Bài viết tham gia cuộc thi CWC - SV Hạ An K4618 TCNH

Đăng lúc: Thứ hai - 02/01/2023 05:59
Tôi được sinh ra khi hoàn cảnh gia đình không thể chỉ hình dung bằng hai từ “khó khăn”. Từ khi bắt đầu nhận thức, 16 năm tới trường. Từ một đứa trẻ mẫu giáo, đến khi tốt nghiệp phổ thông. Từng năm học trôi qua, cũng là từng năm tôi “phải” đón Tết với những món quà mang tên như “Quà Tết cho học sinh nghèo” trước hàng trăm, hàng nghìn cặp mắt của bạn học, của phụ huynh học sinh và cả giáo viên…

Vốn từ khi chỉ là đứa trẻ mẫu giáo, tôi không ý kiến gì nhiều với việc nhận quà. Không chỉ vậy, trẻ con mà! Tôi rất thích nhận quà, đặc biệt là quà Tết mà tôi được nhận ở trường mầm non! Được đứng trên sân khấu cao cao, trước thật nhiều ánh mắt và sự ngưỡng mộ vô tư của những bạn học khác, tôi thấy mình thật đặc biệt và càng thêm háo hức.

Lớn hơn chút nữa, khi tôi bắt đầu chuyển lên cấp Hai, tôi nhận ra rằng, sự háo hức của tôi thật nực cười! Bởi chẳng ai cảm thấy vui vẻ khi mình nghèo cả, cũng không một ai tự nguyệncầm tờ giấy chứng nhận hộ nghèo trong tay, trừ khi họ thực sự không còn sự lựa chọn nào tốt hơn cho hoàn cảnh của mình. Đối với những người có cuộc sống dư giả hay giàu có, đối với những người lập ra chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tờ giấy kia chỉ là thứ để họ nhận biết đâu là nơi cần nhận sự giúp đỡ.

Nhưng với những gia đình như tôi, nó lại như một “ấn kí” trên người, phơi bày cho cả thế giới biết sự thiếu thốn của chính mình. Và năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi giáp Tết, mẹ tôi thỉnh thoảng sẽ bâng quơ “Chẳng biết năm nay nhà trường sẽ tặng gì nhỉ?!”. Với mẹ, quà Tết từ nhà trường là cái gì đó lớn, rất lớn, nó có thể phần nào khiến cả nhà tôi có được cái Tết thật trọn vẹn. Không chỉ mẹ, cả tôi cũng chờ… nhưng sự chờ đợi của tôi từ lâu đã không chỉ dừng lại ở đó…

Thật ra lòng tự tôn của những đứa trẻ con nhà nghèo vô cùng mạnh mẽ, tôi cũng chẳng ngoại lệ! Trong tôi bất giác hình thành cảm giác sợ – sợ người khác biết nhà mình nghèo, sợ bị khinh thường, sợ bạn bè mỗi khi tổ chức ngoại khóa sẽ tránh tôi, sợ phải đứng lên bục cao đón nhận ánh mắt thương hại của tất mọi người, sợ phải nhận sự chỉ trỏ đầy soi mói của đám đông…


Để gìn giữ lòng tự tôn của mình, như một bản năng, dần dần tôi kì thị và né tránh những buổi trao tặng quà cho học sinh nghèo của nhà trường. Tôi ghét ánh mắt mọi người nhìn mình, thậm chí rất muốn bỏ chạy khỏi những nơi như thế… Tôi biết rất rõ, không phải ai cũng khinh thường tôi, không phải ai cũng soi mói tôi, nhưng lòng tự tôn lại không “nghĩ” vậy, chắc chắn nó đôi lần từng “nghĩ”: “Có phải mình đang được thương hại? Những món quà này có hay không chỉ là sự bố thí?!”.


Tôi biết có rất nhiều hoàn cảnh còn khổ cực gấp vạn lần tôi… khẳng định rằng trong họ cũng từng tồn tại mặc cảm, họ tránh né những hoạt động từ thiện từ các tổ chức. Đâu đó vẫn sẽ có những sinh viên nghèo nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền đi học. Trợ cấp là thứ mà trường đại học nào cũng có, nhưng họ ngại xin, ngại mở lời, ngại chia sẻ… Những “sinh viên nghèo ẩn mình” không trông đợi vào giá trị món quà, họ trông đợi nhiều hơn thế! Họ cần sự thấu cảm! Tôi cũng từng như vậy!


Có lẽ không chỉ tôi, mà tất cả chúng ta chắc chắn đều cảm thấy hạnh phúc khi nhận những món quà được tạo ra từ chính nỗ lực của mình thay vì những phong bì chỉ đem lại cảm giác bị “nhắc nhở”. 16 năm… với tôi là một quãng thời gian dài, những chiếc phong bì ấy cho tôi rất nhiều, cũng lấy đi của tôi một phần tự tin đáng lẽ ra tôi không nên đánh mất. Tôi thực sự hy vọng những buổi lễ trao quà cho học sinh nghèo trong hiện tại và tương lai sẽ được thay bằng những công việc cộng đồng, những cuộc thi mà học sinh, sinh viên như tôi có thể tham gia, cống hiến và nhận lại thành quả xứng đáng.

Hy vọng rằng, các nhà trường, các tổ chức, hãy đừng chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ về mặt vật chất, hãy cố hết sức mình để bảo vệ lòng tự tôn của những đứa học trò nghèo. Tôi tin rằng, chỉ vài năm sau khi các bạn ra trường, bước chân vào những cánh cổng mới của cuộc đời, thứ các bạn nhớ về không phải là những lần chậm học phí, cũng không phải những ngày Tết không đủ đầy, càng không phải những tháng ngày khốn cùng, mà là sự chia sẻ sâu sắc, những con người vì các bạn mà suy nghĩ, những động viên mà giá trị tinh thần còn cao cả hơn vật chất.


Những đứa trẻ nghèo ước mơ thường giản dị, nhưng đôi khi lại mang theo ước mơ của nhiều người – những ước mơ chưa thể thực hiện. Chúng không được chọn gia cảnh khi sinh ra, nhưng lại mang trong mình nghị lực để thay đổi tương lai khi lớn lên. Tôi không thể phủ nhận rằng, những đứa trẻ nghèo thường trưởng thành rất sớm, trưởng thành từ trong nhận thức cho đến cách ứng xử với cuộc đời. Đã sớm quen dần với bất công, với những “trớ trêu” chẳng giống ai, những đứa trẻ ấy thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh sống, tính cách được “tôi luyện” từ trong hiện thực. Chúng có thể nghèo về tiền bạc nhưng không nghèo ước mơ. Vốn những đứa trẻ nghèo không hề yếu đuối, chúng sống vì mục đích rất rõ ràng, chúng có thể vấp ngã, thương tổn nhưng nghị lực thì không bao giờ biến mất.

Hơn tất cả, tôi hy vọng các bạn – những con người chưa nhận được sự ưu ái từ cuộc đời, hãy thật mạnh mẽ để sớm vượt qua hiện thực và những rào cản tâm lí, hãy nỗ lực thật nhiều từ những con số âm trước điểm xuất phát – “Bạn không thể lựa chọn xuất thân của mình, nhưng tương lai của bạn đang được bạn nắm giữ trong tay!”.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
© Copyright 2015 Ma Ha Nguyen All right reserved.
Website dành cho người mưu cầu và mong muốn chia sẻ tri thức 
Nếu các bạn muốn trao đổi và chia sẻ các giá trị tốt đẹp, hãy truy cập vào:
Facebook: https://www.facebook.com/groups/htnc.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/htnc.vn/
Hotline: 0386.196.888


Giới thiệu về website HTNC.VN

Website free tài liệu, đề thi và hỗ trợ giải đáp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được thành lập ra nhằm tạo ra sân chơi cho các trí thức, các bạn sinh viên và những người có nhu cầu tìm hiểu về các kiến thức chuyên ngành tài chính ngân hàng, kiến thức cơ bản về kinh tế học nhằm nâng cao hiểu...

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì đến website HTNC.VN?

Tìm hiểu về các tài liệu học tập

Tham gia bàn luận sách và mượn sách miễn phí

Đọc và gửi bài viết lên website

Xin các tư vấn, hỗ trợ và hợp tác với website

Tất cả các ý kiến trên

Liên kết