Tự chủ đại học là mô hình tiên tiến, tuy nhiên tự chủ khi chưa đủ khả năng tất yếu sẽ dẫn đến việc đóng cửa nhiều trường đại học top dưới, yếu kém và không đủ năng lực cạnh tranh.
Theo kế hoạch của bộ giáo dục đào tạo và các bộ ngành liên quan, từ đầu năm 2016 các trường đại học tại Việt Nam dần được giao quyền tự chủ, phấn đấu đến 2020 100% các trường sẽ vận hành theo cơ chế tự chủ.
Đến nay đã có gần 20 trường đại học thực hiện tự chủ thí điểm, chủ yếu là các trường lớn: Đại học Bách Khoa, đại học Kinh tế quốc dân, đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Hà Nội,... Cùng với xu thế này, các trường khác cũng đang bước đầu xây dựng phương hướng cho việc tự chủ.
Vậy tự chủ ở đây là tự chủ về vấn đề gì? Liệu các trường đại học nước ta đã đủ khả năng để có thể tự làm chủ?
Tự chủ đại học – Giao quyền - Giao cơ chế - Không giao tiền
Hiểu đơn giản thì tự chủ là các trường đại học được giao quyền tự làm chủ trong việc quản lý và vận hành hệ thống giáo dục của riêng mình. Nếu như xưa nay hệ thống giáo dục đại học luôn chịu sự quản lý về cơ chế vận hành, tổ chức, thu chi tài chính, kiểm soát chất lượng, hình thức đào tạo,…của bộ giáo dục và các bộ trực thuộc khác. Thì khi thực hiện tự chủ nghĩa là các trường có khả năng được:
- Tự chủ về bộ máy: Hiệu trưởng, hiệu phó hay chủ tịch hội đồng trường, giám đốc,…đều do trường quyết định, bổ nhiệm và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình.
- Tự chủ về chuyên môn, học thuật: Trường có khả năng quyết định hình thức tuyển sinh, phương thức, thời gian tuyển và tự mình truyền thông, chịu trách nhiệm về lượng sinh viên đầu vào. Trường được quyết định các ngành nghề, hình thức đào tạo, tiêu chuẩn chất lượng đào tạo cũng như quá trình kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng đầu ra của chương trình.
- Tự chủ về tài chính: Thay vì cán bộ nhân viên của trường hưởng lương từ ngân sách, học phí thu theo quy định và tuân thủ quy chế chi tiêu đơn vị hành chính sự nghiệp như trước đây. Khi tự chủ, trường có quyền tự thu mức học phí do trường tự tính toán cân đối chi phí để xác định, các nguồn chi cũng chỉ cần tuân thủ quy chế chi tiêu nội bộ đã được quy định và trong phạm vi nguồn thu.
Lợi ích của việc tự chủ giáo dục đại học
Tự chủ là một xu hướng trong đào tạo của thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tự chủ đại học cũng giống như tinh thần “Khoán 10” năm nào. Khi bản thân trường đại học được quyền tự quyết sẽ tạo ra động lực thúc đẩy mỗi cá thể tự phát triển, sáng tạo và phát huy thế mạnh tiềm năng của mình. Bao gồm:
- Giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xin cấp phép cơ quan lãnh đạo như trước kia.
- Tạo ra nhiều hình thức tuyển sinh, truyền thông đa dạng, sáng tạo, hướng đến phục vụ lợi ích người học cao hơn.
- Người dạy có động lực cống hiến dựa trên cơ chế thu nhập tương xứng và nỗ lực phát triển của bản thân.
- Người học được tận hưởng các dịch vụ tốt hơn từ cơ sở vật chất, giáo dục, và các dịch vụ đi kèm đào tạo.
- Ngân sách nhà nước được cắt giảm một phần chi phí khổng lồ từ hỗ trợ các trường đại học, đồng thời giảm bớt thời gian và nhân lực quản lý hệ thống giáo dục đại học trong nước.
Bước đầu giai đoạn tự chủ đại học tại Việt Nam
Tuy nhiên, trải qua gần 2 năm con đường tự chủ, có vẻ các trường đại học còn đang loay hoay chưa tìm ra phương hướng đúng đắn cho mình. Trong đó hình thành các vấn đề nổi cộm như:
- Bài toán học phí: theo như tính toán, nếu tự chủ thì học phí đại học phải tăng ít nhất 3 lần mức học phí hiện hành, chẳng hạn sinh viên đại học Kinh tế quốc dân phải gánh học phí gần 20 triệu/năm, trong khi mức học phí của sinh viên ngoại thương là 15 triệu đồng/năm. Nhiều trường tuy không công bố chính xác nhưng núp dưới hình thức “học phí/tín chỉ” và người học phải chấp nhận mức học phí tăng không ngừng. Điều này gây bức xúc trong bộ phận không nhỏ sinh viên khi vẫn cơ sở vật chất, vẫn đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy đó. Vì thế, học phí đang là một bài toán khó với các trường trong việc tuyển sinh, và là một nỗi trăn trở không nhỏ với phụ huynh và sinh viên trước ngưỡng cửa đại học.
- Bài toán thu nhập: Nếu thu học phí luôn gặp áp lực từ xã hội thì nhà trường luôn bị áp lực từ hoạt động chi trả cho người lao động, bao gồm người dạy, người nghiên cứu, nhà quản lý, nhân viên phục vụ hỗ trợ đào tạo,… Thu nhập là động lực chính thúc đẩy người lao động làm việc, nhưng cũng là chi phí cần đắn đo của nhà trường. Mức chi làm sao để vừa đảm bảo tránh được “chảy máu chất xám” lại vừa khiến ngân quỹ không bị “thâm hụt”, lại vẫn tạo được động lực khuyến khích nhân viên? Thực tế cho thấy giảng viên tại Việt Nam không thể toàn tâm cống hiến cho giảng dạy và nghiên cứu do đồng lương “nhà nước” quá “bèo bọt”, từ 3 – 5 triệu, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, việc giảng viên đi làm thêm bên ngoài, sao nhãng trong việc giảng dạy hoặc phát sinh tiêu cực trong đào tạo là điều khó tránh khỏi.
- Nguồn vốn đầu tư: muốn tự thân vận động được thì các trường phải không ngừng đầu tư, từ cơ sở vật chất, hệ thống phòng học, thư viện, phòng máy, trang thiết bị, nhà ăn, sân thể thao,…đến đầu tư vào hệ thống dịch vụ đi kèm: thu học phí qua thẻ, hệ thống hành chính một cửa để quản lý sinh viên…Và câu hỏi đầu tiên cho các trường khi muốn đầu tư chính là vốn? Xin ngân sách hay xin tài trợ? Tăng học phí hay cắt giảm chi thường xuyên?... Những vấn đề này là khó khăn to lớn với các trường trước khi nghĩ đến tự chủ.
- Khả năng cạnh tranh: hàng trăm trường đại học mới, ngành học mới liên tục được cấp phép hoạt động, chất lượng đào tạo các trường lại không quá khác biệt, trong khi công cuộc chạy đua tuyển sinh ngày càng gay gắt…khiến các trường đại học từ top cao, như Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Bách Khoa, Sư Phạm,… phải hạ điểm chuẩn, từ 25 điểm (2008) xuống 17 điểm (2016). Các trường top dưới khi đã hạ điểm chuẩn ở mức kịch sàn (13 – 14 điểm), lại không có thương hiệu… thì nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua là việc sớm muộn. Tự chủ đại học là mô hình tiên tiến, tuy nhiên tự chủ khi chưa đủ khả năng tất yếu sẽ dẫn đến việc đóng cửa nhiều trường đại học top dưới, yếu kém và không đủ năng lực cạnh tranh.
Phải có gì để có thể tự chủ?
Tự chủ là tốt, nhưng trước khi tự chủ, đòi hỏi cần có sự phối hợp thống nhất giữa cơ quan lãnh đạo và nội bộ các trường đại học cũng như tâm lý người học.
- Trước hết, cần có một cơ chế, một hành lang pháp lý phù hợp và toàn diện cho vấn đề tự chủ, bao gồm tự chủ đầu vào, đầu ra, tự chủ tài chính, tổ chức... Tránh việc giao quyền nhưng vẫn bó buộc, tự chủ “nửa vời”. Đồng thời với giao quyền tự chủ, phải có quy định rõ ràng về việc báo cáo, giải trình và chịu trách nhiệm của lãnh đạo các trường trước hoạt động và kết quả của mình.
- Bản thân các trường đại học cần chuẩn bị một tâm thế và nguồn lực vững chắc khi thực hiện tự chủ, bao gồm cả nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực, trình độ chuyên môn…sao cho đầy đủ nhất trước khi có thể tự thân vận động.
- Phụ huynh, học sinh cũng như người học nói chung, cần tỉnh táo khi lựa chọn trường đại học, không chỉ riêng vấn đề học phí, thương hiệu đào tạo…mà hãy nhìn vào sự phù hợp với khả năng tài chính, chất lượng đào tạo của trường có đúng với sở thích và nguyện vọng của con em mình. Thực tế có nhiều trường mang danh top dưới nhưng giảng viên đào tạo hết sức nhiệt tình, đảm bảo chất lượng và thời lượng không kém gì các giảng viên danh tiếng. Nhưng cũng có những giảng viên trường danh tiếng nhưng lại giảng dạy một cách hời hợt, phương pháp, chất lượng còn hạn chế và thỏa hiệp với tiêu cực.
Thiết nghĩ, nhà nước cho nhà trường tự chủ cũng giống như cha mẹ và con cái trong gia đình. Trước khi cho con “đủ lông đủ cánh” để ra “ở riêng”, một là cha mẹ phải là người rèn luyện sự độc lập và năng lực cho con. Hai là, cha mẹ phải chấp nhận cho những đứa con “yếu kém” của mình được “dừng cuộc chơi”. Còn nếu vừa thương con, vừa vẫn muốn con ra riêng thì cha mẹ hãy thí điểm “các anh cả” trước, đợi “con thứ”, “con út” lớn hơn, cấp cho chúng một ít “lương thực” rồi hãy đẩy chúng ra ngoài xã hội bươn trải.
Tương tự, việc tự chủ đại học yêu cầu phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng top trường, phải thẩm định được năng lực của từng trường trước khi chấp nhận cơ chế tự chủ. Và nên chăng, cha mẹ hãy sinh ít con một chút, để đảm bảo con nào cũng khỏe mạnh, cũng đủ khả năng để tự làm chủ cuộc đời mình.
Ý kiến bạn đọc