Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề chuyển đổi số, Internet vạn vật (Iot), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn – Big data, điện toán đám mây (Cloud), chuỗi khối (Blockchain),… có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì nữa, đặc biệt đối với “dân kinh tế”. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang là một xu thế tất yếu của nhân loại, nó là điều kiện để Việt Nam hướng đến theo kịp các nước phát triển trên thế giới về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế.
Trong lĩnh vực kinh tế, kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng đang là những ngành chịu ảnh hưởng lớn, dẫn đầu trong xu hướng chuyển đổi số trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy sinh viên ngành kế toán – kiểm toán, tài chính ngân hàng sẽ làm gì, thái độ như thế nào với xu thế này để tận dụng những cơ hội; khắc phục những khó khăn ra sao?
Sinh viên kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng là những đối tượng nào?
Sinh viên kế toán kiểm toán và tài chính ngân hàng là những sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về kinh tế vĩ mô, vi mô và những kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng nhằm thực hiện ghi chép, phản ánh, đánh giá, phân tích các hoạt động kinh tế phát sinh của nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân từ đó đưa ra các quyết định hợp lý.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là gì?
Khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã xuất hiện những năm gần đây và được đề cập đến trong rất nhiều trong các hội thảo, bài viết và trong mỗi câu chuyện thường ngày. Đây chính là xu hướng tất yếu của nhân loại, là giai đoạn mà khoa học công nghệ đã phát triển đến một mức độ cao, xâm nhập vào trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế giúp thay đổi cách sống, cách làm việc và giao tiếp của con người dựa trên các nền tảng công nghệ, kỹ thuật số.
Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là mọi hoạt động đều được dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... bao gồm các hệ thống không gian mạng, internet vạn vật (IoT), Blockchain, Big Data, AI và điện toán đám mây. Qua đó, những nhà máy thông minh, văn phòng với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau được tạo ra, được tự tổ chức và quản lý giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh doanh.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự xuất hiện của Internet vạn vật đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới.
Trong thời gian qua, ứng dụng khoa học công nghệ và kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Ứng dụng Internet và những thành tựu của khoa học công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành sản xuất, thương mại dịch vụ, ngân hàng, giao thông, y tế,… Theo Viện nghiên cứu chính sách, chiến lược thuộc Bộ Công Thương, dự tính mục tiêu lĩnh vực kinh tế số sẽ chiếm tới 30% GDP vào năm 2030.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đem lại những lợi ích gì đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng?
Kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng đang và sẽ là một trong số những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Trong bối cảnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ, những cơ hội được khái quát lại thông qua một số khía cạnh sau:
Một là, Internet vạn vật (IoT) giúp đơn giản hóa quá trình thanh toán, tối ưu hóa chi phí, thời gian và quy trình, tăng cường quá trình theo dõi hàng tồn kho; kiểm soát tốt dòng thu, chi và cân đối dòng tiền của doanh nghiệp,…
Hai là, Chuỗi khối (Blockchain) giúp công tác tài chính, kế toán của doanh nghiệp với các đối tác, bạn hàng được nhanh chóng và bảo mật hơn (hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử,… là những ví dụ cho việc ứng dụng chuỗi khối vào công tác kế toán). Ngoài ra, ứng dụng từ Blockchain còn làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót, chống sửa đổi dữ liệu, bảo mật cao trong lĩnh vực kế toán, tài chính ngân hàng.
Ba là, Dữ liệu lớn (Big data) giúp sản phẩm của công tác tài chính, kế toán được nâng cao chất lượng hơn nhiều so với trước đây, các báo cáo tài chính được lập một cách khách quan hơn, các báo cáo quản trị cung cấp được nhiều thông tin đa chiều có giá trị hơn.
Bốn là, Điện toán đám mây (Cloud) giúp công việc tài chính, kế toán có thể thực hiện ở mọi nơi. Vấn đề tổ chức kế toán trong doanh nghiệp trở lên linh hoạt hơn khi có thể thao tác các phần hành kế toán trực tuyến và kê khai thuế, …
Năm là, Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cho khoa học phân tích, dự báo, thống kê và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi, giảm bớt công việc của người làm tài chính, kế toán, nhiều giao dịch cơ bản diễn ra thường xuyên liên tục đã được trí tuệ nhân tạo xử lý giúp con người nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số còn giúp tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cấp chất lượng, tính năng, tiện ích… của sản phẩm dịch vụ, qua đó, gia tăng lợi thế cạnh tranh, tiết giảm nhân lực thủ công, giảm chi phí phân phối sản phẩm và nâng cao lợi nhuận; thúc đẩy sự hình thành của các sản phẩm, dịch vụ mới; gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế của các ngân hàng; mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp cận và phục vụ số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là khách hàng tại vùng sâu, vùng xa.
Sinh viên lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng có thái độ gì với cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số?
Những yếu tố của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề chuyển đổi số đã đặt con người trước cuộc cạnh tranh việc làm và chinh phục trí tuệ nhân tạo, robot. Để biết được sinh viên lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng có thái độ như thế nào với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số thì việc thăm dò đối với những sinh viên đang học tập trong lĩnh vực trên có thể sẽ là một lời giải đáp.
Theo như cuộc thăm dò tới các sinh viên đang học tập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng thì điều kiến những sinh viên bận tâm và lo lắng nhất đó là thiếu cơ hội việc làm và an toàn việc làm trong tương lai do tác động của công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, một mặt nó đem lại rất nhiều điều tích cực cho nền kinh tế xã hội nhưng mặt khác, quá trình tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho nhiều công việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng bị thay thế bằng phần mềm dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
Nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp, ngân hàng có thể sẽ giảm đi cùng với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chuyên môn, năng lực, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức về sử dụng phần mềm và khả năng sáng tạo, thích nghi với xu thế mới... Những sinh viên, người lao động không theo kịp với những tiến bộ của khoa học công nghệ và chuyển đổi số sẽ bị đào thải khỏi guồng quay của xu thế.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy, sinh viên, người lao động luôn mong muốn được trang bị và học hỏi thêm những kỹ năng mới. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các kỹ năng quan trọng cần phải có trong thời đại 4.0 là kỹ năng công nghệ, số hóa để có khả năng giải quyết các vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ; kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng tự học suốt đời; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích, kỹ năng thích nghi trong xã hội toàn cầu. Công nghệ dù có hiện đại đến đâu thì gần như vẫn không thể thay thế được con người khi con người có những kỹ năng mà robot và phần mềm rất khó có thể thay thế.
Bên cạnh đó, kỹ năng về tiếng anh cũng cần được trang bị để tăng cơ hội cho bản thân tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài; giao tiếp được với bạn bè, đối tác quốc tế để có thể giao lưu, học hỏi và tiếp các nguồn tri thức bổ ích của nhân loại trong thời đại công nghệ bùng nổ này.
Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát cho rằng, kỹ năng kỹ thuật số có liên quan đến đến tới 85% đối với các công việc trong tương lai. Đồng thời, có tới 63% tỷ lệ người tham gia khảo sát cho rằng bản thân mình có trình độ, kỹ năng kỹ thuật số phù hợp với yêu cầu của đòi hỏi công việc. Đặc biệt, những người khảo sát cũng cho rằng để thành công trong công việc thì người lao động cần phải có sự kết hợp của cả 3 dạng kỹ năng đó là kỹ năng kỹ thuật số, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng kinh doanh.
Tuy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều mặt trái về tác động của công nghệ tới cơ hội việc làm trong tương lai và thay thế các công việc giản đơn nhưng đa phần số người tham gia khảo sát đều cho rằng cách mạng công nghệ sẽ đem lại nhiều tiện lợi hơn cho cuộc sống, công việc và bản thân có thể tiếp thu công nghệ mới một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nghề kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng vẫn là nghề có cơ hội việc làm rộng mở, chuyên sâu và triển vọng công việc dài hạn. Bởi vì kinh tế xã hội của đất nước luôn có sự vận động đi lên, đặc biệt là trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, rất nhiều doanh nghiệp mới được ra đời, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh vì vậy nhu cầu về nhân sự trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng vẫn luôn là có triển vọng.
Như vậy, việc chuyển đổi số trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi căn bản về cách thức hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính ngân hàng tại tất cả các doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam. Nó giúp cho các hoạt động trong quá trình kinh doanh của ngân hàng, doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn và đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng vừa tạo ra cơ hội vừa đặt ra những thách thức đối với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng cũng như các sinh viên kinh tế đang trên ghế giảng đường.
Đối với các bạn sinh viên tại các trường kinh tế nói chung, sinh viên kế toán – kiểm toán, tài chính ngân hàng nói riêng, việc chuẩn bị cho mình những kiến thức, các kỹ năng cần thiết là hết sức cần thiết cho tương lai để chủ động ứng phó với những thách thức cũng như tận dụng các cơ hội mà chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại.
Tài liệu tham khảo:
Ý kiến bạn đọc