Từ phấn khởi và đầy cảm hứng khi trở thành tân sinh viên đến lo lắng và hoang mang sau khi học hết năm thứ hai, vô số cảm xúc có thể nảy sinh trong năm thứ ba đại học của bạn. Và bạn biết không? Điều này hoàn toàn bình thường.
Đại học tràn ngập sự tự khám phá, mở rộng kiến thức và chuẩn bị nghề nghiệp. Đôi khi điều này có thể trở nên quá sức, đặc biệt là khi bạn đã đạt được một nửa chặng đường. Đây là năm bản lề của mỗi sinh viên, khi khối lượng các kiến thức chuyên ngành, liên quan đến nghề nghiệp tăng lên, sinh viên cũng cần tham gia vào các công việc làm thêm, thực tập liên quan đến các vị trí của ngành học nhằm tạo tiền đề cho sự nghiệp chuyên môn của riêng mình.
Trước khi bắt tay vào việc lên kế hoạch cho việc thực hiện mục tiêu của năm 3, bạn hãy cùng điểm lại toàn bộ những trải nghiệm, giá trị mà bạn đã tích lũy được trong năm thứ 2 của mình. Chúng tay hãy tự đánh giá về những trải nghiệm của mình trong các hoạt động đã qua của mình. Những câu hỏi mà bạn nên đặt ra để tự trả lời đó là:
1 - Hãy liệt kê những trở ngại mà bạn đã gặp phải?
2 - Bạn đã thực hiện những bước nào để vượt qua được?
3 - Bạn đã khám phá ra điều gì về bản thân?
4 - Bạn thấy những vấn đề nào là quan trọng?
5 - Những giá trị nào là quan trọng nhất đối với bạn tại thời điểm này, minh chứng về những giá trị đó trong hoạt động của bạn?
6 - Bạn đã phát triển những kỹ năng nào trong năm vừa rồi? Kế hoạch hành động của bạn để đạt được các kỹ năng mà bạn sẽ cần để hoàn thành mục tiêu?
7 - Các mạng lưới kết nối có ý nghĩa trong cộng đồng mà bạn đã tạo dựng được?
8 – Nhà trường đã đáp ứng kỳ vọng của bạn về cuộc sống đại học như thế nào?
9 – Bạn có thất vọng gì khi học tập tại ngành học của trường không? Và khi đó bạn đã phản hồi lại qua đường dây nóng của ngành và của nhà trường chưa?
Sau khi trả lời câu hỏi trên, bạn sẽ biết được mình hiện tại đang thế nào. Từ đó, mình lên kế hoạch để thực hiện các mục tiêu của mình trong năm thứ 3 tại ngành mà mình đang theo đuổi. Những nội dung mà các sinh viên cần làm trong năm thứ 3 đại học là:
1 – Xem lại kế hoạch và lịch học tập của bản thân
Sau khi hoàn thành hầu hết các môn học đại cương và cơ sở ngành, các sinh viên sẽ bắt đầu tiếp cận các học phần chuyên ngành. Vì các học phần này khó hơn, liên quan đến thực tiễn công việc tại doanh nghiệp nên các sinh viên cần phải tham gia các hoạt động trải nghiệm, thực tập sinh hay hoạt động ngoại khóa bên ngoài. Hãy cân nhắc thời điểm tốt nhất để bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm thêm... Nếu bạn có cơ hội trải nghiệm, thực tập sinh hoặc hoạt động ngoại khóa hãy cân nhắc tham gia và cân đối thời gian hợp lý, cũng như số lượng tín chỉ đăng ký và số lượng học phần phù hợp với bản thân.
2 – Tìm kiếm cho mình một cố vấn trong học tập
Mỗi lớp trong mỗi ngành đều có các cố vấn học tập phụ trách. Các cố vấn học tập có vai trò tư vấn cho sinh viên trong các vấn đề học tập chuyên ngành, đăng ký học phần và có thể giải đáp các vấn đề liên quan đến ngành học, tư vấn về kế hoạch học tập cho sinh viên. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn đang đi đúng hướng theo kế hoạch đề ra.
Mỗi sinh viên nên dành thời gian để học hỏi từ các giảng viên chuyên ngành. Các giảng viên của trường đại học thường là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Họ có nhiều kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến con đường sự nghiệp và các cơ hội liên quan đến ngành mà bạn đang theo học. Vì vậy, thảo luận về các cơ hội nghề nghiệp với các giảng viên là một cơ hội vô giá đối với sinh viên năm cuối, vì các giảng viên có thể cung cấp thông tin chi tiết về những triển vọng nghề nghiệp, cơ hội việc làm, thực tập sinh, … giúp sinh viên tự tin và hiểu rõ hơn về ngành mình theo học.
3 - Khám phá nghề nghiệp của bạn
Các sinh viên cần trao đổi với giảng viên, cố vấn học tập và tiếp cận các chuyên gia trong ngành, hay làm thêm, thực tập sinh cho doanh nghiệp để kết nối hay tìm hiểu về nghề nghiệp. Mỗi ngành học mà sinh viên lựa chọn đều có rất nhiều vị trí việc làm. Vì vậy, khi còn 2 năm nữa là tốt nghiệp, bạn hãy tận dụng thời gian này để khám phá các vị trí việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến ngành mà mình đang theo học. Thông qua việc tìm hiểu các vị trí việc làm trong thực tiễn, mỗi sinh viên sẽ nắm được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mà các ứng viên phải có. Từ đó, mỗi sinh viên sẽ có định hướng trau dồi kiến thức, kỹ năng và tham gia các hoạt động để đáp ứng được các yêu cầu trên của nhà tuyển dụng.
Việc làm thêm, thực tập sinh cũng giúp cho mỗi sinh viên tìm hiểu về vị trí việc làm trong ngành và trau dồi các kỹ năng chuyên môn. Đồng thời, qua hoạt động làm thêm, thực tập sinh, sinh viên có thể có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho việc học tập và sinh hoạt của bản thân nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho người thân hoặc rèn luyện tính tự lập, độc lập tài chính ngay khi còn là sinh viên.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nhìn nhận rộng hơn về vị trí việc làm. Cùng trong khối các ngành Kinh tế, sinh viên vẫn có thể làm các vị trí tại ngành khác ngành mình học. Ví dụ như một sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, có thể ứng tuyển tại các vị trí liên quan đến tài chính như cán bộ tín dụng tại ngân hàng, chuyên viên môi giới và đầu tư bất động sản,… hay sinh viên ngành Tài chính ngân hàng có thể làm nghiên cứu viên, marketing, quản trị nhân lực … Vì vậy, mỗi sinh viên đừng hạn chế vị trí việc làm của mình. Khi chúng ta có cơ hội và có khả năng thì chúng ta cứ mạnh dạn thử sức, có thể sau đó chúng ta sẽ phát hiện ra một thế mạnh mới của bản thân.
4 – Tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi, hoạt động NCKH, chương trình sinh viên để rèn luyện các kỹ năng
Trường đại học là nơi tuyệt vời để bạn khám phá năng lực của mình. Mỗi trường đại học đều cung cấp nhiều hoạt động ngoại khóa ứng với nhiều sở thích khác nhau của các sinh viên. Vì vậy, mỗi sinh viên nên tận dụng thời gian này để khám phá khả năng của mình. Làm như vậy có thể giúp bạn nhận ra mình có thế mạnh nào, từ đó phát huy và định hướng cho mình một nghề nghiệp phù hợp trong ngành mình đã lựa chọn.
Việc tham gia các chương trình sinh viên, hoạt động ngoại khóa, CLB cũng giúp cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực và hoàn thành, bản lĩnh cũng như là khả năng ứng biến … trong mỗi tình huống để hoàn thành công việc.
Đây cũng là một trải nghiệm mà sau này có thể đem lại cho chúng ta những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên đã cống hiến và nỗ lực. Đồng thời, khi chúng ta đạt giải, đó là một sự ghi nhận về năng lực của chúng ta, và các phần thưởng cũng giúp cho bản thân chúng ta có thêm nguồn tài chính để tưởng thưởng cho mình những món đồ sau mỗi hoạt động đó.
5 - Xây dựng và cập nhật sơ yếu lý lịch của bạn
Trong quá trình học, các bạn sinh viên có thể tham gia các hoạt động, chương trình ngoại khóa, làm thêm. Những vai trò và nỗ lực trong mỗi hoạt động sẽ trang bị cho bạn kinh nghiệm thực tế trước khi bạn nhận bằng tốt nghiệp, giúp bạn trở thành ứng viên sáng giá cho các nhà tuyển dụng trong tương lai. Để được ghi nhận và nổi bật với nhà tuyển dụng. Chúng ta hãy đừng bỏ qua những cơ hội, hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh vì mỗi hoạt động khác nhau đều đem đến những kỹ năng, giá trị khác nhau.
Với mỗi dự án, khóa học, kinh nghiệm tình nguyện và hoạt động, bạn sẽ có được những kỹ năng và kiến thức mới. Việc đề cập đến những kỹ năng này trong sơ yếu lý lịch của bạn sẽ chứng minh cho các nhà tuyển dụng thấy được năng lực đa dạng của bạn.
Đặc biệt, khi chúng ta đạt các giải thưởng tại các cuộc thi, hoạt động nghiên cứu khoa học, hay bất kỳ danh hiệu và giải thưởng nào đạt được trong quá trình học đại học của bạn đều sẽ giúp bạn nổi bật với các nhà tuyển dụng trong tương lai.
Mỗi cơ hội việc làm và ngành nghề đều có các yêu cầu và sở thích cụ thể. Việc cập nhật sơ yếu lý lịch thường xuyên sẽ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh hơn khi bắt đầu một đơn xin việc mới.
6 - Kết nối với những người bạn có cùng mục tiêu, chí hướng
Năm thứ ba đại học thường là thời điểm quan trọng khi sinh viên phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, chẳng hạn như lập kế hoạch nghề nghiệp, khối lượng công việc học tập tăng lên và các hoạt động phát triển cá nhân khác. Kết nối với những người bạn có cùng mục tiêu, chí hướng, những người học cùng chuyên ngành hoặc cùng năm có thể mang lại cảm giác thấu hiểu từ đó các sinh viên có thêm động lực, quyết tâm, ý chí để đạt được mục tiêu của bản thân.
Ý kiến bạn đọc