Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính phản ánh các dòng lưu chuyển tiền tệ (gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra) theo tính chất thực thu, thực chi. Chỉ những khoản thực thu, thực chi mới được tính vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Những khoản không thực thu (khoản phải thu, chênh lệch do đánh giá lại giá trị ngoại tệ,...) hoặc những khoản không thực chi (khoản phải trả, khấu hao, dự phòng,...) vì thế sẽ không được đưa vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp được tính thông qua lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tính lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã thống kê tất cả các khoản thu nhập, chi phí của doanh nghiệp mà không phân biệt những khoản thu nhập, chi phí này có là thực thu, thực chi hay không.
Vì vậy, chúng ta phải xác định được những khoản nào là không thực thu, thực chi để điều chỉnh nhằm loại ra khỏi báo cáo để cuối cùng kết quả mà chúng ta lập theo phương pháp gián tiếp và phương pháp trực tiếp là như nhau. Trước khi đi vào cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp. Chúng ta sẽ đi vào 1 ví dụ nhỏ về xác định dòng lưu chuyển tiền thực của 1 doanh nghiệp như sau:
* Ví dụ 1 doanh nghiệp trong kỳ sản xuất kinh doanh có các số liệu sau:
Doanh thu: 30. Trong đó đã thu 18, phải thu 12.
Chi phí: 24. Trong đó đã chi 15, phải chi 9
=> Lợi nhuận trước thuế = 18 + 12 - (15 + 9) = 6
Số tiền thực sự doanh nghiệp có thêm trong kỳ = Số tiền thực thu - số tiền thực chi = 18 - 15 = 3 chính là lưu chuyển tiền thuần trong kỳ.
Theo phương pháp gián tiếp, những khoản phải thu, phải trả chúng ta phải loại bỏ (điều chỉnh) khi tính để làm sao cho lưu chuyển tiền thuần trong kỳ theo cả 2 phương pháp đều phải bằng nhau.
Như vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ theo phương pháp gián tiếp là: 6 - 12 + 9 = 3.
Trong đó, khoản phải thu (-12) do chưa thu được nên phải trừ bớt (do tiền chưa thu được nhưng đã kê) và khoản chưa trả (+9) do chưa trả phải cộng thêm vào nên mang dấu dương (do vẫn trong két doanh nghiệp)
Dưới đây là 1 ví dụ về lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp. Trong đó, những vị trí tô màu hoặc in đậm tại các mục trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp được lấy số liệu với màu tương ứng với các vị trí tô màu tương tự tại các bảng khác. Doanh nghiệp ABC có các dữ liệu về báo cáo tài chính các năm như sau:
* Dữ liệu từ Bảng cân đối số phát sinh và sổ chi tiết liên quan:
- Lãi tiền gửi: 2
- Cổ tức nhận được từ đầu tư tài chính: 18
- Lãi vay đã nộp trong kỳ: 560
- Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp trong kỳ: 178
* Bảng cân đối kế toán:
TÀI SẢN | 2016 | 2015 |
A - Tài sản ngắn hạn | 6.525 | 4.920 |
I - Tiền và tương đương tiền | 230 | 320 |
II - Đầu tư tài chính ngắn hạn | 500 | 200 |
III - Các khoản phải thu | 1.970 | 1.770 |
1 - Phải thu khách hàng | 1.500 | 1.370 |
2 - Trả trước cho người bán | 470 | 400 |
IV - Hàng tồn kho | 3.800 | 2.500 |
V - Tài sản ngắn hạn khác | 25 | 130 |
1 - Thuế GTGT được khấu trừ | 15 | 70 |
2 - Tài sản ngắn hạn khác | 10 | 60 |
B - Tài sản dài hạn | 635 | 480 |
I - Tài sản cố định | 590 | 450 |
1 - Nguyên giá | 780 | 560 |
2 - Giá trị hao mòn lũy kế | (190) | (110) |
II - Tài sản dài hạn khác | 45 | 30 |
1 - Phải thu dài hạn | 45 | 30 |
Tổng cộng tài sản | 7.160 | 5.400 |
NGUỒN VỐN | 2016 | 2015 |
A - Nợ phải trả | 4.850 | 3.620 |
1 - Vay ngắn hạn | 4.200 | 3.100 |
2 - Phải trả người bán | 520 | 320 |
II - Nợ dài hạn | 130 | 200 |
1 - Vay dài hạn | 130 | 200 |
B - Vốn chủ sở hữu | 2.310 | 1.780 |
I - Vốn chủ sở hữu | | |
1 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu | 1.700 | 1.300 |
2 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối | 610 | 480 |
Tổng cộng nguồn vốn | 7.160 | 5.400 |
* Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Các chỉ tiêu | 2016 | 2015 |
Doanh thu thuần | 18.500 | 13.500 |
Giá vốn hàng bán | 15.500 | 12.000 |
Lợi nhuận gộp | 3.000 | 1.500 |
Doanh thu hoạt động tài chính | 20 | 10 |
Chi phí hoạt động tài chính - Trong đó: Chi phí lãi vay | 620 560 | 450 300 |
Chi phí bán hàng | 320 | 200 |
Chi phí quản lý doanh nghiệp | 1.200 | 550 |
Thu nhập khác | 150 | 100 |
Chi phí khác | 140 | 50 |
Lợi nhuận trước thuế | 890 | 360 |
Thuế thu nhập | 178 | 72 |
Lợi nhuận sau thuế | 712 | 288 |
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2016 của doanh nghiệp theo phương pháp gián tiếp như ở dưới đây: Chỉ tiêu | Mã số | 2016 |
1 | 2 | 3 |
I. Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh | | |
1. Lợi nhuận trước thuế | 01 | 890 |
2. Điều chỉnh cho các khoản | | 620 |
- Khấu hao TSCĐ và BĐS đầu tư | 02 | 80 |
- Các khoản dự phòng | 03 | 0 |
- Lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại giá trị ngoại tệ | 04 | 0 |
- Lãi, lỗ từ hoạt động đầu tư | 05 | -20 |
- Chi phí lãi vay | 06 | 560 |
3. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động | 08 | -1.948 |
- Tăng giảm các khoản phải thu | 09 | -160 |
- Tăng giảm hàng tồn kho | 10 | -1.300 |
- Tăng giảm các khoản phải trả (Không kể lãi vay phải trả, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp) | 11 | 200 |
- Tăng giảm chi phí trả trước | 12 | 0 |
- Tiền lãi vay đã trả | 13 | -560 |
- Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp | 14 | -178 |
- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh | 15 | 50 |
- Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh | 16 | 0 |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh | 20 | -438 |
II. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư | | -500 |
1. Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác | 21 | -220 |
2. Tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác | 22 | 0 |
3. Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác | 23 | 0 |
4. Tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác | 24 | 0 |
5. Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | 25 | -300 |
6. Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác | 26 | 0 |
7. Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia | 27 | 20 |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư | 30 | -500 |
III. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính | | 848 |
1. Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhập vốn góp của chủ sở hữu | 31 | 400 |
2. Tiền chi trả vốn góp của các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành | 32 | 0 |
3. Tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được | 33 | 1.100 |
4. Tiền chi trả nợ gốc vay | 34 | -70 |
5. Tiền chi trả nợ thuê tài chính | 35 | 0 |
6. Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu | 36 | -582 |
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính | 40 | 848 |
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (50=20+30+40) | 50 | -90 |
Tiền và tương đương tiền đầu kỳ | 60 | 320 |
Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ | 61 | 0 |
Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (70=50+60+61) | 70 | 230 |
* Giải thích sự thay đổi của các khoản mục:
- Khấu hao là khoản chi phí nhưng không phải là khoản chi, do khoản khấu hao doanh nghiệp đã tính trừ khi tính lợi nhuận trước thuế nên khấu hao được ghi nhận mang dấu dương (+) trong báo báo để bù đắp lại khoản đã bị trừ.
- Các khoản dự phòng, tương tự khấu hao, là khoản chi phí nhưng không phải là khoản chi, đã được tính trừ khi tính lợi nhuận trước thuế nên khoản dự phòng được ghi nhận mang dấu dương (+) trong báo cáo để bù đắp lại khoản đã bị trừ.
- Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại giá trị ngoại tệ: Khi doanh nghiệp đánh giá tăng giá trị ngoại tệ, khoản đánh giá tăng này sẽ được ghi vào lợi nhuận trước thuế, và ngược lại. Tuy nhiên, khoản này doanh nghiệp thực sự chưa nhận được (khi đánh giá tăng) và chưa phải chi ra (khi đánh giá giảm) vì vậy khi đánh giá tăng, khoản này được ghi nhận mang dấu âm (-) và khi đánh giá giảm, khoản này được ghi nhận mang dấu dương (+).
- Lãi/lỗ hoạt động đầu tư:Khoản lãi/lỗ hoạt động đầu tư đã được tính trong khi tính lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, trong lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư, khoản này lại được kê ra ở mục tiền thu lãi vay, cổ tức và lợi nhuận được chia. Như vậy, khoản mục này được tính 2 lần (1 lần trong tính lợi nhuận trước thuế và 1 lần được tính trong dòng tiền từ hoạt động đầu tư). Vì vậy, trong mục điều chỉnh này chúng ta phải trừ bớt đi 1 lần, do đó, khi lãi ghi âm (-) và khi lỗ thì ghi dương (+).
- Chi phí lãi vay: Khoản này được tính trừ khi tính lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết là doanh nghiệp đã chi bao nhiêu tiền lãi trong kỳ. Do đó, khoản này được ghi nhận mang dấu dương (+). Phần lãi doanh nghiệp phải trả sẽ được ghi nhận mang dấu âm (-) trong mục tiền lãi vay đã trả.
- Khoản phải thu là doanh thu của doanh nghiệp, đã được ghi nhận tăng doanh thu để tính lợi nhuận trước thuế. Vì vậy, khi khoản phải thu tăng lên, được ghi nhận mang dấu âm (-) do tiền doanh nghiệp chưa thu được. Ngược lại, khoản phải thu giảm, được ghi nhận là dấu dương (+).
- Hàng tồn kho tăng lên, có nghĩa là doanh nghiệp đã bỏ thêm tiền ra để mua hàng, vì vậy hàng tồn kho tăng lên được ghi nhận mang dấu âm (-) và ngược lại, khi giảm được ghi nhận mang dấu dương (+) do doanh nghiệp đã bán được bớt hàng để lấy tiền.
- Tăng giảm khoản phải trả: Khoản phải trả được ghi nhận vào chi phí để tính lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, khoản này doanh nghiệp chưa phải trả. Vì vậy, khi khoản phải trả tăng, được ghi nhận mang dấu dương (+) và khi giảm được ghi nhận mang dấu âm (-).
- Tăng giảm chi phí trả trước: Chi phí trả trước là khoản doanh nghiệp đã trả trước cho nhà cung cấp. Khoản này tăng được ghi nhận mang dấu âm (-) và ngược lại, khi giảm được ghi nhận mang dấu dương (+).
- Tăng giảm chứng khoán kinh doanh: Ghi nhận tương tự tăng giảm hàng tồn kho.
- Tiền lãi vay đã trả: Ghi nhận mang dấu âm do khoản này là khoản thực chi của doanh nghiệp.
* Chú ý: Cách phân biệt dòng tiền từ hoạt động đầu tư và dòng tiền từ hoạt động tài chính
- Những khoản doanh nghiệp chi ra để đầu tư hoặc mang đi đầu tư, ví dụ: đầu tư vào TSCĐ, Tài sản dài hạn, cho vay, góp vốn, mua các công cụ nợ... và khoản thu hồi từ hoạt động đầu tư đó (thu lãi, cổ tức, lợi nhuận hoặc bán thanh lý TSCĐ là dòng tiền từ hoạt động đầu tư.
- Những khoản doanh nghiệp nhận tài trợ: đi vay, phát hành cổ phiếu... và những khoản trả nợ, trả lại vốn góp, cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu là hoạt động tài chính.
- Riêng khoản tiền trả lãi vay thuộc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc