I. LÝ DO SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP
Trong những năm gần đây, trường ĐHCN Việt Hung đã triển khai nhiều hoạt động để đổi mới phương pháp giảng dạy đại học. Riêng tại khoa KT & QL nơi tôi công tác, ban quản lý khoa đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, với nhiều thầy cô có phương pháp dạy giỏi đến từ trường ĐH Kinh tế Quốc Dân, ĐHSP Hà Nội để truyền tải kinh nghiệm dạy học nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo.
Qua những buổi hội thảo đó, bản thân mỗi giảng viên của khoa KT & QL nói riêng cũng như các khoa khác trong toàn trường đều trăn trở câu hỏi là làm thế nào và bằng cách nào để đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.
Theo những kết quả nghiên cứu, thăm dò về giáo dục đại học tại Việt Nam cho thấy, hiện nay hầu như các em sinh viên trong các trường đại học vẫn còn thụ động trong việc tiếp thu kiến thức, mặc dù hiện nay hầu hết các em đều sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại để lướt web, mạng xã hội hàng ngày. Bên cạnh đó, cách mạng khoa học 4.0 ra đời đòi hỏi sinh viên ngày càng phải chủ động trong tiếp thu kiến thức mới và nghiên cứu cách thức làm việc mới để nâng cao hiệu quả công việc. Vì vậy, việc đổi mới cách dạy và học theo hướng tạo cho sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức, trong đó lấy tự học, tự nghiên cứu và phản biện là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, đặc biệt là việc dạy và học tại trường ĐHCN Việt Hung.
Để đảm bảo được vấn đề này, yêu cầu mỗi giảng viên phải đổi mới phương pháp dạy để áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, đổi mới cách chuẩn bị và sử dụng bài giảng và các phương tiện hỗ trợ khác trong suốt quá trình dạy học. Một trong các phương pháp dạy học tiên tiến và hiệu quả ở đây đó là dạy và học thông qua ứng dụng website và các trang mạng xã hội (group facebook, fanpage facebook) mà tôi đã thực hiện trong thời gian qua với nhiều hiệu ứng tích cực, đặc biệt đối với các em sinh viên có ý thức tốt, với nền tảng kiến thức nhất định khi vào trường.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.1. Cơ sở lý luận chung về dạy và học qua ứng dụng website và các trang mạng xã hội
Phương pháp giảng dạy là hoạt động quan trọng, chủ yếu, có tính quyết định lớn nhất tới chất lượng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Theo nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục, sự khác biệt giữa chất lượng sinh viên đầu ra giữa các quốc gia khác nhau, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển đến từ phương pháp giảng dạy và học trên lớp.
Phương pháp giảng dạy và học tập tốt giúp cho giảng viên tạo ra những bài giảng chất lượng tốt; sinh viên có sự chuẩn bị chu đáo về bài học; nâng cao khả năng tương tác giữa giảng viên với sinh viên trong quá trình học tập. Việc giảng dạy và học tập trên lớp được tiến hành theo những kế hoạch, lịch trình đã cho sẵn và tuân thủ đúng những cam kết của giảng viên khi lên lớp cũng như thái độ của sinh viên, từ đó giúp nâng cao chất lượng dạy và học, là tiền đề nâng cao năng lực cả giảng viên và sinh viên.
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch, yêu cầu của từng môn học, từng buổi học, sinh viên sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mỗi nội dung, vấn đề cho mỗi buổi học và cập nhật các yêu cầu của giảng viên trong quá trình học để thực hiện. Bên cạnh đó, với những câu hỏi, nội dung công khai trong mỗi buổi học và hệ thống bài tập, bài kiểm tra được công khai từ trước, giúp người học tăng tính chủ động của mình.
Đặc biệt, với phương pháp dạy và học qua website và các trang mạng xã hội, sinh viên có thể tương tác trực tiếp với nhau hoặc tương tác trực tiếp với các thầy cô và các cán bộ doanh nghiệp, cán bộ tuyển dụng tại các đơn vị ở mọi lúc, mọi nơi qua các trang mạng xã hội để tìm kiếm các kiến thức, câu trả lời cho mỗi vấn đề thắc mắc của mình. Việc sử dụng website và các trang mạng xã hội có thể còn thu hút được các sinh viên có năng lực từ các trường khác cũng như các cựu sinh viên của mỗi nhà trường khi chia sẻ các kinh nghiệm đi làm, cơ hội việc làm cho các sinh viên đang học tập... Chính vì vậy, phương pháp này tạo ra sự khác biệt rất lớn so với phương pháp dạy và học truyền thống hiện nay.
Vận dụng phương pháp giảng dạy trên sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và hình ảnh của nhà trường đối với xã hội. Ngoài ra, website và mạng xã hội nếu được xây dựng và hoạt động tốt còn nâng cao hình ảnh của nhà trường, là một kênh tuyển sinh hiệu quả khi việc chia sẻ thông tin từ các sinh viên cho các cá nhân, tổ chức hoặc người có nhu cầu học tập tại nhà trường.
Mỗi giảng viên khi ứng dụng website và các trang mạng xã hội trong quá trình giảng dạy cần đưa các thông tin về đề cương chi tiết học phần, kế hoạch giảng dạy theo từng buổi, nội dụng học tập, hướng dẫn tự học và các bài tập, tài liệu tham khảo lên website và trang mạng xã hội. Để làm được điều này, yêu cầu mỗi giảng viên phải lên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc xây dựng kế hoạch và nội dung giảng dạy cho mỗi môn học theo từng buổi, chuẩn bị các tài liệu, câu hỏi để đưa lên website, mạng xã hội và hướng dẫn, gợi ý và đưa ra các hướng thảo luận cho các sinh viên để sinh viên xây dựng kế hoạch, cách thức học tập cho bản thân.
Sử dụng website và các trang mạng xã hội có thể phục vụ tốt công tác đào tạo của trường học bởi với các đặc trưng nhanh, tiện dụng, truy cập được ở mọi nơi, mọi lúc, website góp phần cung cấp một môi trường thông tin, tương tác tốt giữa giảng viên, bộ môn, khoa cũng như nhà trường… ở góc độ hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên học tập. Ngoài ra, website và mạng xã hội nếu được xây dựng và hoạt động tốt còn nâng cao hình ảnh của nhà trường, là một kênh tuyển sinh hiệu quả khi việc chia sẻ thông tin từ các sinh viên cho các cá nhân, tổ chức hoặc người có nhu cầu học tập tại nhà trường.
Nếu mỗi giảng viên, mỗi bộ môn và khoa thực hiện được theo cách làm này sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác dạy và học của toàn trường. Cùng với việc làm tốt các công tác khác như cố vấn học tập, xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến và tổ chức thi cử nghiêm túc, khoa học sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và hình ảnh của nhà trường đối với xã hội.
2.2. Cơ sở thực tiễn
Công tác dạy và học của mỗi giảng viên và bộ môn tại khoa Kinh tế & Quản lý từ trước đến nay có thiên hướng theo phong cách truyền thống. Với phương pháp này, người thầy, cô chủ yếu thực hiện thuyết trình trong quá trình dạy học của mình. Mặc dù, trong quá trình giảng dạy, các giáo viên có thực hiện thêm một vài phương pháp khác như nêu vấn đề, tổ chức thảo luận nhóm. Tuy nhiên, việc triển khai đa dạng hóa các phương pháp chưa được triệt để. Đồng thời, việc thảo luận nhóm thường chỉ diễn ra trên lớp, tài liệu học tập thường xoay quanh các giáo trình và bài tập ít ỏi mà giảng viên đã giới thiệu cho sinh viên.
Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ, đặc biệt là phương pháp học tập của sinh viên hiện tại còn chưa tốt dẫn đến chất lượng học tập của sinh viên chưa cao. Nhiều sinh viên có ý thức tốt, kiến thức nền tảng nhất định vẫn không thể phát huy được khả năng bản thân. Hầu hết các sinh viên chưa có tính chủ động trong học tập, chưa lên được kế hoạch học tập mỗi môn học cho bản thân. Hoạt động giảng dạy cùng học phần giữa các lớp trong 1 học phần, giữa các giảng viên đôi khi chưa được thống nhất, xuyên suốt trong quá trình học của các lớp dẫn tới những bất cập, sai lệch về kế hoạch giảng dạy, nội dung, tài liệu cũng như những vấn đề mà giảng viên tại mỗi lớp đã chia sẻ trong quá trình giảng dạy. Việc không khớp nội dung và triển khai giảng dạy không nhất quán giữa các lớp cũng tác động tới tâm lý sinh viên.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy truyền thống sẽ khó hoặc chậm công khai mọi nội dung học tập, kế hoạch giảng dạy và tương tác giữa các sinh viên và giảng viên. Đặc biệt, hoạt động tương tác, trao đổi giữa các sinh viên với nhau và giữa sinh viên và giảng viên khi hết thời gian lên lớp là rất quan trọng vì khi đó sinh viên hay có nhiều vướng mắc trong quá trình học.
Với đặc thù các môn chuyên ngành TCNH, có rất nhiều câu hỏi, tình huống nghiên cứu cũng như là các bài tập lớn, bài thực hành mà sinh viên phải thực hiện trong quá trình học tập. Do đó, chúng ta phải tổ chức một sân chơi để sinh viên có thể tranh luận, thảo luận cũng như là tương tác giữa sinh viên với giảng viên và giữa các sinh viên với nhau. Đặc biệt, tương tác trong quá trình có sự kết hợp của nhà tuyển dụng và/hoặc cán bộ doanh nghiệp, ngân hàng là một điều thực sự hữu ích.
Trong khi đó, hầu hết các sinh viên đang tham gia học tập tại các nhà trường đều dành rất nhiều thời gian của mình cho việc truy cập internet và mạng xã hội hàng ngày. Mỗi khi tham gia vào các mạng xã hội, các em rất tự tin trong tranh luận, thể hiện quan điểm của mình do thoát khỏi những rào cản vô hình.
Qua thực tiễn nghiên cứu về công tác giảng dạy của giảng viên nhà trường và học tập của sinh viên các lớp thuộc ngành TCNH tại khoa Kinh tế & Quản lý hiện nay có những vấn đề như sau:
1 – Nguồn tài liệu phục vụ cho việc học tập của các sinh viên của nhà trường hiện nay là khá ít, nhiều tài liệu đã cũ, không còn tính thời sự. Nhiều tài liệu tham khảo tuy mới nhưng nội dung chưa sát với chương trình, tính hàn lâm cao. Sinh viên ngành TCNH nhà trường chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu là giáo trình, sách bài tập ít ỏi trên để học. Vì vậy, việc học tập của sinh viên sẽ bị ảnh hưởng; trong đó những sinh viên có khả năng tiếp thu nhanh, chịu khó học hỏi sẽ không tìm được các tài liệu tốt bên ngoài để tham khảo.
2 – Kế hoạch giảng dạy, nội dung giảng dạy và tài liệu học tập của từng học phần, theo buổi của từng học phần, giữa các học phần của mỗi giảng viên và giữa các giảng viên dạy chung học phần đôi khi chưa có sự nhất quán cao và chưa hoặc chậm công khai, công bố với sinh viên. Việc thiếu những nội dung học cũng như yêu cầu chi tiết cho mỗi sinh viên tại mỗi buổi học, dẫn tới sinh viên thiếu chủ động và thiếu sự chuẩn bị cho việc học tập của từng buổi.
3 – Sinh viên các lớp trong ngành TCNH của nhà trường còn có tâm lý thụ động, ngại trao đổi trong học tập với nhau và ngại giao tiếp với giảng viên. Tuy nhiên, trên các diễn đàn và mạng xã hội, các em lại hoạt động rất năng nổ, sôi nổi.
4 – Giảng viên bị hạn chế bởi thời lượng giảng dạy trên lớp do số tín chỉ mỗi học phần đã bị thu hẹp khi nhà trường chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Việc giảng dạy theo hệ thống tín chỉ dẫn tới các nội dung học tập thường phải đẩy nhanh, nhiều nội dung không thể đi sâu vào nếu thời giờ không cho phép. Nhiều sinh viên có học lực khá không có nhiều thời gian để thắc mắc với giảng viên những chỗ chưa rõ.
5 – Sinh viên nhà trường hiện nay rất thiếu sân chơi, diễn đàn học tập, thư viện tài liệu cho các học phần của ngành học. Vì vậy, các em không có những nơi để trao đổi các kiến thức chuyên ngành với nhau trong quá trình học tập. Đặc biệt là các môn chuyên ngành, đó là những môn cần có sự tranh luận, thảo luận và thực hành các bài tập, các câu hỏi cũng như tình huống nghiên cứu.
6 – Hiện nay, mọi sinh viên TCNH nhà trường đều có thể truy cập internet mọi lúc mọi nơi và mỗi sinh viên đều có ít nhất một tài khoản trên các mạng xã hội kèm theo đó là một cái điện thoại smartphone. Đây là những nền tảng để có thể ứng dụng học tập qua website và mạng xã hội rất tốt. Trong khi đó, sinh viên hiện tại lại chưa dùng nhiều thời gian trên internet và mạng xã hội cho việc học. Vì vậy, phương pháp này ngoài nâng cao chất lượng học của sinh viên, còn giúp hạn chế tác động có hại của mạng xã hội trong đời sống sinh viên.
7 – Việc in tài liệu hiện nay của sinh viên phục vụ cho học tập khá tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, việc lưu trữ những tài liệu bản cứng này cũng rất bất tiện, không phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Trong khi đó, các tài liệu về bài tập, hướng dẫn học, hướng dẫn làm bài có thể đưa lên web, mạng xã hội giúp sinh viên vẫn đảm bảo việc học một cách tốt đẹp mà lại có thể tương tác, trao đổi trong học tập tốt hơn.
8 – Việc giảng dạy hiện tại cũng là một nguyên nhân dẫn tới các em thụ động trong việc tự nghiên cứu, tìm tòi tài liệu và đánh giá tài liệu trên các trang web, mạng xã hội để tìm ra những cái đúng, sai của mỗi tài liệu. Khi các em không có hoặc không đánh giá được tài liệu nào tốt, hay chưa tốt thì các em có thể có sự hiểu sai về các nội dung, các vấn đề mà các em mắc phải trong quá trình học,…
9 – Giảng dạy theo kiểu truyền thống hiện nay dẫn đến sinh viên không hoặc rất hiếm có cơ hội tương tác trực tiếp với nhà tuyển dụng, các cán bộ doanh nghiệp, ngân hàng. Vì vậy, đa số sinh viên hiện nay có cách nhìn nhận là học chỉ phục vụ thi cử. Qua tìm hiểu từ phía sinh viên, các em cho rằng do các em chưa đi làm nên không biết những kiến thức này sẽ vận dụng vào đâu. Đây là một thực trạng ở hầu hết sinh viên các trường đại học, không chỉ ở trường ĐHCN Việt Hung.
Những vấn đề trên có thể được giải quyết một cách nhanh chóng mà hiệu quả, đó là áp dụng phương pháp giảng dạy qua ứng dụng website và mạng xã hội.
Một khi mỗi giáo viên, bộ môn đều xây dựng kế hoạch học tập của từng môn, từng buổi; nội dung giảng dạy mỗi buổi và yêu cầu chi tiết trong từng buổi đối với sinh viên và đăng lên website, mạng xã hội thì sẽ đảm bảo việc giảng dạy được khoa học, thống nhất bài bản cũng như là chủ động học tập của sinh viên. Đồng thời, mỗi giảng viên, bộ môn ứng dụng được những tiện ích từ website, mạng xã hội thì việc đồng bộ hóa chất lượng, năng lực giảng viên và đa dạng hóa được cách thức học tập của sinh viên để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên là hoàn toàn có thể.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Quá trình chuẩn bị cho việc giảng dạy ứng dụng website và mạng xã hội
1.1. Lập kế hoạch triển khai giảng dạy qua ứng dụng website và mạng xã hội
+ Nghiên cứu cách thức, phương pháp triển khai công tác giảng dạy qua ứng dụng website và mạng xã hội
+ Khảo sát tình hình sử dụng internet và ứng dụng internet vào việc học của sinh viên
+ Khảo sát tình hình tự học, thực trạng việc học tập, nghiên cứu tài liệu qua các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình học
+ Trao đổi với những sinh viên học khá trong ngành, trong lớp mình đã, đang và sẽ dạy để nắm bắt tình hình, thực trạng cách học tập theo phương pháp mới.
1.2. Xây dựng kế hoạch học tập cho từng học phần, từng buổi học của mỗi học phần tạo sự thống nhất về kế hoạch triển khai trong quá trình lên lớp của mỗi giảng viên
+ Lên kế hoạch học tập trong từng học phần, hoạt động của sinh viên cho từng buổi học
+ Thống nhất kế hoạch giảng dạy của từng học phần, từng buổi học trong từng lớp
1.3. Xây dựng hệ thống tài liệu học tập, bài tập, câu hỏi và hướng dẫn học, nghiên cứu tài liệu cho mỗi học phần, mỗi chương, mỗi buổi học
+ Xây dựng hệ thống bài tập, câu hỏi theo nhiều hình thức như tự luận, trắc nghiệm, tình huống nghiên cứu cho mỗi học phần, mỗi chương và mỗi buổi học.
+ Xây dựng các bài tập mẫu, bài kiểm tra mẫu
+ Xây dựng các tài liệu hướng dẫn tự học theo nội dung, hướng dẫn thực hành các dạng bài tập và trả lời câu hỏi.
1.4. Lập website và các trang mạng xã hội (group fb và các fanpage,…) cho bộ môn, giảng viên
+ Mua tên miền, hosting hoặc sử dụng tên miền, hosting miễn phí để tạo website
+ Tạo các mạng xã hội (group fb, fanpage học tập)
+ Thiết kế một số hình ảnh, nội dung cho web và mạng xã hội (group facebook và fanpage,…).
1.5. Phổ biến tới các lớp, các em sinh viên trong từng ngành về cách thức, tiện ích của các website, group fb và các fanpage
+ Thông tin tới từng sinh viên, từng lớp về các website, group fb và fanpage của khoa, bộ môn và giảng viên
+ Phổ biến lợi ích của việc giảng dạy và học tập qua ứng dụng website và mạng xã hội (group fb và fanpage,…)
+ Hướng dẫn các sinh viên cách thức học tập, sử dụng tài liệu và tương tác, tranh luận trong quá trình học tập ứng dụng website và mạng xã hội (group fb và fanpage,…)
1.6. Liên hệ với các cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp tham gia cố vấn và trả lời các thắc mắc các vấn đề thực tế xảy ra tại các vị trí liên quan đến ngành TCNH thông qua tương tác trên các diễn đàn, mạng xã hội
+ Tiếp xúc với các cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp và đặt vấn đề làm công tác cố vấn chuyên môn cho giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy qua các mạng xã hội
+ Kết nối tài khoản mạng xã hội của cán bộ doanh nghiệp, ngân hàng vào các diễn đàn, fanpage của giảng viên, bộ môn và khoa ngành phục vụ cho việc hỗ trợ, cố vấn chuyên môn của các cán bộ trên.
3.2. Quá trình triển khai:
3.2.1. Đăng các nội dung, kế hoạch, chương trình học tập và các tài liệu, hướng dẫn lên các website và trang mạng xã hội:
+ Đăng các nội dung, kế hoạch, chương trình học tập và các tài liệu, hướng dẫn học tập lên website và các trang mạng xã hội (group fb và fanpage,…)
+ Định kỳ cập nhật, bổ sung thêm những nội dung mới, cách thức mới và những yêu cầu mới của sinh viên
3.2.2. Định hướng, dẫn dắt sinh viên cách học, thực hành làm bài tập, câu hỏi và phản biện của sinh viên trước, trong và sau quá trình học
+ Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thắc mắc của sinh viên trong quá trình học
+ Hướng dẫn các sinh viên thảo luận, tranh luận các vấn đề, nội dung cần thực hiện trong quá trình học
+ Chú trọng đến những sinh viên có học lực khá để tạo sự sôi nổi trong quá trình học tập qua ứng dụng website và các trang mạng xã hội (group fb và fanpage,…). Đặc biệt, bản thân giảng viên phải có sự khích lệ, động viên, dẫn dắt các sinh viên đưa ra câu hỏi, tranh luận và gợi mở ra các hướng đáp án để nâng cao hiệu quả của phương pháp học tập.
3.2.3. Thảo luận, trao đổi với sinh viên trong quá trình lên lớp về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình học theo phương pháp mới
+ Giảng viên và sinh viên cần trao đổi về cách học tập theo phương pháp mới này để tìm hiểu những mặt còn tồn tại nhằm chốt lại vấn đề vướng mắc để tìm ra cách thức giải quyết thấu đáo.
3.2.4. Sau quá trình triển khai:
+ Sau khi kết thúc mỗi buổi dạy và mỗi học phần, giảng viên giảng dạy cần xem xét những mặt đã đạt được và chưa đạt được để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả qua việc dạy và học ứng dụng website, group fb và fanpage
3.3. Nâng cao khả năng dạy học qua ứng dụng website và mạng xã hội
Phương pháp giảng dạy và học tập là một vấn đề quan trọng trong nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường. Đặc biệt là tại các trường đại học, nơi mà sinh viên phải chủ động trong việc học tập, nghiên cứu để tìm ra những kiến thức đúng, mới. Tuy nhiên, việc thay đổi theo phương pháp mới này là một vấn đề khó. Trong đó đòi hỏi giảng viên phải thay đổi cách dạy và sinh viên thay đổi cách học, đặc biệt cách sử dụng internet cũng như thói quen sử dụng internet và mạng xã hội trong học tập để cập nhật kiến thức, tranh luận các vấn đề trong quá trình học tập. Muốn vậy, mỗi giảng viên cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc giảng dạy thông qua ứng dụng website và mạng xã hội (group fb và fanpage,…).
+ Nghiên cứu những cách dạy mới, nội dung kiến thức mới, phương pháp xây dựng các tài liệu, nội dung mới áp dụng vào công tác giảng dạy
+ Nghiên cứu thực trạng việc học tập qua ứng dụng internet và các giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy hoạt động học tập thông qua ứng dụng internet
+ Tìm tòi, khai thác tối đa những tiện ích của website và các trang mạng xã hội (group fb và fanpage,…) vào học tập tại ngành TCNH và khoa cũng như trường ĐHCN Việt Hung.
V. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
- Trước khi áp dụng:
Bảng 1.1. Tình hình giảng dạy của giảng viên trước khi áp dụng phương pháp giảng dạy qua ứng dụng website www.htnc.vn và các trang mạng xã hội (group fb và fanpage facebook htnc.vn):
Stt | Chỉ tiêu | Rất tốt | Tốt | Bình thường | Yếu | Kém |
1 | Khả năng nắm bắt kế hoạch học tập, nội dung học phần | x | ||||
2 | Khả năng tìm kiếm tài liệu về môn học | x | ||||
3 | Kỹ năng viết bài, trình bày | x | ||||
4 | Khả năng kết nối giữa GV và SV | x | ||||
5 | Tự tin trong thể hiện quan điểm | x | ||||
6 | Tính chủ động và nhất quán trong giảng dạy của các giảng viên | x | ||||
7 | Điểm số học tập các môn học | x | ||||
8 | Liên hệ với vị trí việc làm trong lĩnh vực TCNH | x |
Stt | Chỉ tiêu | Rất tốt | Tốt | Bình thường | Yếu | Kém |
1 | Khả năng nắm bắt kế hoạch học tập, nội dung học phần | x | ||||
2 | Khả năng tìm kiếm tài liệu về môn học | x | ||||
3 | Kỹ năng viết bài, trình bày | x | ||||
4 | Khả năng kết nối giữa GV và SV | x | ||||
5 | Tự tin trong thể hiện quan điểm | x | ||||
6 | Tính chủ động và nhất quán trong giảng dạy của các giảng viên | x | ||||
7 | Điểm số học tập các môn học | x | ||||
8 | Liên hệ với vị trí việc làm trong lĩnh vực TCNH | x |
kinh nghiệm, hoạt động, giảng dạy, học tập, tài chính ngân hàng, ứng dụng, website, mạng xã hội
Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....
Ý kiến bạn đọc