Bạn đã dành nhiều thời gian cho môn học mà vẫn chưa thấy hiệu quả? Có phải môn học đó quá khó? Và để học tốt một môn học nào đó thì phải làm thế nào? Chúng ta có thể tham khảo một số cách để học tốt các môn học như ở dưới đây:
(1) Nuôi dưỡng đam mê
Đam mê là một sự cần thiết cho mọi chúng ta. Dù chúng ta có làm gì, học gì đi chăng nữa, dù chúng ta có thông minh đến mấy nhưng nếu không có đam mê, cuối cùng chúng ta cũng không thể đạt được mục tiêu của mình một cách trọn vẹn. Khi chúng ta đam mê, chúng ta sẽ có thể có động lực để làm việc và học tập. Trong tình yêu, khi chúng ta đam mê ai đó, chúng ta có thể nhớ nhung, mơ về 1 ai đó. Học tập cũng như vậy, nếu chúng ta đam mê, có thể mọi lúc, mọi nơi chúng ta cũng nghĩ đến môn học, khi đó chúng ta có thể nhập tâm vào môn học và giúp cho việc học tập của chúng ta hiệu quả.
Tuy nhiên, để giữ được đam mê thì cần phải có kỷ luật và sự dũng cảm. Giáo viên không thể truyền đam mê hay cảm hứng cho sinh viên mà tự sinh viên phải có đam mê. Giáo viên sẽ là người giúp sinh viên tăng thêm sự đam mê. Khi con người có sự say mê trong học tập thì con người sẽ có động lực học tốt nhất và phấn đấu học tập theo các mục tiêu đã định.
(2) Học cách đọc sách hiệu quả
Để học tốt các môn thì sau khi đăng ký môn học hoặc trước khi vào mỗi học kỳ chúng ta nên xem mình sẽ học môn gì để từ đó mua các sách có liên quan đến môn học. Đầu tiên, chúng ta cần đọc lời giới thiệu của quyển sách, sau đó xem qua mục lục của sách xem sách có những nội dung gì, tiếp theo đọc lướt qua một lượt từ đầu đến cuối của quyển sách đó và cuối cùng là đọc chậm từng nội dung để có thể hiểu được các nội dung trong quyển sách. Khi chúng ta có phương pháp đọc sách tốt, chúng ta sẽ rút bớt thời gian đọc, có khả năng nắm bắt nội dung nhanh, liền mạch để có cách nhìn tổng quát cũng như chi tiết về các tài liệu, giáo trình của từng môn học.
(3) Làm tốt công tác chuẩn bị cho từng môn học
Trước khi học mỗi môn cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu của môn học, xem qua nội dung môn học và trước mỗi giờ lên lớp cần đọc qua nội dung phần bài học phải học. Phần nào chúng ta chưa hiểu hoặc chưa hiểu sâu chúng ta cần tự đưa ra câu hỏi và trả lời; nếu như chúng ta chưa thấy thỏa mãn thì chúng ta có thể chờ tới giờ lên lớp để hỏi lại giáo viên, như vậy chúng ta sẽ hiểu hơn về các nội dung mà khi thầy giáo giảng dạy trên lớp và chúng ta có thể ghi nhớ kiến thức được lâu hơn.
Đi học cũng như đi chiến trận, có câu nói: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, nếu chúng ta chưa nghiên cứu địch thủ trước chúng ta sẽ thất bại hoặc như một chàng trai đi cưa 1 cô gái mà đến khi đến nhà cô gái buổi đầu tiên mới biết tên cô gái và chưa biết cô gái đó như thế nào thì khi đó xác suất để thành công trong đi cưa ở đây là rất thấp vì chúng ta chả hiểu gì người phụ nữ đó như thế nào? Họ muốn cái gì? Người Nhật có câu: "Thành công trong chuẩn bị đó là sự chuẩn bị cho thành công". Điều này có thể lý giải tại sao nước Nhật là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và con người Nhật làm việc luôn có hiệu quả công việc rất cao.
(4) Tìm kiếm những điều thú vị trong từng môn học
Đối với những môn mình chưa có hứng thú hoặc không thích do một số lý do nào đó, ví dụ như chúng ta bị bố mẹ bảo học ngành này ngành kia mà chúng ta không thích. Khi đó thì chúng ta cần tìm ra những điều hay, điều thú vị trong mỗi môn, mỗi ngành đó; mỗi môn học nó như một con người, một cô gái, dù có vẻ bề ngoài xấu xí hay thế nào đó thì cũng có mặt tốt của họ, cho dù con người đó có thể là không có trình độ, không giàu có, đã từng ra tù vào tội… cũng đều có một vài điểm tốt của họ mà ta có thể nhìn vào để học tập.
Hoặc ví dụ chẳng may chúng ta sau này lấy phải người vợ, người chồng mà không như ý thì chẳng lẽ lúc đó chúng ta lại ngồi càu nhàu, cấu xé người vợ hay chồng mà mình đã lấy để rồi chuốc lấy họa và như thế cuộc sống gia đình lại trở nên bi kịch. Cách tốt nhất khi này đó là tìm ra điểm tốt, điểm đáng yêu của người vợ hay người chồng mà mình đã lấy để cuối cùng là xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình.
(5) Tìm ra điểm mấu chốt, cốt lõi của từng chương, từng môn học
Mỗi môn học nó đều có một vài mấu chốt, một vài vấn đề cốt lõi mà nếu chúng ta nắm vững những vấn đề đó thì chúng ta có thể học tốt môn học đó một cách đơn giản. Do vậy, để học tốt từng môn chúng ta cần xem môn đó nó nói về cái gì, cái nào là cốt lõi của môn học và nếu chưa tìm ra được thì chúng ta có thể hỏi giáo viên dạy môn đó để có thể qua đó nắm bắt nội dung môn đó một cách dễ dàng.
Việc học tập mỗi môn học, mỗi chương trong môn học cũng giống như cách 1 chàng trai đi cưa, có người cho rằng: “Mọi người đàn ông đều có thể có được người phụ nữ mà mình yêu mến, nhưng phải biết đúng cách”. Các bạn hiểu câu nói này không nhỉ? Việc học không phải là cứ học càng nhiều thời gian thì càng hiệu quả cũng như là 1 chàng trai yêu 1 cô gái cũng vậy, nếu chỉ cứ đến nhà cô gái chơi rồi uống nước và nói một vài câu chuyện thì cũng rất khó để có thể cưa đổ cô gái đó.
Chân thành thôi chưa đủ, nhất là trong thời đại hiện nay, chàng trai phải biết cô gái thích ăn gì, mặc gì, nói chuyện gì…từ đó có cách nói chuyện tốt hơn khi đó mới có thể làm cho cô gái đó có tình cảm với mình và yêu mình. Vì vậy, nếu bạn chưa học tốt một môn học nào, bạn hãy kiểm tra lại xem mình có thực sự đam mê môn học đó chưa, và nếu đam mê rồi thì mình nên xem lại phương pháp học môn đó. Có như vậy, bạn mới có thể học tốt môn học đó được.
(6) Tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài báo, trải nghiệm thực tiễn
Qua những hoạt động này, sinh viên có thể hiểu biết hơn về nội dung học tập, nghiên cứu và qua đó giúp ích cho học tập môn học và làm việc sau khi ra trường. Ví dụ như viết đề tài NCKH về môn học; viết báo về môn học, ngành học hoặc trải nghiệm thực tiễn thông qua làm việc bán thời gian về chuyên ngành học, kinh doanh… như đầu tư chứng khoán, lập 1 dự án kinh doanh, lập công ty, cộng tác viên cho ngân hàng, công ty bất động sản, công ty chứng khoán, bảo hiểm…
(7) Xây dựng nhóm bạn cùng học hay đó là tham gia hoạt động nhóm
Bằng việc giảng giải cho người khác vấn đề mình biết hoặc nghe những cái mình chưa biết sẽ giúp chúng ta biết thêm về vấn đề trên hoặc hiểu về vấn đề mình chưa biết; hoặc khi có nội dung nào khó mà cả nhóm chưa ai làm được thì có thể trao đổi với nhau để giải quyết, dần dần chúng ta sẽ hiểu được những vấn đề đó và là cơ sở để hiểu những vấn đề khó hơn và qua đó kiến thức chúng ta đã tăng lên.
Thảo luận nhóm giúp phát hiện ra những điều mình chưa hiểu kỹ hoặc thậm chí có thể là hiểu sai. Nếu mà nhóm chưa thống nhất được hoặc chưa chắc chắn kết quả của mình có thể chờ đến giờ lên lớp để hỏi lại giáo viên. Qua việc tham gia vào hoạt động nhóm cũng là việc chúng ta phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp, học tập và nghiên cứu. Đồng thời có thể kết bạn, ở cùng với những bạn học tốt ở lớp mình, lớp khác và có cùng đam mê với mình để tiện trao đổi và tạo môi trường học tập để nuôi dưỡng ý chí vươn lên của bản thân.
(8) Học cách viết thư cho chính bản thân mình trong tương lai trong đó viết về những điều yêu thích như cuộc sống, bạn bè, trường học và mục tiêu sống rồi cất nó lại đến một thời điểm trong tương lai tự chúng ta sẽ mở nó ra. Ví dụ chúng ta đang học năm thứ nhất, thứ 2… có thể viết 1 bức thư gửi cho chính chúng ta vào ngày chúng ta tốt nghiệp đại học, ngày chúng ta trúng tuyển vào một công ty lớn, …
Khi đó chúng ta có thể suy nghĩ về khoảng thời gian hạnh phúc của mình hoặc xem liệu mục tiêu sống của chúng ta có thay đổi không? Và chúng ta cũng có thể thông qua việc viết lên những mục tiêu tốt đẹp trong tương lai để cố gắng hơn trong học tập và nghiên cứu hiện nay.
Đừng sợ mình không đủ khả năng. Khả năng của một con người phụ thuộc vào ý chí và hoài bão của người đó chứ không phụ thuộc vào chỉ số IQ, chiều cao hay cân nặng. Nếu chúng ta cứ cố gắng theo các cách trên và kiên trì, rồi chúng ta sẽ thành công trong con đường học tập.
Ý kiến bạn đọc