Tiền đôi khi chúng ta kiếm được một cách khó nhọc, nhưng chúng ta lại có thể để rơi nó một cách dễ dàng
Dưới đây là một số cách sẽ làm bạn đánh rơi đồng tiền của mình
- Đổ tiền vào các cơ hội rủi ro cao để nhận lấy thất bại
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan điều tra thì có đến hơn 62.000 người tham gia vào công ty Liên Kết Việt với tổng số tiền lên đến hơn 1.900 tỷ đồng. Một con số khiến nhiều người phải giật mình khi ở trong cái xã hội mà thông tin và công nghệ phát triển mạnh như hiện nay với số người dùng internet khoảng 48% với gần 50 triệu người (theo số liệu thống kê của tổ chức thống kê số liệu internet quốc tế).
Không chỉ người dân ở miền núi mà ngay cả ở nông thôn hay thành thị cũng bị đường dây đa cấp này lừa đảo, chưa kể còn nhiều đường dây đa cấp khác đã bị phanh phui hoặc vẫn còn đang hoạt động chui. Rồi biết bao nhiêu người tham gia vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cờ bạc... để rồi tiền mất, tật mang, tan cửa nát nhà, gia đình ly tán.
Vì vậy, để tránh mất mát tiền vốn chúng ta nên đầu tư vào cơ hội nào mà mình hiểu rõ nhất hoặc những chỗ nào an toàn nhất như gửi tiền vào ngân hàng mà lại có sinh lời ở mức độ chấp nhận, ăn non thì ngủ ngon. Hãy trang bị thật kỹ kiến thức cho mình trước khi tham gia và nhớ rằng “không có con đường làm giàu chân chính nào mà nhanh chóng cả”
- Không tham gia bảo hiểm
Trong một xã hội có nhiều cái rủi ro như hiện nay thì có lẽ rằng không có nhiều người có thể an tâm khi chúng ta tham gia lao động, làm việc. Đặc biệt, những người là trụ cột của gia đình - người mà tạo ra phần lớn thu nhập cho gia đình và là chỗ dựa cho cả gia đình khi có những biến cố có thể xảy ra.
Khi mà hàng ngày các thống kê về tình hình tai nạn giao thông, rồi những sự việc, tình huống không may xảy ra như ốm đau, tai nạn nghề nghiệp. Nhất là trong khi xã hội có những rủi ro rất lớn từ mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì nó càng làm gia tăng thêm các loại bệnh tật mà nguy hiểm nhất đó là bệnh ung thư, nó có thể quét sạch túi tiền của nhiều gia đình.
Và khi xảy ra những biến cố trên thì gia đình ngoài những đau xót cho người bệnh, còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đau xót như gia đình lâm vào cảnh khốn khó, con cái không có điều kiện học hành, tương lai trở nên mù mịt. Bảo hiểm nhân thọ hay các loại bảo hiểm khác ra đời như một phao cứu cánh cho rất nhiều người dân trong xã hội chúng ta, giúp cho chúng ta an tâm hơn trong cuộc sống.
Với bảo hiểm nhân thọ, có thể giúp cho con người một ý thức tiết kiệm, để đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp và yên tâm trước mọi tình huống có thể xảy ra. Bảo hiểm y tế giúp chúng ta có thể kiểm tra sức khỏe, bệnh tật và giảm phần lớn chi phí khi khám, chữa bệnh. Vì vậy, tham gia bảo hiểm là một cách khôn ngoan nhất trong cuộc sống này, nhất là cho các con cái của mỗi gia đình. Để khi con cái chúng ta trưởng thành, chúng ta có thể không phải lo lắng chi phí học tập vì khi đó chúng ta có thể rút tiền vốn khi đã tham gia đủ thời gian.
- Đầu tư cho học tập không hiệu quả
Học đại học, cao đẳng bây giờ có lẽ là một vấn đề hết sức đơn giản đối với mọi con người trong xã hội, nơi mà chúng ta chỉ cần đến ngồi học đảm bảo đủ điều kiện thi là coi như môn học cũng sẽ qua được vì công tác quản lý, kiểm tra và đào tạo của nhiều trường ngày càng buông lỏng. Giáo viên lên lớp dạy cho hết trách nhiệm, sinh viên thì không có sự đòi hỏi, đấu tranh cho bản thân. Cuối cùng hầu hết các em sinh viên đều tốt nghiệp trường mà mình theo học.
Nhưng rồi chỉ có một số ít các em có thể xin việc đúng ngành, còn lại là làm trái ngành và phần đông là thất nghiệp. Một sự lãng phí rất lớn của xã hội khi bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức của nhà nước, gia đình và cá nhân nhưng cuối cùng lại không tương xứng với kết quả.
Những hậu quả trên không phải chỉ tại một khâu nào đó mà là cả một hệ thống, xâu chuỗi từ bản thân các em sinh viên, gia đình, nhà trường và cả xã hội. Khi mà xã hội còn nhiều tệ nạn, nhiều nhũng nhiễu và tiêu cực dẫn đến nhận thức sai lệch cho nhiều gia đình và cá nhân các em, gia đình chưa ý thức được trách nhiệm trong việc định hướng, giáo dục nhân cách, ý thức cho các em. Nhà trường chưa làm tốt công tác thanh tra, đào tạo từ chương trình đến công tác giảng dạy, kiểm tra, giám sát cũng như tạo động lực và khơi dậy tư tưởng tốt đẹp cho các em. Bản thân các em chưa chịu cố gắng, nhận thức được những vấn đề mà mình cần phải làm và trách nhiệm với chính bản thân mình.
Một gia đình chỉ có thể tốt khi mọi thành viên trong gia đình đều nhìn nhận được trách nhiệm mà mình phải làm trong cuộc sống, nhà trường chỉ có thể tồn tại và phát triển khi đào tạo ra những con người có năng lực và xã hội chỉ có thể phát triển khi xã hội đó có nền giáo dục phát triển để tạo ra những con người tốt.
- Chi tiêu không hợp lý
Để tồn tại, chúng ta đều phải ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta lại cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu có thể của mình để rồi thường chúng ta đều rơi vào tình trạng lãng phí hay thâm hụt. Trong xã hội, có những nơi con người ta quen chi tiêu một cách hoang phí, từ việc ăn, mặc, sinh hoạt hàng ngày đều ở một mức độ tốn kém, nơi mà con người ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp.
Người ta không quan tâm nhiều đến việc ai mời ăn cỗ nhưng lại rất quan tâm đến cỗ bàn có ngon không và cứ sau mỗi lần đi ăn cỗ thì cái việc chuẩn bị cỗ bàn lại được mọi người bàn tán. Lối suy nghĩ “có thực mới vực được đạo” này dẫn đến nhiều nhà phải chạy vạy để đảm bảo cuộc sống, nhiều nhà không dành dụm được tiền để tiết kiệm hoặc chỉ tiết kiệm được một phần trăm rất nhỏ so với thu nhập của họ mà đáng ra họ phải tiết kiệm được một mức độ nhất định.
Cái tư tưởng này dẫn đến nhiều gia đình mặc dù thu nhập thấp nhưng cũng phải cố gắng theo cái lối sống của làng xã. Vô hình chung nó trở thành một gánh nặng cho mỗi gia đình và đánh mất cơ hội thay đổi cuộc sống.
Tuy nhiên, có những nơi người ta lại chi tiêu, ăn uống một cách tằn tiện để tiết kiệm tiền của và gửi vào ngân hàng để đến khi tiền tích lũy được một khoản nhất định nào đó họ lại nghĩ đến việc xây nhà, mua sắm đồ dùng gia đình. Hầu hết gia đình nào cũng với lối suy nghĩ “cả đời mà không xây được cái nhà thì hèn”. Cả làng, nhà nào cũng đua nhau xây nhà, xong rồi lại tằn tiện để mua các vật dụng khác trong gia đình, rồi dành dụm cho con, cho cháu.
Nhìn vào làng với những nhà cao tầng mọc san sát nhau, người ta cứ nghĩ cuộc sống của mọi gia đình có lẽ phải sung túc lắm, nhưng đó chỉ là cái vỏ bọc cho cái cuộc sống ham cái mác bề ngoài, tất cả đều vì con, vì cháu. Cái vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn mãi làm cho mỗi con người đều như chưa bao giờ được sống một cuộc sống đích thực.
Vì vậy, thay vì những cái tư tưởng trên, chúng ta hãy học cách tiết kiệm tiền theo cách của người giàu, chọn cho mình một cách chi tiêu hợp lý, bằng cách chia tiền ra thành nhiều ô nhỏ và sử dụng theo đúng định mức đã đưa ra để thỏa mãn mọi nhu cầu trong giới hạn cho phép và lựa chọn thời cơ thích hợp để sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình một cách hợp lý nhằm gia tăng tiền vốn cho bản thân.
Tiền không phải là tất cả, nhưng ai cũng cần tiền. Vì vậy, hãy đừng để tiền rơi
Ý kiến bạn đọc