Mỗi một sự vật, hiện tượng, chúng ta luôn có nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận khác nhau. Thông qua mỗi góc nhìn đó, chúng ta sẽ thấy được những điểm tốt và những vấn đề còn tồn tại hay tính đa chiều của một sự vật, hiện tượng.
Tiền là một dạng vật chất quan trọng đối với mọi nền kinh tế. Sự xuất hiện của tiền trong đời sống xã hội đã giúp cho các trao đổi có thể diễn ra dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế. Đồng tiền có nhiều mặt khác nhau, với mỗi mặt nó lại mang ý nghĩa khác nhau. Đôi khi, có nhiều tiền chưa phải đã là tốt do chúng ta không biết sử dụng, điều khiển đồng tiền. Tuy nhiên, ít tiền đối với một số người chưa phải là xấu vì khi đó chúng ta nhận ra giá trị của đồng tiền, biết trân trọng đồng tiền cũng như là biết được ai là người thật lòng với mình. Suy cho cùng, đồng tiền trong mắt mỗi người nó là thế nào thì còn tùy thuộc vào nhận thức và thái độ của chúng ta đối với đồng tiền.
Đối với mỗi người dân, chúng ta thường nhìn đồng tiền theo hai mặt tốt và xấu. Mặt tốt của đồng tiền giúp cho con người có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình thông trao đổi và mua bán hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị vật chất và tinh thần cho bản thân và lan tỏa những điều tốt đẹp qua những sự giúp đỡ, chia sẻ các giá trị vật chất, tinh thần giữa con người với nhau trong xã hội.
Mặt trái của đồng tiền, đó là đồng tiền có thể làm tha hóa bản chất con người. Đồng tiền khi này như một con quỷ độc ác, với sức mạnh siêu nhiên, có thể biến những con người từ tốt thành xấu. Đồng tiền có thể làm cho nhiều người mờ mắt, chấp nhận nô lệ cho đồng tiền để thực hiện những hành vi xấu xa nhằm gây hại cho người thân, bạn bè, xã hội; thậm chí là gây nguy hại cho tổ quốc.
Do đồng tiền có vai trò quan trọng trong mỗi nền kinh tế, nên các nhà nghiên cứu về tiền tệ luôn cố gắng nghiên cứu, xem xét trên nhiều phương diện khác nhau để đưa ra nhiều giải pháp tốt nhất cho sự vận hành của mỗi nền kinh tế. Khác với mỗi người dân, những nhà nghiên cứu về tiền tệ, họ lại xem xét đồng tiền trên hai góc nhìn khác. Đó là góc nhìn từ lượng cung tiền tệ và mối quan hệ kinh tế trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa với nhau. Vậy tại sao các nhà nghiên cứu tiền tệ lại tiếp cận đồng tiền theo hai hướng như vậy?
Lượng cung tiền tệ
Trong góc nhìn đầu tiên, đồng tiền được xem xét đến phương diện giá trị. Ở góc nhìn này, đồng tiền sẽ được quan tâm tới khía cạnh là mỗi cá nhân, tổ chức sử dụng bao nhiêu tiền vào các hoạt động trao đổi hàng hóa để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tổng lượng tiền mà các cá nhân, tổ chức dùng trong lưu thông sẽ tạo thành tổng mức cung tiền trong nền kinh tế. Từ mối quan hệ giữa lượng cung tiền và lượng hàng hóa mà các cá nhân, tổ chức trong xã hội tạo ra, người ta sẽ xác định được giá cả và lãi suất trong nền kinh tế là bao nhiêu trong mỗi thời kỳ. Thông qua đó, các nhà nghiên cứu tiền tệ và các nhà quản lý vĩ mô sẽ đưa ra các giải pháp để điều tiết lượng cung tiền và lãi suất để đạt được mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm cao.
Theo cách tiếp cận này, những chính sách liên quan đến lượng cung tiền như chính sách tiền tệ, lãi suất, hoạt động ngân hàng và những chính sách liên quan đến giá cả hàng hóa,… sẽ được ra đời và ngày càng hoàn thiện góp phần cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả.
Mối quan hệ kinh tế
Do sự xuất hiện của tiền, vì vậy các trao đổi hàng hóa trong xã hội được diễn ra một cách dễ dàng. Qua quá trình thu, chi tiền của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội, đồng tiền sẽ liên tục được vận động, chu chuyển giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Thông qua các trao đổi, mua bán hàng hóa, từ đó các mối quan hệ giữa các chủ thể trong mỗi nền kinh được hình thành. Nhờ có sự vận động của tiền giữa các chủ thể mà các hoạt động kinh tế, xã hội được thực hiện, giúp cho mỗi cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên, sự vận động của mỗi đồng tiền giữa các cá nhân, tổ chức không phải ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự giống nhau. Trong những nền kinh tế mà sự vận động của đồng tiền được thực hiện một cách đúng đắn, hợp lý thì những hoạt động kinh tế, xã hội sẽ được khuyến khích mở rộng và có môi trường thuận lợi để nảy nở và phát triển. Nhờ đó, các hoạt động kinh tế, xã hội được diễn ra một cách sôi động, hiệu quả làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Trong một số nền kinh tế, khi sự vận động của đồng tiền giữa các cá nhân, tổ chức không đảm bảo các nguyên tắc, quy luật nhất định thì các mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức sẽ bị méo mó. Hệ quả của nó là những vấn đề về sai phạm trong thu chi tài chính trong các cá nhân tổ chức dẫn tới các tệ nạn tham ô, hối lộ, lãng phí hoặc chi tiêu không hợp lý, hiệu quả.
Khi đồng tiền vận động qua lại giữa các cá nhân, tổ chức thì đồng tiền đã thực hiện chức năng phân phối. Từ đây, người ta nhận thấy để việc phân phối này được đảm bảo đúng nguyên tắc, phù hợp với các quy luật tài chính và đòi hỏi xã hội thì sự phân phối của đồng tiền phải được kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ tại mọi nơi có sự vận động của đồng tiền.
Trong tất cả các quan hệ tài chính và luồng vận động của các nguồn tài chính giữa các cá nhân, tổ chức, chúng ta nhận thấy có nhiều luồng tiền vận động chằng chịt, đan xen nhau diễn ra khắp trong mỗi nền kinh tế. Khi đó, những quan hệ tài chính và luồng vận động tài chính có những tính chất giống nhau sẽ được nhóm lại thành một bộ phận/khâu tài chính riêng. Tổng hợp sự vận động của tất cả các nguồn tài chính từ các cá nhân, tổ chức có thể phân chia ra thành năm khâu tài chính lớn là tài chính doanh nghiệp, tài chính công, tài chính dân cư và tổ chức xã hội, thị trường tài chính và các tổ chức tài chính trung gian; và tài chính quốc tế. Tất cả các khâu tài chính này hợp lại hình thành nên hệ thống tài chính của nền kinh tế.
Từ đây, các nhà nghiên cứu tiền tệ sẽ đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo sự vận động, phân phối hiệu quả các nguồn tài chính trong chính các khâu tài chính và giữa các khâu tài chính trong nền kinh tế với nhau. Đó là các chính sách, quy định cho từng khâu tài chính công, tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư và tổ chức xã hội, thị trường tài chính và các tổ chức trung gian và khâu tài chính quốc tế để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính trong từng khâu và giữa các khâu được lành mạnh, hợp lý và phù hợp với các quy luật kinh tế và đòi hỏi của xã hội. Việc kiểm tra, giám sát sự vận động của các nguồn tài chính này phải được thực hiện ở mọi cấp trong mọi lúc, mọi nơi có sự vận động của các nguồn tài chính. Có như vậy, đồng tiền mới trở thành những công cụ hữu hiệu giúp vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả, giúp cho các nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, bền vững.
Cuối cùng, như chúng ta thấy, việc tiếp cận đồng tiền trong trao đổi theo hai phương diện là lượng cung tiền và các mối quan hệ kinh tế giúp các nhà nghiên cứu tiền tệ có những hướng giải pháp mới và từ đó hình thành nên một lý thuyết cho các nhà quản lý vĩ mô trong việc điều hành nền kinh tế. Đồng thời, tại các trường đại học, lý thuyết này được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu để phổ biến và tiếp tục bàn luận, phát triển tiếp nhằm phục vụ cho xây dựng các chính sách tài chính, tiền tệ cho mỗi nền kinh tế trong mỗi thời kỳ. Đó chính là lý thuyết tài chính tiền tệ mà mỗi sinh viên khối ngành kinh tế đều phải học trong quãng thời gian sinh viên đầy ý nghĩa của mình.
Các bạn có nhu cầu trao đổi, bàn luận về lĩnh vực tài chính ngân hàng xin vui lòng truy cập vào: https://www.facebook.com/groups/HTNC.VN/
Ý kiến bạn đọc