Ai cũng hy vọng một tương lai tốt đẹp, vì vậy mỗi chúng ta đừng nên lãng phí thời gian và tuổi trẻ, bởi tuổi trẻ không dài và thời gian thì không quay trở lại.
Kì thực tập tốt nghiệp là một quãng thời gian vô cùng quý báu đối với sinh viên năm cuối của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp... Đó là khoảng thời gian giúp sinh viên chúng ta có thể củng cố và nâng cao các kiến thức đã được trang bị trong suốt thời gian học tập trên giảng đường. Ngoài các nền tảng kiến thức vĩ mô, vi mô về lĩnh vực tài chính nay sinh viên chúng ta sẽ được trang bị thêm rất nhiều kĩ năng mềm, làm quen với các công việc, nghiệp vụ chuyên môn của một cán bộ ngân hàng, hay nhân viên tại doanh nghiệp, các công ty tài chính, công ty chứng khoán,...
Có lẽ trong mỗi chúng ta sẽ được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau của quảng thời gian thực tập này. Vậy bạn đã trải qua quãng thời gian đó như thế nào? Bạn đã có một kỳ thực tập đúng nghĩa?
Hằng năm cứ đến mùa thực tập có vô vàn bài viết nói lên thực trạng về việc thực tập của sinh viên hiện nay, cũng như những bài chia sẻ những kỉ niệm, cảm xúc của sinh viên. Thực tế cho thấy số lượng sinh viên biến kỳ thực tập thành kỳ “nghỉ dưỡng” theo đúng nghĩa đen hay có những bạn thực tập không được giao đúng chuyên môn và dưới chuyên môn. Tôi đã được nghe khá nhiều câu chuyện như thế của các anh chị khóa trên, bạn bè đang đi thực tập. Có lẽ tôi khá may mắn vì kỳ thực tập của mình đang diễn ra rất suôn sẻ và theo đúng nghĩa.
Trước khi thực tập, ban đầu tôi cũng khá lo lắng và băn khoăn bởi nhiều khó khăn. Thứ nhất, thực tập sẽ khác nhiều với việc học lý thuyết trên giảng đường. Thứ hai, việc lựa chọn vị trí thực tập phù hợp với bản thân là không dễ dàng. Thứ ba, về phía đơn vị thực tập, khối lượng làm việc của đơn vị khá nhiều và ai cũng bận không có nhiều thời gian để cầm tay chỉ cho bạn từng thứ một và cũng không có nhiều vị trí phù hợp cho sinh viên thực tập. Cuối cùng là kiến thức, kỹ năng của mình sẽ áp dụng như thế nào cho phù hợp, cần giao tiếp ứng xử ra sao ở môi trường công sở?
Đó là những lo lắng đầu tiên khi bước vào kỳ thực tập. Hướng giải quyết của mình, chính là dành thời gian xem một số clip về những chia sẻ về kỳ thực tập, các chuyên mục kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở, trao đổi trực tiếp với các thầy cô để được tư vấn lực chọn vị trí thực tập phù hợp.
Có người đã dùng cụm từ khá thú vị để đặt tên “thực tập sinh siêu nhân” bởi siêu nhân là thường chạy việc vặt nhiều quá. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi sinh viên đi thực tập là những người mới chưa ra trường chỉ là sắp ra trường thôi nên chưa đủ tin tưởng, đủ kiến thức nghiệp vụ để được đơn vị thực tập giao cho các công việc đúng chuyên môn. Theo tôi, cách bạn làm một việc chính là cách bạn làm mọi việc, thay vì bị động là “chân sai vặt”, bạn hãy tinh ý một chút chủ động làm các công việc ấy, thay vì bảo gì làm đấy, mình nghĩ các bạn đừng quá rụt rè, e ngại nên chủ động hỏi em có thể giúp gì cho các anh chị, và nên đưa ra các ý kiến đóng góp.
Có những đơn vị có quan niệm bạn là người trẻ phải làm từ những việc nhỏ nhất để rèn luyện tính cách của mình. Thông qua việc bạn tích cực chủ động làm các công việc nhỏ đó để biết được bạn là người như thế nào, từ đó đơn vị sẽ có thể giao cho các bạn việc gì trong tương lai, hay quyết định nhận bạn vào làm sau khi tốt nghiệp.
Hàng ngày, tôi dành thời gian đi thực tập chuyên cần chủ động đến trước ít phút và chủ động làm các công việc nhỏ như lau bàn, vệ sinh phòng làm việc... Vì các anh chị khối lượng công việc nhiều rất bận rộn nên ban đầu tôi mượn các quy trình, nghiệp vụ đọc và nghiên cứu, tổng hợp lại những thắc mắc để sẽ hỏi lại các anh chị vào lúc rảnh, dĩ nhiên không quên thỉnh thoảng lại hỏi xem có thể giúp gì cho các anh chị. Cuối cùng, vì sự nhiệt tình và chăm chỉ học hỏi nên bản thân tôi cũng được đơn vị thực tập giao việc cho làm, được tiếp cận nhiều hơn với những công việc đúng chuyên môn. Qua việc nghiên cứu các quy trình, nghiệp vụ, quan sát và được các anh chị hướng dẫn, làm những nghiệp vụ đơn giản, từ đó tôi có thể thu nạp các kiến thức nghiệp vụ cho vay, nhận tiền gửi, thẩm định, phát hành thẻ, dịch vụ phi tín dụng như bảo lãnh,...
Qua những lần như thế, tôi đã học được cách tư vấn đối với khách hàng, hướng dẫn hồ sơ thủ tục cấp tín dụng, hồ sơ thẩm định, làm giấy nhận nợ, biên bản thẩm định tài sản, cách tạo LOS, LIM, kiểm tra CIC khách hàng, phát hành thẻ ghép pin thẻ... Và cũng từ đó, tôi được trải nghiệm và làm quen với môi trường công sở, nắm bắt và hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của ngân hàng, cơ cấu tổ chức nhằm bổ trợ các kiến thức thực tế, phát triển toàn diện hơn cả về lý thuyết lẫn khâu thực hành.
Cũng vì thế mà quãng thời gian thực tập tuy dài nhưng đã qua đi một cách nhanh chóng và nhiều ý nghĩa. Khi đó, chắc mỗi chúng ta đều sẽ có những cảm giác tiếc nuối mà bản thân tôi đang trải qua vì sắp phải xa nơi thực tập - nơi mà tôi đã trở nên gắn bó không biết từ khi nào. Đó là nơi tôi được học hỏi rất nhiều kiến thức mới, cách làm việc tại môi trường công sở. Đó cũng là nơi tôi cảm nhận được sự gắn bó, tình đồng nghiệp, cách các anh chị hỗ trợ nhau hoàn thành công việc, quan tâm giúp đỡ trong cuộc sống. Đôi khi là những câu nói bông đùa, hài hước xóa tan cái bầu không khí căng thẳng do khối lượng công việc. Đôi khi là những bữa ăn trưa cùng các anh chị ở cơ quan, hay vài phút giải lao.
Có lẽ đây sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ ghi dấu quãng đường của sinh viên năm cuối. Tất cả những điều đó đủ để ghi dấu, cho quãng thời gian sinh viên của tôi thêm đẹp, thêm ý nghĩa, và tích lũy thêm những kiến thức nền tảng, nghiệp vụ chuyên môn, những kĩ năng mềm, kiến thức thực tế tạo hành trang vững chắc hơn cho tương lai.
Ai cũng hy vọng một tương lai tốt đẹp, vì vậy mỗi chúng ta đừng nên lãng phí thời gian và tuổi trẻ, bởi tuổi trẻ không dài và thời gian thì không quay trở lại.
Ý kiến bạn đọc