Mặc dù cầm tấm bằng tốt nghiệp của trường đại học top dưới, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, kỹ năng học hỏi, khát khao nghề nghiệp và nắm bắt vấn đề nhanh đã giúp mình gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng
Những năm gần đây, tình trạng thất nghiệp của sinh viên các trường đại học ngày càng gia tăng. Không chỉ các bạn sinh viên trường ít danh tiếng, mà nhiều bạn sinh viên trường tốp đầu cũng đều có thể thất nghiệp.
Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, trường tốp đầu, học ngành hot nhưng vẫn thất nghiệp làm cho các bạn sinh viên trở nên hoang mang. Đặc biệt là thời đại hội nhập AEC và CPTPP đã và đang đến rất gần.
Vậy để khắc phục tình trạng này, sinh viên các trường đại học chưa có nhiều danh tiếng phải học tập và rèn luyện như thế nào để đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn mà các nhà tuyển dụng đưa ra?
Xin mời các bạn hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với hai sinh viên đến từ đại học công nghiệp Việt – Hung, một trường đại học công lập, trực thuộc bộ Công thương để biết là sinh viên các trường đại học chưa nhiều danh tiếng cần làm gì để có thể có việc làm tốt sau khi ra trường.
Trước tiên xin cảm ơn anh Phạm Bá Dương – chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân - ngân hàng TPbank đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng chúng tôi.
PV: Thưa anh Dương, từng là sinh viên K35 ĐH TCNH 4, chuyên ngành TCNH của trường Đại học Công Nghiệp Việt - Hung, anh đã gặp những khó khăn nào khi cầm tấm bằng của trường Đại học công nghiệp Việt – Hung khi đi phỏng vấn xin việc ạ? Anh nghĩ sao về câu chuyện bằng cấp ạ?
Cầm tấm bằng khá của một trường đại học chưa nhiều danh tiếng, bên cạnh đó mình lại chưa có nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm thực tế về ngành TCNH cho nên lúc đầu mình cảm thấy khá là tự ti. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, kỹ năng học hỏi, khát khao nghề nghiệp và nắm bắt vấn đề nhanh đã giúp mình gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Qua kinh nghiệm làm việc thực tế hơn 1 năm thì mình cảm thấy câu chuyên bằng cấp không liên quan nhiều đến công việc làm trong ngân hàng. Mình thấy rằng bằng cấp trường nào không còn quá quan trọng đối với nhà tuyển dụng. Vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm là bạn có làm được việc không và họ trả lương cho bạn có xứng đáng hay không?
PV: Anh có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên biết là mình cần phải làm gì, học tập và rèn luyện như thế nào để ra trường có thể xin được việc và tìm ra công việc phù hợp với năng lực bản thân
Trước hết các bạn phải học cho tốt để có nền tảng kiến thức tốt về chuyên ngành và cố gắng ít nhất là phải đạt bằng khá trở lên vì nó cũng phản ánh một phần nỗ lực, khả năng của bản thân.
Bên cạnh đó các bạn nên tìm hiểu thêm về ngành nghề, vị trí, yêu cầu công việc mà mình muốn làm sau này và nên tham gia làm thêm, trải nghiệm thực tiễn về ngành mình đang học để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết. Như vậy, khi ra trường thì chúng ta sẽ có đủ năng lực, đáp ứng các yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra tại mỗi vị trí mình ứng tuyển.
Phạm Bá Dương là người thứ 5 từ trái sang trong buổi hội thảo do ngành TCNH nhà trường tổ chức
PV: Thưa anh, được biết hiện nay có rất nhiều các ngân hàng hay công ty tài chính đang tuyển cộng tác viên. Vậy, anh có thể vui lòng chia sẻ cho các bạn sinh viên được biết các vị trí này yêu cầu như thế nào để được tuyển và giúp đỡ gì cho các bạn sinh viên nếu làm thêm đúng ngành đang theo học?
Theo mình thì cộng tác viên là một cơ hội trải nghiệm tốt về ngân hàng và vị trí này phù hợp với các bạn sinh viên còn đang phải tham gia học tập trên lớp mà vẫn có thể đi làm được. Công việc này không yêu cầu kinh nghiệm quá cao, chỉ cần các bạn có khả năng giao tiếp tốt và nhạy bén trong công việc. Cùng với đó là sự nhiệt tình là chúng ta có thể làm tốt được ở vị trí này. Hiện nay tại ngân hàng nơi chi nhánh mình đang làm và tại một số công ty tài chính cũng có nhiều nhu cầu tuyển dụng cộng tác viên và nếu các bạn nào có nhu cầu thì mình có thể giới thiệu giúp các bạn và hỗ trợ các bạn trong quá trình ban đầu.
Vâng cảm ơn những chia sẻ và những thông tin hữu ích của anh Phạm Bá Dương đã chia sẻ cho các bạn sinh viên. Chúc anh luôn gặp nhiều may mắn và thành công trong công việc. Chúng tôi hy vọng sau những thông tin chia sẻ hữu ích của anh Dương thì các bạn sẽ có thêm cái nhìn khác về xin việc ngành TCNH có thực sự khó như bạn nghĩ. Các bạn sẽ nộp hồ sơ xin ứng tuyển làm cộng tác viên, thực tập tại các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty tài chính để thử sức với ngành TCNH chứ?
Các bạn thân mến, các bạn vừa được cùng trò truyện với anh Phạm Bá Dương – chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân - ngân hàng TPbank là một sinh viên đã ra trường. Vậy các bạn sinh viên đang còn trên ghế nhà trường các bạn nghĩ gì, làm gì để trang bị hành trang trước khi đi xin việc?
Chúng ta hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với một bạn sinh viên nữ khá xinh xắn để giải đáp thắc mắc tại sao trong khi đã tốt nghiệp ra trường sinh viên các trường top đầu còn thất nghiệp.
Tuy bạn vẫn đang là sinh viên năm 4, lớp 37 ĐH TCNH 3 chuyên ngành TCNH trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung nhưng bạn ấy lại tự tìm cho mình một công việc khá ổn đem lại thu nhập cho bản thân và giúp đỡ gia đình.
Xuất phát điểm là một nhân viên bán hàng, telesale nhưng chỉ trong thời gian ngắn bạn ấy đang giữ vai trò là một quản lý bán hàng và marketing, quản lý nhân sự của shop giày da iMEN.
PV: Xin chào Ngọc Ánh, mong bạn chia sẻ đôi nét về việc học tập tại trường ĐH Công nghiệp Việt – Hung và công việc làm thêm của mình. Theo bạn, sinh viên chúng ta nên tìm một công việc làm thêm như thế nào, có nên làm thêm đúng chuyên ngành đang theo học?
Xin chào các bạn!
Cũng như anh Dương và rất nhiều các bạn sinh viên khác, tâm lý chán nản khi ban đầu không đỗ vào ngôi trường đại học mong muốn và nhất là khi nhắc đến ĐH Công nghiệp Việt – Hung ai nấy đều không biết đến và gật đầu cho qua. Nhưng nếu cho Ánh chọn lại, Ánh vẫn sẽ chọn ĐH Công Nghiệp Việt – Hung bởi bạn học đâu không quan trọng mà quan trọng là bạn đã tích lũy lượng kiến thức như thế nào? Rèn luyện kĩ năng và thái độ ra sao để có thể tìm kiếm được công việc tốt phù hợp năng lực bản thân trong tương lai.
Trở lại cảm xúc những ngày đầu bước vào trường, tôi không khỏi thất vọng khi bản thân cấp 3 là một cô học sinh khá năng động. Thay vì chỉ lao vào học, tôi tham gia rất nhiều các hoạt động đoàn, hội, rèn luyện cho mình kĩ năng mềm, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông, làm MC...
Tôi vinh dự được đảm nhiệm vai trò là một bí thư lớp, bí thư đoàn trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân rồi trúng cử là một ủy viên ban chấp hành Quận đoàn Thanh Xuân. Tôi nghĩ lên đại học tôi sẽ có cơ hội tham gia nhiều hơn với các câu lạc bộ và hy vọng sẽ phát triển bản thân hơn nữa ở một ngôi trường Đại học với những hoạt động phong trào sôi nổi.
Nhưng chính học tại Việt – Hung giúp bản thân mình nhận ra rằng khi mình đã có những sự tự tin, giao tiếp và những thành tích đã đạt được về công tác Đoàn thì mình cần chứng minh được bằng công việc bằng những con số mức lương để cho mọi người biết lời nói phải đi đôi với việc làm.
Cũng giống như việc sau này bạn ra trường đi làm, dù bạn có tốt và giỏi đến mấy nhưng bạn không đạt chỉ tiêu doanh số hoàn thành các nhiệm vụ được giao thì sếp của bạn cũng sẽ không thể tin tưởng và công nhận năng lực của bạn được.
Công việc Ánh đang làm, có lẽ gọi là làm thêm nhưng Ánh dành khá nhiều thời gian và sự nhiệt huyết cho công việc này. Ngay từ khi là một nhân viên bán hàng, đầu tiên Ánh học cách nắm được sản phẩm, hiểu sản phẩm, tìm hiểu cách kết hợp tư vấn cho khách hàng.
Khi làm telesale, mình thường rất chủ động viết cho mình một form ngắn trước khi gọi cho khách, chú ý giọng nói, hỏi thông minh, nắm bắt nhu cầu khách hàng, tư vấn đúng, trúng và bán cho khách hàng thứ khách hàng cần chứ không nên bán thứ mình có. Và cứ như vậy, mình đã có thể chốt sale khá thành công, đỉnh điểm có lúc chỉ từ 17h hôm trước đến 10h sáng hôm sau mình đã có thể chốt 55 đơn hàng và tỷ lệ thành công nhận hàng trên 85%.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh là MC, bên trái ngoài cùng trong buổi hội thảo do ngành TCNH nhà trường tổ chức
Mình nghĩ rằng cách bạn làm tốt một việc là cách bạn làm tốt mọi việc. Thời gian một ngày 24 giờ nếu bạn biết sắp xếp, quản lý thời gian bạn sẽ làm được nhiều công việc. Bạn đừng ngại thử sức với nhiều công việc, một công việc dù đúng ngành hay trái ngành thì bạn cần lựa chọn sao cho phù hợp với năng lực bản thân niềm đam mê nhiệt huyết với nghề.
PV: Bạn vui lòng chia sẻ rõ hơn cho các bạn sinh viên được biết bạn sắp xếp thời gian một ngày làm việc và học tập của mình như thế nào, và học tập rèn luyện ra sao ạ?
Lịch trình làm việc của mình một ngày là sáng đến shop làm kết thúc lúc 11h30’ -12h00’ sau đó là ăn trưa rồi phóng thật nhanh đến trường mới kịp giờ học. Ở trên lớp, mình học và hiểu kiến thức ngay trên lớp bằng việc lắng nghe tập trung vào bài giảng của thầy cô, phát biểu xây dựng bài và hỏi ngay những chỗ chưa hiểu, chưa biết làm để nắm kiến thức.
Tan học, mình quay lại chỗ làm xử lý nốt công viêc, tối về nhà ôm laptop check comment của khách gọi nói chuyện như người yêu và tranh thủ thời gian nghiên cứu làm bài tập các môn trên lớp. Sau đó, mình mò mẫm các kỹ năng về word, excel, sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý bán hàng, cách marketing, chụp và chỉnh ảnh tự nhiên, viết nội dung sao cho hấp dẫn để bán được hàng. Nhiều khi mình tự hỏi sao mình có thể mò mẫm và tự học, rèn kỹ năng được vậy là do mình tự học qua google, youtube đó.
PV: Qua Fb cá nhân của bạn, mình thắc mắc tại sao bạn luôn cập nhật công việc, rồi chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng của mình và người khác, rồi những status động viên bạn bè. Bản thân sao không thấy tự sướng, than vãn tụ tập kết bạn như nhiều sinh viên khác vẫn làm?
Cảm ơn câu hỏi rất hay của bạn. Sở dĩ mình sử dụng Fb là để xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp. FB là một mạng xã hội như con dao hai lưỡi nếu bạn dùng đúng cách bạn có thể phát triển bản thân tạo mối quan hệ, cơ hội tìm kiếm việc làm, nhưng cũng giết chết bạn nếu bạn dùng không đúng cách.
Với thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay FB đang giết bạn từng ngày nếu bạn cứ tự sướng, than vãn... bạn sẽ bị loại ngay từ khi gửi CV xin việc qua email và link FB. Trước khi quá muộn, các bạn hãy dùng FB đúng cách, viết gì đăng gì phải cân nhắc suy nghĩ trước. Các bạn nên đưa ra những cảm xúc suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề, nếu bạn muốn FB là thùng xả có thể chọn đăng bài chế độ riêng tư và chia sẻ công khai những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
PV: Được biết Ánh cũng đang làm nhân sự tuyển nhân viên cho shop giày iMEN bạn tuyển dụng và hướng dẫn nhân viên thế nào ạ?
Ở vị trí tuyển dụng, Ánh luôn nói với các bạn nhân viên khác, có thể ở ngoài là bạn bè, chị em nhưng chơi ra chơi, làm ra làm. Đối với công việc khi tuyển dụng Ánh luôn đặt lợi ích của công ty, tổ chức lên hàng đầu.
Bắt đầu là việc mình tuyển chọn qua CV, qua email và lướt timeline FB cá nhân của các bạn mình đã có bước sàng lọc trước rồi mới hẹn phỏng vấn và hướng dẫn các bạn các công việc cần làm. Trong quá trình làm việc, các bạn có thể gọi điện, inbox và mình sẽ giải đáp vướng mắc của các bạn ấy. Đôi khi mình phải nhắc nhở, và lúc cần phải sử dụng nội quy khen thưởng hay phạt để các bạn hoàn thành công việc và làm việc nghiêm túc, hiệu quả.
PV: Sau này ra trường bạn có dự định làm trong ngành TCNH hay là sẽ theo đuổi công việc hiện tại?
Có lẽ tôi sẽ thử sức với cái ngành mà mình đã theo học vì ngành TCNH là ngành mà tôi đã lựa chọn theo học và nó cũng là một ngành rất là năng động, hấp dẫn. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, tôi ước mơ mình sẽ trở thành một người quản lý một công ty và thực hiện những ấp ủ về kinh doanh của mình.
Cảm ơn Ngọc Ánh, chúc bạn luôn xinh đẹp và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong học tập và công việc.
Cảm ơn các bạn về cuộc trò chuyện thú vị này.
Ý kiến bạn đọc