạn. Công việc mà bạn sẽ gặp nhiều nhất khi đi jobs đó là kiểm tra chứng từ. Các bạn sẽ kiểm tra lại toàn bộ các chứng từ phát sinh trong năm tài chính: phiếu chi, phiết thu, phiếu xuất kho, chứng từ ngân hàng …vv. Hãy để ý cách xắp xếp và lưu trữ chứng từ của khách hàng, nó sẽ giúp bạn giảm bớt được kha khá thời gian kiểm tra. Hãy kiểm tra lại nội dung, số tiền, số hóa đơn chứng từ,… ghi trên chứng từ đó. Tùy vào đặc điểm ngành nghề đặc thù hình thức của từng khách hàng mà từng loại chứng từ sẽ có những giấy tờ phiếu kế toán hay hợp đồng đi kèm. Nếu có điều gì bất thường không phù hợp, hãy note lại. Công việc này tuy đơn giản nhưng lại rất quan trọng khi đi jobs.
Các bạn không cần gấp phải đọc thông tư này, hướng dẫn kia sớm làm gì vì chúng ta chưa đủ khả năng tách riêng để làm các phần hành kiểm toán cấp cao. Mỗi một khách hành lại kinh doanh, sử dụng các tài khoản khác nhau nên bạn sẽ phải tiếp xúc với rất rất nhiều dạng bút toán mà bạn chẳng biết là họ đang hạch toán cái gì, sao chẳng giống những gì được học. Nếu không biết họ đang hạch toán cái gì thì làm sao bạn có thể phát hiện ra sai sót. Hãy trang bị tốt những kiến thức căn bản và tìm hiểu kỹ khách hàng mà bạn kiểm toán.
Các kiểm toán viên phải thu thập rất nhiều tài liệu để làm chứng cứ kiểm toán. Thế nên sẽ phải photo và kẹp file rất nhiều. hầu hết các công ty Kiểm toán đều có máy photo, nên bạn sẽ được các anh chị hướng dẫn, hoặc có thể, bạn ra quán photo học việc một ngày là thạo ngay được.
Bên cạnh đó sinh viên thực tập tại công ty kiểm toán còn phải chuẩn bị tinh thần và đồ đạc, thích ứng với điều kiện sinh hoạt, ăn uống từng nơi công tác để có thể đi công tác nếu được phân công đi job vì nghề kiểm toán nó không có tính chất ổn định giống như nhiều ngành nghề khác và phải thường xuyên đi job. Đồng thời phải chuẩn bị sức khỏe cho tốt vì đôi khi phải hoàn thiện hồ sơ, xử lý các vấn đề phát sinh...
Ý kiến bạn đọc