Theo số liệu thống kê thì tại Việt Nam hiện nay có khoảng 412 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Số lượng thí sinh trung bình mấy năm gần đây đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng trên cả nước khoảng gần 600.000 thí sinh. Như vậy nếu như tất cả số thí sinh này nhập học chia trung bình thì mỗi trường sẽ đào tạo khoảng 1.500 sinh viên.
Trong khi đó, trên thực tế thì mọi thứ không diễn ra như vậy. Số sinh viên thường tập trung vào các trường top đầu. Chỉ tiêu tuyển sinh các trường khá cao. Như vậy để tồn tại và phát triển được thì điều kiện tiên quyết là nhà trường phải tuyển sinh được. Đây là một bài toán nan giải.
Sinh viên là khách hàng đặc biệt, là một xu thế tất yếu của các nhà trường
Có rất nhiều phương án tuyển sinh được đưa ra, và một trong những phương án tuyển sinh mang tính đột phá đó chính là coi “sinh viên là khách hàng đặc biệt, sinh viên là sản phẩm đặc biệt”. Ở đây tôi nhấn mạnh sinh viên là khách hàng đặc biệt là vì nếu chỉ coi sinh viên là khách hàng và là sản phẩm thôi thì không đủ.
Nếu chỉ coi sinh viên là khách hàng thì chúng ta (nhà trường, giáo viên) sẽ phải chiều theo mọi mong muốn của sinh viên. Mà đặc tính của sinh viên hiện nay là muốn chơi nhiều, học ít, thích điểm cao, nhất là sinh viên tại các trường top dưới. Nếu như đáp ứng điều kiện đó của khách hàng thì chúng ta là người thầy không tốt, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống và tiếng tăm nhà trường cũng đi xuống.
Chính vì vậy phải coi sinh viên là một khách hàng đặc biệt, không thể chỉ đi đáp ứng nguyện vọng của đại đa số sinh viên mà quên mất nhiệm vụ chính là năng lực làm việc và thái độ của sinh viên khi ra trường. Đặc biệt ở đây là chúng ta phải làm sao hài hòa, vừa truyền đạt kiến thức được cho khách hàng, mà khách hàng vẫn cảm thấy thích, cảm giác thoải mái, khách hàng vẫn đạt được điểm số cao.
Sinh viên là sản phẩm đặc biệt
Nếu coi sinh viên là sản phẩm thì nhà trường như là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phải có đầu vào và đầu ra. Doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải bán được sản phẩm. Để bán được sản phẩm thì doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu khách hàng làm cơ sở đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất, hơn cả đối thủ cạnh tranh.
Sau đó, doanh nghiệp phải có nguyên vật liệu đầu vào tốt, có trang thiết bị công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, nhu cầu của khách hàng cùng với đội ngũ nhân viên liên quan trực tiếp đến sản xuất và bán hàng có kỹ năng nhằm tạo ra được sản phẩm mà khách hàng mong muốn.
Đối với các trường đại học, để đào tạo ra một sinh viên có năng lực chuyên môn, có kỹ năng và thái độ tốt, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng thì ngay từ khi đầu vào, nhà trường phải tuyển sinh được những sinh viên có tố chất đầu vào tốt.
Trong quá trình giảng dạy, nhà trường cần phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như là phòng học, thư viện, phòng thực hành, chương trình đào tạo tiên tiến cùng với đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tốt để truyền đạt kiến thức, kỹ năng tới các sinh viên một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, sinh viên được coi là sản phẩm đặc biệt vì sản phẩm này không giống như một sản phẩm thông thường. Đối với một doanh nghiệp, khi có nguyên liệu đầu vào tốt và quy trình công nghệ tốt thì gần như sản phẩm ra đời sẽ là một sản phẩm tốt, chất lượng đồng đều, tỷ lệ phế phẩm thường dưới 1%.
Đặc biệt, nhiều loại sản phẩm có tỷ lệ phế phẩm xấp xỉ bằng không, hầu hết là sản phẩm đều thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Nhưng sản phẩm sinh viên của nhà trường thì chưa chắc đã đồng đều về năng lực, sinh viên ra trường có thể thất nghiệp, dù học trường đại học danh tiếng.
Một doanh nghiệp có lãi chỉ khi sản phẩm đó được tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm càng bán được giá thì doanh nghiệp càng có lãi và nó ảnh hưởng tức thì. Nhưng đối với sản phẩm giáo dục, ngay khi nhà trường tuyển sinh vào thì nhà trường đã có thể thu hồi được phần vốn từ học phí của sinh viên đóng góp mà chưa cần đến sinh viên ra trường có được nhà tuyển dụng chấp nhận hay không.
Tỷ lệ sinh viên làm được việc cao sẽ giúp cho nhà trường thu hút được sinh viên nhập học trong năm sau cao hơn và ngược lại. Khi đó, nhà trường có thể gia tăng được nguồn thu học phí, ảnh hưởng của nó chậm hơn so với doanh nghiệp hay ảnh hưởng nó không mang tính tức thì như khi doanh nghiệp không bán được sản phẩm.
Bên cạnh đó, sản phẩm sinh viên, ngoài những điều kiện về quy trình, công nghệ, nó còn phụ thuộc vào cả thái độ của sinh viên, phụ thuộc vào thế mạnh, năng khiếu sẵn có trong mỗi con người họ. Ví dụ như có sinh viên tốt nghiệp trường lớn về kinh doanh nhưng lại mong muốn hoạt động về nghiên cứu, giảng dạy. Khi đó, nếu cho sinh viên này làm kinh doanh, có thể sẽ không đạt hiệu quả cao do họ không có sự đam mê. Hay như sinh viên học ngành kỹ thuật nhưng khi ra trường lại làm về kinh doanh...
Tại Việt Nam, ở các trường đại học top trên, việc đào tạo ra một sinh viên đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng là một vấn đề bình thường. Tuy không phải là sản phẩm nào ra đời cũng đạt yêu cầu và thỏa mãn nhu cầu khách hàng vì không phải là sinh viên nào ra trường đều tìm được việc làm mặc dù là sinh viên đó đạt bằng khá, giỏi.
Điển hình có trường hợp sinh viên tốt nghiệp trường top trên, ngành hot, là thủ khoa đầu ra, được vinh danh tại văn miếu Quốc Tử Giám nhưng lại lận đận khi đi tìm việc. Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo từ 100 trường ĐH, CĐ và TCCN giai đoạn 2010 - 2014, có khoảng 60% sinh viên các trường tìm được việc sau khi tốt nghiệp, tại một số trường top trên, tỷ lệ này đạt 80 - 90%, tỷ lệ sinh viên làm trái ngành vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng chất lượng đào tạo của các nhà trường còn chưa thực sự tốt.
Tại các trường top dưới, chất lượng đào tạo đa phần chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Sinh viên ra trường phần lớn là thất nghiệp và làm trái ngành. Nếu coi sinh viên là sản phẩm thì có thể nói đây là sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường. Đó là sự thất bại của một nhà trường.
Nguyên nhân của vấn đề này một phần là do đào tạo chưa đi đôi với thực hành, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo cũng như phương pháp kiểm tra, đánh giá chưa khoa học. Nhiều trường ngày càng có sự dễ dãi trong giảng dạy và đánh giá năng lực sinh viên. Đây lại là những yếu tố quyết định đến chất lượng đầu ra của sinh viên.
Như vậy, thách thức với các trường đại học là rất lớn, nhất là xu hướng tự chủ đại học đang ngày càng mạnh mẽ, nhiều trường công lập có thể bị cắt nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hội nhập TPP và AEC có thể làm cho ngày càng có thêm nhiều trường đại học ở nước ngoài cạnh tranh thu hút sinh viên sẽ dẫn tới khả năng tuyển sinh của các trường top dưới ngày càng kém hơn. Xu thế sáp nhập hoặc giải thể đối với các trường đại học, nhất là các trường top dưới đang ngày càng hiện hữu.
Vì vậy, để tồn tại và phát triển, các trường đại học, nhất là các trường top dưới cần có tầm nhìn dài hạn và có chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn để đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến, cơ chế thu hút và khuyến khích được người tài làm việc.
Khi đó, nhà trường sẽ thu hút được những sinh viên có tố chất đầu vào tốt làm tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Sản phẩm của nhà trường, hay chính là các bạn sinh viên - những khách hàng đặc biệt khi tốt nghiệp sẽ luôn được các nhà tuyển dụng săn đón và mong muốn.
Bài đăng trên NSTĐ: http://nhipsongthoidai.vn/xa-hoi/sinh-vien-khach-hang-va-san-pham-dac-biet-20161213122619089.htm
Ý kiến bạn đọc