Những đỉnh cao chỉ huy

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/06/2017 09:34

 

      Vào những năm đầu của thế kỷ thứ 20, tư tưởng về can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế bắt đầu được lên ngôi do chủ nghĩa tư bản chuyển dần từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền và chủ nghĩa đế quốc. Khả năng xuất hiện chiến tranh đã dẫn tới tư tưởng mở rộng phạm vi hoạt động kinh tế của nhà nước.

       Sau chiến tranh, kinh tế của các nước tham gia đều bị ảnh hưởng nhất định,  nhiều nước bị thiệt hại nặng nề, do đó việc huy động toàn nguồn lực để phục hồi kinh tế là một điều cần thiết, đặc biệt là nguồn lực từ ngân sách và vai trò của nhà nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 kéo theo đó là cuộc suy thoái diễn ra suốt những năm sau đó trong thập kỷ trên cũng làm cho tư tưởng can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế được lan rộng hơn.

 
       Trong khi đó, tại nhiều quốc gia trong những giai đoạn mà thị trường tự do phát triển, doanh nghiệp tư nhân, những ngành công nghiệp thiếu vốn đầu tư, kém hiệu quả và thiếu quy mô hoặc có thể là lạc hậu, thiển cận, chậm tiến bởi những thâm hụt trong đầu tư và một sự đóng băng của tinh thần tư bản. Cùng với những tập đoàn gia đình cứng nhắc và các doanh nhân thiếu tinh thần kinh doanh, chỉ nghĩ đến lợi nhuận và lo bảo vệ bản thân khỏi sự cạnh tranh, bảo toàn vị trí của gia đình mà không dám mạo hiểm để vươn lên.
 
       Với tư tưởng trí tuệ nhà nước thông minh hơn trí tuệ thị trường, vì vậy nhà nước cho rằng mình cần phải mở rộng vai trò để nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy để nhằm đối phó với những yếu kém của thị trường và tạo ra sự hiệu quả hơn trong điều hành nền kinh tế. 
 
       Việc nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy tại các quốc gia có những sự khác nhau nhất định. Nhìn chung, việc nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy đều thông qua thành lập mới các công ty của nhà nước hoặc quốc hữu hóa các công ty khác cùng với đó là thực hiện các kế hoạch hóa trong điều hành nền kinh tế. Tại Anh, Pháp và nhiều quốc gia tư bản chủ nghĩa, nhà nước kiểm soát các ngành công nghiệp nặng. Tại Ấn Độ, nhà nước đưa ra một hệ thống hoạch định kế hoạch phức tạp, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn một số lĩnh vực kinh tế, những doanh nghiệp tư nhân hiện đang tồn tại được phép hoạt động nhưng nhà nước sẽ quản lý các doanh nghiệp mới thành lập và thực hiện các chế độ cấp phép. Tại nhiều nước châu Phi, Mỹ Latin, nhà nước không chỉ sở hữu lĩnh vực công nghiệp mà còn trong cả cơ sở hạ tầng, tài chính, dịch vụ, thậm chí cả rạp xiếc, nhà hàng,…
 
       Riêng với nước Mỹ, truyền thống chính trị đã dẫn tới nước Mỹ có một động thái khác trong việc nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy, đó là thông qua các quy chế kinh tế. Bên cạnh đó, nhà nước đưa ra những tư tưởng điều chỉnh – thiết lập lại các nguyên tắc trong mỗi thời kỳ nhằm tạo ra những cải cách về kinh tế và xã hội.
       Từ khi có sự xuất hiện của học thuyết kinh tế Keynes, tư tưởng chính phủ can thiệp vào nền kinh tế được tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Keynes chủ trương ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. 
 
      Việc quốc hữu hóa ban đầu cũng mang lại một số điều tích cực. Tại Pháp, việc quốc hữu hóa ngành đường sắt là một cứu cánh cho ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, việc này giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư, hiện đại hóa và đổi mới công nghệ, giải quyết được vấn đề độc quyền,... Tại Anh, nhà nước đã tiếp quản và điều hành nền kinh tế với quy mô lớn và hiệu quả hơn nhiều so với những năm 30 khi nhà nước chưa nắm quyền, nhà nước có thể thu hồi được mức sản lượng cao hơn từ chính những máy móc thuộc sở hữu của những nhà tư bản trước khi có chiến tranh xảy ra. Tại Italia, việc quốc hữu hóa đã giúp những công ty sắp phá sản tiếp tục tồn tại và tạo ra những công ty hàng đầu quốc gia cũng như có vị thế lớn trên thế giới,…
 
      Tuy nhiên, trong quá trình quốc hữu hóa và sử dụng chính sách can thiệp của nhà nước vào kinh tế, những khó khăn dần dần xuất hiện và có những kết quả không như dự tính. Tình trạng thâm hụt ngân sách, thất nghiệp, lạm phát cao cùng với suy thoái kinh tế dẫn tới kìm hãm sự phát triển của các quốc gia. 
 
       Nhà nước nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy thường có bộ máy cồng kềnh, tính nhạy bén với thị trường kém do đó khó thay đổi hơn nên thích ứng kém hơn.
      Bên cạnh việc quản lý yếu kém, tệ nạn tham nhũng dẫn tới những thất bại nặng nề của nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động thua lỗ ngày càng chồng chất, các ngành công nghiệp bị tàn phá nặng nề, kinh tế trì trệ, con người thiếu động lực để làm việc và sáng tạo.
 
      Đặc biệt, tại những quốc gia châu Phi, Mỹ La tinh hay những quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, khi chính quyền bất tài, tham nhũng nhưng nắm trong tay sự tự do về quyết định các chính sách dẫn tới các chính sách kinh tế sai lầm đưa tới những thảm họa vô cùng tồi tệ cho nền tế, nghèo đói, thiếu thốn cùng cực.
 
      Vì vậy, nhiều nước dần dần loại bỏ việc thực hiện kế hoạch hóa tập trung và quan tâm hơn tới thị trường, những thị trường lớn và mở đối với những kế hoạch lớn như ở nước Pháp. Tại Đức, những quy tắc của trường phái tự do công giáo dẫn đường tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế tự do diễn ra giúp nền kinh Đức đã hoạt động trở lại và là nền tảng của sự phát triển thần kỳ sau này,…
 
      Đồng thời, trong thời gian này đã hình thành liên minh Châu Âu, sự xuất hiện của kế hoạch Marshall, hiệp định GATT giúp các nước cắt giảm dần các rào cản đối với thương mại quốc tế từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thời hậu chiến và tạo ra một nền kinh tế toàn cầu vượt qua biên giới các quốc gia, mở đường cho những đỉnh cao chỉ huy tiến đến cạnh tranh quốc tế và giảm bớt dần vai trò của nhà nước.
 
      Tuy nhiên, vào thập niên 60, sự yếu kém trong điều hành nền kinh tế, cùng với suy thoái kinh tế. Đặc biệt, kể từ khi xảy ra khủng hoảng dầu mỏ đầu thập kỷ 70, đã dẫn tới tình hình sa sút của các nền kinh tế. Bên cạnh việc công khai ủng hộ thị trường thì các chính phủ vẫn thực thi các chính sách can thiệp vào nền kinh tế. Ở Mỹ, nhà nước chủ trương thiếp lập và kiểm soát hệ thống tiền lương và giá cả. Tại Anh, cùng với việc lập kế hoạch, nhà nước còn thực hiện kiểm soát các hành vi trong xã hội,…
 
      Việc một số quốc gia như Anh, Pháp, Italia, Mỹ, … Liên Xô vẫn tạo ra những bước tăng trưởng trong nền kinh tế trong một số thời điểm, đặc biệt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhiều người cho rằng những công ty nhà nước hoạt động có hiệu quả và năng suất lao động cao trong thời gian nhà nước nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy một phần đó là do năng lực của người đứng đầu nhà nước, còn lại phần lớn là do hoàn cảnh bắt buộc và kỷ luật tạo nên. 

      Đặc biệt, tại một số quốc gia theo chế độ độc tài, vẫn có sự tăng trưởng kinh tế cao như Hàn Quốc, Trung Quốc. Thực tế cho thấy, chính sự can thiệp mạnh mẽ, cùng với sự tập trung được tiềm lực tài chính, tài nguyên xã hội và những chính sách kinh tế đúng đắn, bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả đã giúp cho các nước trên có được sự phát triển thần kỳ, nhất là trong thời kỳ mới của quá trình phát triển kinh tế. 

      
Tuy nhiên, về lâu dài, những chính sách này dần dần bộc lộ hạn chế của mình, cùng với cơ chế, thể chế không hợp lý, bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả đã làm kìm hãm sự phát triển của các công ty nhà nước và khu vực tư nhân, dẫn đến kinh tế của các nước trên bị giảm sút, bất ổn kéo dài.
 
     Từ thực tế trên cho thấy rằng thị trường không thể hoạt động một mình qua bài học của các cuộc suy thoái. Tuy nhiên, nhà nước cũng có những thất bại của mình. Khi nhà nước nắm giữ những đỉnh cao chỉ huy và kiểm soát nền kinh tế thì nhà nước lại cản trở khu vực tư nhân phát triển. Bộ máy nhà nước khi đó phải phình to ra, nợ công tăng lên, tham nhũng nặng hơn và cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều quốc gia nhận thấy việc lựa chọn mô hình thị trường tự do hoàn toàn với mô hình nhà nước nắm giữ đỉnh cao chỉ huy và thực hiện kế hoạch hóa đều không đạt được mục tiêu như mong muốn. Vậy, một quốc gia nên lựa chọn mô hình nào ngoài 2 mô hình là kế hoạch hóa và kiểm soát của chính quyền với thị trường tự do truyền thống? Câu trả lời đó là sự kết hợp cả 2 mô hình trên. 
 
      Tại Anh, việc tư nhân hóa, tách chính phủ khỏi hoạt động kinh doanh và dịch chuyển trọng tâm từ trách nhiệm nhà nước sang trách nhiệm cá nhân, đặt ưu tiên hàng đầu lên sự sáng tạo, khuyến khích và việc tạo ra của cải hơn là sự phân phối lại và công bằng đã làm nên tiền đề của sự thành công sau đó. Tại Pháp và Italia,… từ việc cải tổ thị trường, sau đó là kiểm soát chi tiêu và tiếp tục hiện đại hóa khu vực tài chính. Chính phủ dần thực hiện tư nhân hóa các công ty nhà nước và hướng tới  nền kinh tế thị trường và tham gia vào liên minh châu Âu.
 
      Tại các nước theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, sau những thất bại tràn lan về mô hình xã hội chủ nghĩa, đã tạo ra cuộc cách mạng về chính trị bắt đầu từ những năm 1989 khắp các nước Đông Âu và Liên Xô. Cuối cùng họ nhận ra rằng để phát triển nền kinh tế phải dựa vào mô hình nền kinh tế thị trường. Trong đó, yếu tố then chốt là hình thành sở hữu tư nhân và tư hữu hóa những đỉnh cao chỉ huy.
 
      Thực tế, thành công của những nước châu Á là được thực hiện thông qua một sự cân bằng giữa sự can thiệp của nhà nước và các lực lượng thị trường. Trong đó, nhà nước có sự quyết tâm cũng như chú ý nâng cao dần nội lực bên trong và tăng cường quan hệ thương mại đối với các quốc gia khác trên thế giới. Tại Nhật Bản, để giúp các công ty lớn mạnh, nhà nước đã tạo ra một thực thể có nhiệm vụ giúp đỡ các công ty thích nghi với các thị trường và tận dụng cơ hội tại thị trường cũng như tạo điều kiện cho việc cung ứng các công nghệ mới. Đồng thời, chính quyền tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng khung pháp lý và thể chế hợp lý, đảm bảo một môi trường thân thiện đối với các nhà đầu tư, kinh doanh.
 
      Tại Hàn Quốc, mặc dù theo đường lối can thiệp mạnh mẽ nhưng hậu thuẫn cho nó là bộ máy viên chức thành thạo và có kinh nghiệm, một cơ sở rộng rãi những công dân sẵn sàng lao động và một sự toàn tâm toàn ý của cả nước vì sự phát triển công nghiệp. Tại Đài Loan, việc thực hiện các chính sách kinh tế được giao cho những nhà kỹ trị siêu đẳng, đó là những quan chức rất có tài năng, nhiều người là những nhà khoa học và kỹ sư đã hoạt động mà không có sự can thiệp của giới chính trị. Chấp nhận bảo hộ trong nước và cạnh tranh bên ngoài. Sự bảo hộ chỉ được phép tiến hành từng bước bởi các doanh nghiệp Đài Loan đã chủ động tuân thủ những quy định khắc nghiệt và thử thách của cạnh tranh quốc tế trong thị trường nội địa.
 
       Tại Singapore, quyền quyết định vẫn của chính phủ nhưng họ đã công khai bày tỏ niềm tin vào thị trường. Tại đây, những nhân viên giỏi được bố trí vào những công ty quốc doanh. Họ buộc các công chức phải suy nghĩ như những nhà kinh doanh, gắn chặt sự thăng tiến của họ với khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp quốc doanh do họ quản lý. Những quan chức ưu tú được lựa chọn theo tài năng, đã quản lý toàn bộ hệ thống. Đồng thời nhà nước quyết tâm hội nhập với thương mại và tạo ra một môi trường mang lại tăng trưởng kinh tế: Lạm phát thấp, môi trường kinh doanh thân thiện và ổn định cùng việc thu hút những nhà đầu tư lớn trên thế giới.
 
       Tại Malaysia, nhà nước đã chú trọng đến các kỹ năng quản lý và giám sát để tiến lên, bao gồm cả tầng lớp doanh nhân. Bên cạnh đó, nhà nước dần rút lui và nhường vai trò cho khu vực tư nhân và thị trường phát huy tác dụng. Nhà nước vẫn nắm giữ, thậm chí kiểm soát những cổ phần lớn trong các công ty nhưng đã có tư duy chính phủ không phải là kinh doanh và khu vực tư nhân sẽ là đầu tàu của tăng trưởng.
 
      Tại Trung Quốc, đó là sự thay đổi mô hình theo hướng cái cách kinh tế và tự do trong khi vẫn cố gắng duy trì kiểm soát chính trị. Bên cạnh đó là hình thành những ngành công nghiệp mới, chấp nhận chiến lược tăng trưởng hướng ra xuất khẩu. Trong đó, những đặc khu được trao những quyền tự do trong kinh doanh và ra quyết định đầu tư từ đó giúp cho nền kinh tế Trung Quốc tiến lên.
 
       Đối với các nước Mỹ Latin, những nước có tư tưởng hướng tới thị trường tự do, giảm bớt và định nghĩa lại vai trò của nhà nước và tách vai trò nhà nước ra khỏi quá trình sản xuất thông qua tư nhân hóa, hạn chế chi tiêu của chính phủ, giảm bớt các hàng rào thương mại, mở cửa thị trường và các hoạt động truyền thống ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước đều giúp nhà nước thoát khỏi những cuộc khủng hoảng và tạo ra sự thay đổi căn bản như là của Chile và Peru. 
 
      Tuy trong quá trình cải cách, những nước trên đều có những lúc rơi vào khó khăn, khủng hoảng kinh tế và suy thoái như Nhật Bản, Hàn Quốc,... đó là do các quốc gia trên chưa có nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Khi nền kinh tế đã vượt qua những mốc phát triển nhất định, nhà nước cần phải có sự thay đổi vai trò để xác lập một vai trò mới nhằm khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, có những quốc gia đã nhanh chóng vượt qua mà tương đối ít bị tổn thương và vẫn bảo tồn được thành tựu của mình về mở cửa chính trị và tăng trưởng cân đối như Đài Loan, Singapore. Điều này có được đó là do những nước trên luôn sẵn sàng để cho tự do kinh doanh, thị trường tự quyết định, chú trọng đầu tư vào vốn con người và mềm dẻo trong cách ứng xử để thích ứng với những thách thức mới của nền kinh tế.
 
      Vì vậy, việc định nghĩa lại mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường cần phải được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Thực tế cho thấy, thị trường chỉ có thể vận hành tốt khi nhà nước làm đúng chức năng. Cải cách kinh tế chỉ có thể thật sự thăng hoa khi nó được thực hiện trong môi trường dân chủ. Để phát triển nền kinh tế hay thúc đẩy phát triển con người chỉ có thể thực được khi chính trị ổn định và môi trường dân chủ, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa.
 
      Lịch sử phát triển các nền kinh tế cho thấy toàn cầu hóa có một vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế tại các quốc gia. Đầu tiên, từ thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 và 2 xảy ra, việc thực hiện tự do cạnh tranh đã giúp cho các quốc gia tiếp cận được khoa học công nghệ, kinh nghiệm cũng như nguồn lực con người để phát triển kinh tế. Đến sau thế chiến thứ 2, việc hình thành liên minh Châu Âu, kế hoạch Marshall và sự xuất hiện của hiệp định GATT đã giúp các nước phá bỏ các rào cản thuế quan tiến đến thúc đẩy các nền kinh tế phục hồi và phát triển sau chiến tranh. Thập kỷ 90 của thế kỷ 20, với một loạt hiệp ước được ký kết, việc tái hòa nhập của các nền kinh tế đóng và sự tự do thương mại đến các thị trường vốn đã giúp cho nền kinh tế các quốc gia trên thế giới được khởi sắc và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
 
      Chính phủ khi đó cần xác lập lại vai trò của mình trong nền kinh tế. Chính phủ cần có vai trò như một trọng tài, đặt ra các luật chơi để đảm bảo sự cạnh tranh và nhiều điều khác, đồng thời hợp tác với các chính phủ nước khác để thiết lập các hệ thống cần thiết giúp cho nền kinh tế toàn cầu vận hành hiệu quả.
 
      Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng có những mặt trái nhất định. Những vấn đề có thể kể ra như là đảm bảo công bằng, bảo vệ môi trường, nhân khẩu học, giữ gìn bản sắc là những vấn đề rất dễ bị tổn thương. Nhưng cho dù có những mặt trái như trên, không có nghĩa là các nước nên từ bỏ nó mà trái lại mỗi chính phủ cần nâng cao vai trò mới của mình, với sự cẩn trọng nhất định, cùng với một cơ chế thị trường với hệ thống luật pháp công bằng, nghiêm minh, khuyến khích các cá nhân phát huy được năng lực, giá trị của con người từ đó sẽ ngăn chặn được những mặt trái và bất cập của vấn đề toàn cầu hóa. Các nước cần chấp nhận luật chơi mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và đặt niềm tin vào giá trị của thị trường để cùng nhau đưa thế giới tiến lên phía trước.
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/

Giới thiệu về website HTNC

Website free tài liệu, đề thi và giải đáp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thành lập ra nhằm tạo ra sân chơi cho các trí thức, các bạn sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức chuyên ngành, kiến thức cơ bản về kinh tế học nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về kinh tế thị...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết

Thời tiết