Theo thống kê của trang thông tin doanh nghiệp của chính phủ đến thời điểm hết tháng 8/2017, số lượng doanh nghiệp mới thành lập từ đầu năm lên tới con số 85.357 doanh nghiệp, con số này của năm 2015 và 2016 là khoảng 95 nghìn và 110 nghìn doanh nghiệp. Phong trào khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp rầm rộ giúp đưa tổng số doanh nghiệp của cả nước đến thời điểm hiện tại vào khoảng 650 nghìn doanh nghiệp.
Nếu nhìn vào lượng doanh nghiệp mới thành lập cao kỷ lục hàng năm, chúng ta có thể hy vọng rằng con số một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là hoàn toàn đạt được.
Có người cho rằng, đất nước ta đã là một quốc gia khởi nghiệp vì hoạt động khởi nghiệp đã và đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay tại Việt Nam có hàng triệu người đang kinh doanh online, cộng với lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm, Việt Nam có thể sớm trở thành một quốc gia phát triển với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng hậu.
Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của doanh nghiệp có lẽ không hoàn toàn đi cùng với nhau. Hàng năm, tăng trưởng GDP của đất nước vẫn không có sự cộng hưởng đáng kể nào từ sự gia tăng của những doanh nghiệp mới thành lập. Cơ cấu các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế là hết sức mất cân đối khi doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm hơn 96%, tỷ trọng doanh nghiệp cỡ vừa và lớn lần lượt chiếm chưa đầy 2% mỗi loại.
Điều này phải chăng đó là do những doanh nghiệp mới thành lập đều là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tồn tại thấp, những loại hình khởi nghiệp đó chưa tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế? Sự tồn tại của những doanh nghiệp kiểu này không có gì đảm bảo cho vấn đề bền vững, không thể là điểm tựa cho kinh tế đất nước đi lên. Vậy, điều mà chúng ta cần hướng tới là cột mốc một triệu doanh nghiệp hay là hiệu quả thực sự của các doanh nghiệp và vai trò của nó trong nền kinh tế?
Phải chăng, điều đầu tiên chúng ta cần làm là rà soát một cách nghiêm túc các doanh nghiệp khởi nghiệp tại từng lĩnh vực. Thông qua rà soát, nhà nước sẽ biết được cơ cấu ngành nghề của các doanh nghiệp mới thành lập trong nền kinh tế. Từ đó, nhà nước sẽ biết có bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp tại từng lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp thuộc vực sản xuất, tham gia trực tiếp vào hoạt động tạo ra giá trị gia tăng, hay doanh nghiệp kinh doanh những hoạt động thương mại và dịch vụ? Để một đất nước phát triển thì trong mỗi giai đoạn, nhà nước nên khuyến khích và trọng tâm vào lĩnh vực nào?
Tiếp theo, nhà nước cần đánh giá xu hướng khởi nghiệp trong tương lai sẽ là gì khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ. Những ngành khởi nghiệp đi ngược quy luật của sự phát triển của cuộc cách mạng này có thể sẽ bị đào thải. Những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực đó sẽ phải giải thể hoặc thay đổi lĩnh vực hoạt động. Như vậy, thông qua việc đánh giá bản chất của cuộc cách mạng, nhà nước sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể đón đầu trước xu hướng của cuộc cách mạng, của sự phát triển xã hội cũng như là tránh được những rủi ro về lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn mà họ có thể không lường trước được. Do đó, việc thất bại của họ cũng là được dự báo trước. Theo thống kê, những con số đáng báo động về doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể các năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 lần lượt là 81 nghìn, 60 nghìn và 43 nghìn doanh nghiệp. Phải chăng những người tham gia vào khởi nghiệp chỉ nghĩ đến những ảo tưởng mà quên mất rằng họ sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, trắc trở. Chính vì những ảo tưởng mà không nghĩ ra những phương án, giải pháp đối phó với những khó khăn.
Nhiều người cho rằng cứ có một vài ý tưởng có thể kiếm tiền được là khởi nghiệp, hoặc cứ có tiềm lực tài chính, hoặc cho rằng họ rất thông thạo về một lĩnh vực nào đó là có thể thành công. Khởi nghiệp, thực tế cần một tổ hợp nhiều kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau như sản phẩm, công nghệ, nhân sự, tài chính, thị trường, luật pháp,... và nhiều kỹ năng khác. Trên thực tế, hầu hết các nhóm khởi nghiệp đều chết yểu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường hoặc sống lay lắt qua thời gian. Vì vậy, nhà nước cần có những đánh giá về khó khăn, rủi ro và giải pháp như một cẩm nang khởi nghiệp trong mỗi lĩnh vực để đưa ra cảnh báo tới những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần thống kê các nguyên nhân thất bại của các doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp ở mỗi lĩnh vực để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Ví dụ như các giải pháp về vốn, kỹ năng tổ chức quản lý, tìm kiếm thị trường, vùng nguyên liệu, thể chế và môi trường pháp lý,…
Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp có những đặc thù khác nhau. Có những doanh nghiệp có nhiều ý tưởng nhưng họ lại thiếu vốn, nhất là trong thời gian mới bắt đầu. Khi phần nhiều nguồn vốn chủ sở hữu đã sử dụng để mua sắm các trang thiết bị và trang trải những chi phí cần thiết ban đầu, họ cần có thêm lượng vốn để đảm bảo duy trì trong những thời điểm khó khăn ban đầu khi chưa có nguồn thu hoặc khi nguồn công việc còn chưa dồi dào.
Đặc biệt, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân cho rằng có một sự tỷ lệ thuận nhất định giữa ý tưởng và quy mô vốn. Khi quy mô vốn hạn hẹp thì họ chỉ có thể nghĩ ra những ý tưởng nhỏ bé, mang tính ngắn hạn. Trong trường hợp quy mô vốn lớn, họ có thể mạnh dạn có những ý tưởng khởi nghiệp to lớn và có tính dài hạn hơn. Vấn đề vốn vì thế cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn nhanh, với chi phí rẻ và những điều kiện ưu đãi nhất định.
Vấn đề thể chế, môi trường pháp lý hay chính sách của nhà nước cũng là yếu tố có tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp khởi nghiệp. Có người cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp có thành công hay không là phụ thuộc nhiều vào thể chế, chính sách.
Do đó, nhà nước cần gỡ bỏ những rào cản, những thủ tục, văn bản liên quan đến việc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung cũng như là doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhà nước cần lối tư duy theo kịp với các vấn đề mới, ban hành những chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tính sáng tạo và ý tưởng của mình trong hoạt động kinh doanh, miễn là ý tưởng đó pháp luật không cấm.
Trường hợp cần thiết, các cơ quan nhà nước có thể hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân bổ sung, hoàn thiện giấy tờ cho đảm bảo theo đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Những ý tưởng đầu tiên của khởi nghiệp có thể là những sự thử nghiệm, chưa chắc chắn để triển khai. Vì vậy, những ý tưởng này nên chăng có thể cho một khoảng thử nghiệm nào đó trước khi xin cấp phép. Nếu như không có sự tạo điều kiện nhất định theo những cách nào đó, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế hoặc trói buộc những tư duy mang tính sáng tạo và đột phá trong khởi nghiệp.
Ví dụ như trường hợp của Nguyễn Hà Đông đã từng bị coi là kinh doanh trái phép, gây hoang mang cho cộng đồng khởi nghiệp, hay chuyện hoạt động của Uber, Grab tại Việt Nam hiện nay. Trường hợp này, các cơ quan nhà nước cần xem xét bổ sung những quy định để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như là của nhà nước trên cơ sở đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch, chứ không phải là cấm đoán. Đôi khi, những cái gật lắc rất nhỏ bé của các cơ quan nhà nước cũng có thể tạo nên những nền móng xây dựng một quốc gia khởi nghiệp hoặc tạo ra những cơn lốc thổi bay đi mọi thứ.
Nhà nước có thể tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, diễn đàn khởi nghiệp để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp hoạt động tại các lĩnh vực để liên kết với nhau giúp họ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công việc. Ví dụ, doanh nghiệp khởi nghiệp về nông sản có thể tiếp cận doanh nghiệp về kinh doanh thương mại, doanh nghiệp logistics để tạo ra chuỗi công việc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay tìm kiếm thị trường đầu ra,…
Cuối cùng, đó là việc tạo ra những vườm ươm khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để trang bị các kiến thức về khởi nghiệp như vấn đề pháp lý, quản trị tài chính, nhân sự, tìm kiếm thị trường,… cũng như là tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà nước cần thay đổi cách dạy, cách học trong các trường học để hình thành những tư duy phản biện, tư duy phá hủy sáng tạo và khả năng nhạy bén ngay từ những cấp thấp nhất giúp hình thành sớm những hạt giống khởi nghiệp. Nếu cứ dựa vào tư duy nhồi nhét, áp đặt thì chúng ta chỉ tạo ra những vòng kim cô trói buộc sự sinh sôi và thăng hoa của các ý tưởng và sáng tạo tốt đẹp - điều làm nên những văn minh, phát triển của nhân loại.
Để thay đổi vị thế của đất nước, chúng ta cần rất nhiều những con người có đầu óc sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo những nền tảng, điều kiện nhất định trước khi ươm những mầm khởi nghiệp. Bởi mọi mầm ươm chỉ có thể nảy nở và phát triển tốt nhất trong những môi trường thân thiện và thuận lợi nhất.
Ý kiến bạn đọc