Phương pháp học tập các môn về lĩnh vực tài chính ngân hàng

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/09/2021 08:00
Tài chính là một trong những chuyên ngành dễ học nhất vì tài chính liên quan và gắn liền với mọi hoạt động của con người. Ai cũng cần có tiền và sử dụng đồng tiền hàng ngày để thực hiện các hoạt động của mình.

Tài chính là các vấn đề liên quan đến ngân sách, tiết kiệm, đầu tư & dự báo và bảo hiểm. Trong đó chia ra 3 loại tài chính là tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công.

Các môn học trong lĩnh vực tài chính có thể kể đến là tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, tài chính công, tài chính quốc tế, tài trợ dự án, phân tích báo cáo tài chính, tín dụng ngân hàng, ngân hàng thương mại, định giá tài sản, phân tích đầu tư chứng khoán, mua bán sáp nhập doanh nghiệp,…

Những môn học về tài chính đều là các chủ đề liên quan tới kiến thức như tiền tệ, thuế, cách vận hành của nền kinh tế, cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán, hoạt động thu, chi các nguồn tài chính, quyết định tài chính của các cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức, và các chính phủ hàng ngày... Tại mỗi thời điểm, mỗi điều kiện khác nhau mà mỗi cá nhân, tổ chức và nền kinh tế có những quyết định, có cách vận hành khác nhau. Vì vậy, nếu có phương pháp học đúng đắn, mỗi chúng ta đều có thể học tốt các môn học, nội dung trong lĩnh vực tài chính ngân hàng một cách hết sức đơn giản.
 
Sau đây là một số phương pháp học các môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để mọi sinh viên, người có nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực tài chính đều có thể học tốt và trở thành các chuyên gia về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cụ thể:

1 – Xác định phong cách học phù hợp nhất cho bản thân

Có nhiều cách chúng ta có thể học về tài chính, bao gồm học các chuyên ngành tài chính tại các trường đại học; tham gia các khóa học trực tuyến, lớp học trực tiếp, đọc các ấn phẩm tài chính, tự học từ sách tài chính và tham gia mạng lưới có các chuyên gia tài chính. Việc chọn phương pháp phù hợp với bạn bao gồm việc cân nhắc nhiều yếu tố, chẳng hạn như phong cách học tập.

Phong cách học tập đề cập đến các thế mạnh và sở thích đặc trưng theo cách mọi người tiếp nhận và xử lý thông tin. Mỗi người đều có phong cách học khác nhau. Bạn có thể là một người học về thị giác, thính giác hoặc động học. Có những bạn, chỉ cần đọc lý thuyết là hiểu, có những bạn lại muốn nghe giảng, có những bạn vừa nghe giảng vừa ghi chép những ý quan trọng hoặc phải trải nghiệm qua thực hành, thực tế để có thể hiểu rõ; có những bạn học phải yên tĩnh, đọc sách từ trang đầu tiên và nghiền ngẫm từng nội dung để đảm bảo liền mạch, có những bạn lại muốn đọc lướt qua một lượt rồi mới đọc kỹ lại từng chương, mục. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi nhiều giác quan tham gia vào quá trình học tập, bạn có nhiều khả năng ghi nhớ thông tin hơn. Chúng ta có thể tham gia vào các bài tập tương tác có thể cho phép bạn kết hợp cả ba cách học.

2 – Dành thời gian cho việc học

Khi bạn đã chọn một phong cách phù hợp với mình, hãy dành ra một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày hoặc một tuần để tìm hiểu về tài chính. Bằng việc lập và thực hiện đúng theo các lịch đã lên, có thể giúp việc học các kỹ năng mới trở thành một phần trong thói quen của mỗi chúng ta.

3 – Tìm kiếm những tài liệu, giáo trình tốt

Mỗi môn học đều có một khối lượng kiến thức, tài liệu nhất định. Để học tốt, việc đầu tiên chúng ta cần lựa chọn giáo trình, tài liệu tin cậy, đặc biệt tài liệu trên internet. Những tài liệu, giáo trình ban đầu có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành những kiến thức nền tảng của mỗi bản thân. Chúng sẽ là cơ sở để chúng ta tiếp tục nhìn nhận, giải quyết vấn đề khác theo đúng như góc nhìn của những tài liệu, giáo trình kia đã đưa ra. Nếu lựa chọn sai, sẽ có một hiệu ứng domino dẫn tới mọi cái tư duy sai lầm tiếp theo của chúng ta

4 – Tìm hiểu các văn bản, quy định liên quan đến các nội dung học tập

Các hoạt động, vấn đề tài chính trong nền kinh tế là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới mọi cá nhân, tổ chức và các chính phủ của mỗi quốc gia. Để các hoạt động tài chính của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế được vận hành một cách lành mạnh, minh bạch và ngày càng phát triển thì luôn cần có những quy định để mỗi cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế phải tuân thủ. Vì vậy, để hiểu và học tốt các môn học, nội dung trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chúng ta cần nắm rõ các văn bản, quy định liên quan đến từng môn học. Các văn bản, quy định có thể kể đến như là luật chứng khoán, luật đầu tư, luật thuế, luật doanh nghiệp, quy chế cho vay, luật bảo hiểm, luật kinh doanh bất động sản, tiêu chuẩn định giá,…

5 – Cập nhật thông tin về kinh tế, tài chính trong thực tiễn và các website, tạp chí về lĩnh vực tài chính ngân hàng

Kiến thức sách vở, giáo trình chỉ là những kiến thức nền tảng để sinh viên dựa vào đó nhằm tiếp tục nghiên cứu, phát triển năng lực. Để gia tăng thêm nhiều kiến thức thì sinh viên cần cập nhật thêm những thông tin về kinh tế, tài chính bên ngoài thực tiễn. Những thông tin về kinh tế, tài chính trong thực tiễn đều là những kiến thức sinh động, mới nhất mà không có sách vở nào có. Những thông tin đó và những cách vận hành của hệ thống tài chính trong nền kinh tế, các ứng xử của mỗi cá nhân, tổ chức đôi khi chính là những lời giải cho những bài học trên lớp hoặc tình huống nghiên cứu thực tiễn và hấp dẫn nhất. Cùng với các bài phân tích, bài viết về các vấn đề trong lĩnh vực tài chính trên các tạp chí, blog sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các lý thuyết, bài tập mình đang có trên lớp.

Đồng thời, việc tìm hiểu các thông tin kinh tế xã hội và những hành vi của từng cá nhân, doanh nghiệp trong thực tiễn cũng giúp chúng ta nắm được những xu thế trong tương lai để từ đó định hướng công tác học tập, trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan đến các vị trí mà các doanh nghiệp, tổ chức đang đòi hỏi nhằm nâng cao cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường.

6 – Trao đổi với bạn bè, thầy cô

Để học tốt, ngoài việc tự học của bản thân mỗi chúng ta thì việc trao đổi với bạn bè, thầy cô là điều hết sức cần thiết. Thông qua việc trao đổi, phản biện giữa các cá nhân, cá nhóm chúng ta sẽ có thể hình thành tư duy phản biện, nâng cao khả năng quan sát, tìm tòi, phân tích, và đánh giá. Từ đó mỗi con người có thể phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, có cách giải quyết đúng đắn nhất thay vì bằng trực giác hay bản năng năng của mình. Vì vậy, chúng ta hãy coi bạn bè, thầy cô như một nguồn tài liệu khi chúng ta cần biết một điều gì đó.
 
7 – Tương tác với các chuyên gia tài chính

Khi bắt đầu tìm hiểu tài chính, bạn có thể cảm thấy đơn độc trong nỗ lực của mình. Vì vậy, bạn cần tương tác thêm với những người có cùng mục tiêu và xuất thân có thể kích thích những cuộc trò chuyện thú vị, giúp bạn mở rộng tầm mắt với những quan điểm mới và cung cấp hỗ trợ dưới hình thức khác nhau như tham gia các buổi hội thảo, trao đổi. Đặc biệt, trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, rất nhiều chuyên gia có tài khoản mạng xã hội và tham gia và các nhóm bàn luận về các vấn đề trong lĩnh vực của họ. Vì vậy, chúng ta cần theo dõi, kết bạn với các chuyên gia, tham gia các buổi hội thảo trực tuyến, tìm kiếm các nhóm hay mạng lưới các chuyên gia tài chính, nhà quản lý doanh nghiệp hoặc nói chuyện với ai đó đã làm chủ tài chính của họ sẽ giúp chúng ta thu lượm nhiều kiến thức có giá trị, tính thực tiễn cao.

8 – Thực hành các bài tập, tình huống nghiên cứu liên quan trong quá trình học

Cũng như các môn học, các lĩnh vực khác. Để học tốt các môn học trong lĩnh vực tài chính, ngoài việc đọc các tài liệu, nghe giảng thì chúng ta cần thực hành các bài tập, tình huống nghiên cứu liên quan đến các nội dung trong quá trình học. Chính những hoạt động tìm tòi, thu thập các tài liệu phục vụ cho làm các bài tập nhóm, thực hiện các tình huống nghiên cứu, chúng ta sẽ thu lượm thêm nhiều những kiến thức cho bản thân về các vấn đề, nội dung học tập.

9 – Tạo kết nối với các tình huống trong thế giới thực

Để hiểu sâu hơn về các nguyên tắc tài chính trong thực tế, chúng ta hãy cố gắng kết nối các nội dung, tài liệu với các ví dụ trong thế giới thực bất cứ khi nào có thể. Cho dù đây là những ví dụ từ cuộc sống của chính chúng ta hay những nghiên cứu, hoạt động điển hình về các doanh nghiệp khác. Những ví dụ trong thế giới thực có thể làm cho những khái niệm viển vông trở nên hữu hình và có ý nghĩa hơn đối với mục tiêu của mỗi chúng ta

10 – Trải nghiệm thực tiễn qua các công việc, hoạt động

Thông qua những hoạt động làm thêm liên quan đến lĩnh vực tài chính hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong thực tiễn trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của giảng viên và những người có kinh nghiệm bạn sẽ hiểu sâu hơn vấn đề mình đã và đang nghiên cứu. Đồng thời, trong quá trình đó, mỗi sinh viên phải luôn tự đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để ngày càng hiểu hơn về các nội dung học tập, vấn đề nghiên cứu đó.

11 – Đối với các môn học có công thức, bài tập thì sau khi nắm được một lượt tổng quan thì nên đọc ví dụ, bài tập để xem cách áp dụng công thức này như thế nào. Sau đó, đưa ra một mẫu để trả lời lý thuyết theo dạng là:
* Khái niệm – bản chất
* Công thức – giải thích
* Hệ quả của công thức – phân tích

12 – Luôn tự đặt câu hỏi

Sau khi bạn đã hoàn thành việc học của mình, điều quan trọng là không ngừng học hỏi. Chúng ta cần sử dụng kiến ​​thức mới tìm hiểu làm bàn đạp để đặt ra những câu hỏi mà trước đây bạn không thể hỏi thông qua kỹ thuật 5W1H: Why, What, When, Where, Who và How.

Tài chính là một chủ đề sâu, rộng và sẽ luôn có nhiều điều để học hỏi. Mỗi khi bạn ngồi xuống để hoàn thành môn học, đọc xong hoặc tham gia vào các cuộc trò chuyện về tài chính, bạn có thể cảm thấy tự hào khi biết rằng bạn đang dành thời gian một cách có ý thức cho sự phát triển của mình.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết