Một phép cộng đơn giản như thế mà không phải ai cũng làm được. Câu trả lời cho một cộng một bằng bao nhiêu hiện nay phụ thuộc ở từng đối tượng riêng tại mỗi thời điểm khác nhau
Nếu một doanh nghiệp coi khách hàng là thượng đế thì đáp án của câu hỏi này đặt ra với bất kỳ nhân viên nào sẽ luôn phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của khách hàng, khách hàng đưa ra đáp số bất kỳ và doanh nghiệp sẽ phải làm sao hiện thực hóa được đáp số đó. Với một công ty chuyên quyền, một lãnh đạo cấp cao đưa ra câu hỏi với nhân viên thì câu trả lời sẽ không tránh khỏi “bằng bao nhiêu thì là tùy sếp ạ”.
Đối với hai doanh nghiệp đang sắp tiến hành sáp nhập với nhau cũng vậy, một cộng một bằng bao nhiêu cũng tùy trường hợp mà kết quả sẽ cho ra khác nhau. Khi hai doanh nghiệp sáp nhập với nhau mà giải quyết triệt để được những hạn chế, tận dụng được lợi thế của nhau, giúp tiếp kiệm được chi phí và có thể mở rộng được thị phần, doanh thu... qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh thì có thể một cộng một sẽ là lớn hơn hai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì một cộng một nó lại nhỏ hơn hai.
Trong phối hợp làm việc với nhau thì một cộng một bằng bao nhiêu cũng chưa thể biết được. Theo nghiên cứu của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 2013, cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nghiên cứu cho biết năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn có một khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm của Thái Lan. Tuy năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng chúng ta có thể nhận thấy là sự phối hợp nhóm trong quá trình làm việc của người lao động Việt Nam là chưa cao, không nói là ở mức rất thấp.
Đây cũng là câu chuyện mà tôi đã được một người bạn của mình kể về trường hợp của bạn tôi được người chú nhắc nhở về cách ứng xử trong cuộc sống. Đó là câu chuyện mà bạn tôi được chú của mình kể cho khi bạn tôi mới về công tác tại một đơn vị mới. Do tính cách thật thà, thẳng thắn của bạn tôi nên nhiều khi có những ý kiến mặc dù thực tế là đúng nhưng nó lại không tốt cho người lãnh đạo của đơn vị, mà chú của bạn tôi lại là giám đốc của đơn vị đó. Thấy vậy nên những lần bạn tôi lên nhà ông chú chơi, sau những câu chuyện về cuộc sống, công việc thì ông chú của bạn tôi đều kể những câu chuyện về cách sống. Trong đó, câu chuyện một cộng một bằng bao nhiêu là bạn tôi nhớ nhất. Câu chuyện đó kể về một công ty tuyển dụng nhân sự, có 3 ứng viên có điểm thi cao nhất được Giám đốc trực tiếp phỏng vấn. Cứ mỗi lần gặp các ứng viên thì Giám đốc chỉ hỏi câu hỏi “một cộng một bằng bao nhiêu”. Cậu thứ nhất trả lời một cộng một bằng hai ạ, cậu thứ hai trả lời một cộng một bằng ba, cậu thứ ba trả lời sếp muốn cho bằng bao nhiêu thì em cho bằng bấy nhiêu ạ. Ban đầu bạn tôi không hiểu cái ngụ ý của ông chú về ứng xử trong cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống sau đó đã dạy cho bạn tôi hiểu về đáp án của nó, nhất là tại xã hội Việt Nam mà chúng tôi đang sống.
Và đến bây giờ, dù tôi cũng đã thấm thía nhiều bài học trong cuộc sống và đã nhận ra nhiều lúc sống thật và sống thẳng thắn hẳn không tốt như mình muốn như câu nói “thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt”. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn hy vọng một xã hội mà trong cuộc sống hàng ngày khi giao tiếp với ai có nhiều lúc nó giống như một cộng một bằng hai mà không phải tính toán xem nó sẽ ra kết quả thế nào trong mỗi hoàn cảnh, cho dù cuộc đời có trả cho mình cát xê bao nhiêu đi nữa tôi cũng không muốn.
Ý kiến bạn đọc