Phân tích tình hình tài chính qua báo cáo kết quả kinh doanh của công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk năm 2022
Báo cáo kết quả kinh doanh: Đơn vị tính: tỷ đồng Chỉ tiêu | 2021 | 2022 | So sánh |
Giá trị | Tỷ trọng | Giá trị | Tỷ trọng | Chênh lệch | % |
Doanh thu bán hàng & CCDV | 61,012 | 100.0% | 60,074 | 100.0% | (938) | -1.54% |
Các khoản giảm trừ | 93 | 0.15% | 118 | 0.2% | 25 | 26.88% |
Doanh thu thuần | 60,919 | 99.8% | 59,956 | 99.8% | (963) | -1.58% |
Giá vốn hàng bán | 34,641 | 56.8% | 36,059 | 60.0% | 1,418 | 4.09% |
Lợi nhuận gộp | 26,278 | 43.1% | 23,897 | 39.8% | (2,381) | -9.06% |
Doanh thu hoạt động tài chính | 1,214 | 2.0% | 1,380 | 2.3% | 166 | 13.67% |
Chi phí tài chính | 202 | 0.33% | 617 | 1.03% | 415 | 205.45% |
Chi phí bán hàng | 12,950 | 21.2% | 12,548 | 20.9% | (402) | -3.10% |
Chi phí quản lý doanh nghiệp | 1,567 | 2.57% | 1,595 | 2.66% | 28 | 1.79% |
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh | 12,773 | 20.9% | 10,499 | 17.5% | (2,274) | -17.80% |
Lợi nhuận khác | 194 | 0.3% | 4 | 0.0% | (190) | -97.94% |
Lợi nhuận kế toán trước thuế | 12,976 | 21.3% | 10,503 | 17.5% | (2,473) | -19.06% |
Lợi nhuận sau thuế | 10,632 | 17.4% | 8,577 | 14.3% | (2,055) | -19.33% |
Một số chỉ tiêu chủ yếu khác: Đơn vị tính: tỷ đồng Stt | Chỉ tiêu | 2021 | 2022 | So sánh |
Chênh lệch | % |
1 | Tổng tài sản | 53.332 | 48.482 | -4.850 | -9,1% |
2 | Tổng nợ phải trả | 17.482 | 15.666 | -1.816 | -10,4% |
3 | Tài sản ngắn hạn | 36.109 | 31.560 | -4.549 | -12,6% |
4 | Nợ ngắn hạn | 17.068 | 15.308 | -1.706 | -10,3% |
5 | Vốn chủ sở hữu | 35.850 | 32.816 | -3.034 | -8,46% |
6 | Doanh thu thuần | 60.919 | 59.956 | -963 | -1,58% |
7 | Lợi nhuận sau thuế | 10.632 | 8.577 | -2.055 | -19,3% |
8 | Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh | 9.432 | 8.827 | -605 | -6,4% |
Doanh thu năm 2022 của Vinamilk đạt 60.074 tỷ đồng bằng 98,46% so với năm 2021 cho thấy doanh thu của công ty có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với mục tiêu kế hoạch đặt ra là 64.074 tỷ thì doanh thu của VNM năm 2022 chỉ đạt 93,7% so với kế hoạch đặt ra.
Có thể đây là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong năm 2022 đã làm sức mua về các sản phẩm sữa có sự giảm nhẹ. Việc giảm doanh thu này là do giảm doanh thu từ bán các thành phẩm của công ty. Trong tổng doanh thu của công ty thì doanh thu từ bán thành phẩm vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 95%. Khi tình hình kinh tế có sự tăng trưởng trở lại thì doanh thu của công ty dự kiến sẽ có sự tăng cao do đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tất cả con người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em.
Các khoản giảm trừ doanh thu có sự phát sinh tăng, do chiết khấu thương mại và hàng bán bị trả lại. Trong đó giá trị hàng bán bị trả lại tăng từ 35 tỷ lên 50 tỷ cho thấy chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp đã có sự giảm sút, tuy không đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem lại chất lượng các thành phẩm để hạn chế việc giảm trừ doanh thu và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Giá vốn hàng bán năm 2022 là 36.059 tỷ đồng và bằng 104,1% so với năm trước cho thấy giá vốn hàng bán có sự tăng lên đáng kể, trong khi doanh thu không tăng lên thì việc giá vốn hàng bán tăng lên là điều không hợp lý. Việc tăng giá vốn hàng bán chủ yếu đến từ tăng giá vốn của thành phẩm đã bán. Điều này lý giải là do năm 2022, giá sữa nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi và giá cước vận chuyển tăng phi mã góp phần đẩy chi phí sản xuất lên làm làm giá vốn hàng bán tăng lên. Do đó, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ phương án như mua hàng tích trữ dài hạn hay chọn đối tác cung ứng giá tốt để nhằm giảm giá vốn hàng bán.
Việc doanh thu thuần của công ty giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng lên đã làm chỉ tiêu lợi nhuận gộp của công ty giảm đi đáng kể từ 26.278 tỷ xuống 23.879 tỷ, tương ứng với 9%. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của VNM vẫn đạt trên 40%, và duy trì đều đặn 10 năm từ năm 2013 – 2022, là mức cao nhất trong số những công ty đại chúng ngành sữa. Nên việc giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của VNM không thực sự tác động xấu tới tình hình kết quả kinh doanh và triển vọng trong thời gian tới của công ty.
Chi phí bán hàng năm 2022 là 12.950 tỷ đồng, và bằng 96,89% năm 2021 cho thấy doanh nghiệp đã quản lý tốt chi phí bán hàng. Việc giảm chi phí bán hàng là chủ yếu do giảm chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng. Trong khi doanh thu của doanh nghiệp giảm nhẹ do tình hình kinh tế khó khăn thì đây là một điều rất tích cực.
Chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 là 1.595 tỷ đồng cho thấy có sự gia tăng nhưng ở mức độ không lớn, phù hợp với đặc điểm ngành của doanh nghiệp định hướng sản xuất và trong giai đoạn quy mô doanh thu không có sự tăng trưởng. Trong đó, chi phí khấu hao và nhân viên có sự giảm nhẹ có thể là do nhân sự bộ phận quản lý không có biến động. Đồng thời một số khoản chi phí như công tác phí, vật liệu quản lý và thuế, lệ phí có sự tăng lên đáng kể nhưng nhìn chung không làm gia tăng đáng kể quy mô chi phí quản lý doanh nghiệp.
Hoạt động tài chính của doanh nghiệp có sự tăng nhẹ về giá trị, từ 1.124 tỷ đồng lên 1.380 tỷ đồng. Tuy giá trị lớn nhưng xét về tỷ trọng, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong đó chủ yếu là thu nhập từ lãi tiền gửi. Điều này có thể giải thích được là do các khoản đầu tư tài chính của VNM có quy mô khá lớn, trong khi lãi suất tiền gửi của năm 2022 có sự tăng lên, dẫn tới lãi tiền gửi tăng.
Hoạt động khác của doanh nghiệp có sự biến động khá mạnh nhưng về xét về quy mô thì chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên không có ảnh hưởng tới tình hình tài chính. Sự biến động ở đây chủ yếu là do giảm thu nhập hỗ trợ từ nhà cung cấp và tăng chi phí thanh lý tài sản cố định và chi phí khác.
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 giảm mạnh và đạt mức 10.503 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 80,9% so với năm 2021 là do chi phí trong năm có sự tăng lên đáng kể trong khi doanh thu giảm nhẹ. Từ đó làm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong năm 2022 cũng giảm so với năm 2021 và đạt mức 8.577 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch đặt ra về lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là 12.000 tỷ đồng thì chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của VNM năm 2022 chỉ đạt 71,5%, quá thấp so với dự kiến.
Tuy đây là dấu hiệu không tốt nhưng xét trong tình hình chung khi kinh tế đất nước có sự khó khăn lớn, và giá của một số nguyên liệu về sữa, chi phí thức ăn chăn nuôi và giá cước tăng lên thì có thể chấp nhận được.
Để có thể đánh giá được sâu hơn về tình hình kết quả kinh doanh, chúng ta cùng đi vào xem xét phân tích cơ cấu các loại doanh thu, chi phí, lợi nhuận và các hệ số tài chính phản ánh hiệu quả kinh doanh nhằm đánh giá chi tiết về hiệu quả kinh doanh, tính bền vững, tiềm năng phát triển của công ty.
1 – Tình hình doanh thu: Đơn vị tính: tỷ đồng Chỉ tiêu | 2021 | 2022 |
Số tiền | Tỷ trọng | Số tiền | Tỷ trọng |
Tổng doanh thu | 62.555 | 100% | 61.625 | 100% |
Doanh thu thuần từ BH&CCDV | 60.919 | 97,38% | 59.956 | 97,29% |
Doanh thu hoạt động tài chính | 1.214 | 1,94% | 1.380 | 2,24% |
Thu nhập khác | 422 | 0,68% | 289 | 0,47% |
Qua bảng chi tiêu trên, chúng ta có thể thấy, trong tổng doanh thu của VNM, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu, trên 97%. Điều này có thể lý giải là do công ty chỉ tập trung chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng khoảng 2% mỗi năm, có thể lý giải là do dòng tiền của doanh nghiệp khá dồi dào, nên công ty đã để một lượng tiền lớn gửi tại ngân hàng dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn (năm 2021 là 21.025 tỷ đồng và năm 2022 là 17.413 tỷ đồng) để nhận lãi thay vì dữ trữ tiền dưới dạng tiền mặt và tiền gửi thanh toán. Đây là một dấu hiệu cho thấy tính bền vững trong tình hình tài chính của VNM vì mặc dù trong khi kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì được mức doanh thu tương ứng và vẫn tập trung chính vào mảng hoạt động sản xuất kinh doanh các thành phẩm hàng hóa của mình.
2 – Tình hình chi phí: Đơn vị tính: tỷ đồng Chỉ tiêu | 2021 | 2022 |
Số tiền | Tỷ trọng | Số tiền | Tỷ trọng |
Doanh thu thuần từ BH&CCDV | 60.919 | 100% | 59.956 | 100% |
Lợi nhuận gộp | 26.278 | 43,14% | 23.897 | 39,86% |
Giá vốn hàng bán | 34.641 | 56,86% | 36.059 | 60,14% |
Chi phí tài chính | 202 | 0,33% | 617 | 1,03% |
Chi phí bán hàng | 12.950 | 21,25% | 12.548 | 20,93% |
Chi phí quản lý doanh nghiệp | 1.567 | 2,57% | 1.595 | 2,66% |
Chi phí khác | 228 | 0,47% | 284 | 0,47% |
Từ bảng số liệu trên, ta có thể thấy, tỷ trọng giá vốn hàng bán có sự tăng lên đáng kể từ 56,86% trong năm 2021 lên 60,14% trong năm 2022. Trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp, chủ yếu là giá vốn các thành phẩm đã bán, chiếm tới 89%, còn lại là hàng hóa đã bán. Việc tăng tỷ trọng giá vốn hàng bán là do các yếu tố chi phí đầu vào liên quan đến sản xuất thành phẩm như đã nêu ở trên nên khi kinh tế tăng trưởng trở lại và giá các yếu tố đầu vào có sự ổn định trở lại sẽ có thể giúp cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt và cải thiện được tỷ trọng của lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Tỷ trọng giá vốn hàng bán giảm trong khi doanh thu không tăng, điều này khiến cho lợi nhuận gộp năm 2022 của VNM giảm từ 43,14% vào năm 2021 xuống 39,86% vào năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng giá vốn vẫn là thấp khi so sánh với các công ty trong ngành nên không làm ảnh hưởng nhiều đến tỷ trọng của lợi nhuận gộp của VNM.
Chi phí bán hàng, QLDN có sự ổn định cao về tỷ trọng qua các năm cho thấy doanh nghiệp đã làm tốt công tác quản lý chi phí của doanh nghiệp, tránh cho việc ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong khi doanh thu giảm nhẹ.
Chi phí tài chính có sự tăng mạnh về tỷ trọng, từ mức 0,33% lên 1,03%. Điều này là do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh khi lãi suất ngân hàng tỷ giá tăng cao đã ảnh hưởng làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ trọng chi phí tài chính của doanh nghiệp là rất nhỏ trong tổng chi phí cũng như là với doanh thu. Đặc biệt, khi tình hình lãi suất vay vốn và tỷ giá giảm thì tỷ trọng chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ giảm trở lại.
3 – Tình hình lợi nhuận: Đơn vị tính: tỷ đồng Chỉ tiêu | 2021 | 2022 |
Doanh thu thuần | 60.919 | 59.956 |
Lợi nhuận gộp | 26.278 | 23.897 |
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính | 1.012 | 763 |
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh | 12.773 | 10.499 |
Lợi nhuận khác | 194 | 4 |
Lợi nhuận kế toán trước thuế | 12.976 | 10.503 |
Lợi nhuận sau thuế | 10.632 | 8.577 |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh | 9.432 | 8.827 |
Biểu tỷ trọng lợi nhuận: Đơn vị tính: tỷ đồng Chỉ tiêu | 2021 | 2022 |
Số tiền | Tỷ trọng | Số tiền | Tỷ trọng |
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế | 12.967 | 100% | 10.503 | 100% |
Lợi nhuận từ bán hàng & CCDV | 11.761 | 90,7% | 9.736% | 92,67% |
Lợi nhuận từ hoạt động tài chính | 1.012 | 7,8% | 763% | 7,26% |
Lợi nhuận khác | 194 | 1,5% | 4% | 0,07% |
Từ bảng tỷ trọng lợi nhuận chúng ta thấy, trong tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm 90,7% trong năm 2021 và có sự tăng lên 92,67%. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác chiếm tỷ trọng không đáng kể, đặc biệt là lợi nhuận khác. Trong khi tổng lợi nhuận đạt giá trị cao và lợi nhuận từ hoạt động chính chiếm tỷ trọng lớn, là một dấu hiệu cho thấy đây là một công ty có sự bền vững lớn, tập trung chủ yếu vào hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính chiếm tỷ trọng hơn 7% là do dòng tiền của doanh nghiệp dồi dào, nên doanh nghiệp đã dùng một lượng tiền lớn để đầu tư tài chính dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn để sinh lời, vừa đảm bảo nâng cao khả năng thanh toán của công ty hoặc đáp ứng các nhu cầu thanh toán đến hạn trong thời gian ngắn.
4 – Phân tích các hệ số phản ánh hiệu quả kinh doanh: Đơn vị tính: % Hệ số | Vinamilk | Hà Nội milk | Mộc Châu Milk |
2021 | 2022 | 2021 | 2022 | 2021 | 2022 |
ROAe | 21,35 | 17,78 | 5,9 | 10 | 14,2 | 15,5 |
ROS | 17,45 | 14,3 | 6,2 | 7,8 | 10,9 | 11 |
ROA | 19,9 | 17,69 | 3,7 | 7,5 | 12,8 | 14,1 |
ROE | 29,65 | 26,1 | 13,1 | 22,6 | 14,7 | 15,7 |
Hệ số chất lượng lợi nhuận | 88,7 | 102,9 | 23,5 | 31,6 | 72,1 | 77,5 |
Năm 2022 tuy bị tác động chung của tình hình giá nguyên liệu đầu vào, chi phí thức ăn chăn nuôi và cước vận chuyển tăng cao. Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái hậu covid 19 nhưng VNM vẫn nỗ lực mở rộng kinh doanh và kiểm soát chi phí, tỷ suất lợi nhuận ROAe, ROS ROA, ROE của công ty dù đã giảm nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời các chỉ số ROA, ROE của công ty duy trì đà giảm từ năm 2018 đến nay do câu chuyện tăng trưởng của ngành đang là bài toán khó khiến lợi nhuận tăng khá chậm.
Đặc biệt, khi so sánh với một số công ty trong ngành sữa đã niêm yết trên sàn chứng khoán như Hà Nội Milk và Mộc Châu Milk, chúng ta có thể thấy mọi chỉ số về hiệu quả kinh doanh của Vinamilk đều vượt trội so với các công ty trên và cả các đại gia khác của ngành sữa.
Xem xét mối quan hệ ROE qua phương trình Dupont:
ROE = [LNST/DT]*[DT/Tổng TS]*[Tổng TS/VCSH] = Biên lãi ròng * Vòng quay tổng tài sản * Hệ số đòn bẩy
Ta có bảng dữ liệu: Năm | Phương trình Dupont | ROE |
Biên lãi ròng | ROS | Hệ số đòn bẩy |
2021 | 17.45% | 1.14 | 1.49 | 29,5% |
2022 | 14.31% | 1.24 | 1.48 | 26,1% |
Như vậy, ROE của doanh nghiệp năm 2022 giảm so với năm 2021 do các nguyên nhân: VNM giảm nhẹ hệ số đòn bẩy và giảm khá mạnh biên lãi ròng trong khi vòng quay tổng tài sản chỉ tăng nhẹ. Chỉ số hệ số đòn bẩy giảm là do năm 2022, cả tổng tài sản và vốn chủ sở hữu cùng, trong đó tổng tài sản giảm nhiều hơn so với mức giảm của VCSH làm hệ số đòn bẩy giảm. Chỉ số ROS của VNM năm 2022 tăng so với năm 2021 chủ yếu là do tổng tài sản của công ty giảm mạnh nên mặc dù doanh thu thuần có sự giảm nhẹ nhưng vẫn tác động làm tăng ROS. Biên lãi ròng của doanh nghiệp giảm mạnh do lợi nhuận sau thuế có sự giảm mạnh bởi ảnh hưởng của tăng giá vốn hàng bán và doanh thu có sự giảm nhẹ.
Từ trên ta thấy theo phân tích từ phương trình dupont, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đạt mức lợi nhuận rất cao và hệ số nợ thấp, ở mức 32,7% nên có thể kết luận rằng VNM chưa tận dụng được đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh để gia tăng tỷ suất lợi nhuận VCSH (ROE). Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dồi dào và tài sản ngắn hạn lớn, đặc biệt là tiền và các khoản đầu tư tài chính đủ đáp ứng mọi khoản nợ đến hạn thì VNM có thể tăng hệ số nợ bằng cách gia tăng nợ vay, đặc biệt là nợ vay dài hạn để tận dụng đòn bẩy tài chính nhằm khuếch đại tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian tới.
Hệ số vòng quay tổng tài sản ROS của VNM tuy tăng lên những không phải là do sự tăng lên của doanh thu mà là do ảnh hưởng của việc giảm tổng tài sản nên đây không phải là dấu hiệu tốt. Để nâng hệ số ROS trong công thức trên, VNM cần tăng mức doanh thu tạo ra trên mỗi đồng tài sản. Vì vậy, VNM cần tiếp tục duy trì thị phần dẫn đầu và tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, kiện toàn lại hệ thống phân phối, đầu tư hệ thống các nhà máy và trang trại, song song triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài nước, tăng doanh thu từ kênh thương mại điện tử,… để nhằm tăng doanh thu góp phần làm tăng hệ số ROS của mình.
Đồng thời, VNM cần cố gắng gia tăng biên lợi nhuận ròng hay đó chính là gia tăng tỷ lệ % trên mỗi đồng doanh thu để gia tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu của mình. Để làm được điều này, VNM cần gia tăng lợi nhuận thu được trên mỗi đồng doanh thu. Trong khi lợi nhuận là kết quả phép trừ của doanh thu và chi phí thì có thể suy ra là VNM cần phải giảm chi phí của mình, đặc biệt là chi phí giá vốn. VNM có thể nghiên cứu các phương án như mua hàng tích trữ dài hạn hay chọn đối tác cung ứng giá tốt để nhằm giảm giá vốn hàng bán, đặc biệt là giá vốn hàng bán từ thành phẩm đã bán. Xem xét tới hệ số chất lượng lợi nhuận (được tính bằng tỷ lệ dòng tiền thuần từ HĐKD/lợi nhuận sau thuế) của VNM chúng ta có thể thấy VNM có hệ số chất lượng lợi nhuận rất cao và tăng mạnh từ tỷ lệ 88,7% trong năm 2021 lên tới 102,9% trong năm 2022 dù trong năm 2021 và 2022, VNM gặp nhiều tác động từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid, ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế; giá nguyên liệu đầu vào, chi phí thức ăn chăn nuôi và cước vận chuyển tăng cao. Chỉ số này cho thấy mức độ lợi nhuận thuần được báo cáo trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của VNM tương đương với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp thu được là dòng tiền thực, đặc biệt trong khi quy mô lợi nhuận của doanh nghiệp đạt ở mức cao thì đây là một nguồn tiền hết sức dồi dào.
Điều này có thể giúp công ty trong thời gian tới có nguồn tiền dồi dào để tích cực đầu tư mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu nhằm nâng cao khả năng kiểm soát chi phí đầu vào, đáp ứng các khoản thanh toán nợ đến hạn, chi trả cổ tức cũng như mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án lớn theo kế hoạch như trang trại Lao-Jargo, siêu nhà máy sữa Hưng Yên, dự án bò thịt và hợp tác với các tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới,… Tóm lại, công ty VNM là một công ty hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, sự bền vững lớn dù trong những thời điểm kinh tế khó khăn, suy thoái, tuy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai không thực sự cao nhưng dòng tiền rất dồi dào và luân chuyển vốn lưu động ổn định.
Ý kiến bạn đọc