Đáp án câu hỏi
vòng chung kết cuộc thi Kinh tế học online
Câu 1. Chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI) và lạm phát là hoàn toàn giống nhau?
- Sai
- Giống nhau: Đều phản ánh mức biến động của hàng hóa qua thời gian
- Khác nhau:
+ CPI phản ánh sự biến động của những hàng hóa trong rổ cố định mà người tiêu dùng điển hình mua, còn lạm phát là phản ánh mức biến động chung của giá mọi hàng hóa trong nền kinh tế
+ CPI chỉ phản ánh sự biến động tăng giá đơn thuần bên ngoài mà không phản ánh các yếu tố nội tại làm tăng giá như đầu tư thêm khoa học công nghệ làm cho sản phẩm đẹp hơn, bền hơn, nhiều tính năng hơn,… Yếu tố tăng giá này trên sản phẩm cũ không phải là lạm phát.
+ CPI có thể tăng, hoặc giảm so với một thời kỳ gốc nào đó. Trong khi đó lạm phát là biểu hiện của việc chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục trong một thời gian dài và nó phản ánh sự mất cân đối, trong đó chủ yếu là mất cân đối giữa tiền và hàng.
Câu 2. Mục tiêu quan trọng nhất của một nước đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế?
- Sai
- Mục tiêu quan trọng nhất của một nước đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế là phát triển kinh tế nhanh nhưng mang tính bền vững trên cơ sở duy trì hợp lý, bảo toàn các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, văn minh, an sinh và phát triển con người. Nếu cứ cố gắng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế thì khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, không bền vững có thể dẫn tới lạm phát, hủy hoại môi trường, cạn kiệt tài nguyên, suy đồi văn hóa, đạo đức và ổn định xã hội.
Câu 3. Khi nền kinh tế tăng trưởng quá cao (quá nóng), chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa mở rộng để ổn định nền kinh tế?
- Sai
- Khi kinh tế phát triển quá nóng, có dấu hiệu của lạm phát thì nhà nước và NHTW phải sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
- Nếu sử dụng chính sách tài khóa mở rộng (giảm thuế, tăng chi tiêu) thì càng làm tăng cung tiền, dẫn tới lạm phát càng tăng cao. Vì vậy, nhà nước phải sử dụng chính sách tài khóa thu hẹp để tăng thuế, giảm chi tiêu nhằm làm giảm cung tiền để giảm áp lực lạm phát.
Câu 4. Bảo hiểm xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên không phải là một trung gian tài chính?
- Sai
- Bảo hiểm xã hội là tổ chức huy động các nguồn vốn (phí đóng bảo hiểm) từ đó đầu tư vào các trái phiếu chính phủ và các khoản mục đầu tư khác. Trung gian tài chính được hiểu là tổ chức trung gian huy động vốn từ nơi này sang nơi khác (người có vốn nhàn rỗi sang người thiếu vốn). Vì vậy bảo hiểm xã hội được coi là 1 trung gian tài chính.
Câu 5. Ngân hàng trung ương mua trái phiếu sẽ làm cho sản lượng và việc làm tăng?
- Có thể đúng
- Một sự gia tăng cung tiền sẽ làm cho giảm lãi suất, đầu tư và tiêu dùng có thể gia tăng làm cho sản lượng và việc làm tăng. Tuy nhiên, điều này không phải là chắc chắn sẽ tăng.
Câu 6. Mục tiêu chính của ngân hàng trung ương khi điều hành chính sách tiền tệ là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế? (Nguyên văn lời của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Làm chính sách tiền tệ mà không giúp đẩy mạnh tăng trưởng thì làm cái gì")
- Sai
- Từ khái niệm NHTW là 1 định chế tài chính mang 2 đặc trưng cơ bản. Vừa là 1 cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và hoạt động ngân hàng nhưng vừa mang tính chất 1 doanh nghiệp. Mọi hoạt động của NHTW đều hướng tới mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, trên cơ sở đó thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác, chứ không tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, mục tiêu chính của NHTW là ổn định giá trị đồng tiền.
Câu 7. Các nước luôn cố gắng tránh tình trạng thâm hụt ngân sách do những tác động tiêu cực của nó?
- Vừa đúng vừa sai
- Bội chi NSNN là do thu không đủ bù đắp chi phí. Bội chi NSNN đều có mặt tích cực và tiêu cực.
+ Mặt tích cực: Bội chi NSNN giúp cho nhà nước có thêm tiền để đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ, đầu cơ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong nước phát triển,…
+ Mặt tiêu cực: Bội chi NSNN sẽ làm tăng áp lực lạm phát, tăng lãi suất, tăng tỷ giá, tăng thuế và vay nợ; ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân
Vì vậy, tùy từng giai đoạn, từng thời điểm và tình hình thực trạng của nền kinh tế mà có sự lựa chọn phù hợp trong hoạt động NSNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế
Câu 8. Chính sách chiết khấu là công cụ quan trọng nhất của chính sách tiền tệ do nó có thể ngăn chặn được sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng thương mại?
- Sai
- CSTT có mục tiêu là ổn định giá trị đồng tiền. Vì vậy, công cụ nào ổn định giá trị đồng tiền, vừa đảm bảo linh hoạt, hiệu quả mà không mang lại tác dụng tiêu cực sẽ là công cụ quan trọng nhất. Như vậy, nghiệp vụ thị trường mở là công cụ quan trọng nhất. Chính sách chiết khấu là công cụ mang tính thụ động nhất của NHTW do không chắc chắn được hiệu quả tác động. Đây là một công cụ quan trọng trong việc giúp các NHTM tránh bị phá sản nhưng không phải là công cụ quan trọng nhất.
Câu 9. Nền kinh tế sử dụng thanh toán bằng séc và thẻ nhiều làm cho tổng lượng tiền lưu thông tăng nhanh hơn so với nền kinh tế sử dụng thanh toán bằng tiền mặt (vì thanh toán bằng séc và thẻ có hệ số nhân tiền cao hơn so với thanh toán bằng tiền mặt) do vậy dễ gây nên tình trạng lạm phát hơn thanh toán bằng tiền mặt?
- Sai
- Thanh toán bằng séc và thẻ là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thanh toán KDTM, yêu cầu bắt buộc đối với các khách hàng là phải mở tài khoản tại NHTM và mọi NHTM phải mở tài khoản tại NHTW. Từ đó NHTW có thể nắm rõ được tất cả mọi hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và tính toán được tổng cung tiền của nền kinh tế, là cơ sở điều tiết lượng cung ứng tiền nhằm đảm bảo cân bằng giữa tiền và hàng trong nền kinh tế. Trong khi thanh toán bằng tiền mặt, NHTW không thể kiểm soát được tổng lượng tiền trong lưu thông. Bản chất vấn đề ở đây là thanh toán KDTM thì NHTW có thể quản lý hoạt động thanh toán, cung tiền do mọi NHTM đều phải mở tài khoản tại NHTW nên NHTW dễ dàng đo lường được lượng cung tiền nhằm cân đối với lượng hàng hóa tạo ra và lưu thông trong các thời điểm.
Câu 10. Câu 10. Hiện nay cách mạng công nghiệp 4.0, robot hóa, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số ngày diễn ra ngày càng sâu rộng. Rất nhiều công việc sau này của con người đều được thay thế bằng robot và các phần mềm. Bạn có suy nghĩ gì về công việc của mình trong tương lai và bạn sẽ làm gì để mình tồn tại và phát triển được trong kỷ nguyên đó?
+ Phải nêu được xu thế công việc, vận hành của nền kinh tế trong tương lai
+ Nêu được những thách thức, rủi ro do sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số,… tới việc làm và cuộc sống
+ Nêu được những nhiệm vụ, yêu cầu mà bản thân phải thực hiện để chủ động ứng phó, làm chủ công nghệ, việc làm và cuộc sống trong thời kỳ công nghệ 4.0 và chuyển đổi số,…
Ý kiến bạn đọc