THÁI ĐỘ VÀ TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ ĐỐI VỚI KHẢ NĂNG THÀNH CÔNG CỦA ỨNG VIÊN KHI ỨNG TUYỂN VÀ LÀM VIỆC TẠI DOANH NGHIỆP

Đăng lúc: Thứ ba - 26/11/2024 21:01
Tóm tắt
 
Bài viết tập trung phân tích vai trò của thái độ và kinh nghiệm đối với sự thành công của ứng viên khi ứng tuyển và làm việc tại công ty. Bài viết sử dụng phương pháp khảo sát và phỏng vấn sâu với các nhà tuyển dụng tại doanh nghiệp để làm rõ tầm quan trọng của hai yếu tố này. Dựa trên kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.
 
Từ khóa: Kinh nghiệm, thái độ, ứng tuyển, làm việc, công ty

1. Giới thiệu
- Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng vào bằng cấp và kiến thức chuyên môn mà còn tìm kiếm những ứng viên có thái độ tích cực và trải nghiệm thực tế đa dạng. Thái độ của ứng viên bao gồm tinh thần học hỏi, khả năng chịu áp lực và thái độ hợp tác được xem là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo thành công lâu dài tại doanh nghiệp. Trong khi đó, trải nghiệm thực tế giúp ứng viên nắm vững cách áp dụng kỹ năng vào thực tiễn, từ đó giúp họ thích nghi nhanh chóng với yêu cầu công việc.

- Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích tầm quan trọng của thái độ và trải nghiệm thực tế đối với thành công của ứng viên trong ứng tuyển và làm việc, đồng thời đánh giá cách hai yếu tố này ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp và đưa ra các đề xuất nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Cơ sở lý thuyết
- Các nghiên cứu cho thấy rằng thái độ của ứng viên thường liên quan mật thiết đến văn hóa doanh nghiệp và khả năng gắn bó lâu dài. Thái độ tích cực, tinh thần trách nhiệm và khả năng hợp tác được xem là các phẩm chất có giá trị trong việc xây dựng môi trường làm việc hiệu quả. Theo lý thuyết "Culture fit" (sự phù hợp với văn hóa), thái độ của ứng viên quyết định mức độ thành công của ứng viên vì các doanh nghiệp thường lựa chọn nhân sự phù hợp với văn hóa và giá trị của doanh nghiệp.

- Trải nghiệm thực tế qua các hoạt động thực tập, làm việc bán thời gian, hoặc tham gia thực hiện các dự án thực tiễn là những yếu tố mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Theo nghiên cứu về dạy học trải nghiệm "Learning by doing" (học thông qua làm việc), các ứng viên có trải nghiệm thực tế sẽ thích nghi và xử lý công việc tốt hơn. Những trải nghiệm này giúp họ tiếp cận và giải quyết vấn đề trong thực tế một cách linh hoạt, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu
- Bài viết sử dụng phương pháp khảo sát và phỏng vấn. Trong đó, khảo sát và phỏng vấn được tiến hành trên các doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau nhằm đánh giá mức độ quan trọng của thái độ và trải nghiệm thực tế trong ứng tuyển và làm việc tại các doanh nghiệp.

- Đối tượng nghiên cứu là những người tham gia là nhà quản lý nhân sự, phụ trách tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp, đảm bảo các câu trả lời phản ánh quan điểm thực tế từ người ra quyết định.

- Khảo sát được thực hiện theo hình thức trực tuyến với bảng hỏi và phỏng vấn bán cấu trúc để thu thập thêm thông tin định tính. Các kết quả sẽ được phân tích bằng công cụ thống kê và tổng hợp định tính.

4. Thảo luận kết quả nghiên cứu
- Kết quả khảo sát từ 50 lãnh đạo và cán bộ phòng ban, phụ trách tuyển dụng của các doanh nghiệp cho thấy đa số các nhà tuyển dụng (90%) đều đánh giá cao thái độ của ứng viên, đặc biệt là tinh thần cầu tiến và sự sẵn sàng học hỏi. Thái độ tích cực không chỉ giúp ứng viên nâng cao khả năng thích nghi, hòa nhập nhanh hơn và quyết định đến chất lượng công việc. Các nhà quản lý tại các doanh nghiệp nhấn mạnh rằng ứng viên có thái độ tốt thường giải quyết được các tình huống khó khăn trong công việc và có động lực tự phát triển, điều này giúp họ đạt được kết quả tốt trong dài hạn. Những vị trí việc làm không đòi hỏi kiến thức nền tảng cao, khi đó yếu tố thái độ được đánh giá cao hơn là kiến thức và kỹ năng, và là tiêu chí để lựa chọn ứng viên vào làm việc bởi vì kiến thức và kỹ năng chuyên môn có thể trau dồi trong quá trình làm việc.

- Trong các nghiên cứu và kết quả tổng hợp từ các nhà tuyển dụng cũng cho thấy những vấn đề mà nhà tuyển dụng ưu tiên khi tuyển dụng các ứng viên thì các yếu tố kinh nghiệm làm việc và thành tích của ứng viên, kỹ năng và trình độ liên quan, niềm đam mê và động lực, quyết tâm phát triển nghề nghiệp được coi trọng nhất. Có thể thấy trong các yếu tố mà các nhà tuyển dụng đưa ra, yếu tố liên quan đến kinh nghiệm và thái độ của ứng viên được liệt kê trong hầu hết các yếu tố.

- Trải nghiệm thực tế giúp ứng viên có thể dễ dàng tiếp thu và thực hiện công việc sau khi được tuyển dụng. Khoảng 75% nhà tuyển dụng đồng ý rằng trải nghiệm thực tế là điểm cộng lớn trong quá trình tuyển dụng. Đặc biệt, các vị trí cần đến kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, có khả năng giải quyết công việc luôn, hoặc một số ngành nghề hoạt động không đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao thường ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm làm việc thực tế, vì những ứng viên đã qua trải nghiệm thực tế sẽ có cái nhìn thực tế về công việc, có khả năng thích ứng, chủ động và tự tin hơn trong các công việc do đó khả năng thành công cao hơn. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết họ đánh giá cao các trải nghiệm, làm thêm liên quan đến ngành nghề của sinh viên vì sinh viên có hiểu biết chuyên sâu về thực tế trong lĩnh vực công việc vì vậy có thể nhanh chóng tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của công việc.

- Khảo sát và phỏng vấn cũng cho thấy tại một số ngành nghề, sự lựa chọn không hoàn toàn nghiêng về trải nghiệm của ứng viên do yêu cầu về kiến thức nền tảng cao để có khả năng tư duy sâu về chuyên môn, suy nghĩ logic đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số doanh nghiệp cũng cho rằng trải nghiệm là quan trọng tuy nhiên khi để đưa ra quyết định lựa chọn ứng viên nào thì căn cứ trên giá trị mà ứng viên đó tạo ra cho tổ chức qua kết quả làm việc trong thời gian thử thách từ doanh nghiệp cho các ứng viên.

- Khảo sát cũng cho thấy với các ứng viên vừa có thái độ tốt vừa có trải nghiệm thực tế sẽ được đánh giá cao nhất. Những ứng viên này không chỉ thích nghi nhanh với văn hóa doanh nghiệp mà còn có thể đóng góp hiệu quả từ những ngày đầu làm việc.

5. Đề xuất giải pháp
- Đối với ứng viên: Bằng cấp và kiến thức chuyên môn là rất quan trọng, là nền tảng cốt lõi, nhưng để thành công trong công việc thì cần có thái độ tích cực cũng như là kinh nghiệm, trải nghiệm từ thực tế liên quan tới nghề nghiệp. Các ứng viên cần đảm bảo rằng những trải nghiệm thực tế có giá trị được biểu hiện thông qua thành tích đạt được và kiến thức, kỹ năng chuyên môn thu lượm được qua quá trình trải nghiệm, kinh nghiệm làm việc để là minh chứng có thể thuyết phục được các nhà tuyển dụng.

Vì vậy, các sinh viên, ứng viên tuyển dụng cần tích cực tham gia các hoạt động làm thêm, thực tập, ngoại khóa và dự án trong thực tế có liên quan đến ngành nghề để tích lũy kinh nghiệm, đảm bảo rằng trong các hoạt động mà mình tham gia có những kết quả, thành tích nhất định. Đồng thời, trong quá trình học tập, các sinh viên cần tích cực rèn luyện kỹ năng mềm qua các hoạt động trên lớp, giờ học kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa, chương trình sinh viên, nhằm có tinh thần cầu tiến, chịu học hỏi, khả năng thích nghi và chấp nhận thử thách mới.

- Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp cần đề cao yếu tố thái độ và trải nghiệm thực tế khi tuyển dụng nhân sự bên cạnh kiến thức chuyên môn. Doanh nghiệp cần xây dựng quy trình tuyển dụng linh hoạt nhằm xác định các ứng viên phù hợp với văn hóa và giá trị doanh nghiệp, đảm bảo nhân sự tuyển dụng có sự phù hợp và thích ứng với văn hóa của doanh nghiệp. Bởi vì, khi đó doanh nghiệp có khai thác tối đa tiềm năng của họ, giúp họ đạt được những mục tiêu nghề nghiệp, và có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đặc biệt, tại những doanh nghiệp mà yếu tố văn hóa là giá trị cốt lõi của hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những ứng viên có kinh nghiệm làm việc phù hợp. Kinh nghiệm phù hợp của nhân viên không chỉ được xác định bằng số năm làm việc, mà còn phải dựa vào những thành quả cụ thể, thông qua năng lực xử lý công việc tại môi trường làm việc cụ thể tại doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá năng lực ứng viên tuyển dụng để lựa chọn được ứng viên có những trải nghiệm thực tế và thái độ có thể chuyển hóa thành giá trị cho tổ chức mà doanh nghiệp ứng tuyển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên căn cứ vào vị trí công việc, mục tiêu của doanh nghiệp, ngành nghề hoạt động, cơ hội đào tạo và phát triển, chiến lược dùng người hay nguồn lực hiện có để từ đó ưu tiên ứng viên có nhiều trải nghiệm thực tế hay không.

- Đối với các cơ sở giáo dục: Các cơ sở giáo dục cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp để triển khai các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, trải nghiệm thực tế nhằm giúp sinh viên tìm hiểu sớm về ngành nghề, vị trí việc làm và tiếp cận sớm với công việc thực tế. Chương trình đào tạo cũng nên tăng cường và bổ sung các khối lượng kiến thức thực hành, thực tập, kiến thức bổ trợ và đa dạng hóa phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá để sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành, thực tế và kỹ năng mềm trong quá trình học tập nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về thực hành, thực tế và kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường có thể triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối với doanh nghiệp để sinh viên được tham gia thực tập sinh, học việc tại doanh nghiệp hoặc mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, kiểm tra, đánh giá trong một số học phần để nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, thực tế của sinh viên trong quá trình học tập.

6. Kết luận
Thái độ và trải nghiệm thực tế là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ứng viên trong quá trình ứng tuyển và làm việc tại doanh nghiệp. Thái độ tích cực giúp ứng viên dễ dàng hòa nhập và cống hiến cho doanh nghiệp, trong khi trải nghiệm thực tế giúp họ xử lý công việc hiệu quả và nhanh chóng hơn. Đối với doanh nghiệp, việc cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng cả thái độ và trải nghiệm thực tế của ứng viên và yêu cầu, đặc điểm, tình hình doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh mẽ và bền vững.
 
 
Tài liệu tham khảo
[1] https://join.com/glossary/cultural-fit
[2] https://plurisacademy.com/blog/what-is-learning-by-doing
[3] https://intern.phuongnamdigital.com/blog/sinh-vien-hay-di-thuc-tap-de-trai-nghiem-thuc-te.html
[4] https://acabiz.vn/blog/cach-chon-nguoi-cho-doanh-nghiep-moi-chuan-nhat
[5] https://www.forbes.com/sites/susanlamotte/2024/03/11/how-candidate-experience-could-be-the-new-competitive-edge/
[6] https://novoresume.com/career-blog/why-should-we-hire-you-best-answers  


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết