Đề thi cuối kỳ Tài chính doanh nghiệp 2

Đăng lúc: Thứ tư - 05/12/2018 07:47
Đề 1
 
Câu 1: Hãy giải thích bản chất của đòn bẩy kinh doanh? Đòn bẩy kinh doanh có phải là nguồn gốc dẫn đến rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp không? Vì sao?
Câu 2: Công ty cổ phần Huy Hoàng hiện đang xem xét đầu tư một nhà máy sản xuất bình đựng nước đa năng dành cho trẻ em, thời gian hoạt động của nhà máy dự tính là 5 năm. Nhà máy sản xuất dự kiến sẽ được xây dựng trên một khu đất mà công ty hiện đang cho đơn vị khác thuê với giá cho thuê trước thuế là 1,4 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, công ty đã chi ra 100 triệu đồng để điều tra nghiên cứu thị trường đối với nhu cầu sản phẩm và cho thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm là khá cao.
Theo dự tính, số lượng tài sản cố định cần phải đầu tư lúc ban đầu bao gồm:
- Tài sản cố định là nhà xưởng có nguyên giá là 2.000 triệu đồng. Công ty xác định thời gian sử dụng hữu ích của tài sản này là 8 năm và áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng. Sau khi kết thúc dự án, công ty có thể bán lại với giá 500 triệu đồng.
- Tài sản cố định là máy móc thiết bị được nhập từ Hàn Quốc, có giá về đến cửa khẩu là 3.200 triệu đồng. Thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, thuế suất thuế VAT là 10%. Chi phí vận chuyển máy về đến công ty là 40 triệu đồng. Thời gian sử dụng hữu ích của máy móc thiết bị là 8 năm. Công ty áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng. Sau khi kết thúc dự án, công ty có thể bán lại với giá 1.300 triệu đồng.
Toàn bộ vốn đầu tư vào TSCĐ giả thiết bỏ ngay một lần và thời gian đầu tư thi công, lắp đặt là không đáng kể.
Theo ước tính, số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong 5 năm như sau:

 
Chỉ tiêu 1 2 3 4 5
Sản lượng tiêu thụ (sản phẩm) 90.000 100.000 120.000 140.000 100.000

Giá bán chưa bao gồm thuế VAT là 100.000 đồng/sản phẩm. Chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh bằng tiền (chưa gồm khấu hao TSCĐ) là 70.000 đồng/sản phẩm. Vốn lưu động thường xuyên dự tính quay được 10 vòng/năm.
Biết rằng: Công ty là đối tượng nộp thuế VAT tính thuế theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20%. Chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án là 12%.
Yêu cầu:
a. Hãy xác định dòng tiền vốn lưu động của dự án đầu tư?
b. Hãy xác định dòng tiền thuần từ thanh lý TSCĐ của dự án?
c. Hãy lập báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm và dòng tiền thuần hoạt động hàng năm của dự án?
d. Hãy xác định IRR và cho biết công ty nên chấp nhận hay loại bỏ dự án?

 
Đề 2

Câu 1: Hãy trình bày nội dung của phương pháp phân tích điểm hòa vốn, qua đó giải thích tác động của phân tích điểm hòa vốn trong quản trị tài chính doanh nghiệp?
Câu 2: Công ty cổ phần CP Group hiện đang xem xét để đầu tư một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thời gian hoạt động của nhà máy dự tính là 5 năm. Nhà máy sản xuất dự kiến sẽ được xây dựng trên một khu đất mà công ty hiện đang cho đơn vị khác thuê với giá cho thuê chưa bao gồm thuế gián thu là 800 triệu đồng/năm. Công ty đã chi ra 200 triệu đồng để điều tra nghiên cứu thị trường đối với nhu cầu sản phẩm và cho thấy nhu cầu của thị trường là khá cao. Theo dự tính, số tài sản cố định cần phải đầu tư lúc ban đầu bao gồm:
- Tài sản cố định là nhà xưởng có nguyên giá 2.400 triệu đồng. Công ty xác định thời gian sử dụng hữu ích của tài sản này là 6 năm và áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng. Sau khi kết thúc dự án, công ty có thể bán thanh lý với giá chưa bao gồm thuế gián thu là 400 triệu đồng.
- Tài sản cố định là máy móc thiết bị dược nhập từ Nhật Bản, có giá về đến cửa khẩu (giá CIF) là 3.000 triệu đồng. Thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, thuế suất thuế VAT là 10%. Chi phí vận chuyển máy móc thiết bị về đến công ty và thực hiện lắp đặt là 100 triệu đồng. Thời gian sử dụng hữu ích của máy là 8 năm. Công ty áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng. Sau khi kết thúc dự án, công ty có thể bán với giá chưa bao gồm thuế gián thu là 800 triệu đồng.
Toàn bộ vốn đầu tư vào TSCĐ giả thiết bỏ ngay một lần và thời gian đầu tư thi công, lắp đặt TSCĐ là không đáng kể.
Theo ước tính, số lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong 5 năm như sau:

 
Chỉ tiêu 1 2 3 4 5
Sản lượng tiêu thụ (sản phẩm) 80.000 100.000 120.000 140.000 120.000

Giá bán chưa bao gồm thuế VAT là 150.000 đồng/sản phẩm. Chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh bằng tiền hàng năm (chưa gồm khấu hao TSCĐ) là 120.000 đồng/sản phẩm.
Theo thông tin từ doanh nghiệp trong cùng ngành, vốn lưu động thường xuyên dự tính quay được 5 vòng/năm. Số vốn lưu động dự tính được thu hồi dần khi quy mô dự án thu hẹp và thu hồi nốt phần còn lại khi kết thúc dự án.
Yêu cầu:
a. Hãy xác định khoản thu thuần từ thanh lý TSCĐ?
b. Hãy xác định LNST hàng năm và dòng tiền thuần hoạt động hàng năm của dự án?
c. Hãy lập báo cáo dòng tiền thuần của dự án đầu tư? Từ đó, xác định giá trị hiện tại thuần của dự án và cho biết công ty nên chấp nhận hay loại bỏ dự án?
Biết rằng: Công ty tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN với thuế suất 20%. Chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án là 12%/năm.

Đề 3
 
Câu 1: Hãy trình bày đặc điểm và cách xác định giá trị của cổ phiếu thường? Giải thích tại sao khoản tiền thanh lý doanh nghiệp sau này chia cho cổ đông thường lại không được tính vào dòng tiền để định giá cổ phiếu thường?
Câu 2: Công ty cổ phần Hải Hậu đang xem xét kế hoạch sản xuất và tiêu thụ một dòng sản phẩm mới, dự kiến vòng đời của dự án là 5 năm. Công ty đã chi 200 triệu đồng cho việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ dòng sản phẩm này.
- Để sản xuất dòng sản phẩm này, công ty dự kiến đầu tư ban đầu vào một dây chuyền sản xuất có giá trị 5.000 triệu đồng (thời gian bỏ vốn không đáng kể). Dây chuyền sản xuất này được khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh với thời gian sử dụng hữu ích là 6 năm.
- Vào cuối năm thứ hai, công ty đầu tư mua bổ sung một thiết bị khác có giá trị 500 triệu đồng, thiết bị này dược khấu hao theo phương pháp đường thẳng với thời gian sử dụng hữu ích là 5 năm.
- Công ty dự kiến số lượng sản phẩm tiêu thụ hàng năm như sau:

 
Chỉ tiêu 1 2 3 4 5
Sản lượng tiêu thụ (sản phẩm) 20.000 240.000 26.000 28.000 25.000

- Giá bán mỗi sản phẩm được ước tính là 200.000 đồng/sản phẩm, chi phí biến đổi là 60.000 đồng/ sản phẩm và tổng chi phí cố định kinh doanh (chưa bao gồm khấu hao TSCĐ) là 1.000 triệu đồng/năm.
- Nhu cầu vốn lưu động thường xuyên cần thiết hàng năm dự tính bằng 20% doanh thu thuần. Số vốn lưu động dự tính được thu hồi dần khi quy mô dự án thu hẹp và thu hồi nốt toàn bộ khi kết thúc dự án.
- Khi kết thúc dự án, dây chuyền sản xuất sẽ được thanh lý với giá chưa bao gồm thuế gián thu ước tính là 300 triệu đồng và thiết bị đầu tư thêm có thể bán với giá thanh lý chưa bao gồm thuế gián thu là 200 triệu đồng. Chi phí thanh lý là không đáng kể.
Yêu cầu:
1. Hãy xác định báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm và dòng tiền thuần hoạt động của dự án?
2. Xác định dòng tiền thuần từ thanh lý đối với toàn bộ TSCĐ?
3. Hãy lập báo cáo dòng tiền thuần của dự án đầu tư?
4. Hãy xác định IRR của dự án và cho biết công ty có nên thực hiện dự án hay không?
Biết rằng: Chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án là 10% và thuế suất thuế TNDN là 20%.

 
Đề 4

Câu 1: Có ý kiến cho rằng: “Sử dụng đòn bẩy kinh doanh như sử dụng con dao 2 lưỡi”. Anh/chị hãy bình luận về ý kiến trên?
Câu 2: Hãy phân biệt chi phí chìm, chi phí cơ hội trong việc xác định dòng tiền của dự án đầu tư. Cho ví dụ minh họa?
Câu 3: Công ty Victory đang tiến hành phân tích dự án đầu tư với tài liệu về dự án như sau:
- Công ty dự kiến sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền sản xuất trên một mảnh đất mà công ty đang sở hữu. Mảnh đất này hiện đang cho thuê với giá sau thuế là 200 triệu đồng một năm, mảnh đất này hiện nay có thể bán với giá 10 tỷ đồng (giá sau thuế TNDN). Chi phí đầu tư cho xây dựng nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền sản xuất là 5 tỷ đồng (giả sử thời gian đầu tư không đáng kể). Ước tính giá trị thị trường của dự án này vào cuối năm thứ 5 là 300 triệu đồng, chi phí tháo dỡ ước tính là 50 triệu đồng. Nhu cầu VLĐ thường xuyên cần thiết dự tính bằng 20% doanh thu thuần.
- Công ty đã chi 300 triệu động cho việc khảo sát nghiên cứu nhu cầu thị trường. Trên kết quả nghiên cứu nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh và công suất sản xuất, phòng kinh doanh của công ty dự tính số lượng sản phẩm sản xuất trong 5 năm lần lượt như sau: 6.000; 8.000; 12.000; 11.500 và 10.000 sản phẩm. Giá bán (chưa bao gồm thuế VAT) mỗi sản phẩm là 1 triệu đồng.
- Dự kiến chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm của dự án như sau:
+ Tổng chi phí cố định (chưa kể khấu hao TSCĐ): 1 tỷ đồng
+ Chi phí biến đổi chiếm 50% doanh thu thuần.
Số vốn lưu động sẽ thu hồi từng phần khi quy mô dự án thu hẹp, phần còn lại thu hồi toàn bộ vào năm cuối cùng khi kết thúc dự án.
Yêu cầu:
a. Theo tiêu chuẩn NPV, công ty có nên thực hiện dự án này hay không?
b. Tại năm thứ nhất của dự án: Hãy xác định số lượng sản phẩm công ty cần sản xuất và tiêu thụ để đạt được mức LNST là 2 tỷ đồng. Nếu thực tế số lượng sản phẩm tăng thêm 15% thì EBIT sẽ đạt mức mới là bao nhiêu? (Sử dụng mức độ tác động của đòn bẩy kinh doanh để tính toán).
Biết rằng:
+ Chi phí sử dụng vốn là 10%/năm. Công ty sử dụng 100% VCSH để thực hiện dự án.
+ Dự kiến các TSCĐ sử dụng với thời igan trung bình là 5 năm và được khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Thuế suất thuế TNDN là 20%.

 
Đề 5

Câu 1: Hãy phân tích các nguyên tắc khi xác định dòng tiền của dự án đầu tư và cho ví dụ cụ thể phân biệt lợi nhuận kế toán và dòng tiền tăng thêm do dự án đầu tư đưa lại (dòng tiền thuần của dự án).
Câu 2: Tại sao không nên trừ chi phí lãi vay khi tính toán dòng tiền của dự án?
Câu 3: Doanh nghiệp Hoàng Mai đang sử dụng một thiết bị mua cách đây 3 năm, nguyên giá là 120 triệu đồng, thời gian sử dụng được xác định là 8 năm.
- Hiện nay doanh nghiệp dự kiến mua một thiết bị mới thay thế cho thiết bị cũ với giá mua chưa có VAT là 190 triệu đồng. Chi phí vận chuyển lắp đặt, chạy thử là 10 triệu đồng. Thời gian sử dụng thiết bị này là 8 năm. Tuy nhiên, nếu sử dụng thiết bị này, doanh nghiệp dự tính cũng chỉ sử dụng 5 năm, sau đó bán đi vẫn thu hồi được số tiền là 75 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí thanh lý liên quan đến việc nhượng bán).
- Việc thay thế thiết bị cũ, dự tính hàng năm có thể tăng thêm sản phẩm tiêu thụ là 400 sản phẩm, đồng thời có thể tiết kiệm được các chi phí về vật tư là 50 triệu đồng. Nếu thực hiện việc thay thế, doanh nghiệp có thể bán thiết bị cũ với giá chưa có thuế VAT là 90 triệu đồng (chi phí nhượng bán là không đáng kể).
Yêu cầu:
a. Hãy cho biết: Có nên thay thế thiết bị cũ hay không?
b. Nếu thiết bị cũ chỉ bán được với giá chưa có thuế VAT là 30 triệu đồng, thì có thay đổi quyết định ở ý a trên hay không?
Biết rằng:
+ Giá bán chưa có thuế VAT là 50.000 đồng/sản phẩm.
+ Doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN với thuế suất 25% và nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ.
+ TSCĐ của doanh nghiệp được khấu hao theo phương pháp đường thẳng
+ Chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp là 12% (mức rủi ro của dự án là mức rủi ro chung của doanh nghiệp).
Câu 4: Công ty cổ phần B phát hành 1 loại trái phiếu vào ngày 01/01/N. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng, lãi suất trái phiếu là 12%/năm, trả lãi 1 lần vào cuối năm. Thời hạn của trái phiếu là 5 năm. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Yêu cầu:
a. Giả sử 3 năm cuối trước khi trái phiếu đáo hạn, lãi suất thị trường hạ xuống ở mức lãi suất 10%/năm. Vậy giá trái phiếu ở đầu năm thứ 3 là bao nhiêu?
b. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu ở đầu năm thứ 3 với giá như đã xác định ở câu a và giữ trái phiếu này đến đầu năm thứ 4 thì bán. Vậy có thể bán trái phiếu này ở mức bao nhiêu? Biết rằng khi này lãi suất thị trường vẫn ở mức 10%.

 
Đề 6

Câu 1: Điểm hòa vốn là gì? Tại sao nhà quản lý doanh nghiệp phải quan tâm đến điểm hòa vốn? Hãy thiết lập công thức xác định sản lượng sản xuất và tiêu thụ để đạt được lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) như dự kiến?
Câu 2: Hãy phân tích các nhân tố: Chính sách kinh tế của nhà nước, thị trường và sự cạnh tranh trong quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp?
Câu 3: Công ty X đang xem xét đầu tư xây dựng phân xưởng sản xuất sản phẩm mới với thời gian xây dựng cơ bản là 2 năm, thời gian hoạt động dự kiến là 5 năm. Vốn đầu tư ban đầu dự kiến là 500 triệu đồng, cuối năm thứ nhất bỏ thêm 1.500 triệu đồng, cuối năm thứ 2 bỏ thêm 1.000 triệu đồng.
- Nhu cầu VLD thường xuyên hàng năm dự tính bằng 20% doanh thu thuần. Doanh thu thuần các năm dự kiến như sau: 10.000; 12.000; 14.000; 16.000 và 12.000. Chi phí cố định (chưa kể khấu hao TSCĐ) là 1.000 triệu đồng/năm. Chi phí biến đổi hàng năm ước tính bằng 70% doanh thu thuần.
- Toàn bộ TSCĐ của dự án dự kiến khấu hao theo phương pháp đường thẳng với thời gian sử dụng hữu ích là 5 năm. Giá bán thanh lý của số TSCĐ này khi kết thúc dự án là 200 triệu đồng, chi phí thanh lý tài sản cố định dự tính là 40 triệu đồng. Số VLĐ thu hồi từng phần khi quy mô dự án thu hẹp và thu hồi nốt số còn lại khi dự án kết thúc.
Yêu cầu:
a. Hãy xác định dòng tiền VLĐ và khoản tiền từ thu thuần từ thanh lý TSCĐ của dự án đầu tư.
b. Hãy xác định giá trị hiện tại thuần (NPV) của dự án đầu tư. Theo tiêu chuẩn NPV, công ty có nên thực hiện dự án hay không?
Biết rằng: Chi phí sử dụng vốn của dự án à 15%/năm; công ty phải nộp thuế TNDN là 25%.
Câu 4: Công ty X đang xem xét đầu tư vào dây chuyền sản xuất sản phẩm A, tuy nhiên, công ty đang đứng trước 2 phương án đầu tư như sau:

 
Phương án Chi phí cố định
kinh doanh/năm
Chi phí biến đổi/sản phẩm Giá bán sản phẩm chưa VAT
A 1.000 triệu đồng 50.000 đồng 100.000 đồng/sản phẩm
B 1.500 triệu đồng 40.000 đồng 100.000 đồng/sản phẩm

a. Hãy xác định sản lượng hòa vốn kinh tế, doanh thu hòa vốn kinh tế của 2 phương án đầu tư trên?
b. Hãy xác định EBIT của từng phương án đầu tư biết rằng cả 2 phương án cùng đạt sản lượng sản xuất và tiêu thụ là 30.000 sản phẩm?
c. Hãy xác định mức độ ảnh hưởng của đòn bẩy kinh doanh đến mỗi phương án tại mức sản lượng tiêu thụ là 30.000 sản phẩm
d. Tại mức sản xuất và tiêu thụ là bao nhiêu sản phẩm thì cả 2 phương án đạt được EBIT là như nhau? Hãy nêu ý nghĩa của kết quả tính ra?

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì về Trường ĐHCN Việt Hung?

Tìm hiểu thông tin đào tạo tại trường

Muốn được tham gia giảng dạy tại Trường

Muốn được học tập, nghiên cứu tại Trường

Muốn tuyển dụng sinh viên của Nhà trường

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết