Toàn cầu hóa là một thuật ngữ hay được nhắc đến trong những năm gần đây, nhất là từ khi Việt Nam tham dự các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như APEC, ASEM, ASEAN, AFTA, WTO ... và đặc biệt, gần đây nhất đó là TPP và AEC.
Về mặt bản chất, toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ của những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa thường được bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế do nhu cầu giao lưu, trao đổi thương mại của các quốc gia với nhau. Thông qua hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể nắm bắt được những lợi thế so sánh của quốc gia, thu hút được các nguồn vốn đầu tư, nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ, nắm bắt kinh nghiệm quản lý... để phát triển đất nước.
Nhiều quốc gia nhờ vào quá trình toàn cầu hóa, từ đó đã nắm bắt được những cơ hội đã trở thành những cường quốc hoặc một đất nước hiện đại, văn minh như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông ...
Các quốc gia này nhờ quá trình toàn cầu hóa đã chuyển đổi nhanh chóng được nền kinh tế từ lạc hậu sang hiện đại, duy trì một tốc độ tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh và đến nay, các nước đó đã trở thành các nước phát triển.
Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa và khu vực hóa đã giúp cho chúng ta giao lưu thương mại với nhiều quốc gia. Từ một quốc gia trong tình trạng đói nghèo, trì trệ và kém phát triển, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và liên tục, an ninh chính trị ổn định trong nhiều năm qua. Có những thời điểm, kinh tế Việt Nam được ví như là một con hổ của châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan...
Tuy nhiên, toàn cầu hóa có những mặt tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, do đó nhiều nước hiện nay vẫn đang hết sức lo lắng khi kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn.
Ngay cả ở nước Mỹ, là một quốc gia phát triển nhất thế giới nhưng nhiều chính trị gia chưa muốn Mỹ tham gia vào TPP và các ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ cũng rất dè dặt với TPP. Ứng cử viên đảng cộng hòa Donald Trump còn có dự định muốn xét lại nhiều hiệp định thương mại khác mà Mỹ đã tham gia. Hay như quyết định rời bỏ liên minh châu Âu của vương quốc Anh để có quyền tự quyết đối với các vấn đề của nước mình như hạn chế nhập cư, mặc dù có cảnh báo nước Anh sẽ chìm vào suy thoái sau đó...
Đối với các nước nghèo, thách thức to lớn của vấn đề toàn cầu hóa đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, chủ quyền, mất bản sắc văn hóa, tệ nạn xã hội, phụ thuộc vào nước khác, phân hóa giàu nghèo, tăng nợ quốc gia...
Nhiều quốc gia, thông qua các hoạt động tài trợ, đầu tư của mình để có thể chi phối chính trị hoặc có những lợi ích kinh tế, chính trị khác như việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Dijbouti thuộc châu Phi, xây dựng các đặc khu kinh tế tại Lào, hay mới đây là việc họ vừa đạt được thỏa thuận xây dựng cảng ở Campuchia,... Vì vậy, các nước đang phát triển cần có sự chủ động trong việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, có nhận thức đúng đắn để vừa nắm bắt được các cơ hội một cách có chọn lọc để phát triển đất nước, bảo vệ được môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếp thu những văn minh nhân loại và giữ vững được chủ quyền quốc gia.
Đối với những nước phát triển, thách thức lớn đó là nỗi lo về an ninh quốc gia, bảo hộ kinh tế nội địa, việc làm, bản sắc dân tộc... Đặc biệt, nỗi sợ về khủng bố, khủng hoảng tài chính là thường trực ở nhiều quốc gia. Chúng ta có thể kể đến các cuộc khủng bố đẫm máu đã xảy ra từ trước tới nay ở các nước Mỹ, Pháp, Đức... vì khi đó khủng bố sẽ có cơ hội xâm nhập vào mọi quốc gia.
Các cuộc khủng hoảng là minh chứng cho việc đổ vỡ có thể theo kiểu domino do sự phụ thuộc và liên đới với nhau của các nền kinh tế dẫn đến khủng hoảng tài chính cũng mang bản chất toàn cầu. Ví dụ cụ thể và rõ nét nhất đó là khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010, hay như suy thoái kinh tế Trung Quốc đã và đang diễn ra... đã tác động đến hầu hết mọi quốc gia, đặc biệt những quốc gia có sự hội nhập sâu rộng và quan hệ kinh tế với các nền kinh tế trên... Nhưng trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu mà mọi đất nước không thể nào thờ ơ nếu không muốn tụt hậu lại phía sau, cho dù quốc gia đó có đang là một quốc gia phát triển.
Toàn cầu hóa giúp hình thành một thị trường thế giới thống nhất, gia tăng lợi ích kinh tế, thương mại của các quốc gia, thúc đẩy phân công lao động quốc tế theo chiều sâu, mở rộng giao lưu kinh tế, khoa học công nghệ giữa các quốc gia và cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội nhằm tiến tới sự văn minh, phát triển của nhân loại. Những lợi ích này nó là quá lớn mà không có một cách nào khác để mỗi quốc gia có thể đạt được.
Cũng chính vì vậy, đa số các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đang cố gắng tận dụng các lợi thế mà toàn cầu hóa mang lại và tránh bị gạt ra ngoài lề của tiến trình được coi là không thể đảo ngược này của lịch sử nhân loại.
Ý kiến bạn đọc