Đâu là mối quan hệ giữa bằng cấp và thu nhập tại Việt Nam?

Đăng lúc: Thứ tư - 26/10/2016 15:13
        Những năm gần đây tại Việt Nam, một nghịch lý là lợi ích có được từ chiếc bằng đại học hoặc trên đại học ngày càng giảm. Những sinh viên càng học cao lại chưa chắc có được một công việc như ý và thu nhập tương xứng với bằng cấp họ nhận được.
       Thông thường, đối với một người nào đó, việc học tập càng cao hoặc càng dành nhiều thời gian cho học tập đáng ra phải có mức thu nhập càng cao. Theo như nhiều công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế về hoạt động đầu tư vào vốn con người như Mincer, Becker… cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa mức độ thu nhập và bằng cấp hay thời gian đầu tư vào việc học tập.
       Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, nhiều trường đào tạo hiện nay, sinh viên tốt nghiệp thường phải đi làm trái ngành hoặc thất nghiệp. Vấn đề này không chỉ là của sinh viên trường ít danh tiếng, mà ngay cả sinh viên trường top trên cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nhiều cử nhân ra trường đi làm nhưng thu nhập của họ thậm chí còn thấp hơn cả lao động phổ thông. Ví dụ như hiện nay nhiều cử nhân ra trường một thời gian, lương cũng chỉ được từ 3 - 5 triệu VND/tháng, tuy nhiên lương của người giúp việc là 3 - 4 triệu VND/tháng lại được nuôi ăn, nuôi ở, lương của công nhân xây dựng tầm 4 - 6 triệu VND/tháng... Hay như doanh nghiệp khát nhân lực nhưng cử nhân vẫn thất nghiệp…
        Truy xét nguyên nhân của những vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng xã hội Việt Nam là xã hội trọng bằng cấp, nhiều người chạy theo trào lưu chuộng bằng cấp.
        Người Việt trọng bằng cấp
        Nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào đại học, nhiều người còn gọi đây là “phổ cập đại học". Tư duy sính bằng cấp này ăn sâu vào tất cả mọi con người, nhất là các cán bộ công chức, vừa là để có cơ hội thăng tiến và vừa là quy định tiêu chuẩn vị trí. Ví dụ như công chức cấp xã phải có bằng đại học, lãnh đạo cấp xã phải có bằng thạc sĩ, cấp huyện phải có bằng tiến sĩ … làm cho việc đi học để lấy cái bằng nhưng lại chưa chú trọng đến chuyên môn và tất nhiên sau đó là việc bằng cấp chưa tương xứng với năng lực cán bộ.
        Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta có thể thấy một số nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc … cũng là những quốc gia rất coi trọng bằng cấp. Ở những nước này, bằng cấp không những quyết định đến thu nhập của mỗi con người mà nó còn quyết định tương lai cũng như quyết định đến hôn nhân của mỗi người.
       Giả sử như thuyết về trọng bằng cấp là đúng thì nghiễm nhiên chất lượng nền giáo dục của những nước này phải có sự tương đồng với nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chất lượng giáo dục của ba nước này là không giống nhau. Trong khi nền giáo dục của Hàn Quốc và Singapore là những nền giáo dục đứng hàng đầu châu Á và trên thế giới thì giáo dục Việt Nam lại đang là vấn đề nhức nhối và luôn tồn tại những bất cập. Kết quả, hai nước này có nền kinh tế phát triển, được ví như là những con rồng châu Á, thu nhập và bằng cấp là có sự tương quan, còn Việt Nam thì lại là một nền kinh tế chậm phát triển và thu nhập bình quân đầu người gần thấp nhất thế giới, thu nhập và bằng cấp là không có mối tương quan rõ ràng.
        Vì vậy, nếu coi việc trọng bằng cấp là viện dẫn cho nền giáo dục kém phát triển như ở Việt Nam dẫn đến mối quan hệ không rõ ràng giữa thu nhập và bằng cấp thì rất khó để giải thích cho sự khác biệt trên. Vậy phải chăng người Việt kém tư duy nên học càng cao chưa chắc dẫn tới mức thu nhập cao?
        Người việt kém tư duy
        Theo các nhà nghiên cứu và nhận định của nhiều người thì về mặt trí tuệ, mọi con người trên thế giới, trí tuệ thực sự là không có sự quá chênh lệch nhau.
        Về mặt học thuật, một bộ phận không nhỏ học sinh của Việt Nam có kết quả kiểm tra lại đạt cấp độ tương đương với các quốc gia giàu có trên thế giới. Điều này được kiểm chứng qua các khảo sát, nghiên cứu của nhiều tổ chức.
        Ví dụ như theo phương pháp PISA của OECD (2012) hay là theo kết quả bài thi TIMMS của nhà nghiên cứu Abhijeet Singh (2014) thì giáo dục Việt Nam tạo ra sự vượt trội từ sớm, nhiều lĩnh vực học sinh Việt Nam vượt chuẩn quốc tế, trong đó còn có những lĩnh vực chúng ta còn đứng trong top đầu.
        Nếu chúng ta nhìn lại thành tích của học sinh Việt Nam khi tham gia vào các cuộc thi olympic quốc tế, có thể thấy học sinh người Việt Nam luôn đạt các giải cao tại các cuộc thi trên.
        Hoặc như nhiều học sinh tại Việt Nam đi du học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mặc dù có nhiều bạn du học theo con đường tự túc, với nền tảng kiến thức phổ thông ở mức trung bình nhưng sau khi du học xong, các em đó đã trở thành những người rất năng động, có năng lực cao và thu nhập hơn hẳn người có cùng trình độ nhưng học trong nước.
        Như vậy, về mặt tư duy, người Việt Nam không phải là kém. Ngược lại, tư duy của người Việt lại được thế giới đánh giá rất cao. Vậy đâu là nguyên nhân của một nền giáo dục kém phát triển dẫn tới việc bằng cấp cao nhưng thu nhập không tương xứng? Một sự giải thích phù hợp nhất đó là một nền giáo dục nặng lý thuyết, thiếu tư duy phản biện, thiếu thực tế và sự sáng tạo.
        Người Việt thiếu tư duy phản biện
        Nguyên nhân chính dẫn đến việc bằng cấp cao nhưng thu nhập chưa tương xứng đó là chất lượng giáo dục của chúng ta thấp kém. Theo các nhà nghiên cứu cũng như đánh giá của nhiều người thì tư duy phản biện là hệ quả tạo ra sự khác biệt trong chất lượng giáo dục của một đất nước. Vì vậy, dù học cao nhưng năng lực của người học là không tương xứng do cách học thụ động, thiếu trung thực và tư duy máy móc...
        Trong lớp học, tư duy phản biện tạo ra văn hóa thảo luận giữa giáo viên và các em học sinh và giữa các em học sinh với nhau. Thông qua đó, giúp các em phát hiện ra lỗi sai của mình và tìm ra đáp án đúng. Không những vậy, tư duy phản biện còn giúp tạo ra các ý tưởng mang tính sáng tạo, khám phá ra những cái mới, chủ động giúp cho giáo viên và học sinh tìm ra những đáp án ngắn hơn và dễ hiểu hơn từ đó nâng cao nhận thức của sinh viên và của cả giáo viên về vấn đề trên lớp.
        Một nền giáo dục có tư duy phản biện thì nền giáo dục đó sẽ luôn có những cách nhìn nhận khách quan, đúng đắn về thực trạng giáo dục. Thông qua đó, nền giáo dục đó sẽ có những giải pháp hợp lý trong xây dựng chương trình, giáo trình, sử dụng phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá năng lực một cách khách quan, tiến bộ từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Những bệnh thành tích, tư duy chạy theo bằng cấp, nặng lý thuyết hay thiếu thực tế… vì thế cũng không còn tồn tại nữa. Khi đó, năng lực của người học sẽ thực sự tương xứng với bằng cấp hay thời gian đầu tư cho học tập, và như vậy mối quan hệ giữa thu nhập và bằng cấp cũng sẽ có sự tương quan.
       Trong xã hội, tư duy phản biện sẽ giúp cho mọi cá nhân, tổ chức nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Mỗi cá nhân từ đó có thể bảo vệ chính kiến của mình, đồng thời thông qua sự trao đổi, phản biện của những người khác từ đó học hỏi thêm những cách nghĩ khác và nhìn nhận vấn đề một cách sâu hơn, đúng đắn hơn. Apple, Microsoft hay Samsung… thành công là do công ty có lối tư duy phản biện tốt, từ đó họ cách nghĩ khác và hướng đi khác biệt. Thử hỏi rằng nếu không có lối tư duy khác biệt như Apple, Microsoft, Samsung… thì liệu những doanh nghiệp này có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới phẳng như hiện nay không?
       Muốn xã hội phát triển và bắt kịp với các quốc gia khác, cách tốt nhất không phải là đi tắt đón đầu, mà đó là cách tư duy mang tính khác biệt, cho phép sự phân hữu tri thức và cho phép mọi người tự do sử dụng tri thức nhằm tạo ra tư duy phản biện thực sự trong toàn xã hội.
       Có như vậy, chúng ta mới có thể quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của toàn dân. Đấy là con đường đơn giản nhất, nhanh nhất để đất nước phát triển.
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết