Giá lợn rớt thê thảm. Vì đâu nên nỗi?

Đăng lúc: Thứ tư - 19/04/2017 22:29
Cứ mỗi năm, các sản phẩm nông sản như gạo, dưa hấu, thanh long,… khi rớt giá, hay mất mùa... đều có một ông bụt bất đắc dĩ xuất hiện để giải cứu. Vì đâu nên nỗi?

       Những ngày gần đây, cứ mỗi khi nhắc đến giá lợn thì ai cũng tỏ ra ngao ngán, nhất là các chủ trại nuôi lợn. Giá lợn chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã lao dốc không phanh xuống một mức thấp đỉnh điểm. 
        Giá lợn hơi trước đây từ 40.000 đ/1kg thì nay chỉ còn khoảng 21.000 đ/1kg, có nơi giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn 18.000 đ/1kg, giá lợn con từ 1,2 triệu đồng giảm xuống còn khoảng 200.000 đ/1 con. Nhiều nơi, vì không thể bán được nên người dân đành bỏ lơ lợn con hoặc lợn thịt. 
        Trung bình mỗi con lợn thịt, người nuôi lợn lỗ khoảng 1 triệu đồng. Có những nhà nuôi hàng trăm, hàng ngàn con đã trở nên điêu đứng khi phải bán tháo để cắt lỗ. 
      Thiệt hại nhất là nhiều chủ trại mới bắt đầu đầu tư nuôi lợn vì ngoài tiền vốn bỏ ra xây dựng chuồng trại lại cộng thêm lỗ từ lợn nuôi, trong khi số vốn của họ chưa có sự tích lũy từ trước. 
      Tính riêng tiền cám, có những hộ nuôi quy mô lớn tầm 1.000 con bình thường phải tốn khoảng 400 triệu một tháng, nhiều hộ phải cắt bớt tiền cám để bớt chi phí, chờ giá lợn tăng lên lại tăng ăn trở lại.
       Người nuôi lợn lỗ kéo theo người bán cám cũng bị lỗ theo. Những đại lý bán cám trở nên điêu đứng vì trước đây đều cho những chủ trại lợn mua chịu cám. Giờ đây, các chủ trại lợn không có tiền để trả nợ, họ đành phải khất nợ do không có tiền, mà phương án trả nợ bằng lợn thì chắc chắn không thể. Những khoản nợ này không biết bao giờ những đại lý trên mới thu được khi giá lợn vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. 
       Nhiều đại lý cám lớn có nguy cơ lâm vào khả năng phá sản khi cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều khoản nợ của chủ lợn hay đại lý cám tại ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành nợ xấu do họ không có khả năng trả nợ. 
       Có những ngân hàng đã đưa quy định dừng cho vay đối với các chủ trại lợn hoặc những đại lý bán cám. Điều này vô tình càng dẫn đến khủng hoảng dây chuyền vì nếu không có tiền thì họ không thể trụ được. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc giá lợn giảm sâu đến như vậy? 
       Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do chính những người chủ trại lợn không có kiến thức cung cầu thị trường. Trước đây, khi giá lợn đang ở mức cao, do thấy việc nuôi lợn kiếm được lãi lớn làm cho nhiều chủ trại gia tăng quy mô nuôi lợn. Cái mà mọi người thường gán cho cái mác đó là lòng tham, hay là tham thì thâm. Ai cũng muốn mình nhanh giàu vì vậy không ai để ý đến thị trường mà cứ lao vào nuôi lợn. Họ nghĩ một cách đơn giản là mình cũng sẽ kiếm lời được như người ta mà không ai biết một quy luật đơn giản trong cuộc sống đó là quy luật cung cầu.
        Nhiều người trước đây chưa nuôi lợn cũng tham gia nuôi lợn với quy mô lớn. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, số lợn trên toàn quốc đã tăng lên đột biến.
       Ngoài việc cung ứng ra thị trường nội địa thì nguồn cung lợn còn được xuất sang thị trường nhiều tiềm năng là Trung Quốc. Kết quả sau một thời gian sau khi ồ ạt xuất được lợn sang Trung Quốc thì người dân chúng ta đột ngột tăng đàn. 
       Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc thương lái Trung Quốc đã đột ngột dừng thu mua lợn thịt đã làm thị trường nội địa không đủ hấp thụ được lượng cung lợn lớn như hiện tại.
      Theo thống kê, hiện nay tổng số lợn nuôi thịt đến thời điểm xuất chuồng đang có khoảng 30 triệu con, chưa kể đến số lợn còn nhỏ. Như vậy, bình quân cứ ba người dân Việt Nam sẽ có một con lợn. Đây là một lý do quan trọng nhất để giải đáp cho nguyên nhân trên.
      Tuy nhiên, việc đổ hết lỗi cho người nông dân có phải là chính xác? Khi mà tại mỗi địa phương còn có một hệ thống cán bộ quản lý nông nghiệp từ hợp tác xã đến phòng nông nghiệp, và cao hơn nữa là sở nông nghiệp và bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. 
      Sự định hướng của họ về phát triển vùng giúp cho người dân lựa chọn được vật nuôi hợp lý để đảm bảo cơ cấu phát triển cũng như cung cầu thị trường. Bên cạnh đó, công tác dự báo của các ban ngành cũng là một vấn đề được đánh giá là khá yếu kém. 
      Cứ qua mỗi năm, qua tổng kết cho thấy có hàng loạt ngành nông sản khác nhau bị thiệt hại do không dự báo được cung cầu thị trường. Công tác dự báo kém dẫn đến không chú ý đến lượng cầu thị trường đã dẫn đến tăng cung ồ ạt khi thấy có lợi nhuận đã làm thiệt hại lớn cho các hộ nông dân. Có nhiều hộ khi không bán được đành phải tiêu hủy bỏ nông sản hoặc vật nuôi của mình vì không bù đắp được chi phí bảo quản hoặc chi phí duy trì đàn vật nuôi của mình.
      Và phải chăng, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có một phần lỗi khi chưa có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân giúp cho người nông dân có thể chủ động trong các khâu giống, vốn, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường đầu ra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay sự liên kết này còn khá lỏng lẻo. 
      Cuối cùng, đó là vai trò của các chuyên gia trong việc tư vấn cho người nông dân trong việc hỗ trợ trong công tác sản xuất, chăm sóc sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng khả năng thành công, tạo ra sản phẩm có chất lượng và đạt yêu cầu của thị trường.
       Thất bại có phải là mẹ của thành công? Điều này chưa chắc là đúng, nó chỉ thực sự đúng khi chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm và tạo dựng thành công trở lại. Và thực tế cho thấy, từ trước tới nay, nông nghiệp Việt Nam gặp không biết bao lần thất bại nhưng cuối cùng vẫn không rút ra được bài học cho mình. 
       Điển hình như những năm qua, các sản phẩm nông sản như gạo, dưa hấu, thanh long,… bị rớt giá, mất mùa... vẫn xảy ra thường ngày và mỗi lần đó họ đều phải kêu cứu. Họ hy vọng sẽ có ai đó đến giúp mình. Để rồi sau đó, đôi khi những ông bụt bất đắc dĩ lại xuất hiện để giải cứu. Đây không phải là điều để chúng ta hy vọng tạo dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững.
       Vì vậy, một sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông – doanh nghiệp – chuyên gia – nhà nước để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, những diễn đàn hợp tác hay các cuộc đối thoại 4 nhà cần phải được tạo ra và nhân rộng tại các địa phương. Có như vậy, đất nước mới có thể hy vọng vào một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại trong một tương lai không xa.
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

Trường Đại học công nghiệp Việt - Hung (tên tiếng Anh: Viet - Hung Industrial University, viết tắt VIU) là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả nhà nước Việt Nam và Chính phủ Hungary....

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết