Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi
Trước hết, phải thú nhận tôi là người mới được "giác ngộ" về tầm quan trọng của việc đọc sách, thế nên vốn kiến thức của tôi về những cuốn sách thực sự còn rất hạn hẹp. Tuy vậy, tôi vẫn muốn chia sẻ suy nghĩ của bản thân về một cuối sách đã có những ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tôi, để tôi biết đến văn hóa đọc và không biết từ bao giờ trở nên yêu thích, đam mê đọc sách. Đó là quyển "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?" của tác giả Rosie Nguyễn.
Những chia sẻ hết sức chân thật của chị về chuyện tự học, phát triển bản thân hay việc theo đuổi những giá trị đích thực trong cuộc sống quả thực khiến tôi khó mà dừng đọc, cứ ôm quyển sách mấy hôm liền, cứ lúc rảnh lại bỏ ra đọc và thậm chí là đọc đi đọc lại.
Giống như một trong rất nhiều lời khuyên chị đã đưa ra "để có thể sống tốt hơn" đó là luôn mang theo một quyển sách ở bên mình và người đồng hành của tôi trong những ngày qua chính là "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?". Xin được trích lại lời bình của tác giả, nhà báo Đặng Nguyễn Đông Vy về sách như sau: "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? được tác giả chia làm 3 phần: HỌC, LÀM, ĐI nhưng tôi thấy cuốn sách còn thể hiện một phần thứ tư nữa, đó là ĐỌC."
Về chuyện HỌC, trong những trang đầu tiên, từng mẩu ký ức rất riêng của tác giả về những câu chuyện hồi bé đã làm tròn rất tốt bổn phận của mình, dẫn dắt người đọc từ một tuổi thơ với những cuốn sách cũ kỹ, với sự tần tảo của má tới những lợi ích hết sức phi thường của việc đọc sách.
Trong phần này, có một câu mà tôi rất tâm đắc và xin được trích lại ở đây để mỗi khi đọc bài, tôi có thể gặp lại coi như một cách tự nhắc nhở bản thân: "Rõ ràng không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách".
Thật vậy, những người "thành công" không phải chỉ ngày một, ngày hai là có thể vươn đến đỉnh vinh quang, có lẽ cả thế giới chỉ nhìn thấy ngày họ "hái quả" chứ không thấu được tường tận quá trình tự rèn luyện một cách rất bền bỉ và nghiêm khắc của họ. Tất thảy đều có một điểm chung đó là đều rất yêu sách, đều khao khát đọc sách và đều nhận thức đúng đắn được lợi ích của việc đọc sách trau dồi kiến thức.
Đọc xong chương này, tôi ngay lập tức lên web https://www.goodreads.com/ để tạo tài khoản giống như chị Rosie Nguyễn khuyên trong sách, vậy mà đến bước "Rate 20 books to get personalized recommendations!", tôi gần như cảm thấy quá xấu hổ khi không tài nào hoàn thành được bước này, thấy tự trách bản thân vì lâu nay đã quên lãng một người thầy hết sức tận tâm và bền bỉ đó là SÁCH. Có lẽ, tôi đã quên mất đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào để ta có thể TỰ HỌC.
Tôi tin rằng đây là một trong những kỹ năng cần có và phải có của tất cả mọi người vì không phải điều gì chúng ta cũng được dạy qua trường lớp. Đôi khi những kĩ năng mang tính tiên quyết lại đến chính từ quãng thời gian miệt mài, tự nghiền ngẫm, tự nghiên cứu của mỗi người. Chỉ khi tự ta khám phá ra kiến thức thì kiến thức ấy mới thực sự là của ta và đem lại cho ta những lợi ích quý giá.
Thiết nghĩ, trong thời buổi hiện nay, khi mà những thành tựu, phát kiến khoa học đã đạt được vô số bước tiến vượt bậc, làm cho vốn kiến thức của nhân loại dường như thay đổi "từng giây" thì việc những người trẻ như chúng ta phải làm chính là tự biến mình thành những chú "tắc kè hoa" để thích nghi với môi trường.
Không nghi ngờ gì nữa, kỹ năng tự học rõ ràng là điều then chốt. Chỉ có kiến thức mới làm cho một con người trở nên minh mẫn và một quốc gia trở nên hùng mạnh. Tôi mong mỗi người dân Việt Nam và đặt biệt là các bạn trẻ Việt Nam, những người chiếm quân số lớn trong thời kỳ "dân số vàng" của nước ta hiện nay, sẽ nhận ra được tầm quan trọng của việc đọc sách qua đó phát triển một "văn hóa đọc có trách nhiệm".
Gấp cuốn sách lại, một niềm hân hoan dâng tràn trong tâm trí tôi, tôi mừng vì mình đã đọc quyển sách này khi chưa quá muộn, khi tôi vẫn còn trong "Tuổi hai mươi - những năm tháng quyết định cuộc đời bạn".
Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới chị Rosie Nguyễn vì những kiến thức và "trải nghiệm" hết sức mới mẻ mà chị mang đến cho tôi khi đọc sách. Cuối cùng, thân gửi bạn, những ai đã, đang và sẽ có thời tuổi trẻ của riêng mình câu nói của ông trùm xe hơi Henry Ford: "Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi".
Ý kiến bạn đọc