[Nhịp sống thời đại - 28/08/2016] Hiện nay, sinh viên thường đối mặt với việc học phí tăng. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người băn khoăn là liệu nhà trường có đảm bảo tăng học phí sẽ đi kèm với việc cung cấp dịch vụ đào tạo tốt nhất?
Nhiều sinh viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân phản ánh học phí năm 2016 tăng 30%, quá cao so với năm ngoái, gây khó khăn cho việc theo học.
Một giảng viên của trường này giải thích nhà trường là một doanh nghiệp, do đó cần phải tăng học phí để đảm bảo trang trải chi phí giá thành, đáp ứng lợi nhuận kỳ vọng và thương hiệu của trường.
Quan điểm coi trường đại học là doanh nghiệp và quan hệ giữa nhà trường với sinh viên là quan hệ mua - bán đã hình thành từ lâu và rất phổ biến.
Trên thực tế, nhiều sinh viên đã có ý định bỏ học hoặc chuyển sang trường khác, khi nhận được thông báo tăng học phí vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.
Do vậy, việc các trường nghiên cứu, đánh giá nên tăng bao nhiêu cho hợp lý và lộ trình thực hiện như thế nào rất quan trọng.
Nếu xét góc độ kinh doanh, một doanh nghiệp khi muốn tăng giá sản phẩm cũng phải có lộ trình trên cơ sở xem xét chất lượng, giá cả hàng hóa của đối thủ và tùy vào tình hình thị trường để quyết định có nên tăng giá và tăng bao nhiêu.
Nhà trường cũng phải giải thích cho khách hàng cảm thông, chứ không thể tiến hành tùy tiện kiểu "chộp giật", coi thường khách hàng. Bởi hơn ai hết, chính khách hàng là “nguồn sống” của doanh nghiệp.
Việc tăng học phí của Trường đại học Kinh tế Quốc dân gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: L.T.
Ai cũng biết, để nhà trường hoạt động có hiệu quả, bên cạnh các yếu tố khác thì việc phải có một đội ngũ giáo viên có chất lượng là yếu tố hết sức quan trọng.
Nhiều trường đại học hiện nay duy trì một đội ngũ giảng viên, quản lý, dịch vụ khá đông nhưng hoạt động kém hiệu quả, cùng với việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân chính dẫn đến tăng chi phí.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là các trường cần có sự cải tổ, mà theo đó việc cần làm đầu tiên là cắt giảm giáo viên, nhân viên phục vụ và rà soát lại hoạt động đầu tư trang thiết bị theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Trút gánh nặng kinh phí lên sinh viên không là cách làm đúng đắn.
Đại diện của trường Đại học Kinh tế Quốc dân khi trả lời trước công lận có nhắc đến một trong những lý do tăng học phí là muốn đáp ứng “lợi nhuận kỳ vọng”.
Câu hỏi đặt ra là: Lợi nhuận kỳ vọng của nhà trường nên là bao nhiêu?
Lợi nhuận đó bằng với mức sinh lời trung bình của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoặc mức lợi nhuận của trung bình của ngành? Hay đó là mức sinh lời do nhà trường tự đặt ra và đòi hỏi?
Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi: Đi kèm với tăng học phí, nhà trường có đảm bảo sẽ thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp và có chất lượng, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để cung cấp cho sinh viên dịch vụ đào tạo tốt nhất hay không?
Khi nhiều sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp vẫn chưa xin được việc làm hoặc làm trái ngành thì chắc chắn có phần trách nhiệm của nhà trường – nơi đào tạo và cung cấp lao động.
Cũng chính vì vậy, nhà trường nên tập trung nghĩ cách nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút được sinh viên, hơn là chỉ nghĩ đến chuyện tăng học phí nhằm đạt lợi nhuận kỳ vọng.
Từ vụ việc nêu trên cho thấy, các trường đại học nên xem mình là một doanh nghiệp và hãy trang bị một chiến lược marketing hiệu quả, liên tục nâng cao chất lượng đào tạo để tạo ra những sinh viên có năng lực cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tạo cơ chế giúp giảng viên phát huy tối đa năng lực trong nghiên cứu khoa học, tạo ra các sản phẩm có giá trị.
Theo đó, cần chú trọng tăng cường năng lực làm dự án trong nước và quốc tế cho giảng viên, nhằm tạo uy tín của nhà trường và nâng cao thu nhập cho giảng viên.
Còn nếu chỉ coi việc tăng học phí là giải pháp để đảm bảo “lợi nhuận kỳ vọng” thì đó chỉ là tư duy “ăn xổi”, một kiều tư duy không còn phù hợp với bối cảnh của nền giáo dục hiện đại.
Bài viết trên NSTĐ:
http://www.nhipsongthoidai.vn/xa-hoi/tang-hoc-phi-tu-duy-an-xoi-20160731152040397.htm
Ý kiến bạn đọc