Như đã chia sẻ với mọi người về “Cảm xúc ngày đầu đi làm của 1 sinh viên mới ra trường” ở bài trước hôm nay Tôi xin phép được viết tiếp bài thứ hai để chia sẻ với mọi người đặc biệt là các bạn sinh viên ngân hàng mới ra trường đã, đang và sẽ làm tín dụng dù là ở mảng cá nhân hay doanh nghiệp về: “Những khó khăn của 1 nhân viên tín dụng mới vào nghề”.
Kỳ 1: Chia sẻ cảm xúc ngày đầu đi làm của 1 sinh viên mới ra trường
Các bạn ạ, tính đến thời điểm viết bài này, tôi cũng đã bước chân vào nghề tín dụng này được 5 tháng. Như đã chia sẻ với các bạn trong bài trước, tôi cũng đã từng làm rất nhiều nghề trong quá trình học tập cũng như trong thời gian trước khi bước chân vào công việc hiện tại.
Công bằng mà nói, tôi thấy làm tín dụng thú vị và hấp dẫn hơn nhiều được tiếp xúc với nhiều người trong xã hội, được lại nhiều chứ không phải cố định ở văn phòng, được xem người ta làm giầu ra sao, sử dụng vốn thế nào và quan trọng là có “kinh nghiệm”. Tôi thấy thu nhập mình nhận được nó phù hợp với công sức mà tôi bỏ ra, nói chung, tôi thấy khá yêu nghề!
Khi được lựa chọn, bạn sẽ được tham gia những khóa đào tạo về nghiệp vụ và quy trình làm việc. Do vậy, bạn đừng quá lo lắng mà thay vào đó hãy tự tin chuẩn bị tinh thần học hỏi cao nhất từ môi trường, các anh chị đồng nghiệp để có thể thích ứng tốt với công việc mà bạn lựa chọn.
Người làm tín dụng thực hiện trực tiếp nghiệp vụ tín dụng là cầu nối giữa ngân hàng (tổ chức có vốn) và khách hàng (cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu vốn). Vậy sinh viên mới ra trường, bước chân vào nghề tín dụng có những khó khăn gì?
Thông thường, mỗi ngành nghề đều có những khó khăn và áp lực khác nhau. Đầu tiên là bạn nên tìm hiểu những kỹ năng và phẩm chất của bản thân có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Cái thứ hai rất quan trọng là bạn có chịu đương đầu với những khó khăn trước mắt? Nếu bạn có đủ thì tôi nghĩ không chỉ khó khăn của nghề tín dụng mà của bất kỳ ngành nghề nào bạn cũng có thể vượt qua để thành công.
Vừa mới rời ghế nhà trường chắc chắn mối quan hệ xã hội còn quá ít, nếu muốn làm tín dụng, chắc chắn phải nên tạo các mối quan hệ xã hội thật nhiều. Đối với vấn đề này, không có trường học nào dạy ta cả, đây là vấn đề thể hiện điểm mạnh yếu của một người làm tín dụng, nếu quan hệ giao tiếp kém thì chắc chắn bạn không thể khai thác khách hàng dẫn đến để tăng trưởng dư nợ. Nếu bạn không có hiểu biết xã hội cao bạn không thể sàng lọc được khách hàng, muốn có khách hàng ổn định không để xảy ra nợ quá hạn, người làm tín dụng phải nhanh nhạy nắm bắt thông tin của khách hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, lựa chọn được một khách hàng tốt rất khó, giữ được lại càng khó hơn, nhất là trong tình trạng đất nước ta không có sự minh bạch trong báo cáo tình hình tài chính, việc nắm được các thông tin nhạy cảm của khách hàng mới thực sự quan trọng, đồng thời với việc nắm bắt tìm hiểu thông tin khách hàng thì người làm tín dụng cần phải trung thực, biết giữ mình trước cám giỗ của đồng tiền, không nên để mất mình trước những khoản tiền lót tay, khi mình nhận tiền lót tay, vô tình mình đã phải tạo áp lực cho bản thân phải làm bằng được mặc dù có thể thấy sai. Tất cả những vấn đề đó giữ được thì mới thực sự làm được tín dụng và bảo toàn được danh dự người làm tín dụng.
Để tìm kiếm được khách hàng bạn phải làm gì?
Từ người thân, bạn bè, mối quan hệ xã hội: Thông qua việc cho họ biết công việc của mình để họ liên lạc nếu có nhu cầu, điểm mấu chốt là bạn phải biết PR làm thương hiệu cá nhân. Lập danh sách các mối quan hệ của mình. Phân loại mối quan hệ theo độ thân thiết. Cố gắng chăm sóc và duy trì cũng như phát triển các mối quan hệ này thường xuyên.
Từ database khách hàng mà công ty cung cấp, do bạn đi mua hoặc qua quan hệ, bạn có thể tiếp cận và chào bán sản phẩm khá tốt. Từ khách hàng cũ mà bạn tự kiếm được, phải tạo lập quan hệ thật tốt. Chính họ sẽ là kênh thông tin và giới thiệu khách hàng cho bạn, những khách hàng được giới thiệu phải là người tạo lập được sự tín nhiệm nhất định đôi với người giới thiệu.
Phát tờ rơi, poster, băng rôn quảng bá hình ảnh ngân hàng, tìm hiểu thị trường, tiếp cận và lên danh sách khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, chúng ta có thể chạy truyền thông quảng cáo trên Facebook, Youtube, SEO Web hoặc tham gia các hội nhóm. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định hội nhóm đó là những ai tham gia và đó có phải nhóm khách hàng mục tiêu của mình không.
Thiết lập mối quan hệ với các Sales ở Ngân hàng khác để kết hợp cùng làm. Tích cực đi theo các Sales cứng để học lỏm cách họ tư vấn, cách tìm kiếm khách hàng hay cách họ xử lý các trường hợp khách hàng khó. Khi mà đã có khách hàng rồi thì bạn phải đánh nhanh diệt gọn, chốt hạ sớm. Đồng thời cũng phải tư vấn và hoàn thành các thủ tục giấy tờ cho khách hàng một cách nhanh chóng chính xác, để khách hàng họ "tin tưởng" mình. Khi đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng rồi thì họ chính là người sẽ đi sale cho mình. Khi đó thì những khách hàng mới được chính khách hàng cũ giới thiệu cho mình cũng tin tưởng và họ sẽ tiếp tục giới thiệu thôi.
Nghề tín dụng đòi hỏi bạn phải là người trung thực. Đây là yếu tố quan trọng nhất bởi mọi hành vi không trung thực đều dẫn tới hậu quả khôn lường. Các bạn có nghĩ tại sao lại vậy không? Tôi có thế lấy một ví dụ đơn giản như sau: Với mỗi hồ sơ khách hàng (Case) Tôi được từ 300 – 500k nhiều nhất là 800k không cần biết là case đó giải ngân bao nhiêu tiền. Nhiều nhân viên tín dụng sẽ bất chấp rủi ro để làm hồ sơ cho khách hàng dù biết đó là hồ sơ có rủi ro cao nhưng bù lại họ nhận tiền lót tay của khách hàng bỗng dưng từ việc không trung thực của chính nhân viên và khách hàng mà làm ảnh hưởng tới tổ chức tín dụng.
Ngoài ra bạn phải thực sự nhanh nhẹn, nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ và có kiến thức vững vàng… để có thể đưa ra được lựa chọn, quyết định đúng đắn tại mỗi thời điểm.
Nghề nào cũng có những khó khăn riêng và làm tín dụng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bước vào nghề. Không có thành công nào tự đến mà không phải đánh đổi bằng sự cố gắng, kiên trì thậm chí là những thất bại, mất mát. Tôi luôn nghĩ rằng, khả năng của mỗi con người là vô hạn, bạn chỉ có thể biết mình giỏi gì và giỏi như thế nào khi mình đã chấp nhận dấn thân. Đừng sợ mình không vượt qua được các khó khăn, thử thách. Những khó khăn, thử thách chính là thước đo giá trị bản thân của mỗi chúng ta và giúp chúng ta mạnh mẽ lên. Để có thể biết được những thú vị khi làm 1 cán bộ tín dụng. Xin mời quý vị và các bạn đón đọc kỳ 3: "Những thành công đầu đời" sẽ có trong số tiếp theo của tạp chí
Ý kiến bạn đọc