NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ths. Nguyễn Mạnh Hà
Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung
Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ngày càng phát triển và đi vào sâu rộng, tác động tới mọi ngành nghề, lĩnh vực trong tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, ngành tài chính ngân hàng được coi là ngành bị tác động nhiều nhất và cũng là ngành tiên phong trong việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Những thành tựu về khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tạo ra một thách thức không nhỏ về tư duy, khả năng đối với nhân lực để có thể thích nghi, đáp ứng. Vì vậy, chất lượng nhân lực ngành tài chính ngân hàng nhằm nâng cao khả năng làm chủ được các thành tựu của cách mạng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số là một vấn đề hết sức quan trọng. Bài viết đề cập về một số kết quả đạt được cũng như là tồn tại, hạn chế về vấn đề nhân lực trong ngành tài chính ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số và giải pháp về phía các ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ sở đào tạo, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số.
Từ khóa: Chuyển đổi số, nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, ngân hàng số, công nghệ tài chính
1. Đặt vấn đề: Chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định thành công và sự phát triển của các ngân hàng, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nhân lực có những kỹ năng công nghệ, tư duy sáng tạo, có khả năng theo kịp được với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ giúp cho các tổ chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thực hiện thành công việc chuyển đổi số của mình. Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, trong những năm gần đây, ngành tài chính ngân hàng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ góp phần vào công cuộc quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng với chuyển đổi số mà thủ tướng chính phủ đã nêu, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ cần chú trọng thực hiện.
Bên cạnh những thành tựu trong nâng cao chất lượng nhân lực ngành tài chính ngân hàng đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua, việc triển khai nhiệm vụ về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài chính ngân hàng còn có nhiều thách thức và khó khăn.
2. Cơ sở lý luận
Theo wikipedia, chuyển đổi số (tiếng Anh: Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Vì vậy, có thể hiểu chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Digital Banking) là việc ứng dụng nền tảng công nghệ số đối với các chức năng, sản phẩm, dịch vụ ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng. Đây được coi là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong mọi nền kinh tế. Đặc biệt, ngành tài chính ngân hàng, là ngành có nhiều ứng dụng về công nghệ để xử lý khối lượng, số lượng giao dịch, sự chính xác, an toàn, bảo mật,… vì vậy là ngành tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Quá trình chuyển đổi số dẫn tới nhiều sản phẩm, dịch vụ trong ngành tài chính ngân hàng ngày càng được phát triển đa dạng, và được số hóa toàn diện... Vì vậy, nguồn nhân lực trong ngành tài chính ngân hàng cần phải nâng cao khả năng, kiến thức, trình độ, tư duy để thích ứng với công nghệ số.
Trong những năm gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược phát triển ngành tài chính ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn ngành tài chính ngân hàng.
Đặc biệt, sự xuất hiện của ChatGPT trong thời gian gần đây dự kiến có thể báo trước một cuộc cách mạng mới về trí tuệ, tư duy, hành vi của mọi cá nhân, tổ chức. Dự báo trong tương lai, AI sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm và nâng cao tính cá nhân hóa khách hàng, từ đó các tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ phải xây dựng các sản phẩm linh hoạt phù hợp với từng phân khúc khách hàng.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt và khốc liệt. Mọi ngân hàng đều cố gắng ứng dụng các nền tảng công nghệ mới nhất, tạo ra các sản phẩm ưu việt cũng như là thu hút được nhiều khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình. Do đó, nhân lực ngành tài chính ngân hàng phải luôn cập nhật được những xu thế mới về công nghệ, có những tư duy mở, kỹ năng mới về công nghệ để làm chủ được các công nghệ ngân hàng trong quá trình sáng tạo ra sản phẩm, tương tác với khách hàng để giải quyết các vấn đề, yêu cầu cũng như là cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm, dịch vụ hoàn hảo nhất.
Nhận thức được điều này, trong quá trình chủ động, tiên phong tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp, hoạt động nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
3. Phân tích thực trạng
3.1. Kết quả đạt được:
1 – Về phía các cơ quan nhà nước, tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
- Chủ động trong chuyển đổi số từ cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng đến các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng cũng như là ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã có sự chủ động trong lộ trình chuyển đổi số, xây dựng nền tài chính, ngân hàng số. Điển hình có thể kể đến là tại các lĩnh vực như thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm, ngân hàng,… đều đã có những thành tựu về số hóa trong hoạt động.
Các cơ quan quản lý về tài chính, ngân hàng luôn bám sát các định, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ và tình hình thực tế để nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số và khung pháp lý cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đem lại sự tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số này, các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng cũng như các ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Các nhân lực làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng nắm bắt được chủ trương, tự bồi dưỡng năng lực hoặc được tham gia các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng về sản phẩm số, công nghệ số phục vụ cho hoạt động chuyên môn.
- Triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên để thúc đẩy quá trình số hóa
Theo các nghiên cứu và khảo sát thì trong quá trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính đều đã thực hiện phổ biến cho cán bộ, nhân viên trong tổ chức của mình về chủ trương của chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về chủ trương chuyển đổi số; hiểu biết, nắm rõ các sản phẩm, nội dung chuyển đổi số từ đó biết cách hướng dẫn, tuyên truyền và vận động khách hàng tin tưởng và sử dụng dịch vụ một cách phổ biến, thường xuyên. Đồng hành với chủ trương chuyển đổi số, Techcombank cho biết đã lựa chọn Amazon Web Service (AWS) làm đối tác cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nhằm giúp Techcombank nâng cao năng lực điện toán đám mây cho cán bộ nhân viên của mình, giúp cho họ có thể ứng dụng thành thạo dịch vụ đám mây, thúc đẩy hợp tác giữa đội ngũ công nghệ thông tin và bên kinh doanh cũng như thúc đẩy các chương trình sáng tạo và phát triển nhân lực số hóa.
Đối với những doanh nghiệp, tổ chức tài chính có sự chuyên sâu, đặc thù hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động thì các tổ chức, nhân sự tại đó cũng luôn phải cập nhật những tính năng, cách thức để sử dụng nhằm nâng cao năng lực bản thân trong thời đại chuyển đổi số, ví dụ là các phần mềm, phiên bản mới trong hỗ trợ phân tích kỹ thuật trong lĩnh vực chứng khoán như Amibroker, Metastock,…
- Yêu cầu về kỹ năng mềm; chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ hành nghề theo từng vị trí công việc đối với ứng viên tuyển dụng
Theo như thống kê về yêu cầu vị trí việc làm tại các công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay, hầu như tất cả các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển tốt nghiệp trình độ đại học để đả bảo trình độ nhận thức nhất định về chuyên môn và hiểu biết chung về kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tại các vị trí việc làm, họ đều yêu cầu các ứng viên tuyển dụng phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, như các ngân hàng lớn đều yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ có chứng chỉ tin học (MOS, IC3,.. hoặc sử dụng thành thạo phần mềm word, excel), chứng chỉ ngoại ngữ (B1, TOEIC 450,…), thêm các chứng chỉ môi giới bất động sản (lĩnh vực bất động sản), chứng chỉ môi giới chứng khoán (lĩnh vực chứng khoán),… để đảm bảo nhân lực tham gia vào các vị trí công việc đều phải kỹ năng về công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản nhất định cũng như hiểu biết về ngoại ngữ nhằm phục vụ cho việc sử dụng các phần mềm, máy tính trong quá trình làm việc, thao tác, hỗ trợ khách hàng,…
Ngoài ra, mọi ứng viên đều phải có kỹ năng mềm tốt như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách hàng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy tốt để hỗ trợ cho việc tư vấn, bán các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng và thích nghi nhằm theo kịp sự biến đổi, phát triển của công nghệ. Các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính trong tương lai dần sẽ có thể hoạt động theo mô hình, môi trường giống với một công ty công nghệ. Môi trường làm việc tại các tổ chức trên sẽ không còn là một mô hình mang tính truyền thống, đơn thuần như trước đây vì vậy đây là những yêu cầu bắt buộc để mọi tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có những nhân sự chất lượng cao nhằm thực hiện các công việc đạt hiệu quả.
- Chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng và cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn và công nghệ số
Để bắt nhịp và thích ứng tốt với quá trình chuyển đổi số một cách kịp thời, hiệu quả, các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã có sự chú trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân lực và cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân tài.
Có thể kể đến là HDBank đã đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain, kỹ năng làm việc nhóm và giỏi ngoại ngữ bên cạnh yêu cầu về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Techcombank ưu tiên tuyển dụng những người có kinh nghiệm, có nhiều kiến thức và góc nhìn để khi gặp thách thức, đội ngũ nhân lực của họ có thể đưa ra tư vấn, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, Techcombank hướng đến việc tuyển dụng những nhân tài người Việt đang làm việc tại các trung tâm tài chính công nghệ hàng đầu thế giới như ở Singapore, London, Mỹ … vào ngân hàng để làm việc.
MBBank cũng đã ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện của ngân hàng. Bên cạnh đó, MBBank cũng đã thực hiện thử nghiệm trao quyền để nhân viên chủ động tìm tòi, học hỏi; khuyến khích họ "dám nghĩ dám làm", vượt ra khỏi lối tư duy cũ và cống hiến cho công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng tăng cường tuyển dụng nhân lực có năng lực công nghệ số như MBBank hiện tại có đội ngũ nhân sự và chuyên gia công nghệ lên tới 1.200 người, chiếm hơn 10% nhân sự toàn ngân hàng và MBBank cho biết rằng, đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng và trở thành lực lượng chủ chốt hỗ trợ MBBank mở rộng quy mô và hoạt động trong vai trò là một doanh nghiệp công nghệ. Hoặc như Techcombank đã tuyển mới 4.800 nhân sự trong hơn 1 năm qua, trong đó có khoảng 1.000 nhân sự làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số…
2 – Về phía các cơ sở giáo dục, đào tạo
- Nhiều cơ sở giáo dục đào tạo, trường đại học mở các ngành, chuyên ngành liên quan đến công nghệ số
Nhằm đón đầu xu thế về cung ứng nhân lực có kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, nhiều trường đại học trên khắp cả nước đã tiến hành mở các ngành, chuyên ngành mới về công nghệ số. Có thể kể đến một số trường đại học đã triển khai mở ngành về công nghệ số như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, HV Bưu Chính viễn thông… đã mở ngành công nghệ tài chính từ năm 2018, đến nay rất nhiều trường đã mở thêm ngành học này. Ngành kinh doanh số hiện tại có một số trường tổ chức đào tạo như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đại học Phương Đông, …; ngành Kinh tế số có HV Chính sách và phát triển,… Dự kiến những nhân lực tốt nghiệp các ngành trên sẽ có những kỹ năng mềm, kỹ năng về công nghệ đáp ứng được yêu cầu về nhân lực chuyển đổi số của các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
- Gắn kết đào tạo lý thuyết trên giảng đường với thực tiễn công việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng và tăng cường các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên
Trong những năm gần đây, hầu như tất cả các trường đại học, cơ sở giáo dục đều chú trọng tới công tác kết nối với các doanh nghiệp cho sinh viên đi thực tập, trải nghiệm thực tiễn đảm bảo sinh viên có cái nhìn tổng quát về ngành nghề, hiểu được thực tế công việc và đòi hỏi của các nhà tuyển dụng nhằm trang bị các kỹ năng, kiến thức thực tế về nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học đã xây dựng các trung tâm mô phỏng phục vụ giảng dạy gắn với thực tiễn như Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, … hoặc đã thực hiện kết nối với các doanh nghiệp để kết hợp đào tạo một số học phần thực hành, thực tập cho sinh viên.
Việc gắn kết đào tạo với thực tiễn là yếu tố giúp sinh viên cập nhật những tiến bộ công nghệ số tại chính các ngân hàng, tổ chức tài chính để thay đổi tư duy, nhận thức và học hỏi những kỹ năng công nghệ mới nhất từ đó có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm được nhiều trường chú trọng trong quá trình đào tạo giúp sinh viên có những kỹ năng mềm, khả năng tự tin để hoàn thiện bản thân
- Việc xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện hoạt động đào tạo tại các ngành về tài chính ngân hàng trong các trường đại học được thực hiện gắn với chuẩn đầu ra góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ngành tài chính ngân hàng
Trên cơ sở quyết định số 1982/QĐ-TTg năm 2016 của thủ tướng Chính Phủ về khung năng lực quốc gia và thông tư số 17/2021/TT-BGD&ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, các trường đại học trên cả nước đều đã tiến hành xây dựng chương trình đào tạo theo các định hướng, quy định đã ban hành. Qua khảo sát, tìm hiểu về chương trình đào tạo của các trường đã xây dựng thì các chương trình đào tạo của các trường đều thể hiện rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra và chuẩn đầu ra của từng học phần đóng góp vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo đã có bổ sung ma trận kỹ năng về phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá với chuẩn đầu ra … Trong đó, nhiều kỹ năng, học phần và yêu cầu về chuẩn đầu ra liên quan đến thực tế, kỹ năng, công nghệ số được các trường, các ngành đưa vào chương trình đào tạo. Đây là tiền đề để mọi sinh viên tốt nghiệp đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
3.2. Hạn chế và nguyên nhân:
* Hạn chế:
- Đội ngũ nhân lực của các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn nhiều hạn chế về kỹ năng, năng lực về công nghệ số, tư duy mở và khả năng thích nghi.
- Nhu cầu tuyển dụng lớn và trong thời gian ngắn nên số lượng ứng viên không đủ đáp ứng.
- Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học còn hạn chế về kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ số.
- Một số tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khó tuyển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao do bị khống chế bởi quy định, quy chế về tiền lương, thu nhập.
* Nguyên nhân:
- Đội ngũ nhân lực của các tổ chức hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay chưa được đào tạo, đào tạo bài bản về các kỹ năng công nghệ số, tư duy số và khả năng thích ứng trong quá trình học tập trước đây.
- Chất lượng đào tạo sinh viên tại nhiều trường đại học còn chưa cao, nhiều sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế kỹ năng mềm, kỹ năng về công nghệ số và kiến thức về thực tế, công nghệ. Nhiều trường đại học mới chỉ triển khai đào tạo gắn kết thực tiễn ở mức độ, quy mô nhất định, chưa đi vào chiều sâu, mang tính thực chất, toàn diện.
- Nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh có vốn của nhà nước bị khống chế về mức lương nên không thu hút được các nhân lực chất lượng cao.
4. Một số giải pháp và kiến nghị:
* Về phía các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính
- Thứ nhất, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có
Thực tế tại nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có nguồn nhân lực khá yếu về năng lực chuyên môn, đặc biệt là năng lực về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng tư duy, thích ứng, trong đó tập trung chủ yếu vào đội ngũ nhân sự lớn tuổi hoặc nhân lực tuyển dụng không được thực hiện qua quá trình sàng lọc kỹ càng. Vì vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra một cách mạnh mẽ, mọi tổ chức chưa thể tuyển dụng ngay được số lượng nhân lực vừa có kỹ năng, kinh nghiệm về công việc và năng lực công nghệ số thì việc thực hiện các hoạt động đào tạo và đào tạo lại tại mọi cấp từ nhân viên tới cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc là điều hết sức cần thiết. Trong đó, chú trọng tới các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thích nghi, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng công nghệ nhằm thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ và quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng cần yêu cầu mọi cán bộ nhân viên tự học hỏi, tìm hiểu về các kiến thức, kỹ năng về công nghệ số để phục vụ cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị.
- Tiếp tục hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng
Để có thể tuyển dụng được những nhân sự chất lượng cao, mỗi ngân hàng cần hoàn thiện quy trình tuyển dụng một cách khoa học nhất nhằm tìm ra những ứng viên, tài năng tốt nhất cho các vị trí tuyển dụng. Đảm bảo cho mọi ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển đều phải được sát hạch một cách chính xác, đảm bảo đủ mọi tiêu chuẩn mà tổ chức đã đề ra phù hợp với yêu cầu về vị trí việc làm của ứng viên đó đăng ký. Đảm bảo, mỗi đợt tuyển dụng, đều có nhiều ứng viên xuất sắc ứng tạo điều kiện cho nhà quản trị có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất.
- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút, và giữ chân các nhân tài
Nhân sự chính là nền tảng để xây dựng và gia tăng sức mạnh nội bộ, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu không có các chính sách thu hút nhân tài, doanh nghiệp sẽ trở nên yếu thế với các đối thủ cùng ngành sở hữu nhân sự giỏi. Vì vậy, mỗi tổ chức cần xây dựng chiến lược và phương pháp tiếp cận, thu hút ứng viên, đưa ra cơ hội việc làm và các đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút ứng viên. Thông qua các kênh tuyển dụng các nhà tuyển dụng cần chiêu mộ được ứng viên có năng lực, có thể đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Các ngân hàng, doanh nghiệp cần chú trọng đến phục vụ đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ số để phục vụ khách hàng còn phải chú ý đến nhân lực trong quá trình xây dựng, quản trị công tác số hóa nhằm đảm bảo sáng tạo, tiếp tục phát triển công tác số hóa và đảm bảo an toàn thông tin trong thời đại chuyển đổi số.
- Kết nối với các cơ sở đào tạo uy tín để hỗ trợ về học bổng, chương trình tập sự, học việc từ đó tìm kiếm các nhân tố, nhân sự tiềm năng trong tương lai
Tại những trường đại học lớn, có uy tín và thương hiệu thường có rất nhiều sinh viên có năng lực, kỹ năng tốt. Để thu hút được những nhân tố tiềm năng này, các ngân hàng hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính có thể có những chính sách khuyến khích như học bổng, thực tập sinh tiềm năng,… để tìm kiếm và phát hiện các sinh viên có năng lực, tiềm năng. Thực tế đã cho thấy, một số doanh nghiệp và ngân hàng lớn tại các thành phố lớn trên đất nước ta đã thực hiện cấp học bổng cho một số sinh viên xuất sắc tại một số trường như Vietinbank cấp học bổng cho HV Ngân hàng, MBBank cấp học bổng cho ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều chương trình thực tập sinh tiềm năng của nhiều ngân hàng lớn cho mọi sinh viên đang học tập tại các trường đại học, thông qua đó các ngân hàng đã có thể sàng lọc nhằm tìm kiếm những nhân tố, nhân sự tiềm năng trong tương lai sau này.
* Về phía các cơ sở giáo dục đào tạo
- Cập nhật, phát triển và đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng và tăng cường kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ số
Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các trường đại học cần cập nhật, phát triển và đổi mới chương trình đào tạo của mình theo hướng giảm bớt các học phần mang tính hàn lâm, bổ sung đào tạo chuyên sâu các học phần về công nghệ tài chính, ngân hàng số. Bên cạnh đó, các trường đại học cần tiếp tục mở mới các ngành, chuyên ngành về công nghệ số để tuyển sinh, đào tạo sinh viên vừa có kiến thức, kỹ năng về công nghệ số bên cạnh kỹ năng chuyên môn về tài chính ngân hàng. Đồng thời, các trường cần đo lường đánh giá mức độ người học đảm bảo đạt được các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà tuyển dụng.
- Đẩy mạnh đào tạo gắn kết đào tạo với thực tế đảm bảo thực chất, toàn diện cho sinh viên
Các trường đại học cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, chương trình trải nghiệm thực tiễn, thực hành thực tập tại các doanh nghiệp cho sinh viên theo hướng đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; tăng thời lượng thực hành trong các học phần và thời gian thực tập, thực tế tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các hoạt động trên, nhà trường cần có sự giám sát chặt chẽ, cơ chế theo dõi, phản hồi thông tin từ các doanh nghiệp cũng như xây dựng thang điểm đánh giá nhằm đảm bảo việc triển khai đào tạo gắn kết thực tiễn đi vào thực chất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo giúp sinh viên nắm rõ những yêu cầu, đòi hỏi từ công việc và những kiến thức, kỹ năng về thực tế, công nghệ số mới nhất.
5. Kết luận:
Để đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao trong ngành tài chính ngân hàng đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi ngân hàng, doanh nghiệp cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo là phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quy trình tuyển dụng đảm bảo khoa học, cơ chế thu hút và giữ chân người tài cũng như là các hoạt động đảm bảo đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của các cơ quan nhà nước và đòi hỏi của các bên liên quan nhằm đáp ứng được sự phát triển của công nghệ và quá trình chuyển đổi số. Trong đó, các ngân hàng, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo cần chú ý đến phát triển các năng lực, kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ cho sinh viên làm chủ được mọi công nghệ và chủ động, sáng tạo thích ứng với mọi sự biến đổi là đòi hỏi nhằm có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Chí Hải (2020), Phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng tại Việt Nam, tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, số 214 – tháng 3/2020
[2] Trần Thị Thùy Linh (2021), Nâng cao chất lượng nhân sự cho ngành ngân hàng Việt Nam, tạp chí Công thương, số 17 – tháng 7/2021
[3]. https://cafef.vn/nhan-su-cong-nghe-mat-xich-quan-trong-cua-mot-ngan-hang-so-20210729132350417.chn
[4]. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang-khat-nhan-su-chuyen-doi-so-post309453.html
[5]. https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-ngan-hang-thach-thuc-tu-nguon-nhan-luc.htm
[6]. https://nghiencuulichsu.com/2023/02/27/chatgpt-bao-truoc-mot-cuoc-cach-mang-tri-tue/
[7]. https://tpb.vn/tin-tuc/tin-tpbank/nganh-ngan-hang-tien-phong-trong-chuyen-doi-so
[8]. https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-ngan-hang-thach-thuc-tu-nguon-nhan-luc.htm
[9]. https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-tai-chinh-ngan-hang-tai-viet-nam-trong-boi-canh-hau-covid-19.htm
[10].https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm196?dDocName=SBV466005
[11] https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-dong-gop-tich-cuc-vao-cong-cuoc-chuyen-doi-so-quoc-gia.htm
[12] https://t63.mic.gov.vn/vi/nganh-tai-chinh-tien-phong-trong-chuyen-doi-so-xay-dung-nen-tai-chinh-so.html
[13] https://aita.gov.vn/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-chuyen-doi-so-tai-viet-nam
[14] https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-thich-ung-va-phat-trien-ben-vung-post309363.html
[15] https://nif.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM231000
[16] https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-so-va-cau-chuyen-tuyen-dung-nhan-tai-so-post309450.html Bài viết được đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc gia về phát triển bền vững hệ thống tài chính ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số tại ĐH Công Đoàn, 21/04/2023
Ý kiến bạn đọc